Mười năm trước, mùa thu Nhâm Thìn-2012 tôi cùng tốp thanh niên quê xứ Nghệ về lại Chùa Thầy. Quanh núi Sài không còn đồng ruộng “thẳng cánh cò bay” nơi từng là thao trường cho gần 200 tân sinh viên Ngữ văn K22 ĐHTH Hà Nội tập lăn lê bò toài. Xóm làng xưa đã nhường chỗ cho san sát biệt thự như mật độ phố cổ Hà Nội,16 ngọn đá vôi từng hàng vạn năm hiện hữu trên đất huyện Quốc Oai nay thuộc thành phố Hà Nội, đã tàng hình 6 ngọn vào lò nung vôi trong vòng ba chục năm qua. Trong 10 ngọn còn lạị, núi Sài có Chùa Thầy với Thiền sư Từ Đạo Hạnh từng trụ trì.
Nghỉ chân tại Hang Gió-Cổng Trời trên núi Sài, tôi nhớ mùa Thu Đinh Tỵ 1977, và giật mình nhận thấy hiện tại (chứ không phải quá khứ hoặc tương lai) là thứ duy nhất ta làm chủ được. Ta dùng chặng thời gian sung mãn nhất của đời người vào việc kiếm tiền để duy trì cuộc sống, nay về già cũng chính chúng ta lại chẳng thể dùng tiền để mua thời gian đầy ắp kỷ niệm ở phía thượng nguồn.
Hai tháng “luyện quân rèn cán”, quân lệnh như sơn, dưới sự chỉ huy của các sỹ quan do Bộ tư lệnh Quân khu Thủ đô phái sang làm nhiệm vụ tại Bộ môn Quân sự Trường ĐHTH Hà Nội. Mấy chục nam sinh là bộ đội trở về giảng đường, cùng với hàng chục cậu tú cô tú vừa rời ghế phổ thông, đều chung nội dung huấn luyện lý thuyết (trước), thực hành (sau), giờ giấc ăn nghỉ, học tập răm rắp theo thời gian khuôn phép nhà binh. Hằng ngày trên những bờ xôi ruộng mật được dân cho mượn làm thao trường, cánh nam sinh là bộ đội trở về vẫn “lưu ban” tập mấy bài cơ bản, cũng lăn lê bò toài, ném lựu đạn, ngắm bắn bia cố định, bia di động, mấy kiến thức cơ bản của một chiến binh từng rèn dũa ba tháng đầu nhập ngũ.
Thứ Bảy, toàn khóa tập trung tại “giảng đường” là Nhà tiền Tế Chùa Thầy (còn gọi là chùa Hạ, hay Toà ngoài) học lý luận về quân sự, về quốc phòng toàn dân-những thứ khô khan chẳng liên quan gì chữ nghĩa văn chương, các lĩnh vực chuyên ngành chúng tôi theo học trong mấy năm tới. Đổi lại từ ngày ấy chúng tôi sớm được nhà nước đài thọ chuyến du lịch 2 tháng để chiêm ngưỡng, khám phá di tích danh thắng Núi Sài-Chùa Thầy. Những trải nghiệm các tân sinh viên có được, sau này đã giúp cho các Nhà thơ, Nhà văn, Nhà báo, Nhà nghiên cứu xã hội nhân văn...có ánh nhìn ánh nghĩ về Núi Sài-Chùa Thầy thuộc tốp đầu danh thắng nổi tiếng nhất Việt Nam. Sáng ấy học lý thuyết tại “giảng đường” nhà Tiền Tế chùa Thầy, tôi viết bốn câu, tựa đề EM TẬP NGẮM kèm lời chú “tặng các nữ sinh năm thứ nhất K22 Ngữ Văn ĐHTH, tháng 10 /1977 có 2 tháng học tập quân sự tại Chùa Thầy-Sài Sơn”. 45 năm quá vãng, Khoai Lang trân trọng công bố 4 câu thơ viết tặng nữ sinh K22, ngày ấy “lính sinh viên” chúng tôi được nhiều em gọi bằng anh, nhiều “cháu” tinh nghịch gọi bằng chú. Nửa đời người trôi qua, hình ảnh các em các cháu trong thơ của tôi vẫn không già:
EM TẬP NGẮM
Đường ngắm chụm đều muốn dính vào nhau
Ừ anh hiểu, em không còn bé nữa
Trên thao trường nóng lòng chờ súng nổ
Hoa điểm mười em hẹn kết cùng ai.
Chùa Thầy còn có các tên khác: Thiên Phúc Tự, Chùa Phật Tích, Chùa Sài Sơn, trong thời gian sưTừ Đạo Hạnh trụ trì, Thiên Phúc Tự chỉ là am nhỏ. Sách xưa chép, vua Lý Nhân Tông (1072-1128) không có con trai, Từ Đạo Hạnh đầu thai làm con trai để duy trì cơ nghiệp nhà Lý. Tại núi Sài vào năm 1116, Từ Đạo Hạnh thoát xác ngay trước khi Lý Dương Hoán ra đời (tức Vua Lý Thần Tông), về sau Vua Lý Thần Tông cho khởi dựng Chùa Thầy bên núi Sài. Đến Vua Lý Nhân Tông tôn tạo Thiên Phúc Tự theo lối kiến trúc hình chữ "Tam" gồm: Chùa Hạ, chùa Giữa, chùa Thượng, ba lớp-ba tòa song song với nhau. Toà ngoài gọi là nhà Tiền tế (chùa Hạ), Toà giữa là Trung điện (chùa Trung), Toà trong cùng là Thượng điện (chùa Thượng), tại đây thờ pho tượng sư Từ Ðạo Hạnh đặt trong giá gương sơn son thiếp vàng. Cách bài trí thể hiện ba kiếp Tăng, Phật, Đế của Ngài: Bên phải là tượng Thiền sư ở kiếp Đế, đó là Vua Lý Thần Tông ngồi trên ngai vàng, đội mũ bình thiên, khoác long bào. Bên trái là tượng Từ Đạo Hạnh ở kiếp Phật, ngồi trong khám gỗ được chạm trổ tinh xảo, công phu.
Theo thuyết phong thủy, núi Sài là con rồng lẻ đàn (Quái Long) mà sân Chùa là lưỡi Rồng, Thủy Đình là hòn ngọc, xung quanh “thập lục kỳ sơn” Quy, Phượng về chầu. Ngay trước chùa Hạ có hồ Long Trì-ao Rồng-nơi từng là giảng đường cho K22 khoa Ngữ văn “tọa thiền” học lý thuyết về quốc phòng toàn dân. Giữa hồ có Thuỷ đình để biểu diễn rối nước, hai bên tả, hữu có cầu Nhật Tiên và cầu Nguyệt Tiên, do Hoàng Giáp Phùng Khắc Khoan cung tiến làm năm 1602. Nay đứng bên này hồ nhìn sang chỉ thấy Thủy đình, toàn bộ 3 tòa Hạ, Trung, Thượng điện đã bị những tòa nhà bê tông cốt thép cao tầng che khuất.
Sau 900 năm lịch sử Chùa Thầy, đến đầu thế kỷ 21 con người đã cưỡng đoạt choán hết không gian mặt tiền ngôi Chùa. Không gian mặt tiền của ngôi Chùa vĩnh viễn chỉ còn trong sử liệu, còn đọng lại trong ký ức sinh viên K22 Ngữ văn với hầu hết đã thiên chức ông, bà, số ít đã lên cụ, còn trong truyền ngôn người đời về di tích Sài Sơn, còn trong lời giới thiệu của các nhân viên hướng dẫn du lịch với du khách, còn ở di tích “bể chứa xương” trong hang Cắc Cớ đang là ẩn số đối với giới khảo cổ nước ta. Ngày đó tôi trọ nhà bác nông dân, chủ nhà từng rỉ tai tôi rằng, trong hang Cắc Cớ có hầm chứa hàng ngàn bộ xương của nghĩa quân tướng Lữ Gia (???). Ba mươi lăm năm sau tôi tra sử liệu cho biết, Lữ Gia là Tể tướng dưới 3 đời Vua Triệu: Triệu Văn Vương, Triệu Minh Vương, Triệu An Vương. Nhà Triệu tồn tại từ 207-111 TCN, nghĩa là đã trên 2000 năm, với điều kiện trong hang núi Sài xưa nay khí hậu luôn ẩm ướt, hàng ngàn bộ xương gọi là của“nghĩa quân Lữ Gia” liệu còn có nguyên vẹn như ta thấy ?
Một hướng dẫn viên du lịch xã hội khẳng định với tôi hầm xương chứa 3200 bộ, một hướng dẫn viên khác lại bảo 3600 bộ. Không chú trọng định lượng số bộ hài cốt, tôi tìm hiểu định tính, muốn khám phá số xương cốt ấy là người Việt hay người “nước lạ”, binh lính hay lương dân, tại sao họ phải nằm lại ở đây, vào thời điểm nào, tại sao giới khảo cổ học nước ta chưa làm sáng tỏ về sự tồn tại của hầm xương người trong hang Cắc Cớ? Nghi vấn dần tích tụ thành câu hỏi lớn vần vũ trong đầu: Tại sao lâu nay chúng ta vẫn né tránh một góc nhìn đã được định vị trong lịch sử giữ nước, theo đó, đống xương ấy xuất hiện cách nay 600 năm, chẳng là đầu thế kỷ XV giặc Minh từng nướng lương dân Đại Việt trên ngọn lửa hung tàn, chứ đâu phải từ thời Lữ Gia xa lắc xa lơ.
Trong Đại Việt sử ký toàn thư (quyển X) có đoạn xác định tội ác của quân Minh gây ra tại động Phật Tích như sau: “Năm Canh Tý (1420, năm Minh Vĩnh Lạc thứ 18), mùa hạ tháng tư, Lộ Văn Luật dấy binh ở Thạch Thất, Lý Bân đánh phá được. Lộ Văn Luật chạy sang Ai Lao, dân chúng thì trốn trong hang núi Phật tích và An sầm. Quân Minh dỡ nhà hun động, người trong động bị khói lửa hun đều chết hết, người nào ra hàng cũng bị giết cả, vợ con bị bắt làm nô tỳ”.
Mở rộng không gian lịch sử cùng thời ấy, thảm cảnh tương tự còn xẩy ra tại Thanh Hóa: “Thời Minh chiếm đóng, việc phu phen tạp dịch nặng nề, mọi người không kham nổi, có người dẫn đường vào trốn trong động (núi Cô Sơn huyện Vĩnh Lộc). Sau này xã Hoàng Xá nhiều người tránh vào trong đó, bị người Minh truy bắt, phóng hoả rất lớn, người trốn trong động chẳng phân biệt trai gái già trẻ, đều bị thiêu chết hết” (Sách Vĩnh Lộc huyện chí).
Những dòng ít ỏi trên đây vạch trần tội ác của giặc Minh nướng lương dân Đại Việt từng được chép trong sử sách, ai chưa đọc tranh thủ tìm đọc để nói lại cho con cháu biết. Sự thật lịch sử không là của riêng cá nhân, càng không cho phép cá nhân nào, tổ chức nào độc quyền “một mình mình biết, một mình mình hay”.
***
Tôi nhờ một du khách bấm ảnh thắp hương viếng Hầm Xương. Ra khỏi hang Cắc Cớ tôi lên Đền Thượng, chùa Bối Am (còn gọi là chùa Một Mái), Nhà lưu niệm Bác Hồ. Sát vách chùa Một Mái cũng là vách núi Sài có cái hang, miệng hang được lắp cánh cửa sắt và có khóa bảo vệ, trên miệng hang nổii dòng chữ màu đỏ “Hang Bác Hồ”, trong hang này năm 1947 Bác từng ở làm việc một thời gian, về sau cư dân Sài Sơn truyền nhau bài thơ:
Một mái xinh xinh tựa đóa hoa
Bước đầu kháng chiến đón Cha già
Người tạm dừng chân lên Việt Bắc
Chỉ đạo toàn dân giữ nước nhà.
Trong xóm dưới chân núi Sài có Đền thờ Cụ Phan Huy Chú (1782-1840) do gia đình dòng họ quản lý. Sài Sơn là nơi Cụ Phan Huy Chú chào đời, về sau tại đây con cháu lập dựng Đền thờ Cụ-một Danh nhân văn hóa của đất nước. Hôm ấy nhằm ngày 01/8 Nhâm Thìn, Phan Thị Hằng Nga cùng đi trong đoàn nói như reo:
-Nhà cháu thuộc dòng họ Phan Huy, hôm nay cháu xin vào thắp hương kính viếng Cụ.
Khi chúng tôi vào tới Đền thờ Cụ thì đã hơn 13h, cổng Đền thờ im ỉm khóa. Điều kiện khách quan khiến tôi cùng mọi người phải đứng ngoài cổng, không thể vào để dâng hương viếng Cụ, chúng tôi đành bái vọng xin Cụ Danh nhân thứ lỗi vì không tròn tâm nguyện. Trưa ấy bữa cơm dã ngoại được bố trí tại nhà dân dưới chân núi Sài, trong lúc chờ cơm, vui chuyện, tôi nói với cháu Hằng Nga và các bạn trẻ đồng hành: Dòng họ Phan Huy khởi tại làng Thu Hoạch, tổng Canh Hoạch, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang (nay xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh).vào khoảng đầu thế kỷ 17.Đến năm 1775 Cụ Phan Huy Ích đậu chế khoa đồng Tiến sỹ, làm quan thời Hậu Lê, Cụ Ích rời làng Thu Hoạch ra định cư tại làng Sài dưới chân núi Phật Tích, dần hình thành Chi họ Phan Huy-Sài Sơn. Vợ chồng Cụ Phan Huy Ích-Ngô Thị Thục sinh Phan Huy Chú là con trai thứ ba tại làng Thụy Khuê, còn gọi là làng Thầy. Phan Huy Chú nổi tiếng học giỏi, nhưng cả hai lần đi thi chỉ đỗ Tú tài, người đời gọi là "kép Thầy". Phan Huy Chú không đỗ đại khoa nhưng nổi tiếng thực tài, được vua Minh Mệnh triệu vào Huế và lần lượt giao giữ các chức: Hàn lâm biên tu; Sứ bộ sang Trung Quốc 2 lần; Phủ thừa phủ Thừa Thiên; Hiệp trấn Quảng Nam. Năm 1831 sang Trung Quốc lần 2, trở về nước ông bị Minh Mệnh cách chức, bắt đi phục vụ cho đoàn sứ bộ chuyên việc giao thương đường biển giữa Việt Nam và Nam Dương (Indonesia). Trở về sau chuyến này, triều đình phục chức Tư vụ bộ Công cho ông, song ngán chốn quan trường ông xin từ quan về dạy học ở Thanh Mai, huyện Tiên Phong, Sơn Tây, nay là xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, Hà Nội rồi mất tại đây. Lận đận quan trường, Cụ Phan Huy Chú để lại sự nghiệp nghiên cứu với một khối tác phẩm đồ sộ được ra mắt tại danh thắng Núi Sài-Chùa Thầy.