Về quê ngoại

Hồi ký của Phạm Thành

20/02/2022 15:44

Theo dõi trên

  Những hình ảnh miền quê ngoại xưa thật bình dị và thân thuộc đã khắc sâu trong tâm khảm của tôi. Đó là những hồi ức đẹp mà tôi sẽ nhớ mãi không quên.

lang-que-1634034039.jpg
Ảnh minh họa

 

    Tôi sinh ra ở miền núi. Nhưng bố mẹ tôi đều không phải người ở đây. Bố tôi quê tận Quảng Ninh. Mẹ tôi quê ở Lâm thao Phú Thọ. Nói là quê gốc nhưng các cụ đi tha hương cầu thực từ rất lâu rồi. Mẹ tôi thậm chí không nhớ quê ở đâu. Mãi sau này may mắn có cơ hội tìm lại được quê quán.

     Ngày đó tôi mới học cấp 2. Em trai tôi lớp ba bốn gì đó. Năm ấy, ăn Tết xong mẹ bảo: Hè này cho hai chị em về quê chơi.

     Thời trước, nhà chỉ có 2 đứa con là thuộc dạng hiếm hoi. Nhà người ta ai cũng cả đàn bảy tám đứa con, có nhà 10 cô cậu. Ngay cạnh nhà tôi có nhà còn 11 đứa con.

    Mẹ tôi sinh 7 lần nhưng do thời buổi lạc hậu y tế chưa phát triển, thuốc men không có, nên không nuôi được. Hai chị em tôi phải đi làm con nuôi, con bán đủ kiểu mới nuôi được. Là mẹ tôi nói vậy...

     Gần đến hè hai chị em háo hức lắm. Đặt vé xe trước 3 ngày mà vẫn nhỡ. Phải xếp hàng, cầu cạnh mới mua được vé. Ra thị xã Yên Bái rồi mua vé tàu đi tiếp.

     Đến ga Phủ Đức thì xuống xe. Nghỉ ngơi một lát rồi tiếp tục đi bộ. Ngày đó không có điện thoại mà gọi ai đón, cũng không có phương tiện gì đưa đón. Chỉ có đôi chân, mẹ tôi gánh tòng teng hai cái tay nải hành lý.  Ba mẹ con dắt díu nhau đi bộ bảy cây số.   Tôi vẫn nhớ đi qua một làng toàn người theo Đạo Thiên chúa.

     Về xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ là phải đi bộ 7 cây. Về đến nhà vẫn kịp cơm chiều.

   Khỏi phải nói, anh em bà con cô bác tay bắt mặt mừng, các bà rưng rưng lệ. Mẹ con tôi bắt đầu ăn cơm khách các nhà anh em họ hàng, mỗi nhà một bữa cơm gà cá gỡ....

   Tôi ấn tượng nhất  là món canh đậu xanh. Đỗ xanh bỏ vỏ ninh nhừ, nướng củ hành cho vào. Hai là món cà pháo giòn tan, hầu như nhà nào cũng có. Nhưng đi chơi chưa hết lượt các nhà anh em thì đã đến lúc phải về, vì chị em tôi còn đi học. Mẹ thì đi làm. Chia tay đại gia đình xong, ba mẹ con lại lóc cóc đi bộ 7 cây số ra ga Phủ Đức mua vé lên tàu.

    Đến Yên Bái tầm buổi chiều không có xe về Lục Yên. Chỉ còn cách rải áo mưa mảnh ra nền bến xe ngủ qua đêm. Ôi trời! Tối đến muỗi và rệp thi nhau đốt. Rệp bò lổm ngổm lên cả tường nhà. Mà sao thời ấy nhiều rệp thế? Giờ kể lại khối người chả biết con rệp là con gì?

     Sáng hôm sau 4h lục đục dậy xếp hàng mua vé xe. Hai hàng dài dằng dặc. Đến giờ bán vé cảnh tượng chen lấn xảy ra. Ô tô chỉ có mỗi ngày một chuyến. Đến nhà tôi gần 100 km.

   Trước hết ưu tiên thương binh, phụ nữ có thai, con nhỏ, người đi công tác có giấy đi đường. Rồi mới đến dân thường. Cố gắng lắm mới mua được vé cuối xe đã là may mắn  rồi. Về đến nhà say lử đử, nhưng được cái có bao nhiêu chuyện để kể cho lũ bạn trong xóm nghe. Chúng cứ há hốc mồm ra nghe kể chuyện dưới quê như nghe chuyện kể từ hành tinh khác.

    Được vài hôm nhà tôi thành ổ rệp. Ai đã bị rệp cắn mới biết, ngứa kinh khủng. Mẹ tôi lại phải tổng vệ sinh. Diệt rệp bằng cách đốt lửa. Làm bó đuốc hơ giát giường, có con nào nóng bò lên là giết. Tất cả quần áo chăn màn đều luộc, ngâm nước nóng. Mà cũng lạ, thời đó chấy rận rệp ở đâu ra mà lắm thế?

    Cứ như bây giờ tìm một con cũng hiếm.

     Năm tháng qua đi, chúng tôi khôn lớn trưởng thành, và lại già đi.  Kể từ khi mẹ tôi mất đến giờ, tôi cũng chưa có dịp về thăm lại quê ngoại xưa. Biết là quê mẹ giờ đây đã thay đổi rất nhiều.

    Những hình ảnh miền quê ngoại xưa thật bình dị và thân thuộc đã khắc sâu trong tâm khảm của tôi. Đó là những hồi ức đẹp mà tôi sẽ nhớ mãi không quên.

 

Ngày 20/2/2022 – PT – Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Về quê ngoại" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn