Khu vực phổ biến của tác phẩm văn học này chủ yếu ở các huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong. Một số xã như Xiêng My (Tương Dương) Cam Lâm (Con Cuông) cũng có những bản khác nhau của câu chuyện. Lưu truyền chủ yếu bằng hình thức truyền khẩu nên chuyện tam sao thất bản là khó tránh khỏi. Dẫu vậy thì những nhà nghiên cứu văn hóa cũng đã có những sưu tầm cơ bản và đã được ấn hành trong những năm qua. Có thể kể đến những ấn bản sau : Chim Yểng, truyện thơ Thái, La Quan Miên sưu tầm ở bản Mỏng, xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong, NXB Nghệ An ấn hành năm 1997. Bản này dài 772 câu thơ. Ông Vi Văn Thứa từng là cán bộ Sở Văn Hóa – Thông tin tỉnh Nghệ An có một bản sưu tầm từ xã Xiêng My (Tương Dương) gọi là Chuyện tình chim Yểng dài 503 câu. PGS – TS Ninh Viết Giao cũng góp một bản sưu tầm từ ông Lô Khánh Xuyên ở huyện Quế Phong, xuất bản năm 1980.
Bản sưu tầm (có chỉnh lý) của Quán Vi Miên (tức La Quán Miên) do Nhà xuất bản Thời Đại ân hành năm 2014 có dung lượng dài nhất, 1165 câu. Cuốn sách in song ngữ Thái – Việt kể câu huyên về Hiền Mương (còn gọi là Cầm Hiền) là chủ mường Quy Chú Pu Quai (Quỳ Châu, nghệ An xưa) vừa hai mươi tuổi. Chàng nghe đồn thổi rằng nàng Ỏn Là ở Mường Luộc, Chiềng Van (Thường Xuân – Thanh Hóa) tài sắc vẹn toàn nên muốn lấy làm vợ. Khốn nỗi, Mường Luộc thì xa xôi cách trở, chẳng biết làm sao để cư ai đó đi đến làm mai mối hỏi cưới. Theo tập tục người Thái, trước khi cưới vợ phải có người đi mai mối. Trong khi chủ mường đang phiền lòng thì có người nhắc rằng lũ chim chóc nhà mình nuôi có thể giúp việc mai mối. Lần lượt bồ câu, bói cá, phượng hoàng, đại bàng… được gọi ra nhưng đều từ chối. Cuối cùng vợ chồng chim yểng nhận nhiệm vụ. Cầm Hiền thảo một bức thư xin được kết duyên cùng người trong mộng buộc vào đuôi và cánh chim trống cho mang đi. Yểng mái mang theo đồ ăn thức uống lên đường. Đôi chim liệng một vòng trên dai đất quê hương và cảm nhận sự tươi đẹp của rừng núi, bản mường trù phú.
Khi đến Mường Luộc đôi chim yểng trong vai trò mai mối đã thay mặt chủ mường chấp thuận những lễ vật oái oăm của nhà gái như “voi cuồng”, “hổ điên”, một giỏ tim con mạt gà, một giỏ gan con mọt, lợn gà, vàng bạc và trở về báo lại với gia chủ. Cầm Hiền lập tức chọn ngày lên đường đến Mường Luộc cưới vợ, Trong khi các nghi thức cưới hỏi diễn ra thì nàng Ỏn Là vẫn ở miết trong buồng và chưa được phép gặp mặt chú rể. Nàng tò mò về hình thức của Cầm Hiền liền hỏi một người hầu gái thì được trả lời rằng : Chàng tuấn tú, khôi ngô nhưng khốn nỗi mắt chột. Ỏn Là nghe thấy vậy liền một mực từ chối cuộc hôn nhân. Cầm Hiền chờ mãi không thấy cô dâu ra, biết rằng việc cầu hôn đã thất bai liền bỏ về. Nàng Ỏn Là ra đầu nhà trông theo. Nom thấy chàng trai hoàn toàn lành lặn, hai mắt sáng trong, bước đi nhanh nhẹn, không có vẻ gì là bị chột mắt liền trách bọn hầu gái đã chơi khăm mình rồi uất hận ngã lăn ra chết.
Một số bản có cái kết hậu. Hai người vẫn đến được với nhau và tổ chức đám cưới. Ông Quán Vi Miên chia sẻ bản thân thích những bản có cái kết tốt đẹp hơn. Nhưng khi tiếp xúc với các bản sưu tầm chúng ta có thể nhận thấy rằng cái kết của câu chuyện không ảnh hưởng nhiều đến giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Chuyện chim yểng là những áng thơ về vẻ đẹp diễm lễ của bản mường con người và những nét văn hóa bản địa từ hàng trăm năm về trước.
Sau đây là góc nhìn từ trên cao của đôi chim yểng về vẻ đẹp mường Chiềng Ngam, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) : Ta bay qua rừng xuống thấu Chiềng Ngam / Thấy người Chiềng Ngam ăn cá ba nguồn nước / Nậm Hạt quyện dòng Nậm Việc nhớ thương / Nậm Giải hòa dòng Nậm Quang chảy xuôi / Ta qua rừng xuống thấu Chiềng Ngam xứ người / Rừng tiếp rừng rậm rì / Ruộng tiếp ruộng triền miên… (Chuyện chim Yểng – Quán Vi Miên, 2014 trang 100)
Còn đây là vẻ đẹp của nàng Ỏn Là : Nàng Ỏn Là Chiềng Van đẹp như người ta tả / Thấy nàng lá cọ nghiêng xuống che đầu / Da trắng hồng sáng tựa gương vàng / Đám gái hầu theo sau cầm hộp / Em gái nhỏ Ỏn Là trắng phau như con cò / Nàng Ỏn Là – Chiềng Van đẹp hơn người tả / Ngón tay thon như vàng thoi / Nàng đánh tay giữa sân uyển chuyển / Váy buông chùng qua cổng đến thang xinh… (Chuyện chim yểng (sdd) trang 106)
Tác phẩm còn có những mô tả về những nét phong tục tập quán, lối xứng xử truyền thống của cộng đồng người Thái ở Nghệ An, đáng chú ý là tục cưới của cộng đồng này. Một bầu không gian xa xưa nào đó như chợt hiện về qua những áng thơ huyền ảo. Điều mà ngày nay khi điều kiện địa lý không có là vấn đề lớn, chúng ta sẽ còn cảm nhận được.