Về xứ Thanh chiêm bái đền thờ Sùng Quốc công Lê Thọ Vực, vị tướng tài nhà Lê sơ

Từ phía Bắc đầu cầu Đò Lèn, thuộc địa phận huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá rẽ tay phải qua Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam, du khách có thể đi đường bộ hoặc đường sông. Nếu đi đường bộ cứ theo dọc đê sông Lèn trải thảm bê tông mịn màng, qua xã Hà Ngọc là đến xã Hà Sơn cách độ mươi cây số, nơi có “tháng sáu hội gai” chính là lễ hội Đền Hàn (hay) Hàn Sơn.

Chặng đường trảy hội Đền Hàn, du khách có dịp trải nghiệm đôi bờ sông Lèn làng mạc trù phú, những khoảnh khắc bồng bềnh thả hồn thư thái, tận mắt chứng kiến sự “thay da đổi thịt” của một miền quê trung du phía tây huyện đang dần trở nên đô thị sầm uất.

nghinh-mon-den-han-duoc-xay-dung-moi-don-khach-tray-hoi-tu-1-12-6-am-lich-xa-ha-son-huyen-ha-trung-thanh-hoa-1721745506.jpg
Nghinh môn Đền Hàn được xây dựng mới, đón khách trảy hội từ 1 - 12/6 Âm lịch, xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá

Di sản văn hoá Đền Hàn Sơn - Ba Bông 

Lúc mới mất, đền thờ Sùng Quốc công Lê Thọ Vực được đặt ở khu vực đền Bông bây giờ, sau đó đền Hàn mới được đặt ở sườn núi Chúa Ngự với cái tên đầy sự tôn kính: Đền Đức ông.

Đền thờ Đức ông hay Đền Hàn Sơn xưa gồm có 4 cung rất uy nguy, tráng lệ ở sát bờ sông Lèn. Cung tứ thờ Đức ông Lê Thọ Vực; cung nhất, cung nhị thờ Mẫu; cung tam thờ hội đồng.

Từ vài thế kỷ nay, Đền Hàn Sơn đã trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút hàng ngàn lượt người mỗi ngày vào dịp lễ hội, không chỉ của người xứ Thanh mà còn là của du khách trong và ngoài nước. Khuôn viên Đền Hàn Sơn toạ lạc trên sườn núi Chúa Ngự, thôn Chí Cường, lung linh soi bóng xuống dòng sông nước chảy hiền hoà. Về mùa mưa, dòng nước lũ hung dữ ở các nơi đổ về tung bọt trắng xoá, nhân dân gọi là Hàn (thác), tên gọi Đền Hàn có từ đó.

Còn Đền Ba Bông (Cô Bơ) ở thôn Cẩm Cường, dân gian thường gọi là Mẫu Thoải (tức Mẹ nước) cũng giống như Mẫu Địa (tức Mẹ Đất), Mẫu Thượng ngàn (tức Mẹ rừng núi), Mẫu Tiên (tức công chúa Liễu Hạnh)…

Tục thờ Mẫu này đều có nguồn gốc từ xa xưa, là sự kế thừa văn hoá tín ngưỡng dân tộc, bản địa thời cổ đại.

Vị trí Đền Ba Bông kề sát bờ sông, nơi ngã ba sông thuyền bè lên ngược về xuôi, khi lên thác xuống gềnh dễ gặp nguy hiểm đã có Bà chúa Nước phù hộ cho mọi người sự an lành…

Lễ rước nước lớn nhất tại Đền Ba Bông vào ngày ngày cuối lễ hội (12/6 Âm lịch), sau đó là các cuộc đua thuyền náo nhiệt trên sông nước, làm khuấy động một vùng trời - đất - núi - sông của 5 huyện kề sát: Hà Trung, Vĩnh Lộc, Hoằng Hoá, Hậu Lộc, Yên Định. 

du-khach-tray-hoi-kinh-nguong-thanh-mau-tai-den-han-xa-ha-son-huyen-ha-trung-thanh-hoa-1721745596.jpg
Du khách trảy hội kính ngưỡng Thánh Mẫu

Chùa Ngọc Sơn (Ngọc Sơn tự) thờ Đức phật Thích Ca, toạ lạc giữa thôn Ngọc Sơn.

Cụm di tích thắng cảnh Hàn Sơn, xã Hà Sơn, được Sở Văn hoá - Thông tin Thanh Hoá xếp hạng cấp tỉnh tháng 2/1992.

Lễ hội văn hoá Hàn Sơn là điểm du lịch trong huyện được tỉnh công nhận vào năm 2018.  

Lê Thọ Vực, vị tướng tài nhà Lê sơ

Căn cứ vào các tài liệu, sử sách, bia ký và truyền thuyết dân gian về danh tướng anh hùng Lê Thọ Vực (dân gian gọi là Đức ông) tôn thờ trong ngôi đền Hàn Sơn vì có công bảo vệ đất nước.

Theo bản dịch văn bia được phát hiện ở Đền Hàn Sơn của nhà nghiên cứu Hán Nôm Bùi Xuân Vĩ (Thư viện tỉnh Thanh Hoá), có thể tóm tắt tiểu sử về ông như sau: Khoảng năm đầu Hồng Đức (triều vua Lê Thánh Tông - 1470), Lê Thọ Vực theo binh đi phạt Chiêm Thành. Trong trận đánh vây thành Đồ Bàn (thủ phủ Chiêm Thành), Lê Thọ Vực đã xông lên trước bắt sống vua Chiêm là Trà Toàn. Đến năm Ky Hợi (1479) nhân có tù trưởng, người đứng đầu xứ Bồn Man là Cầm Công có ý làm phản xui người Lão Qua (Lào) quấy nhiễu ở miền Tây nước Việt ta. Lê Thọ Vực được triều đình trao chức Chinh di tướng quân. Lê Thọ Vực đã cùng các tướng khác như Trịnh Công Lộ (con trai khai quốc công thần Lũng Nhai - Lam Sơn Trịnh Khả, triều Lê Lợi), Lê Đình Ngạn, Lê Công và Lê Hưng Hiến kéo binh đi đánh giặc. Toàn thắng trở về, Lê Thọ Vực được nhà vua phong chức Bình chương quân quốc trọng sự. Về sau, ông được làm đến chức Thái uý, đứng đầu hàng võ và được vua ban tước Sùng quốc công.

Theo tiến sĩ Lưu Công Đạo (tri huyện Vĩnh Phúc, tức huyện Vĩnh Lộc) triều vua Gia Long, cách nay gần hai thế kỷ, trong sách chữ Hán “Vĩnh Lộc Phong Thổ Chí” kí hiệu A2537 có viết về Thái uý Sùng quốc công như sau: “Xét thấy truyền rằng ông (tức Lê Thọ Vực) là người thôn Đoài, huyện Thái Đường (tức Hà Sơn, Hà Đông, Hà Trung ngày nay); ông họ Lê, tên kiêng Huý là Thọ Vực, hiển đạt vào khoảng  niên hiệu Quang Thuận, Hồng Đức, triều Lê Thánh Tông (1460 - 1497). 

Xét trong quốc sử: Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, vây thành Đồ Bàn, ông Lê Thọ Vực tiến lên phía trước, phá thành, bắt sống được vua Trà Toàn đem đến. Trà Toàn (vua Chiêm) vào lậy, vua Lê Thánh Tông sai Đỗ Hoàn, trỏ vào Lê Thọ Vực mà bảo với Trà Toàn rằng: “Lúc đánh thành, lên trước phá thành là người này”. Về sau, mấy lần đổi ấn Chinh di tướng quân, coi cả quân 5 đạo đi đánh Bồn Man, vào nước Lão Qua tiến tới giới hạn sông Trường Sa, giáp với nước Diến Điện, được văn thư nước Diến, lại thăng thêm chức Bình chương quân quốc trọng sự.

Khi ông Lê Thọ Vực ở địa vị chính sự, vua Lê Thánh Tông thường bàn tính công việc với ông nhiều lần. Lại còng truyền rằng: Lúc Lê Thọ Vực đi đánh Chiêm Thành, tất cả người Chiêm nào bị bắt, ông đều vâng mệnh triều đình nhà vua lập trang trại, sai khai khẩn đồng ruộng như các trang trại Quán Bò, Quán Bốn, và các trang trại này về sau này đều có miếu thờ ông (tức Lê Thọ Vực).

Cũng theo văn bia và sự tích dân gian, Lê Thọ Vực là người đã chỉ cho dân việc khai hoang, lập đồn điền ở vùng đất Đại Lại, sau này thành các làng xã là Hà Sơn, Hà Lĩnh, Hà Đông thuộc huyện Hà Trung ngày nay.

tray-hoi-du-khach-kinh-nguong-chiem-bai-duc-ong-le-tho-vuc-ngu-o-den-han-xa-ha-son-huyen-ha-trung-thanh-hoa-1721745638.jpg
Du khách kính ngưỡng chiêm bái Đức ông Lê Thọ Vực ngự ở Đền Hàn

Lịch sử dựng nước, giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc ta, thời đại nào cũng sản sinh ra những anh hùng cứu nước, tên tuổi và sự nghiệp được tôn vinh lưu danh trong những trang sử vàng dân tộc. Các tướng lĩnh, công thần của nhà Lê sơ có vị trí đặc biệt quan trọng đối với lịch sử nước nhà ở nửa đầu thế kỷ XV.

Với những thắng lợi lẫy lừng trong kháng chiến chống giặc Minh xâm lược, các tướng lĩnh thêm dạn dày kinh nghiệm trận mạc, trải nhiều thử thách ác liệt, không tiếc tuổi trẻ, máu xương đã xả thân vì sự nghiệp cứu nước, là chỗ dựa vững chắc cho triều đình nhà Lê suốt gần ½ thế kỷ. Lê Thọ Vực là một trong số các tướng lĩnh tài giỏi đó.

du-khach-thap-huong-tai-le-hoi-den-han-xa-ha-son-huyen-ha-trung-thanh-hoa-1721745695.jpg
Du khách thắp hương tại Lễ hội Đền Hàn

Lễ hội văn hoá Hàn Sơn

Theo thông lệ, hàng năm “lễ hội Đền Hàn (hay) Hàn Sơn khai mạc từ ngày mùng 1 đến ngày 12 tháng 6 Âm lịch, Nhân dân trong vùng, du khách thập phương lũ lượt về trảy hội đông đúc tới hàng ngàn lượt người.

Lễ hội Hàn Sơn năm nay (2024), về phần lễ: Thực hiện theo nghi thức trang trọng, chu đáo và ngày càng được nâng cao, chuyên nghiệp hơn. Phần hội: Được phục dựng theo hướng sân khấu hoá với hình thức nghệ thuật hấp dẫn sinh động, nhằm tưởng nhớ tri ân công ơn của Đức ông Lê Thọ Vực, người đã có công với đất nước, quê hương. Các tiết mục diễn xướng, văn nghệ truyền thống được khéo léo kết hợp với phong cách âm nhạc hiện đại qua các ca khúc “Bài ca Hà Sơn quê hương tôi”, “Lạy Mẫu anh linh”, “Ân tình Cô Ba Bông”, “Hát chầu văn Cô Bơ”, “Trẩy hội Hàn Sơn”… được các ca sĩ, nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian thể hiện tạo được nhiều cung bậc cảm xúc trong lễ hội. Công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ… tại không gian lễ hội được chuẩn bị tích cực, chu đáo và đảm bảo an toàn; xây dựng được môi trường giao tiếp ứng xử văn hoá, thân thiện làm hài lòng đại biểu, nhân dân và du khách đến với lễ hội. 

dh-36737-1721745795.png
Cụm Di tích danh thắng đền Cô Bơ (còn gọi Cô Ba Bông), thôn Cẩm Cường, xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, Thanh Hoá hiện nay. Khu đền toạ lạc trên ngã ba sông, nơi “một con gà gáy cả 5 huyện đều nghe” (các huyện Vĩnh Lộc, Hậu Lộc, Hoằng Hoá, Yên Định, Hà Trung)

Sự cống hiến của các bậc công thần, những vị tướng tài thao lược nhà Lê sơ đối với đất nước ở các thế kỷ trước được lịch sử ghi nhận tôn vinh đặt ra nhiệm vụ cho Đảng bộ và Nhân dân Hà Sơn phải tiếp tục quan tâm bảo lưu, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hoá quý giá trên địa bàn xã. Với ý nghĩa nhằm giáo dục truyền thống anh hùng bất khuất của ông cha ta trong lịch sử dựng nước, giữ nước hàng ngàn năm lan toả tích cực đến các thế hệ trẻ hiện tại và mai sau.

Việc tôn vinh những người có công với đất nước như Lê Thọ Vực, tín ngưỡng thờ Mẫu - nhân vật văn hoá trong “tứ bất tử” ở xã Hà Sơn cũng là thể hiện đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, trân trọng “giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hoá dân tộc” theo chủ trương đúng đắn của Đảng đã đề ra, thiết thực xây dựng nông thôn mới ngày thêm giàu đẹp, văn minh./.