Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 1

PGS TS Cao Văn Liên

05/08/2023 06:09

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

LTS: Sau khi Vanhoavaphattrien.vn phát 8 tập trong bộ tiểu thuyết Lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa" được nhiều bạn đọc quan tâm, Tòa soạn vừa nhận được tập 4B cũng trong bộ tiểu thuyết lịch sử nói trên nhan đề  "Bí Sử nhà Lê Sơ” (1428-1527) của  PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức xuất bản tháng 7/2023. Xin trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc, góp phần tìm hiểu thêm giai đoạn lịch sử này.

Kỳ 1.

CHƯƠNG I

TRIỀU LÊ THÁI TỔ

(1428-1433)

I

  Sau cuộc kháng chiến chống Minh thắng lợi (1418-1427), ngày 15 tháng 4 năm 1428, Lê Lợi từ điện Tranh ở Bồ Đề vào Đông Quan, lên ngôi hoàng đế, đại xá thiên hạ, lấy niên hiệu Thuận Thiên, sử gọi là Lê Thái Tổ Hoàng đế, quốc hiệu Đại Việt, đổi Đông Quan thành Đông Đô (Đông Kinh), Thanh Hóa là Tây Kinh, Lam Sơn được đổi là Lam Kinh. Việc đầu tiên là Lê Thái Tổ tuyên dương công trạng và ban thưởng cho những công thần đã cùng ông chiến đấu trong 10 năm để giải phòng đất nước. Ông đã giành cho người chết để cứu ông ở Chí Linh là Lê Lai và con cháu nhiều ân sủng. Khi Lê Lai vừa chết, nhà vua sai người tìm di hài về Lam Sơn mai táng. Năm Thuận Thiên thứ nhất 1428, vua phong Lê Lai là công thần thứ nhất, truy tặng là Suy Trung Đồng Đức Hiệp Mưu Bảo Chính Lũng Nhai công thần, hàm Thiếu úy, thụy là Toàn Nghĩa. Tháng 12 năm 1429, Lê Thái Tổ sai Nguyễn Trãi viết hai bài lời thề ước và lời thề nhớ công ơn của Lê Lai để trong hòm vàng, lại gia phong Lê Lai hàm Thái úy.

  Năm 1428, Truy tặng Lê Thạch là cháu Thái Tổ (con trai Lê Học, anh trai Lê Lợi) đã hy sinh làm Trung vũ Đại vương, được thờ ở tẩm miếu hoàng gia. Với Lý Triện người đã hy sinh trong cuộc bao vây Đông Quan, Lê Lợi trao cho cha ông là Lý Ba Lao (Lê Ba Lao) là Quan sát sứ, tước Thượng phẩm, lấy 400 mẫu ruộng cấp cho con Lý Triện là Lý Lăng (Lê Lăng) làm Phòng ngự sứ, tước Phục hầu. Với Đinh Lễ, tướng cũng hy sinh trong bao vây Đông Quan, Lê Thái Tổ cho em ông là Đinh Liệt làm Nhập Nội Thiếu úy, tước Á hầu, các vợ lẽ của Đinh Lễ gồm 5 người được làm Tông cơ trong đó có bà Hà Ngọc Dung.

Với những người còn sống, tháng 2 năm 1428, vua định các hạng công cho các hỏa thủ và quân nhân thiết đột có công ở Lũng Nhai, chia ra thứ bậc gồm 221 người. Công hạng nhất cho người mang họ vua là Phạm Vấn, Lê Quý, Lê Dịch, Lê Ê…Tổng cộng 52 người làm Vinh lộc Đại phu Tả kim ngô Vệ đại tướng quân, tước Thượng Trí tự. Công hạng hai cho Quốc tính là Lê Bố, Đinh Liệt, Lê Khảo gồm 72 người là Trung Lương địa phu, tả Bổng thần vệ tướng quân, tước Đại Trí tự. Công thứ ba cho mang họ vua gồm 94 người làm Trung Vũ đại phu Câu Kiềm vệ tướng quân, tước Trí tự. Tháng 3 năm 1428 ban thưởng cho ba người: Nguyễn Trãi tước Quan Phục hầu, Trần Nguyên Hãn làm Tả tướng quốc, Khu mật đại sứ, Phạm Văn Xảo làm Thái bảo, đều ban quốc tính.

Tháng 5 năm 1429 Lê Thái Tổ ban ngạch biển công thần cho 93 người, cải sang quốc tính, họ Lê. Đó là: Phong tước Huyện Thượng hầu cho 3 người: Lê Vấn, Lê Sát, Lê Văn Xảo.

Tước Á Thượng hầu cho Lê Ngân.                                                                                                    Tước Hương Thượng hầu cho 3 người: Lê Lý, Lê Văn Linh, Lê Quốc Hưng.

 Tước  Đình Thượng hầu cho 14 người: Lê Chích, Lê Văn An, Lê Liệt, Lê Miễn, Lê Lễ, Lê Chiến, Lê Khôi, Lê Đính, Lê Chuyết, Lê Lỗi, Lê Như Lãm, Lê Sao, Lê Kiệm, Lê Bật.

 Tước Huyện hầu cho 14 người: Lê Bị, Lê Bì, Lê Phủ, Lê Náo , Lê Thụ, Lê Lôi, Lê Khả, Lê Bồi, Lê Lang , Lê Xí, Lê Khuyển, Lê Bí, Lê Quốc Trinh, Lê Bật;

Tước Á hầu cho 26 người: Lê Lạn, Lê Trãi, v.v.

Tước Quan nội hầu cho 16 người: Lê Thiệt, Lê Chương...

Quan phục hầu cho 12 người: Lê Cuống, Lê Dao (Diêu)...

Tước Thượng trí tự Phục hầu cho 4 người: Lê Khắc Phục, Lê Hài, v.v...

Quy định rõ về phẩm trật quan văn võ: Hàng văn từ quan nội hầu, đại hành khiển, và quan phục hầu trở lên, hàng võ từ thượng tướng, tước trí tự, và tước phục hầu trở lên đều được phép mặc phẩm phục màu lụa pha.

Nhà vua ra tờ dụ: "Trẫm, khi mới dấy nghĩa binh, phải lặn suối trèo non, trải bao hiểm trở; bấy giờ ai đã đem gia quyến đi theo trẫm từ Mường Thôi, Bồ Đằng, Chí Linh và Khả Lam thì tên họ được ghi trong Ký công sách , con cháu trừ số đã làm quan, còn nếu không can án phạm pháp, đều được miễn sai dịch".

Về chính sách đối với những người Việt đã làm quan cho nhà Minh, năm 1428 Lê Thái Tổ ra lệnh trị tội những viên quan cộng tác với quân Minh. Năm 1429 lại ra chỉ dụ những người trước được tha tội thì ruộng đất không phải sung công. Tháng 5 năm 1429 âm lịch ra chỉ dụ cho văn võ hào kiệt còn bị bỏ sót, có thể đến chỗ Thiếu phó Lê Văn Linh mà tự tiến, không phân biệt ngụy quân hay sĩ thứ, cốt lấy người tài đức. Lê Thái Tổ cũng tha mạng cho các quan người Việt phục vụ cho nhà Minh như Lương Nhữ Hốt, Trần Phong, Đỗ Duy Trung. Nhưng Lương Nhữ Hốt và Trần Phong lại ngầm đưa thư cho quân Minh sang xâm lược, chúng sẽ làm nội ứng. Người đưa thư bị tướng Trấn Thái Nguyên là  Hoàng Nguyên Ý bắt được. Lê Lợi sai giết người đưa thư và dấu việc đó. Sau có người tố giác với vua, vua phải giết Lương Nhữ Hốt, Trần Phong mà tha cho con cái.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 1" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn