Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 38

PGS TS Caqo Văn Liên

11/09/2023 06:07

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ  38

 Trưa hôm đó có thị nữ vào báo:

-Dạ bẩm thần phi, có chỉ huy quan cấm vệ muốn vào gặp.

-Cho vào ngay.

-Dạ.

 Vừa trông thấy viên chỉ huy cấm vệ, người được giao đi bắt Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Thị Anh vội hỏi:

-Công việc ta giao cho ngươi xong chưa?

-Dạ, bẩm thần phi, thần đã bắt Nguyễn Thị Lộ ở tư dinh và tống giam vào ngục rồi ạ.

Thế ả có nhận tội không?

-Dạ, bà ta kiên quyết không nhận tội dù bị đánh và tra tấn rất đau đớn. Chỉ khi bà ta đau đớn ngất đi thần mới dí mực vào tay và cho điểm chỉ vào tờ khai do Thần phi đưa ạ.

-Ái khanh làm tốt lắm. Nay mai ta sẽ phong lên Đề đốc tướng quân.

Viên chỉ huy quỳ lạy:

-Đa tạ Thần phi.

Chiều hôm đó, trống lớn ở điện Kính Thiên rung lên báo thiết triều khẩn cấp. Văn võ bá quan không biết chuyện gì xẩy ra, vội vã áo mũ lên triều. Khi thiết triều ngai vàng bỏ trống. Mọi người đang ngạc nhiên thì quan nội thị thông báo:

-Nay thông báo cho bá quan văn võ trong triều đình và bách tính được biết, Hoàng đế Lê Thái Tông đi duyệt võ ở Chí Linh, vào nhà Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, tối hôm qua về hành cung Lệ Chi Viên thì bị Nguyễn Thị Lộ, vợ Nguyễn Trãi đầu độc và nhà vua đã băng hà khi mới tròn 20 tuổi.

Các quan ồ lên:

-Sao lại như vậy, có chuyện đó sao. Bà ấy và Nguyễn Trãi sao lại giết vua, giết vua làm gì, Nguyễn Trãi và bà ấy đang được Hoàng thượng quý mến trọng dụng mà.

Quan nội thị nói tiếp:

-Nước một ngày không thể không có vua. Trước khi băng hà, Hoàng thượng đã gọi năm quan đại thần có mặt khi đó là Nguyễn Xí, Lê Bôi, Trịnh Khả, Lê Thụ, Lê Lôi đến di mệnh là đưa Hoàng Thái tử Bang Cơ lên kế vị ngai vàng. Mọi người nghe chỉ.

Bá quan văn võ vội quỳ xuống. Quan nội thị đọc:

 “ Phụng thiên thừa vận, Hoàng đế chiếu viết, nay chẳng may tiên đế băng hà lúc trẻ tuổi, khi trẫm quá nhỏ nhưng nước một ngày không thể không có vua. Nay trẫm Hoàng thái tử Lê Bang Cơ vì nước, tuân theo mệnh trời, ý muốn của trăm họ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Thái Hòa. Năm 1442 ngày 6  tháng 8 âm lịch là năm Thái Hòa thứ nhất. Lấy Thần phi Nguyễn Thị Anh là Hoàng Thái hậu buông rèm nhiếp chính, lấy năm đại thần là Đinh Lễ, Lê Bôi, Trịnh Khả, Nguyễn Xí, Lê Thụ làm cố mệnh Đại thần. Nay đại xá thiên hạ” Khâm thử. Niên hiệu Thái Hòa năm thứ nhất, 1442”.

  Quan nội thị đọc xong, hai thị nữ dìu Nguyễn Thị Anh bế Lê Bang Cơ mới hơn một tuổi ngồi lên ngai vàng. Nguyễn Thị Anh mặc áo vàng, đội vương miện Hoàng Thái hậu, Lê Bang Cơ được mặc chiếc áo bào vàng  trẻ con có hai con rồng uốn lượn, đầu cũng châu vào hình tròn đỏ tượng trưng cho mặt trời trước ngực, đầu đội một chiếc vương miện bé. Nguyễn Thị Ạnh bế Lê Bang Cơ ngồi nhìn xuống. Bá quan văn võ vội quỳ hành lễ:

Hoàng thượng vạn vạn tuế, Thái hậu thiên thiên tuế.

Nguyễn Thị Anh nói:

-Miễn Lễ, các ái khanh bình thân.

-Tạ Hoàng thượng, tạ Hoàng Thái hậu.

Khi bá quan văn võ đã đứng dậy, Thái hậu Nguyễn Thị Anh nói:

-Nay để rửa nỗi oan khuất cho Tiên đế Lê Thái Tông, chiểu theo luật mưu hại Hoàng đế, ta thay mặt Hoàng thượng quyết định tru di tam tộc nhà Nguyễn Trãi. Nguyễn Thị Lộ trực tiếp giết Tiên đế trưa này đã bị bắt vào nhà lao và đã nhận tội. Đây là tờ nhận tội của Nguyễn Thị Lộ.

Quan nội thị hãy đọc tờ nhận tội cho bá quan văn võ nghe:

-Tôi là Nguyễn Thị Lộ, Lễ nghi học sĩ, phu nhân thứ tư của quan Hành Khiển Nguyễn Trãi. Tôi đã nghe theo Nguyễn Trãi mà đầu độc giết chết Hoàng thượng Lê Thái Tông ở Lệ Chi Viên. Lý do là vì Nguyễn Trãi có tư thù với Hoàng thượng Lê Thái Tông. Đông Kinh ngày 6 thángg 8 âm lịch 1442. Người khai: Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ”.

Nguyễn Thị Anh nói tiếp:

-Như vậy nhân chứng vật chứng đã đầy đủ về sự mưu sát Hoàng thượng Lê Thái Tông ngày 4 tháng 8 âm lịch 1442 ở hành cung Lệ Chi Viên của Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Trãi là gián tiếp âm mưu xui dục giết vua. Nay chiểu theo luật, ta quyết định tru di tam tộc nhà Nguyễn Trãi, rửa hận cho Tiên đế rồi sau đó phát tang để Tiên đế mĩm cười vui lòng nơi chín suối. Nguyễn Thị Lộ đã bị bắt giam vào ngục và đã nhận tội. Ta đã ra lệnh cho Đề đốc chỉ huy quân cấm vệ đem 5.000 quân về Côn Sơn bắt cả nhà và ba họ Nguyễn Trãi về kinh thành ngay đêm nay để hai hôm nữa hành quyết tại pháp trường Giảng Võ. Bãi triều.

  Như vậy Lê Bang Cơ lên ngôi, sử gọi là Lê Nhân Tông khi mới hơn một tuổi. Ngày lên ngôi của Lê Nhân Tông cũng là ngày mở đầu cho huyết án Lệ Chi Viên tàn khốc.

  Chiều 6  tháng 8 âm lịch, 10 quân cấm vệ bắt Nguyễn Thị Lộ tra tấn bức cung cho bà ngất xỉu và một tên lính cầm ngón tay của bà điểm chỉ vào tờ nhận tội giả do Nguyễn Thị Anh tạo ra. Cùng lúc đó 5.000 quân cấm vệ do Đề đốc chỉ huy được lệnh về Côn Sơn bắt cả nhà và ba họ nhà Nguyễn Trãi. Một người học trò của Nguyễn Trãi ở Đông Kinh là Lê Đạt đã sớm biết tin vua Lê Thái Tông đã chết đột ngột ở hành cung Lệ Chi Viên, phu nhân Nguyễn Thị Lộ bị bắt giam, triều đình kết tội Nguyễn Thị Lộ giết vua và tru di tam tộc nhà Nguyễn Trãi. Người học trò cả sợ, trưa hôm đó liền phi ngựa một mạch từ Đông Kinh về Côn Sơn để báo tin cho Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi thất kinh liền bảo gia nhân:

-Nó kết tội như vậy để giết cả nhà ta và ba họ nhà ta, Ngươi đi báo cho các phu nhân, các công tử nhanh chóng trốn khỏi nhà, đi càng xa càng tốt. Quân triều đình sắp đến bắt rồi đấy, nhanh lên:

-Dạ.

 Người gia nhân vừa đi các phòng thông báo thì từ xa đã nghe tiếng ngựa hý quân đi, cát bụi mù mịt. Cả nhà vừa khóc vừa tán loạn. Người học trò chỉ kịp dẫn phu nhân Phạm Thị Mẫn đang mang thai chạy khỏi nhà, chạy khỏi Côn Sơn, vừa khóc vừa chạy về hướng Nam. Vừa lúc đó 5.000 quân cấm vệ ập đến không đọc chiếu chỉ như thông lệ, bao vây nhà và xông vào bắt bớ. Chúng xích tay Nguyễn Trãi và những người trong nhà lôi đi, chủ yếu là các con và các phu nhân của Nguyễn Trãi. Trong cơn tán loạn, Nguyễn Trãi cũng không thể biết được những ai chạy thoát, những người vợ, người con nào bị bắt. Gia nhân cũng sợ hãi chạy tán loạn hết ra ngoài. Sau khi đã thấy hết người, Đề đốc chỉ huy ra lệnh:

-Niêm phong trang viên lại, chờ xử lý sau.

-Tuân lệnh tướng quân.

-Giải hết tù nhân về Đông Kinh nhốt vào đại lao chờ Hoàng thượng và Thái hậu xử lý.

-Tuân lệnh Đề đốc.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 38" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn