Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 39

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 39

Qua mấy ngày truy sát, quân triều đình đã bắt được hàng trăm người thuộc gia đình, gia tộc và ba họ nhà Nguyễn Trãi. Chúng nhốt riêng mỗi người mỗi nơi, vì thế Nguyễn Trãi không thể biết được gia đình, gia tộc những ai bị bắt, những ai chạy thoát. Nguyễn Trãi cho rằng gia đình, gia tộc của ông trốn thoát không nhiều vì Nguyễn Thị Anh ra tay rất nhanh chóng và bất ngờ. Năm nay, ông đã linh tính thấy tai họa sẽ đến nhưng không thể biết được nó đến nhanh lại là đại họa. Tính tình nhân nghĩa của ông và của phu nhân Nguyễn Thị Lộ cứu mẹ con Ngô Thị Ngọc Giao vô tình đã gây nên thảm họa cho gia đình và cho ba họ. Trong nhà tù, Nguyễn Trãi nhớ lại mười năm trời lăn lộn trên chiến trường cứu nước và mười năm lăn lộn với công việc của triều đình và kết cục thật là bi thảm.

 Nguyễn Trãi sinh năm 1380, hiệu là Ức Trai, người làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, Thăng Long. Cha là Nguyễn Phi Khanh, con rể quan Tư Đồ nhà Trần là Trần Nguyên Đán, mẹ là Trần Thị Thái, trưởng nữ của Chương Quốc thượng hầu Trần Nguyên Đán. Nguyễn Phi Khanh và bà Trần Thị Thái có 5 người con theo thứ tự là Nguyễn Trãi, Nguyễn Phi Báo, Nguyễn Phi Ly, Nguyễn Phi Bằng và Nguyễn Phi Hùng. Bà Trần Thị Thái mất sớm khi Nguyễn Trãi và các em còn nhỏ. Nguyễn Phi Khanh ở gửi rể nhà ông Trần Nguyên Đán nên mấy anh em cùng ở và lớn lên ở nhà ông ngoại. Năm 1390 Trần Nguyên Đán mất. Nguyễn Phi Khanh phải một mình nuôi các con.

 Năm 1400 Hồ Quý Ly phế truất vua cuối cùng của nhà Trần là Trần Thiếu Đế, cũng là cháu ngoại của Hồ Quý Ly, lật đổ nhà Trần, lập ra nhà Hồ. Năm 1400 nhà Hồ mở khoa thi Nho học, Nguyễn Trãi thi đỗ Thái học sinh được phong làm Ngự sử đài Chính chưởng. Nguyễn Phi Khanh trước đó thi đỗ Tiến sĩ nhà Trần, năm 1401 Hồ Hán Thương (vua Nhà Hồ) lấy làm Hàn lâm Viện học sĩ. Vậy là hai cha con làm quan cho nhà Hồ.

Năm 1407 giặc Minh đánh bại nhà Hồ, chiếm nước Đại Ngu (Đại Việt). Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Phi Hùng bị giặc Minh bắt sang Trung Quốc. Đại Ngu trở thành thuộc địa của nhà Minh. Tướng giặc Trương Phụ ép Nguyễn Phi Khanh viết thư gọi Nguyễn Trãi ra hàng. Để cứu cha và em, Nguyễn Trãi ra hàng nhưng không hợp tác với quân Minh. Trương Phụ muốn đem ông ra giết nhưng thượng thư Hoàng Phúc thấy mặt mũi Nguyễn Trãi khác thường nên can ngăn và đem giam lỏng ở Đông Quan (Thăng Long), sau đó ông trốn khỏi Đông Quan và trải qua thập niên phiêu dạt nơi chân trời góc biển. Có lần phiêu dạt sang Trung Quốc, có lần ở ẩn ở Côn Sơn. Nguyễn Trãi thấy cần tìm một chân chúa để chống Minh, giải phóng đất nước. Một đêm ngủ ở lầu Trấn Vũ, Nguyễn Trãi mơ thấy thần đến báo, ông liền đi vào Lam Sơn gặp Lê Lợi và tham gia khởi . Trong thời gian phiêu dạt, ông đã hình thành tư tưởng về khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng dân tộc. Chính trong thời gian lưu lạc, ở ẩn ở Chí Linh, ông đã gặp cô bán chiếu xinh đẹp Nguyễn Thị Lộ. Khi đó ông đọc bài thơ  để làm quen:

Nàng ở đâu ta bán chiếu gon

Hỏi chăng chiếu ấy hết hay còn

Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi

Đã có chồng chưa được mấy con?

Không ngờ cô gái bán chiếu trẻ tuổi, xinh đẹp họa lại:

Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon

Cớ sao ông hỏi hết hay còn

Xuân xanh chừng độ trăng tròn lẻ

Chồng thì chưa có hỏi chi con.

Nguyễn Trãi yêu mến ngay người con gái tuổi trẻ, giỏi văn thơ, ông liền đón Nguyễn Thị Lộ về làm thiếp. Khi ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Thị Lộ sống với những phu nhân của Nguyễn Trãi trước đó ở Côn Sơn.

  Năm 1420 tại Lỗi Giang (Lôi Dương) Thanh Hóa, Nguyễn Trãi gặp Lê Lợi và trao cho Bình Định Vương “Bình Ngô Sách” trong đó ông nêu lên 3 phương pháp để đánh giặc Minh: Đánh vào lòng người (công tâm), đánh vào thành lũy, đánh vào quân địch. Ông là tướng văn nên Lê Lợi cho ông ở trong màn trướng cạnh vua, mười năm bày mưu kế cho Bình Định Vương đánh giặc. Ngay bấy giờ Lê Lợi đã phong Nguyễn Trãi làm Tuyên phong Đại phu Thừa chỉ Hàn lâm viện. Ngay buổi đầu gặp nhau từ đó trở đi, ông cùng Lê lợi ngày đêm bàn mưu kế đánh giặc.

  Để tuyên truyền thanh thế cho nghĩa quân Lam Sơn, Nguyễn Trãi bày cho Lê Lợi trộn nước cơm với mật mía làm mực viết vào lá cây tám chữ : “ Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”. Sâu và kiến khoét theo vết nước cơm và mật trên lá tạo thành chữ. Lá rụng trôi theo dòng nước đi khắp nơi, bách tính nhặt được coi đó là thông báo của trời, theo về Lam Sơn khởi nghĩa ngày một thêm đông, tin vào thắng lợi cuối cùng của khởi nghĩa vì đó là ý của trời.

  Suốt mười năm kháng chiến, Lê Lợi khi ở miền núi Thanh Hóa, lúc nhiều lắm cũng chỉ có 2.000 người chống với 20 vạn quân Minh bao vây càn quét. Nguyễn Trãi khuyên Lê Lợi chỉ có thể dùng chiến thuật phục kích, mai phục mà đánh quân Minh, buộc chúng phải đánh theo cách đánh của ta, không đánh theo cách đánh của chúng là dàn trận để hỗn chiến. Do đó nghĩa quân dù ít đã đánh thắng quân Minh nhiều trận, tiêu diệt hàng vạn tên địch. Quân Minh dù ở thế chủ động nhưng dần dần lâm vào thế bị động, khiếp sợ lối đánh của nghĩa quân. Thanh thế của nghĩa quân càng thêm vang dội.

 Khi đó tướng quân Nguyễn Chích, một thủ lĩnh đã khởi nghĩa ở Nông Cống chống Minh trước cả khởi nghĩa Lam Sơn, năm 1424 ông về với Lam Sơn và khuyên Lê Lợi nên tiến quân vào Nghệ An để mở rộng thế và lực của nghĩa quân. Nghĩa quân giải phóng toàn bộ Nghệ An, quân Minh  co vào thành Nghệ An cố thủ. Nguyễn Trãi khuyên Lê Lợi nên tiến vào giải phóng Tân Bình-Thuận Hóa ở phía Nam, phần để mở rộng vùng giải phóng, phần để khi nghĩa quân tiến ra Bắc, không bị giặc đánh tập hậu phía sau. Lê Lợi sai Trần Nguyên Hãn và một số tướng lĩnh khác vào đánhTân Bình-Thuận Hóa, giải phóng được vùng đất này. Quân Minh thua trận phải rút vào thành Tân Bình cố thủ. Thừa thắng nghĩa quân tiến ra giải phóng Thanh Hóa. Quân giặc ở đây thất bại chạy vào thành Tây Đô cố thủ. Như vậy, từ cuộc khởi nghĩa ở địa phương miền thượng du Thanh Hóa, bây giờ khởi nghĩa đã phát triển thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, làm chủ toàn bộ miền Trung, quân số đã lên đến 25 vạn người. Nguyễn Trãi bàn với Lê Lợi cho quân ra giải phóng miền Bắc, không cần tập trung quân đánh các thành, chỉ cần cho đủ lực lượng bao vây các thành. Miền Bắc được giải phóng thì các thành bị vây phải đầu hàng. Tại các vùng giải phóng, nghe theo kế Nguyễn Trãi, Lê Lợi đã cho xây dựng chính quyền các cấp của nhà Lê, chia ruộng đất cho nông dân, sau này là chính sách quân điền, thủ tiêu tất cả những chính sách thuộc địa tàn bạo của giặc Minh. Nông dân phấn khởi tham gia khởi nghĩa đưa quân số nghĩa quân năm 1426 lên đến 30 vạn người.

  Với thế và lực đó năm 1426, Lê Lợi phái 3 đạo quân, mỗi đạo 2 vạn quân tiến ra đánh Đông Quan và giải phóng miền Bắc. Năm đó vua Minh cử Sơn Thành Hầu Vương Thông mang 5 vạn quân sang cứu viện và thay chức Tổng Binh của Trần Trí. Đến Đông Quan, Vương Thông nhập với 5 vạn có sẵn và đem 10 vạn quân ra phản công tiêu diệt quân Lam Sơn ở phía Tây Đông Quan. Quân Lam Sơn đánh thắng quân Minh một trận lớn ở Ninh Kiều, sau đó mai phục, tiêu diệt 5 vạn quân Minh và nhiều võ quan cao cấp do Vương Thông chỉ huy ở Tốt Động-Chúc Động (Chương Mỹ-Hà Tây), Vương Thông bị thương nặng phải đem tàn quân 5 vạn chạy về cố thủ ở Đông Quan. Quân Lam Sơn bao vây thành Đông Quan.

(Còn nữa)

CVL