Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 61

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 61.                         

Tóm lại, nhà Lê đã chú trọng quan tâm đến hoạt động lập pháp, xây dựng pháp luật để đáp ứng nhu cầu phát triển của Nhà nước, của chế độ. Pháp luật nhà Lê cũng mang bản chất giai cấp phong kiến. Nội dung của các điều luật nhằm bảo vệ quyền lợi kinh tế, chính trị, địa vị xã hội của địa chủ phong kiến. Luật trừng trị nặng tội xâm phạm tất cả những quan hệ xã hội mà nó bảo vệ như đặc quyền của vua, của hoàng tộc, bảo vệ cơ sở kinh tế, nền tảng tư tưởng của nó là Nho giáo, bảo vệ chế độ đẳng cấp là cơ sở xã hội của chế độ, bảo vệ chế độ gia đình phụ quyền. Để bảo vệ được các quan hệ đó, luật sử dụng hình phạt nặng nề. Nhưng “Quốc triều hình luật” có những yếu tố tiến bộ. Luật đã nêu những quy phạm bảo vệ quyền lợi của người dân, của tầng lớp dưới, của nô tỳ, những người cô đơn, tật nguyền, góa bụa, bảo vệ phụ nữ, bảo vệ các dân tộc thiểu số. Luật đã có những quy định nhằm ngăn chặn hạn chế sự uy hiếp, lộng hành nhũng nhiễu của quan lại, cường hào địa phương, một xu hướng hủ bại thường xuất hiện ở bộ máy nhà nước. Luật có nhiều quy định bảo vệ sản xuất nông nghiệp (như quy định bảo vệ trâu bò). Có những điều tiến bộ đó là do trong khi kế thừa pháp luật Trung Hoa, kế thừa “Hình luật” đời Lý, đời Trần để soạn “Quốc triều hình luật” nhà Lê đã có sự sáng tạo cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Có thể nói xu hướng hưng thịnh của chế độ phong kiến nhà Lê, lòng nhân ái của các vị vua lỗi lạc như Lê Thánh Tông và quần thần của một triều đại đang lên cũng là yếu tố làm cho luật Hồng Đức mang yếu tố tiến bộ. Vì có sự tiến bộ đó “Quốc triều hình luật” không chỉ phát huy tác dụng ở triều Lê mà còn là cơ sở pháp luật chủ yếu cho các triều đại sau. Tháng 10 âm lịch năm 1462 Lê Thánh Tông cho các quan văn, võ ở độ tuổi 65 và các thư lại, giám sinh ở độ tuổi 60 được đệ đơn với Lại bộ để xin trí sĩ. Ông còn bãi bỏ luật cha truyền con nối của các gia đình có công.

Tháng 6 âm lịch năm 1466, Lê Thánh Tông ban quy chế về màu áo các quan văn võ: Quan từ nhất phẩm đến tam phẩm phải mặc áo hồng; quan tứ phẩm và ngũ phẩm thì mặc áo màu lục; các viên chức còn lại đều mặc áo xanh. Bỏ lệ quốc tính, cho lại họ cũ.

Mùa thu năm 1471, vua Thánh Tông ban bố Hoàng triều quan chế, khẳng định rằng: "Đất đai bờ cõi ngày nay so với trước kia khác nhau nhiều lắm, không thể không thân hành nắm quyền chế tác, làm trọn đạo biến thông", cho nên phải thay đổi, mở rộng bộ máy quan lại, hành chính. Các cải tổ

của Lê Thánh Tông đã giúp bộ máy chính quyền được mở rộng đáng kể theo, tổng sổ quan văn, võ phục vụ dưới thời Thánh Tông có đến 5.370 người, gồm 2.755 quan triều đình và 2.645 quan địa phương. Thay dần võ quan bằng nho sĩ học hành.                  

Lê Thánh Tông đã đề cao ý kiến của các quan, nhiều sáng tạo về hành chính của ông có xuất phát từ sự gợi ý của quan lại. Ông đã ra nhiều chỉ dụ yêu cầu triều thần phải trung thực và thẳng thắn khi trình bày quan điểm với hoàng đế, không được nói nước đôi, hai nghĩa. Ông còn đặt phép tắc về việc bàn luận của quan viên: Khi có thánh chỉ xuống, thì theo thứ tự, Lục khoa và Ngự sử đài bàn bạc trước, sau đó đến Lục bộ, Lục tự rồi tới lượt công, hầu, bá, đô đốc năm phủ. Các quan đều phải trình bày rõ ý kiến của mình, không được giữ im lặng, trốn tránh hoặc a dua theo người khác. Quan nào vi phạm luật lệ này sẽ bị ngự sử trách hỏi rồi tâu lên vua. Tháng 12 âm lịch năm 1467, ông đặt ra ấn "Thiên Nam Hoàng đế chi bảo", thể hiện ý muốn của ông coi Đại Việt là một Thiên triều phía Nam độc lập, có đầy đủ những gì Thiên triều phía Bắc (nhà Minh-Trung Quốc) có, và có sức mạnh chính trị, văn hiến không thua kém Bắc quốc. Năm 1485, Lê Thánh Tông xử tử Thái tử Thiếu bảo Ngự sử đài Đô ngự sử Trần Phong vì ông này phê phán nhà vua áp dụng quan chế triều Minh, và khi làm kinh diên cho Nhân Tông thì "yêu quý Lệ Đức (Lê Nghi Dân), rất khinh miệt ta (Thánh Tông)".  Lời chỉ trích Lê Thánh Tông được gán cho Trần Phong chỉ mang tính nông cạn, có thể bộc lộ sự hoài niệm về các triều đại bất ổn của Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông.

Tháng 3 âm lịch năm 1493, vua Lê Thánh Tông đặt lệ về thứ tự đứng chầu của đình thần: Đối với các quan cùng phẩm, thì người lớn tuổi và làm việc lâu năm đứng trước, người trẻ và làm việc chưa lâu đứng sau. Với các chức quan cai quản thì: "Người phẩm thấp mà chức cao, như tam phẩm làm Đô đốc thì đứng vào ban nhị phẩm; thất, bát phẩm làm Lang trung thì đứng vào ban lục phẩm. Nếu phẩm cao mà chức thấp, như nhị phẩm làm Vệ quan thì đứng vào ban tam phẩm; tứ, ngũ phẩm làm Viên ngoại lang thì đứng vào ban lục phẩm; còn lại cứ theo thế mà suy ra".                                                                                       

Lê Thánh Tông nổi tiếng là vị hoàng đế quản lý quan lại hết sức chặt chẽ. Hàng ngày ông đều hội kiến với các tướng lĩnh cao cấp nhất của mình. Ngoài ra, sau mỗi buổi thiết triều, ông thường gặp riêng các quan đứng đầu Lục bộ và Ngũ phủ để bàn bạc. Hoàng đế cũng dõi theo sát sao hành xử của hàng ngàn viên quan lớn nhỏ trong triều đình. Ngay từ khi mới lên ngôi, ông đã tạo ra một cảm giác kết nối sâu sắc giữa mình với các đại thần qua việc khen ngợi hoặc sỉ vả từng cá nhân, mỗi lời khen chê của ông đều thể hiện ông nắm rõ tiểu sử và sự nghiệp của họ. Có lần hoàng đế ban mứt trái cây cho các đại thần để bày tỏ sự cảm kích đồng thời cổ vũ họ làm việc chăm hơn nữa. Ông cũng ban hành hàng loạt sắc lệnh, cảnh báo và nghiêm cấm các quan văn võ không được tham ô, hối lộ, gian dối, biếng nhác, trễ nải, bóc lột sức quân và dân để vỗ béo bản thân, thu thuế chậm chạp, không hoàn tất công việc đúng kỳ hạn, sống phóng đãng, chìm đắm tửu sắc, thông dâm với vợ người, gia đạo không nghiêm, cưới người đàn bà ở nơi mình trấn nhậm, mặc triều phục không đúng quy chế, lễ lạt quá đà, nhổ trầu, vứt bã trầu lung tung trong sân điện… Thừa tuyên sứ các xứ Bắc đạo Lê Công Khác đã bị giáng chức xuống một bậc vào cuối năm 1467 vì nơi ông này trấn nhậm có nhiều sâu bọ phá hoại mùa màng mà "không biết tâu lên trước, chỉ ngồi nhìn tai họa của dân". Ngay cả khi Nguyễn Xí cùng con là Nguyễn Sư Hồi nhận 80 lạng bạc do Ngô Tây hối lộ, Thánh Tông sai Tư lễ giám Nguyễn Áng đến bắt cha con Nguyễn Xí phải nộp lại 80 lạng bạc đó. Trong một trường hợp khác, tháng 12 âm lịch năm 1467, nhà vua mở khoa thi Hoành từ bắt 30 quan chức phải thi. Khâm hình viện Lang trung Vũ Hữu và Viên ngoại lang Nguyễn Đình Khoa cáo bệnh không dự thi. Lê Thánh Tông thấy lạ, dò hỏi thì biết hai người này chỉ ưa ăn hối lộ. Mặt khác Thánh Tông cũng tỏ ra rộng rãi trong việc cho phép các quan bị xử phạt, giáng chức hay cách chức có cơ hội lần hai để chuộc lại lỗi lầm. Khi được các đại thần giới thiệu người có thể bổ dụng, nhà vua đích thân xem xét, chắt lọc cẩn thận rồi mới chọn ra người xứng đáng trong số các ứng cử viên. Ông còn dụ các quan ở Lục bộ, Lục khoa và Ngự sử đài nếu giới thiệu đúng người thì sẽ được thưởng, còn mà sai người thì bị phạt tiền. Tháng 12 âm lịch năm 1467, Lễ bộ Tả Thị lang Lương Như Hộc giới thiệu Trần Quý Huyên. Lê Thánh Tông chê Trần Quý Huyên không đủ tài, bắt Lương Như Hộc giam vào ngục và thu hồi văn bằng của Quý Huyên. Triều đình cứ 3 năm phải xét duyệt quan lại một lần, những viên chức được giao việc xét duyệt mà không hoàn thành đúng kỳ hạn đều bị phạt tiền. Đối với các quan trấn nhậm ở vùng núi xa xôi, nhà vua cho phép họ được về đồng bằng nhận chức mới sau 6 năm nếu họ làm tốt công việc. Nếu làm không tốt thì phải ở lại. Tuy nhiên, quan lại coi giữ những vùng biên giới nhạy cảm thường phải đổi việc chỉ sau một thời gian ngắn để tránh họ ở lâu quên mất cảnh giác”.

Ngô Sĩ Liên vừa đọc vừa sửa chữa. Đêm đã khuya, trống đã điểm canh ba. Ông uống thêm một ngụm nước nóng nữa rồi đi nghỉ trong sự mệt mỏi của công việc nghiên cứu đánh giá một sự nghiệp của một vị vua anh minh vĩ đại. Hôm sau, sau khi ăn sáng, Ngô Sĩ Liên lại ngồi uống trà và đọc tiếp về quy định tước hiệu của Lê Thánh  Tông: “Tháng 9 năm 1471, Lê Thánh Tông ban bố về quy định về phong tước cho tôn thất quan lại, Hoàng tử hoặc con cả của Hoàng tử  được phong tước vương.

(Còn nữa)

CVL