Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 2)

PGS TS Cao Văn Liên

17/08/2021 09:13

Theo dõi trên

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên.

           

cvl3-1629166190.jpg

 

Kỳ 2

Nghe xong  lời của vua cha, khuôn mặt đẹp tuấn tú của sơn thần đang tươi vui bỗng nhiên trở nên ưu tư trước một vấn đề cực kỳ quan trọng mà vua cha đang muốn quyết định cho chàng. Sau một hồi suy nghĩ, Tản Viên nhấp một ngụm chè và nói:

 - Con cảm ơn sự tín nhiệm của nhạc phụ. Nhưng ngôi báu của nhà nước là để cai trị dân tình, lại còn phải giỏi về quân sự để chống giặc phương Bắc. Con tuy là thần linh phi thường nhưng chỉ cai trị được rừng núi thiên nhiên, còn làm cho dân tình no ấm hạnh phúc, đánh giặc giữ nước thì con chỉ có thể góp sức mà không thể quyết định đại cục được.

Nghe Sơn Thần nói, Hùng Duệ Vương suy nghĩ và gật gù: Sơn thần nói cũng có lý. Thế giới của thần linh căn bản khác với thế giới của người trần. Thần linh chỉ có thể hỗ trợ, còn không thể thay thế con người làm mọi chuyện của trần gian. Hùng Duệ Vương nói:

-Con nói cũng phải, con chỉ có thể cai quản các sơn thần và rừng núi, còn trị nước là công việc của con người. Vậy theo con, nếu truyền ngôi cho người ngoài thì nên chọn ai trong số các Lạc tướng và các tướng lĩnh?

-Dạ bẩm nhạc phụ, có thể chọn Thục Phán, thủ lĩnh tộc người Âu Việt vì Thục Phán giỏi về quân sự, đã lập được nhiều chiến công hiển hách. Năm 218 trước công nguyên, Thục phán đã lãnh đạo nhân dân Lạc Việt và Âu Việt kháng chiến 10 năm trong rừng, cuối cùng đã đánh bại 50 vạn quân Tần xâm lược.

Hùng Duệ Vương nói:

-Thục Phán giỏi quân sự nhưng chưa chắc đã giỏi cai trị đất nước. Nhưng cũng không còn ai hơn nữa. Tuy nhiên, Thục Phán còn có những tay chân giỏi như Cao Lỗ giúp sức. Thôi ta truyền ngôi cho Thục Phán. Ngày mai họp Triều đình và 15 Lạc tướng của 15 bộ sẽ quyết định việc này.

Đang là mùa hạ nên bình minh ở miền trung du có vẻ đến sớm hơn mọi vùng của đất nước Văn Lang. Kinh đô Bạch Hạc lộ dần nhưng tán cây cao thấp với màu lá xanh tươi. Những lá cây già úa vàng rời khỏi cành bay lả tả xạc xào theo gió. Sông Hồng, sông Đà, sông Thao nước ban mai trong vắt lững lờ trôi xuôi. Xa xa Tam Đảo, Ba Vì sương giăng màu trắng xóa. Cung điện của triều Hùng Vương vươn cao chắc chắn uy nghiêm. Những căn nhà chình bằng đất sét quét vôi trắng xóa. Cột nhà bằng những cây gỗ lim hai người ôm không xuể, mái lợp bàng ngói vẩy cá màu xam xám rêu phong. Rộng nhất và đẹp nhất là cung điện thiết triều, nơi Hùng Vương họp các Lạc hầu, Lạc tướng. Lạc hầu là những đại thần ở Trung ương, còn Lạc tướng là người đứng đầu các bộ, đơn vị hành chính lớn nhất của Nhà nước Văn Lang khi đó. Cuộc thiết triều mà bao gồm cả Lạc hầu, Lạc tướng thường là quyết định những việc rất quan trọng của đất nước như chọn người kế vị ngôi vua, bàn việc chống ngoại xâm… Cuộc thiết triều hôm nay là để chọn người kế vị ngai vàng nối nghiệp hàng nghìn năm của các vua Hùng để lại. Quan niệm của triều Hùng Vương khi đó cho rằng chọn vua một nước là việc vô cùng trọng đại, nó quyết định sống còn của đất nước, phồn vinh hay bại vong, hưng thịnh hay suy tàn. Cho nên truyền ngôi phải chọn người tài đức, không nhất thiết phải truyền cho con trưởng nếu như người đó không có tài, đức. Trong trường hợp không chọn được hoàng tử tài đức thì có thể truyền ngôi cho một Lạc hầu hoặc một Lạc tướng có tài có đức. Triều đình và quan lại khi đó đã đặt quyền lợi của Quốc gia, của cư dân lên trên quyền lợi của dòng tộc. Đó cũng là lý do làm cho triều Hùng Vương truyền được mười tám đời với một thời gian lâu dài. Tuy vậy, triều Hùng Vương vẫn chỉ là một nền quân chủ sơ khai, lấy phong tục làm pháp luật. Cả nước vẫn duy trì bảo tồn nền dân chủ nguyên thủy. Mọi việc hệ trọng các quan chức đều cùng nhà vua bàn bạc. Nhà vua chỉ là người quyết định cuối cùng.

Trong ngôi nhà lớn đó hai bên đạt hai hàng ghế cho Lạc tướng và Lạc hầu ngồi thiết triều. Gian trên cao hơn đặt ngai vàng của Hùng Vương. Chính giữa tường trên cao treo một cái trống đồng lớn, mặt trống to như chiếc nong, trên mặt trống khắc chạm rực rỡ tinh vi. Giữa mặt trống là một hình tròn lớn tượng trưng cho mặt trời, chung quanh là những hình nhọn dài tượng trưng cho ánh sáng rực rỡ mặt trời chiếu trong vũ trụ. Chung quanh ánh mặt trời đó là thế giới sinh hoạt phong phú của cư dân Lạc Việt như những thuyền đánh cá, những con chim lạc bay trên trời cao là tô tem giáo của người Lạc Việt, còn có những vũ nữ ca hát. Mỗi vòng trên mỗi mặt trống là những cung bậc trầm hùng cao thấp của từng nốt nhạc tạo nên những thanh âm đủ màu sắc của một bản hòa tấu trầm hùng, vang vọng. Trống đồng không chỉ là nhạc khí mà còn thể hiện uy quyền vô độ của các vua Hùng.

Một hồi trống đồng vang lên, âm thanh nghe như kim khí rung lên vang vọng trong không gian, các đồ vật trong cung điện tưởng như rung lên trong giông bão, xen lẫn âm thanh của trống đồng là tiếng tù và vang một hồi thúc dục. Trong âm thanh hùng tráng đó, vua Hùng Vương thứ 18-Hùng Duệ Vương bước ra. Nhà vua mặc chiếc áo lụa vàng nổi lên hình 15 con chim Lạc biểu trưng của giống nòi Lạc Việt, cũng là biểu tượng đất nước có 15 bộ. Thấy vua ra, tất cả các Lạc hầu, Lạc tướng đều đứng dậy cúi đầu làm lễ chào vua. Các Lạc hầu, Lạc tướng đều mặc áo dài lụa nâu, quần nâu, tóc dài buộc cuốn lên và buộc khăn có hình một  con chim lạc. Khi một hồi trống dài vang lên và chấm dứt, Hùng Duệ Vương an tọa, các Lạc hầu, Lạc tướng ngồi xuống. Bên cạnh nhà vua có hai quan giúp việc đứng hầu cận. Chung quanh cung đình nơi thiết triều nhiều lính canh cầm giáo mác đồng, sắt đứng gác. Các Lạc hầu và Lạc tướng trông Hùng Duệ vương có vẻ gầy gò ốm yếu. Tuy nhiên tiếng của Người sang sảng cất lên:

  -Hôm nay ta họp các Lạc Hầu và các Lạc tướng để quyết định một việc hệ trọng liên quan đến vận mệnh nước nhà. Các chư vị đã biết triều Hùng ta lập nước đã gần 1000 năm. Đất nước từ sơ khai đến hưng thịnh như ngày nay là nhờ công lao của thần dân muôn đời trong sự nghiệp dựng nước và bảo vệ đất nước. Đất nước ta không giầu có nhưng  sản vật của cải cũng phong phú, địa bàn có rừng núi, có trung du, có đồng bằng, có sông, có biển. Thần dân cần cù, thông minh sáng tạo, có nền tảng văn hóa lâu đời và có truyền thống quân sự đánh giặc tài giỏi. Tuy nhiên tất cả nguồn lực đó cũng chỉ là khả năng của đất nước. Muốn biến khả năng thành hiện thực làm cho đất nước hùng mạnh, thần dân no ấm, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược thì phải có những vị vua tài đức. Gần 1000 năm nay, triều Hùng ta đã chọn được những vị vua tài đức, thương nước thương dân. Nhưng nay…

Hùng Duệ Vương dừng lại, uống ngụm nước chè và nói tiếp những điều khó khăn nhất trong cuộc đời làm vua trị vì hàng thập kỷ của ông:

  -Ta ở ngôi đã lâu, nay tuổi già sức yếu, việc nước là một công việc nặng nhọc, không được sơ suất. Nay ta muốn truyền ngôi cho một vị vua khác để ta an nghỉ tuổi già. Ta lại không có Hoàng tử thì đành phải truyền ngôi cho người trong dòng tộc hoặc các Lạc tướng, các Lạc hầu. Đêm qua ta đã trao đổi với thần Tản Viên. Ta và Tản Viên đã thống nhất chọn người kế vị, trao ngai vàng cho Thục Phán, thủ lĩnh của tộc người Âu Việt. Người có tài về quân sự đã lãnh đạo nhân dân Lạc Việt, Âu Việt đánh bại năm mươi vạn quân Tần xâm lược. Người có tài về quân sự là nhu cầu cấp bách hiện nay vì nhà Tần đang không ngừng xua binh xuống phương Nam để thôn tính chúng ta. Việc Âu Việt và Lạc Việt sáp nhập với nhau sẽ tạo nên một quốc gia rộng lớn và hùng mạnh hơn. Dưới sự trì vì của vua Thục có thể đánh bại các cuộc xâm lược từ phương Bắc, đem lại đời sống yên bình, no ấm cho thần dân.

Hùng Duệ Vương dứt lời, không khí im lặng bao trùm toàn bộ cung điện, các Lạc hầu, Lạc tướng lộ vẻ căng thẳng trên nét mặt. Trong không khí căng thẳng đó, Lạc tướng của bộ Cửu Chân đứng dậy chắp tay thưa:

  -Bẩm Hùng Vương, dòng họ Hùng đã có công lập nước và xây dựng đất nước gần 1000 năm trải qua 18 đời vua, công lao như trời biển, không thể bỗng chốc lọt vào tay người ngoài. Nếu dòng tộc Hùng không có người tài giỏi thì có thế truyền ngôi cho con rể là sơn thần Tản Viên. Con rể hiền tài cũng là con cái trong nhà. Kính mong Hùng Vương suy xét.

Sơn thần Tản Viên đứng dậy chắp tay:

  -Kính thưa Hùng Vương, thưa các đại thần Lạc hầu, thưa các Lạc tướng. Thần tuy là con rể, người trong nhà của họ Hùng nhưng chỉ quen cai quản rừng núi thiên nhiên, không thể cai quản thế giới người trần. Hiện nay giặc Tần Thủy Hoàng đang đẩy mạnh tràn xuống phương Nam chiếm đất đai, đồng hóa người Bách Việt. Thục Phán thủ lĩnh người Âu Việt rất tài giỏi về quân sự, đã đánh bại 50 vạn quân Tần. Nếu Thục Phán kế vị thì việc giữ vẹn toàn độc lập đất nước là một điều có thể đảm bảo.

  Sau lời của Tản Viên, triều đình mới như sực tỉnh, vấn đề tài năng quân sự của người nối ngôi để đánh bại ngoại xâm là vấn đề bức thiết nhất trong tình hình hiện nay. Cung điện lại rơi vào im lặng nhưng không căng thẳng ngột ngạt nữa. Hùng Duệ Vương cho rằng đã đến giai đoạn biểu quyết. Theo truyền thống dân chủ nguyên thủy đã trở thành tục lệ của Triều đình có thể cho biểu quyết bằng giơ tay. Nhưng trong lựa chọn người kế vị không được để người biểu quyết không đồng ý bại lộ, sợ bị vua mới trả thù, cho nên Hùng Duệ Vương cho biểu quyết kín đáo, bí mật. Mỗi một thành viên của triều đình được phát một hạt ngô và một hạt đậu. Ai đồng ý thì bỏ hạt ngô, ai không đồng ý bỏ hạt đậu vào chung một thùng gỗ bịt kín chỉ có một lỗ duy nhất. Người bỏ hạt ngô hay hạt đậu phải giữ kín hạt khi bỏ vào hộp để tự bảo vệ mình. Một đại thần chỉ huy những người giúp việc phát ngô và đậu cho các Lạc hầu, Lạc tướng. Hùng Duệ vương nói:

  -Các thần hãy lựa chọn, ai đồng ý truyền ngôi cho Thục Phán thì bỏ hạt ngô, ai không đồng ý thì bỏ hạt đậu vào chung một cái hòm kia. Xin mời các chúng thần quyết định.

Các Lạc hầu và Lạc tướng đứng dậy lần lượt lên bỏ hạt ngô hoặc hạt đậu lựa chọn người kế vị ngai vàng. Tiếp đó, hai đại thần đứng tách hạt ngô và hạt đậu thành hai phần ngay cái bàn trước mặt Hùng Duệ vương và các chúng thần. Kết quả, phần hạt ngô nhiều hơn phần hạt đậu. Nghĩa là triều đình đa số đã đồng ý  lựa chọn Thúc Phán, Thủ lĩnh của người Âu Việt kế vị ngai vàng kế nghiệp các vua Hùng.

Hôm sau, tại vùng đồi núi Nghĩa Lĩnh vùng đất Hi Cương thuộc bộ Văn Lang, cách xa kinh đô Bạch Hạc chỉ vài dặm đường về phía Bắc được coi là vùng đất thiêng liêng. Nơi đây chính là khu đền thờ, lăng mộ của 17 đời vua Hùng và những người trong hoàng tộc. Nhưng nhà thờ tường chình đất, cột gỗ lim, mái lợp bằng ngói vẫy cá nằm rải rác trên những qủa đồi tạo thành một quần thể. Trong từng đền thờ chính giữa là bài vị các vua Hùng đặt trên những bàn cao với những bát hương đầy tàn hương. Từng quả đồi là rải rác mộ các vua Hùng xây bằng đá. Những nhà thờ và những mộ chí ẩn mình dưới những tán lá cây xanh cổ thụ cao tạo nên sự huyền bí linh thiêng.

Một ngày sau cuộc thiết triều lớn ở  kinh đô Bạch Hạc thì hôm sau trên khu đền Hùng tấp nập lạ thường. Vua Hùng Duệ Vương cùng các Lạc Hầu, Lạc Tướng tụ hội về đây đông đủ dự lễ truyền ngôi của Hùng Vương cho Thục Phán cũng là lễ tuyên thệ của nhà vua mới với các vua Hùng, với các đại thần và với nhân dân Văn Lang, Âu Lạc. Ngoài Hoàng gia, các Lạc hầu, Lạc tướng còn có các Bồ chính đứng đầu các công xã nông thôn, các già làng, trưởng bản. Hiển nhiên là có Thục Phán và các tướng lĩnh của vua mới như Cao Lỗ, Nồi Hầu, Đại Tướng quân Phan Giác…các chức sắc trong tộc người Âu Việt. Trên những con đường dẫn tới đền Hùng người đổ về đông như ngày hội. Đúng là một ngày trọng đại của đất nước. Áo the dài màu đen, khăn thếp của đàn ông chen với với áo tứ thân đủ màu sắc của đàn bà tạo nên muôn màu sắc rực rỡ. Quanh những con đường và những bãi bằng dưới đền Hùng ngựa xe đi lại như kiến cỏ mà dòng người từ muôn nẻo vẫn tiếp tục đổ về. Khu đền chính đã đông nghịt người bởi nơi đây sẽ diễn ra nghi lễ quan trọng nhường ngôi và tuyên thệ.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "        Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 2)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn