Kỳ 25.
Thám mã lên ngựa phóng nhanh ra phía biển. Đoàn Chí nhận được thư. Mã Viện viết: “Binh thuyền hiện có 10 vạn quân. Đô Đốc hãy chia đôi thủy binh và thuyền:1000 chiến thuyền và 5 vạn quân đóng ở cửa biển Bạch Đằng làm như chuẩn bị tấn công, đánh lừa giữ binh thuyền quân Việt tại đó. 1000 chiến thuyền và 5 vạn thủy binh bí mật tiến theo đường sông Giá, tới Lục Đầu Giang và nhanh chóng đổ bộ lên bao vây đánh quân Việt từ phía sau, sáu vạn quân của ta sẽ đánh mặt trước, hình thành thế bao vây. Nếu làm được như vậy, trận này Trưng Trắc sẽ đại bại.
Đoàn Chí đọc thư xong cười ha hả:
-Giỏi, giỏi, xứng đáng là Phục Ba tướng quân Mã Viện.
Rồi Đoàn Chí theo lời Mã Viện chia đôi quân lực và binh thuyền. 1000 chiến thuyền và 5 vạn quân tiến vào cửa sông Bạch Đằng rồi lại lùi ra, rồi lại tiến vào, nhiều lần như vậy để giữ chân, đánh lừa thủy binh Việt. Trong khi đó, 5 vạn quân và 1000 chiến thuyền cắm cờ quân Việt để ngụy trang, bí mật đi vào cửa sông Giá và lên Lục Đầu Giang, sau đó bỏ thuyền đi bộ gấp lên bao vây sau lưng quân Việt ở Lãng Bạc.
Trong khi đó, trong Tổng hành dinh của quân Việt, Trưng Trắc và các tướng lĩnh hầu như không ngủ. Trưng Trắc đi đi lại và miệng liên tục hỏi câu hỏi:
-Vì sao Mã Viện bỏ Lục Hải về mở trận quyết chiến ở Lãng Bạc?
Im lặng. Một lát sauTrưng Nhị Vương lên tiếng:
-Dạ, bẩm Trưng Vương, em cho rằng Mã Viện về Lãng Bạc để gần biển, phối hợp được giữa bộ binh và thủy binh. Thủy binh Hán nếu đánh tan được thủy binh ta ở sông Bạch Đằng sẽ đi vào Lục Đầu Giang, tiến lên bao vây đánh quân ta tự sau lưng. Em cho rằng tình thế quân ta vô cùng cấp bách, mong Trưng Vương nhanh chóng quyết định.
Các tướng đều ồ lên:
-Quả thực như vậy, có thể như vậy. Mong Trưng Vương nhanh chóng quyết định.
Trưng Vương nói:
-Sự phân tích của Trưng Nhị Vương hoàn toàn chính xác. Mã Viện đang chơi nước cờ bao vây và tiêu diệt quân ta ở đây. Các tướng có kế gì hay không?
Đông Cung Công chúa Xuân Nương nói:
-Xin Trưng Vương nên rút quân về cố thủ ở Cổ Loa và Mê Linh để kháng cự lâu dài.
Hoàng Cống nói:
-Nên điều tướng Lê Chân đánh tập hậu quân Mã Viện ở mặt Đông.
Quân sư Quý Lan nói:
-Nên điều một đạo quân chặn ở Lục Đầu Giang, tiêu diệt đạo thủy binh địch nếu thủy binh ta bại trận, không cho chúng đổ bộ lên bờ tiến về Lãng Bạc bao vây sau quân ta.
Cuối cùng Trưng Vương nói:
-Chúng ta phải nhanh chóng và khẩn cấp điều Lê Chân từ mặt trận Lục Hải về đánh vào sau lưng Mã Viện ở phía Đông. Điều tướng Đinh Bạch Nương và Đinh Tĩnh Nương ở gần Cổ Loa lên chặn đường bộ tiến về Lãng Bạc ở Lục Đầu Giang. Lệnh cho Hùng Bàn và Phật Nguyệt kiên quyết chặn thủy binh địch ở Bạch Đằng, không cho chúng đổ bộ lên Lục Đầu Giang.
Các tướng dạ ran, vâng lệnh.
Nhưng tất cả những quyết định của Trưng Vương đều đã muộn hoặc không thực hiện được. Đạo quân của nữ tướng Lê Chân còn kìm chân địch ở Lục Hải. 1000 chiến thuyền, 5 vạn quân của Đoàn Chí đã đánh lừa được thủy quân Việt, bí mật tiến theo sông Giá và nhanh chóng lên Lục Đầu Giang, rồi lên Lãng Bạc bao vây phía sau quân Việt. Quân Việt từ Cổ Loa lên muộn đã không chặn được thủy quân Hán.
Mã Viện nhận được tin quân Đoàn Chí đã ở phía sau quân Việt, biết quân Việt đã bị bao vây liền ra lệnh tấn công đánh giết ào ạt mà không cần giàn trận theo lệ thông thường. Sáu vạn quân Hán và bên này bốn vạn quân Việt lao vào chém giết nhau. Trưng Vương và Trưng Nhị Vương ngồi trên hai con voi lớn chỉ huy chiến trận. Các nữ tướng của Trưng Vương trên lưng ngựa cũng thả sức tung hoành chém giết. Tiếng reo hò dậy đất, thanh la, não bạt, tiếng trống đồng của quân Việt xen lẫn tiếng trống da bò của quân Hán làm một vùng Lãng Bạc trời rung đất chuyển. Thây đổ ngổn ngang, máu nhuộm đỏ đất, cờ bay phấp phới. Thốt nhiên trận địa quân Việt rối loạn. Quân Việt đã bị 5 vạn quân Hán bất ngờ tấn công phía sau. Quân Việt hoàn toàn bị bao vây bốn phía, thế trận tan vỡ. Tuy vậy, quân Việt gan dạ, vẫn anh dũng kiên cường chiến đấu nhưng thế và lực không còn, thế giặc quá mạnh, tướng lĩnh và quân sĩ bị quân Hán giết chết đến một nửa. Còn khoảng 2 vạn quân chỉ còn biết bao vây lấy hai con voi, đem thân mình bảo vệ cho Trưng Trắc và Trưng Nhị. Thốt nhiên, quân Hán phía sau một phần bị rối loạn. Tướng Cổ Loa Đinh Bạch Nương của Trưng Vương đã từ Lục Đầu Giang lên tham chiến, mở đường máu phá vây, đưa tàn quânTrưng Vương, Nhị Vương chạy thoát khỏi vòng vây trùng điệp của quân Hán về phía Cổ Loa thành. Phía sau, Mã Viện ra lệnh cho quân Hán truy kích ráo riết, đuổi cùng diệt tận, quyết bắt sống cho được hai Trưng Nữ Vương. Trưng Vương ra lệnh cho quân Việt rút về Mê Linh cố thủ.
Tổng cộng trận Lãng Bạc quân Việt hy sinh 2 vạn người và nhiều tướng soái lỗi lạc. Quân Hán cũng bị tiêu diệt bằng ấy nhưng binh lực quân Hán vẫn còn đông, lại đang ở thế chủ động truy kích quân Việt. Trận Lãng Bạc là trận quyết định số phận của nước Hùng Lạc, của triều đại Mê Linh sau ba năm tồn tại độc lập.
VI
Lại nói bấy giờ là mùa xuân năm 42, niên hiệu Trưng Vương năm thứ 3, quân Việt do hành động chậm chạp hơn, thủy binh Việt bị quân Hán nghi binh đánh lừa nên quân Việt bị đại bại trong trận Lãng Bạc ( huyện Luy Lâu). Trưng Vương cho quân rút lui về hướng Cổ Loa, Mê Linh. Mã Viện ra lệnh cho quân Hán truy kích rất sát sao quân Việt. Trên chặng đường chưa đến 20 dặm, hậu quân của quân Việt đã giao chiến với tiền quân của quân Hán hàng chục trận. Các tướng đi hậu quân của quân Việt và các tướng đi tiên phong của quân Hán cứ gần nhau là xáp vào nhau giao đấu và quân sĩ hai bên lại xung trận chém giết. Xác quân Hán và quân Việt rải đầy đường đi. Trưng Vương đã mất 10 tướng đi hậu quân và 5000 quân. Quân Hán cũng mất bằng ấy số tướng lĩnh và bằng ấy quân. Trên đường rút lui Trưng Nhị Vương hỏi Trưng Vương:
-Chúng ta vào Cổ Loa thành cố thủ chăng, thưa chị?
Trưng Vương đáp:
-Thế giặc rất lớn, vào Cổ Loa không cầm cự được bao lâu, khi nguy nan lại không có đường rút.
-Vậy về cố thủ để bảo vệ kinh đô Mê Linh?
Trưng Vương đáp:
-Mê Linh là đất bản bộ thiêng liêng nhưng không phải là căn cứ phòng thủ vững chắc. Chị nghĩ tốt nhất là về căn cứ Cấm Khê, căn cứ mà ta đã dày công xây dựng, phòng thủ để đánh lâu dài.
Suốt 20 dặm từ Lãng Bạc tới Cấm Khê hàng vạn quân đuổi và chạy rầm rập, rung chuyển đường đất, tiếng reo hò chém giết suốt một ngày một đêm. Sáng hôm sau, quân Việt đã tới bờ sông Đáy, cửa ngõ căn cứ Cấm Khê. Trưng Vương cho dàn quân chờ quân Mã Viện tới, quyết đánh một trận cho quân thù khiếp sợ trước khi rút vào căn cứ. Quân Hán cũng vừa tới nơi và dàn trận. Mã Viện bấy giờ mới có điều kiện quan sát kỹ quân Việt. Từ không xa lắm, Mã Viện trông thấy hai nữ vương ngồi trên hai con voi to như hai trái núi, áo chiến bào màu vàng, có lọng vàng che, oai phong lẫm liệt. Các tướng Việt phần lớn là nữ, mặc áo chiến bào nâu, áo giáp đồng, đội mũ nhọn đồng cài lông chim, mặt hoa da phấn, cưỡi ngựa hùng dũng, lưng đeo cung tên. Mã Viện ngạc nhiên là quân Việt bị bại trận, bị truy kích một ngày một đêm mà không có vẻ rối loạn, đội ngũ chỉnh tề, nét mặt đằng đằng sát khí. Tiếng trống đồng bên quân Việt vang vọng. Bên quân Việt, một nữ tướng múa gươm xông ra trận. Đó là nữ tướng Vương Thị Tiên. Vương Thị Tiên múa gươm như gió, ngựa phi như bay, miệng thét:
-Thằng giặc già Mã Viện ra đây!
Một tướng trong hàng quân Hán xông ra. Hắn cưỡi ngựa đen, long đao sáng loáng. Hai ngựa và người xáp nhau, gươm chạm long đao tóe lửa. Chưa được 10 hiệp, Vương Thị Tiên né ngưới tránh một nhát dao đâm của tướng Hán và thuận tay đưa một nhát gươm, đầu tướng Hán văng xuống đất. Ngựa lồng chạy về đem theo thân không đầu máu chảy đầm đìa. Quân Việt la hét vang trời và xông lên. Họ không hề run sợ khi biết họ chỉ có không đầy 2 vạn người đang giao chiến với 5 vạn quân Hán. Gươm dao bổ xuống đâm chém nhau. 1000 quân Việt và chừng ấy quân Hán gục đổ trên chiến trường Cấm Khê. Máu chảy thành sông, thây chất thành đống. Trưng Vương thấy Mã Viện cậy quân đông đang triển khai bao vây quân Việt từ hai cánh trận tả hữu. Quân Việt núng thế, Trưng Vương vội ra lệnh nổi hiệu lệnh thu quân và rút qua sông Đáy, sông Tính vào căn cứ Cấm Khê. Trong khi đi hậu quân chặn địch để quân đội và hai Trưng Vương rút lui an toàn, ba nữ tướng kiệt xuất của quân Việt là Ả Tú, Ả Huyền và Ả Cát đã anh dũng hy sinh.
(Còn nữa)
CVL