Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 22)

PGS TS Cao Văn Liên

06/09/2021 14:50

Theo dõi trên

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên

             

hai-ba-trung-30120b-1630889385.jpg
Tái hiện trận đánh lịch sử của Hai Bà Trưng. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Kỳ 22

 Trưng Vương rời khỏi ngai vàng, bước ra trước lễ đài và nói:

-Đúng như các tướng lĩnh đã nói, nước thì phải có vua. Nay thể theo nguyện vọng của tướng lĩnh, của quân đội, của trăm họ, ta tạm ngồi lên ngôi báu, đem thân nữ nhi vì đất nước, kế tục sự nghiệp chí lớn của liệt tổ, liệt tông. Nay ban bố mệnh lệnh sau đây:

-Triều đại của chúng ta là kế tục sự nghiệp của các vua Hùng nên lấy Quốc hiệu là Hùng Lạc.

-Đế hiệu triều đại của ta là Trưng Vương.

-Kinh đô Mê Linh

-Biên giới quốc gia lãnh thổ từ Nam Trường Giang ở phía Bắc, vượt quá dãy Hoành Sơn ở phương Nam bao gồm các quận Hợp Phố, Giao chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam.

-Nay khôi phục và phát huy tất cả những phong tục, tập quán, trang phục, lễ nghĩa trong Quốc gia và trong gia đình của dòng giống Lạc Việt, Âu Việt và Bách Việt.

-Xóa bỏ tất cả những phong tục tập quán, lễ nghi, trang phục của Hán mà bọn thống trị Hán buộc ta phải theo suốt 200 năm nay.

-Xóa bỏ tất cả những tô thuế phi lý và nặng nề, những lệ cống vật, những lệ lao dịch mà quân Hán đã thi hành để bóc lột nhân dân ta. Đặc biệt là xóa bỏ thuế sắt, thuế muối mà quân Hán xưa đánh rất nặng để làm nòi giống ta suy nhược do thiếu sắt sản xuất và thiếu muối khi chế biến thực phẩm, làm chúng ta suy nhược nòi giống và diệt vong là chính sách ác độc của quân Hán xâm lược.

-Những người Hán đã di cư và định cư ở nước ta nếu không về Trung Nguyên thì được ở lại làm ăn nhưng không được hành động chống lại nước Hùng Lạc.

-Cho bách tính miễn thuế trong ba năm.

-Thiết lập một chính quyền với trung tâm là Mê Linh, dưới Quốc gia là các quận, dưới quận là huyện, dưới huyện là các công xã, dưới công xã là làng và bản. Việc bổ nhiệm các quan lại sẽ căn cứ vào học thức và công lao trong cuộc khởi nghĩa giành độc lập nhưng phải có tài, năng lực trình độ, có lòng thương dân, sự trung thành với triều đình Mê Linh, với đất nước Hùng Lạc.

-Căn cứ vào công lao, nay ta, Trưng Vương phong tặng cho các tướng lĩnh và điều động từng người làm nhiệm vụ trấn trị trên khắp các địa phương của giang sơn Hùng Lạc:

1. Nay phong Trưng Nhị làm Bình Khôi công chúa, chức Phó Trưng Vương quốc gia Hùng Lạc.

2. Thánh Thiên, nữ tướng anh hùng, quê ở huyện Bắc Đái, Giao Chỉ, tài kiêm văn võ, nay phong làm Thánh Thiên Công chúa, thống lĩnh binh mã trấn thủ vùng Nam Hải (Hồ Nam).

3. Lê Chân, nữ tướng miền biển, ở An Biên, huyện Khúc Dương, quận Giao Chỉ, nay phong làm Đông Triều Công chúa, giữ chức Trấn Biên Đại Tướng quân, thống lĩnh đạo quân Nam Hải .

4.Vũ Thị Thục, ở Tiên La, huyện An Định, Giao Chỉ, nay phong làm Bát Nàn Uy Viễn Đại tướng quân, Trinh Thục công chúa.

5. Nay phong Vương Thị Tiên làm Ngọc Quang Công chúa.

6. Nay phong Nàng Nội, nữ tướng vùng Bạch Hạc, huyện Kê Từ, quân Giao Chỉ  làm Nhập Nội Bạch Hạc Thủy Công Chúa .

7. Nay phong Lê Thị Hoa, nữ tướng anh hùng ở huyện Dư Phát, quận Cửu Chân làm Nga Sơn Công chúa, chức Bình Nam Đại tướng quân, Phó Thống lĩnh đạo binh Cửu Chân.

8. Nay phong Hồ Đề, ở Động Lão Mai, Huyện Long Uyên, quận Giao Chỉ  làm phó Nguyên soái, Đề Nương Công chúa, Trấn Viễn Đại tướng quân.

9. Nay phong Trưởng quân cơ Xuân Nương ở Tam Nông, huyện Tây Vu làm Đông Cung Công chúa, giữ chức Nhập nội Trưởng quân cơ nội các.

10. Nay phong Nàng Quỳnh và Nàng Quế, Tiên phong phó tướng ở châu Đại Man làm Nghi Hòa Công Chúa, chức Hổ Oai Đại tướng quân, Thống lĩnh đạo quân và trấn thủ vùng Bắc Nam Hải.

11. Nay phong Đàm Ngọc Nga, Tiền đạo tả tướng ở Thanh Sơn, Huyện Tây Vu, quận Giao Chỉ làm Nguyệt Điện tế thế công chúa, giữ chức Tiền Đạo tả tướng quân, Phó thống Lĩnh đạo Binh Nam Hải.

12. Nay phong Trần Thị Phương Châu Làm Nam Hải Công chúa. 13. Nay phong Thiều Hoa ở Tam Thanh, huyện Tây Vu, quận Giao Chỉ làm Đông Cung Công chúa, giữ chức Tiên phong hữu tướng.

14. Nay phong Quách A ở Bạch Hạc, Huyện Tây Vu, quận Giao Chỉ làm Khâu Ni công chúa, giữ chức Tiên phong tả tướng, Tổng Trấn Luy Lâu .

15. Nay phong Vĩnh Huy ở Tiên Nha, Huyện Tây Vu làm Vĩnh Hoa công chúa, giữ chức Nội Thị tướng quân.                                         16. Nay phong Lê Ngọc Trinh ở Lũng Ngòi, huyện Tây Vu làm Ngọc Phượng Công Chúa, chức Chinh Thảo Đại tướng quân, Phó Thống lĩnh đạo quân Quế Lâm.

17. Nay phong Lê Thị Lan ở Đường Lâm, huyện Tây Vu, quận Giao Chỉ làm Nhu Mẫn Công chúa, chức Trấn Tây tướng quân, Phó Thống lĩnh đạo binh Hán Trung.

18. Nay phong Phật Nguyệt ở Thanh Ba, huyện Tây Vu, quận Giao Chỉ làm Phật Nguyệt công chúa, chức Thao Giang Thượng tả Tướng Thủy quân, Chinh Bắc Đại tướng quân, Tổng Trấn khu Hồ Động Đình- Trường Sa (Hồ Nam).             

 19. Nay phong Phương Dung ở Lang Tài, Huyện Long Uyên, quận Giao Chỉ làm Đăng Châu Công chúa, giữ chức Trấn Nam Đại tướng quân, thống lĩnh đạo binh Giao Chỉ.

20. Nay phong Trần Năng ở Thượng Hồng, Huyện An Định, quận Giao Chỉ làm Hoàng Công chúa, giữ chức Trưởng Lĩnh Trung quân.

21. Nay phong Trần Quốc (nàng Quốc) ở Gia Lâm, huyện Long Biên, quận Giao Chỉ làm Gia Hưng Công chúa, Trung Dũng Đại tướng quân, giữ chức Đô Đốc, Trưởng quân Thủy quân trấn Bắc Nam Hải.

22. Nay phong Hồng Nương làm An Bình công chúa, chức kỵ binh Lĩnh Nam, Tả đạo tướng quân.

23. Nay phong Thanh Nương làm Bình Xuyên công chúa, chức Kỵ Binh Lĩnh Nam, Tả đạo tướng quân.

24. Nay phong Đạm Nương làm Quất Lưu công chúa, chức Kỵ binh Lĩnh Nam, Tả đạo tướng quân.

25. Nay phong Quý Lan, Nội Thị tướng quân làm An Bình công chúa, giữ chức Nội Thị tướng quân.

26. Nay phong Sa Giang, người Hán ở Lĩnh Nam là Lĩnh Nam công chúa .

27. Nay phong Đô Thiên, người Hán ở Lĩnh Nam làm Động Đình Công, chức Trung nghĩa Đại tướng quân, thống lĩnh đạo quân Hán Trung, Tổng trấn Trường Sa (Hồ Nam).

28. Nay phong Phùng Thị Chính ở Tuấn Xuyên, Huyện Tây Vu, quận Giao Chỉ làm Trưởng Nội Thị Tướng quân.                           Trưng Vương nói tiếp:

-Nay ta và các tướng lĩnh cùng quân sĩ vì nước vì dân đã không quản khó nhọc, hi sinh giải phóng đất nước. Nhưng đó mới chỉ là mở đầu cho những sự nghiệp lớn, khó khăn hơn nữa là xây dựng và bảo vệ đất nước. Bên kia Trường Giang, Hán Quang Vũ hẳn là chưa bỏ ý định xâm lược lại nước ta. Ta và các chư tướng đều giữ chức vụ và thân mang trọng trách, cùng  ba quân không được lơ là, phải hoàn thành nhiệm vụ của mình.

  Các tướng lĩnh và binh sĩ dạ ran. Tiếng trống đồng, tiếng tù và, thanh la vang động.Trưng Vương nói tiếp:

-Ngày mai bắt đầu ngày quốc tang, hương khói dâng lên vong linh của Huyện lệnh Thi Sách, các tướng quân Đào Chiêu Hiển, Đào Đô Thống, Đào Tam Lang, các nữ tướng Đinh Bạch Nương, Đinh Tĩnh Nương, Trần Thiếu Lan, nữ tướng Chúa Bầu đã vì nước hy sinh. Ba ngày quốc tang cũng là để hương khói dâng lên vong linh của các chiến sĩ nghĩa quân đã xả thân trên chiến trường vì dân, vì nước ở Mê Linh, ở Cổ Loa, Luy Lâu, các quận Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Ba ngày quốc tang cũng là hương khói cho vong linh những người dân Việt đã bị quân Hán giết hại suốt 200 năm nay. Sau ba ngày quốc tang là đến ngày đại xá thiên hạ, lệnh cho thiên hạ vui chơi, ăn mừng chiến thắng, ăn mừng non sông độc lập. Sau những ngày quan trọng đó, các tướng lĩnh theo chức vụ và địa bàn đã phân, ai về địa bàn đó thực thi nhiệm vụ bảo vệ đất nước và giúp dân đẩy mạnh sản xuất, giữ gìn phát triển văn hóa của đất nước Hùng Lạc.

  Trưng Vương dứt lời, ba quân và tướng sĩ dạ ran, hòa với tiếng trống đồng, tiếng thanh la, tù và vang động trời đất Mê Linh. Lịch sử Hùng Lạc sang một trang mới hùng tráng hào hùng.

(Còn nữa)

  CVL

Bạn đang đọc bài viết "      Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 22)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn