Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 37)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên.                             

    

ly-bi2c-1632184774.jpg
Tranh minh họa: Khởi nghĩa Lý Bí - Nước Vạn Xuân 542- 602. Nguồn: Internet

          

Kỳ 37.

                                                                   II

  Sang thế kỷ VI, Tư Phố vẫn là trị sở Ái Châu. Núi  Voi, núi Rùa, núi Ngũ Hoa, núi Ngựa vẫn soi mình trên dòng sông Mã. Xa xa về phía Tây núi Vòm, núi Trịnh vẫn mờ mờ trong sương khói dù thời gian và triều đại đã đổi thay. Trong công đường sang trọng của thành Tư Phố, Thứ sử Ái Châu là Nguyễn Hán đang ngồi nghị sự cùng các thuộc hạ dưới trướng bàn về thời thế Giao Châu trong cơn biến loạn do cuộc khởi nghĩa  của Lý Bí. Quận Hoàng Châu đã mất mà còn mất cả trấn trị của Giao Châu là Long Biên. Thứ sử Tiêu Tư không đánh trận nào đã đầu hàng làm uy danh quân Việt vang dội. Quân triều đình nhà Lương ở Ái Châu, Đức Châu, Lợi Châu, Minh Châu hoang mang khiếp sợ. Chợt có tên lính gác vào báo làm đứt dòng suy nghĩ của Nguyễn Hán.

  -Dạ bẩm Thứ sử, có sứ giả vào trình chiếu thư của  Thánh Thượng.

 - Cho vào nhanh!

 -Dạ.

  Sứ giả của Lương Vũ Đế là Bạc Nhĩ Thanh ăn mặc giả thương nhân người Việt lặn lội từ Kiến Khang đi gấp về Ái Châu, Đức Châu, Lợi Châu, Minh Châu đem chiếu thư của Lương Vũ Đế cho Thứ sử các châu này. Gặp Nguyễn Hán và các tùy tướng, Bạc Nhĩ Thanh  nói to như ra lệnh:

-Thứ sử Nguyễn Hán và các thuộc hạ tiếp chỉ!

 Nguyễn Hán và các thuộc hạ vội quỳ xuống. Bạc Nhĩ Thanh tuyên đọc: “Phụng thiên thừa vận, Hoàng đế chiếu viết: Cuộc nổi loạn của Lý Bí thật là to lớn, đe dọa thuộc địa Giao Châu. Nay trẫm ra lệnh cho Thứ sử Ái Châu Nguyễn Hán phải hợp binh với Thứ sử Uy Trứ của  Đức Châu, Thứ sử  Ninh Cự của Lợi Châu, Thứ sử Lã Hùng của Minh Châu đem quân ra Hoàng Châu dẹp loạn. Quân đội ba châu này đặt dưới quyền chỉ huy của Thứ sử Ái Châu Nguyễn Hán. Khâm thử”.

  Bọn Nguyễn Hán và tùy tùng hô to:

-Chúng thần xin vâng mệnh.

  Bạc Nhĩ Thanh trao chiếu thư cho Nguyễn Hán.

  Nguyễn Hán ra lệnh mở tiệc khoản đãi Bạc Nhĩ Thanh. Hôm sau cử bốn tên lính và 5 con ngựa tốt hộ tống Bạc Nhĩ Thanh vào trấn trị Đức Châu, Lợi Châu và Minh Châu gặp Thứ sử Uy Trứ, Thứ sử  Ninh Cự, Lã Hùng tuyên chiếu chỉ của Lương Vũ Đế hợp binh chống Lý Bí.

  Sau khi vào Long Biên và ổn định tình hình Hoàng Châu xong, Lý Bí nói với các tướng lĩnh:

-Chúng ta cần phải đánh Ái Châu, Đức Châu, Lợi Châu, Minh Châu trước khi quân Lương từ phía Bắc đánh vào. Nếu không chúng ta sẽ bị đánh cả mặt Nam và Bắc thì lâm nguy.

  Tinh Thiều nói:

 -Chủ soái nói chí phải nhưng nếu đánh thì phải đánh sớm trước khi bốn Châu đó hợp quân với nhau. Nếu để bốn Châu đó hợp quân với nhau thế giặc rất mạnh, sẽ rất khó công phá.

Triệu Túc nói:

-Chủ soái nên phái thám mã đưa thư cho các đội nghĩa binh ở Ái Châu, Đức Châu, Lợi Châu, Minh Châu chuẩn bị, khi Thứ sử bốn châu đó đem quân ra Bắc thì phải tổ chức cướp thành trì phối hợp tác chiến với quân ta.

  Lý Bí nói:

-Triệu Túc nói phải lắm.

  Sau khi ba thám mã đi vào miền Trung, Lý Bí điều động 5000 quân lên đất Ngô Hưng, 5000 quân lên Ninh Hải ở miền Đông Bắc phòng bị quân Lương từ Hợp Phố tràn sang, 5000 quân ở lại giữ Long Thành. Còn Lý Bí tự dẫn 4 vạn quân tiến vào Ái Châu. Ba ngày sau đại quân Lý Bí vượt cầu phao qua sông Mã tiến vào đất Thọ Hạc. Chợt có thám mã về báo:

-Cấp báo, quân của Thứ sử Lợi Châu Ninh Cự, Thứ sử  Đức Châu Uy Trứ, Thứ sử Minh Châu Lã Hùng đang tiến vào phía Nam núi Văn Trinh, Tư Phố, Ái Châu.

  Lão tướng Phạm Tu nói:

-Nếu đem toàn bộ quân vây đánh Tư phố thì quân địch từ phía Nam đánh tới, quân trong thành đánh ra, quân ta sẽ bị bao vây. Mạt tướng cho rằng nên cho 1 vạn quân tiến vào Tư Phố chỉ nghi binh kìm chân địch mà chưa công phá. Còn chủ lực quân đến mai phục ở núi Văn Trinh tiêu diệt quân của Ninh Cự , Uy Trứ và Lã Hùng, sau đó quay lại đánh thành Tư Phố.

Lý Bí nói:

-Lão tướng nói rất phải.

 Liền cho tướng Triệu Túc, Triệu Quang phục dẫn 1 vạn quân tiến đến uy hiếp thành Tư Phố, còn đại quân rời Thọ Hạc tiến xuống phía Nam 15 dặm, dựa vào địa thế hiểm trở  và cây cối rậm rạp ở vùng núi Văn Trinh, Đông Nam huyện Tư Phố, đợi chờ quân Lương đang tiến ra phía Bắc.

  Lại nói Thứ sử Ninh Cự,  Uy Trí và Lac Hùng nhận được chiếu chỉ của Lương Vũ Đế liền hợp quân lại và đi gấp ra Ái Châu. Quân bộ hành quân gần 300 dặm vô cùng mệt mỏi. Vào một sáng mùa hè tháng 5 năm 542, nắng như đổ lửa, 3 vạn quân Lương hành quân vào phía Nam đất Ái Châu. Đại quân đã qua sông Ghép, con sông giáp ranh giữa Ái Châu và Lợi Châu. Con đường độc đạo thiên lý ở đây không hiểm trở lắm, chỉ có những quả đồi đất bị ngắt quảng xen lẫn làng mạc. Duy chỉ có điều là hai bên đương cây cối tre trúc rất rậm rạp, lại thêm núi Văn Trinh hiểm trở. Ninh Cự nói với Uy Trí và Lã Hùng:

-Địa thế ở đây rất rậm rạp, lại thêm núi đá Văn Trinh hiểm trở, phải đề phòng có mai phục.

Uy Trí đáp:

-Nếu quân Lý Bí mà tiến được vào Ái châu thì Thái thú Nguyễn Hán ở Tư Phố đã cho thám mã phi vào báo rồi.

-Đúng thế, vậy mà tôi không nghĩ ra.

  Ba người không biết rằng thành Tư Phố cũng đang bị vây chặt, thám mã không thể lọt ra ngoài được. Quân Lương đang hành quân qua sườn núi Văn Trinh thì thốt nhiên tiếng trống, tiếng thanh la vang dội khắp nơi, rồi những trận mưa tên từ sườn núi Văn Trinh và ven đường rậm rạp phía Tây. Phát tên của nữ tướng Dương Khoan Khoáng kết liễu đời của Thứ sử Ninh Cự. Mũi tên của nữ tướng Phạm Thị Toàn trúng giữa mặt Thứ sử Uy Trí. Quân Lương hoảng loạn như rắn mất đầu. Quân Việt từ sườn núi và các rừng cây ven đường xông ra vung gươm giáo chém giết. Thứ sử Lã Hùng và bọn tùy tướng của Ninh Cự, Uy Trí  định quay đầu ngựa chạy về Nam thì bị các tướng Phạm Tu, Phạm Thị Toàn,  Phạm Lạng, Trịnh Đô, Triệu Chí Thành, Dương Khoan Khoáng, Tam Cô tung hoành chém chết. Thây quân Lương chất thành đống dọc đường, máu chảy như suối. Số ít hoảng loạn bơi qua sông Ghép về Nam nhưng bị chết đuối. Số còn lại đầu hàng. 3 vạn quân Lương bị tiêu diệt. Quân Việt toàn thắng trận mai phục ở núi Văn Trinh, phía Đông Nam huyện Tư Phố, Ái Châu. Lý Bí hạ lệnh hành quân gấp ra phối hợp với Triệu Túc, Triệu Quang Phục đánh thành Tư Phố.

  Lại nói Thứ sử Ái Châu là Nguyễn Hán thấy quân Việt bao vây thành Tư Phố, một số tướng xin ra đánh. Quan Đô úy trị Mã Cầm nói:

-Ta nghe nói quân của Nhật Nam và Cửu Đức đang hành quân ra phối hợp sắp đến nơi, chờ cho họ đến ta sẽ trong đánh ra ngoài đánh vào thì tất phá được quân Việt.

  Nguyễn Hán cho là phải và quyết đóng chặt cổng thành, chờ quân của Úy Trị, Ninh Cự và Lã Hùng đến để cùng phối hợp tác chiến. Thành Tư Phố bị vây chặt, thám mã quân Lương muốn về báo tin tức không thể vào được. Quân Việt chỉ vây thành mà không đánh. Nguyễn Hán không biết tình hình thế nào. Một buổi sáng, một tên lính trên mặt thành xuống báo:

-Dạ, bẩm Thứ sử, quân Việt đông như kiến cỏ bắt đầu tấn công thành.

  Một tên lính khác hốt hoảng chạy vào báo:

-Dạ bẩm Thứ sử, quân Việt dùng sào tre treo ba thủ cấp của ba Thứ sử Lợi Châu Ninh Cự, Thứ sử Đức Châu Uy Trí, Minh Châu Lã Hùng và kêu gọi chúng ta đầu hàng.

  Nguyễn Hán sợ hãi cùng các tướng lên mặt thành xem, quả nhìn thấy đầu ba thứ sử Lợi Châu, Đức châu, Minh Châu cùng những ấn tín binh phù. Quân Việt chĩa loa lên và nói oang oang:

-3 vạn quân của Thứ sử Lợi Châu, Đức Châu và Minh Châu đã bị chúng ta tiêu diệt ở Văn Trinh. Nếu Nguyễn Hán không đầu hàng thì sẽ như ba tên Thứ sử này. Nếu đầu hàng, gia quyến được bảo toàn tính mạng, được trở về Giang Đông.

  Nguyễn Hán sợ quá suýt ngất, thều thào bảo tùy tùng:

-Hỏi Lý Bí xem có giữ lời hứa không?

  Một tùy tướng chĩa loa xuống hỏi:

-Chúng tôi hàng thì liệu ngài Lý Bí có giữ lời hứa không?

  Tiếng loa từ người lính Việt:

-Đại trượng phu nói lời giữ lời. Các ông không xem gương của Thứ sử Tiêu Tư à, đã đầu hàng khi ta đánh Long Biên và nay ở Kiến Khang hưởng vinh hoa phú quý, biết không?

 Nguyễn Hán ra lệnh cắm cờ trắng lên thành. Loa từ quân Việt:

-Mở cổng thành ra và quan chức quân sĩ phải rời khỏi thành, vàng bạc ngọc trai phải để lại. Quan lại được đi xe và mang theo tùy tùng gia quyến, binh sĩ không được mang vũ khí. Người Việt trong quân đội nhà Lương ai muốn về quê thì về, ai muốn theo chúng ta thì được dung nạp.

(còn nữa)

CVL