Kỳ 35.
Lại nói ở Trung Quốc vào thế kỷ III sau công nguyên, cục diện Tam quốc bắt đầu năm 220, vào những năm 60 đang đến hồi kết thúc. Năm 264, nước Ngụy của dòng họ Tào diệt nước Thục Hán. Năm 266 Tư Mã Viêm cướp ngôi họ Tào lập ra nhà Tây Tấn. Năm 280, Tấn Vũ Đế tiêu diệt nhà Đông Ngô của dòng họ Tôn, thống nhất Trung Quốc. Nhà Tây Tấn tồn tại từ 266 đến 316 thì chuyển sang nhà Đông Tấn. Nhà Đông Tấn tồn tại từ 317 đến năm 420 thì diệt vong. Trung Quốc lại bước thời kỳ hỗn chiến chia cắt được gọi là thời kỳ Nam- Bắc triều. Bắc triều là phía Bắc nhiều triều đại kế tục nhau: Bắc Ngụy từ 386 đến năm 534, Đông Ngụy từ 534 đến 550, Tây Ngụy từ 533 đến 556. Còn có triều đại Bắc Tề, Bắc Chu. Tất cả đều bị Bắc Chu tiêu diệt. Bắc Chu tồn tại từ 557 đến 581. Bắc Chu bị Dương Kiên tiêu diệt năm 581, Dương Kiên xưng là Tùy Văn Đế, lập ra nhà Tùy. Trong khi đó, phía Nam Trung Quốc theo thời gian tồn tại nhiều triều đại được gọi là Nam triều: Lưu Tống từ 420 đến 479, Nam Tề từ 479 đến 502, nhà Lương của dòng họ Tiêu tồn tại từ 502 đến 557. Nhà Trần do Trần Bá Tiên sáng lập kế tục nhà Lương tồn tại từ 557 đến năm 589. Năm 589 Tùy Văn Đế tiêu diệt nhà Trần thống nhất Trung Quốc.
Với đất thuộc địa phía Nam Trung Quốc như Giao Châu, sau thời kỳ nhà Hán thì thuộc Đông Ngô thời Tam quốc thống trị. Kết thúc thời kỳ Tam quốc thì Giao Châu bị nhà Tấn thống trị, trong thời kỳ Nam- Bắc triều thì bị nhà Lương thống trị. Về hành chính, thời Đông Ngô đã tách Giao Châu thành hai châu là Quảng Châu ở phía Bắc bao gồm các quận Nam Hải, Thương Ngô và Uất Lâm, châu trị ở Phiên Ngung, Giao Châu ở phía Nam bao gồm các quận Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam, châu trị là Long Biên. Năm 271, Đông Ngô đã tách quận Nhật Nam thành hai quận là quận Cửu Đức ở phía Bắc và Nhật Nam ở phía Nam. Đến khi nhà Lương cai trị Giao Châu, về đơn vị hành chính, quận Giao Chỉ rộng lớn được gọi là Hoàng Châu, tách đất ở miền biển Đông Bắc Giao Chỉ, giáp với Hợp Phố thành lập quận Ninh Hải gồm các huyện An Bình, Hải Bình và Ngọc Sơn. Ở miền Trung, quận Cửu Chân và Nhật Nam được tách ra thành Ái Châu, Lợi Châu, Đức Châu và Minh Châu.
Nhà Lương vẫn tiếp tục những chính sách mà nhà Hán, Đông Ngô đã thi hành trước đây, vẫn là đàn áp dân Việt dã man, tăng mức sưu thuế, cống phẩm cống nạp, phu phen tạp dịch nặng nề, đồng hóa văn hóa nhằm buộc người Việt theo văn hóa, phong tục Hán.
Dân Việt ở Giao Châu ngày càng căm thù bọn cướp nước thống trị nhà Lương mà tiêu biểu là Thứ sử Lâm Vũ Hầu Lương Tiêu Tư. Bọn quan lại nhà Lương ở Giao Châu như ngồi trên ngọn sóng ngầm, như ngồi trên núi lửa sẵn sàng bùng lên thiêu đốt bọn xâm lược bạo tàn.
Giao Châu mùa đông năm 541. Màn đêm mênh mông đen ngòm bao phủ khắp nơi. Vùng huyện Chu Diên, quận Hoàng Châu cũng chìm trong bóng tối dày đặc. Gió lạnh đêm khuya ru cây lá xạc xào. Bầu trời đen kịt không một vì sao. Vài tiếng chó sủa vang lên trong vùng thôn quê im vắng.
Có một ngôi nhà gạch ngói chìm dưới những rặng tre, chuối, cau và mít. Ba mặt của cái sân gạch vuông vức mà mỗi cạnh là những cây cau cao vút lên không trung, những tán lá cây nặng nề lắc lư theo gió. Những cây cau cao chứng tỏ chủ nhân của chúng sống trên mảnh đất này đã lâu đời.
Trong căn phòng khách của ngôi nhà cột xà bằng gỗ lim đánh bóng, ánh đèn dầu lạc vàng khè leo lét cháy. Một chiếc bàn gỗ lim kê giữa hai chiếc tràng kỷ chạm khắc hoa văn cầu kỳ. Trên bàn có một bộ ấm chè và vài ba chiếc bát màu tím sẫm. Ngồi trên ghế là một người đàn ông khoảng 50 tuổi, mặt vuông vức, phương phi, vẻ rất Nho học, mình mặc áo dài đen, khoác áo bông đen. Đó là chủ nhân ngôi nhà, hào trưởng Triệu Túc. Ngồi đối diện với Triệu Túc là một thanh niên trẻ tuổi nhưng cao lớn lục lưỡng, khuôn mặt đẹp, thanh tú, lông mày rậm oai nghi lẫm liệt. Đó là Triệu Quang Phục, con trai của Triệu Túc. Hai cha con hôm nay thức khuya, bàn bạc để quyết định một công việc trọng đại định đoạt tương lai của cả gia đình và của cả bách tính Lạc Việt ở Giao Châu. Đó là trả lời câu hỏi có quyết định tham gia cuộc khởi nghĩa của Lý Bí phát động chống lại chính quyền của nhà Lương ở Giao Châu hay không?
Số là cách đây mấy hôm, một người bạn rất thân của Triệu Túc là Lý Bí đã quyết tâm kêu gọi, tập hợp bách tính khởi nghĩa lật đổ chế độ nhà Lương. Biết Triệu Túc là một hào trưởng có uy tín, có tri thức, có mưu lược, có tài văn chương, con trai Triệu Túc là Triệu Quang Phục có cả tài văn võ, Lý Bí đã sai người đến mời hai bố con Triệu Túc tham gia khởi nghĩa. Vì thế, mấy hôm nay bố con triệu Túc và Triệu Quang Phục đều thức khuya, mỗi tối cạn hai đĩa dầu đèn, cạn vài ba ấm chè xanh mà vẫn chưa đi đến hồi quyết định.
Với Triệu Quang Phụ, chỉ nghe lời cha kể thì chàng đã rất mến mộ khâm phục Lý Bí. Theo lời Triệu Túc thì Lý Bí còn có tên dân dã là Lý Bôn. Tổ tiên Lý Bí là người Hán, để tránh nạn binh đao loạn lạc, thời Tây Hán đã sang định cư ở quận Hoàng Châu, Giao Châu. Đến thời Lý Bí đã là đời thứ 11, trở thành người Việt hoàn toàn. Quê Lý Bí ở Phổ Yên, huyện Long Uyên, Hoàng Châu. Lý Bí sinh ngày 12-9 năm Quý Mùi (17-10-503). Như vậy, khi khởi nghĩa (541) Lý Bí mới 38 tuổi, cái tuổi đủ chín chắn để suy tính cho việc làm và hành động cứu nước. Triệu Quang Phục rất khâm phục tuổi trẻ của Lý Bí. Theo lời kể của Triệu Túc thì cha của Lý Bí là Lý Toản, cũng là một hào trưởng thương dân nhưng ông mất lúc Lý Bí mới 5 tuổi, mẹ là bà Lê Thị Oánh, người Cửu Chân, bà cũng sớm ra đi lúc Lý Bí mới 7 tuổi. Lý Bí ở với người chú. Có vị pháp sư thiền tổ đi qua trông thấy Lý Bí khôi ngô tuấn tú, thông minh liền xin ông chú cho về chùa nuôi dạy. Sau 10 năm đọc sách học tập đã giúp cho Lý Bí học rộng hiểu sâu, thiên tư lỗi lạc, văn võ kiêm toàn. Theo lời khen của Triệu Túc thì mặt mũi dáng điệu, phong thái của Lý Bí như phong thái của bậc đế vương, người sinh ra để cứu nguy cho bách tính, cho dân tộc.
Triệu Quang Phục nói, cũng là hỏi cha:
-Thưa cha, người tài giỏi như Lý Bí đang làm quan cho nhà Lương, con đường hoạn lộ và tương lai rộng mở, sao Lý Bí lại từ quan mà khởi nghĩa?
Triệu Túc uống ngụm nước chè nóng mà người gia nô trong nhà vừa mang lên và đáp:
-Do tài năng đức độ mà Lý Bí được làm thủ lĩnh địa phương. Thứ sử Giao Châu nhà Lương là Tiêu Tư nghe danh Lý Bí cũng là để lấy lòng dân Giao Châu, ra vẻ trọng nhân tài đã mời Lý Bí ra làm chức Giám quân ở Đức Châu. Chính thời gian này, Lý Bí càng thấy rõ hơn sự tàn bạo, độc ác của quân Lương đối với dân Việt ta, nhất là tên Thứ sử Tiêu Tư. Do đó, Lý Bý đã bỏ quan về quê và mấy ngày trước đây, ông quyết định dựng cờ khởi nghĩa, giải phóng đất nước, cứu bách tính giống nòi Lạc Việt.
Triệu Quang Phục hỏi:
-Vậy cha có định tham gia khởi nghĩa của Lý Bí không?
Triệu Túc đáp:
-Cả đời của cha rất mong muốn làm được điều gì đó cho bách tính, cho đất nước, nhất là sự nghiệp cứu giống nòi, cho nên cha đã quyết định tham gia lời mời của đại nhân Lý Bí.
Triệu Quang Phục nói:
-Vậy cha cho con cùng theo cha với nha.
Triệu Túc nói:
-Con năm nay mới 17 tuổi, còn quá trẻ, vả lại cha đi rồi con phải ở nhà chăm sóc mẫu thân của con.
Triệu Quang Phục nói:
-Cha thường giáo dục con lòng thương dân yêu nước. Không lẽ những lời giáo huấn của cha chỉ là sách vở, học thuộc rồi cất vào ngăn bàn. Những lời giáo huấn của cha nay đã đến lúc thực hành rồi cha.
Triệu Túc còn im lặng suy nghĩ thì phu nhân Nguyễn Thị Hựu bước vào:
Khuya rồi, hai cha con còn chưa đi ngủ, mai lấy sức mà về với Lý Bí sao?
Bà Hựu nói thêm:
-Tôi nghe hết rồi. Ông cứ cho thằng Phục nó theo ông làm việc đại nghĩa, còn để giúp đỡ ông. Tôi thì bố con ông không cần lo. Tôi còn khỏe, tự mình lo cho mình được. Thằng Phục có ở lại cũng bị giặc bắt lính, bắt phu làm sao mà thoát được. Cuối cùng cũng đi lính cho giặc Lương đánh lại dân mình, để lại tiếng xấu muôn đời thôi.
Triệu Quang Phục reo lên mững rỡ:
-Con cảm ơn mẹ.
Triệu Túc nói:
-Bà nói cũng phải.
Bà Hựu thúc giục:
-Thôi hai bố con đi ngủ đi!
Triệu Quang Phục đứng dậy:
-Con chào cha, con chào mẹ.
Rồi chàng đi về phòng mình. Đêm đó, Triệu Quang Phục ngủ không ngon giấc. Cuộc đời của Triệu Quang Phục ngày mai sẽ bước sang một trang mới, cuộc đời chinh chiến đánh giặc Lương tàn ác. Nghĩ tới đó chàng chập chờn giấc mơ gươm giáo cho tới sáng.
Sớm hôm sau, Triệu Túc và Triệu Quang Phục dậy sớm ăn sáng rồi gói ghém tư trang hành lý gồm quần áo và vũ khí. Bà Hựu còn chuẩn bị cho hai cha con bốn chiếc bánh chưng ăn đường, gia nhân đã chuẩn bị hai con ngựa khỏe. Hai cha con lên đường. Phu nhân và đám gia nhân khóc tiễn đưa hào trưởng Triệu Túc và công tử Triệu Quang Phục lên đường vì nghĩa lớn. Triệu Quang Phục ôm mẹ không muốn rời. Triệu Túc nói:
-Phu nhân và mọi người đừng khóc, hãy chờ tin chiến thắng của phụ tử chúng tôi. Nào con trai lên đường thôi.
Triệu Quang phục chào mẹ, chào gia nhân. Phu nhân và đám gia nhân nhìn theo hai người. Người và ngựa xa dần về hướng Tây, nơi đang sôi sục cuộc khởi nghĩa của Lý Bí.
Chiều tối hôm đó, Triệu Túc và Triệu Quang Phục đến làng Bảo Văn, Bình Xuyên, Huyện Tây Vu, Hoàng Châu, tổng hành dinh của Lý Bí.Thấy hai cha con Triệu Túc và Triệu Quang Phục về tham gia nghĩa quân, Lý Bí rất mừng. Tối hôm đó Lý Bí mở tiệc rượu khoản đãi. Triệu Quang Phục nhìn kỹ Lý Bí, đó là một người cao lớn, khỏe mạnh, mặt vuông tai dài, miệng rộng, mắt phượng mày ngài, dáng vẻ đàng hoàng của bậc đế vương. Sau khi chia ngôi chủ khách ngồi, Lý Bí giới thiệu: -Đây là quân sư Tinh Thiều, người nổi tiếng văn chương Giao Châu ta.
Tinh Thiều chắp tay hành lễ:
-Dạ, không giám
Mọi người cùng chắp tay đáp lễ.
Triệu Quang Phục liếc nhìn Tinh Thiều. Đó là một người khoảng 40 tuổi, dong dỏng cao, mặc áo dài đen, chít khăn đen, mắt sáng, dáng người nho nhã thông minh, tài trí.
-Đây là võ tướng Phạm Tu, 60 tuổi nhưng vì sự nghiệp cứu dân, cứu nước không quản tuổi già vẫn tham gia khởi nghĩa.
Phạm Tu chắp tay vái chào:
-Dạ không dám.
Mọi người chắp tay đáp lễ lão tướng. Triệu Quang Phục nhìn thì đó một người râu tóc đã ngã màu trắng như cước, mặt vuông, gia đỏ hồng hào, khỏe mạnh lực lưỡng, đúng là một lão dũng tướng.
Lý Bí giới thiệu tiếp:
-Đây là tướng Phạm Lạng, còn đây là ái nữ của tướng quân có quý danh là Phạm Thị Toàn, hai cha con cũng về tham gia đại nghĩa.
(Còn nữa)
CVL