Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 70)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên.

                

duong-tam-kha-1-1635045310.jpg
Tranh minh họa: Dương Tam Kha. Nguồn: Internet.

 

Kỳ 70.

                                                               X 

Tháng 10 năm 938, nắng ban mai của mùa đông mờ ảo rải xuống khắp làng Giàng, Dương Xá và thành Tư Phố. Núi Voi, núi Ngựa, núi Rùa, núi Ngũ Hoa vẫn nhô mình trong nắng và sương. Sông Mã vẫn chồm nước lên trắng xóa đổ về Đông. Ngô Quyền đang ngồi trong Đại sảnh đường Tư Phố suy nghĩ về cuộc tấn công Đại La bắt Kiều Công Tiễn. Một gia nhân bước vào:

-Dạ, bẩm Thứ sử chúa công, có tướng quân Kiều Công Hãn xin vào gặp.

-Cho vào!

Ngô Quyền bước ra cửa phòng để đón thì Kiều Công Hãn cũng vừa bước vào và thi lễ:

-Dạ, kính chào Thứ sử chúa công.

-Chào tướng quân.

Hai người bước vào sảnh đường chia ngôi chủ khách. Sau một vài chén nước, Ngô Quyền hỏi:

-Tướng quân mới từ Ái Châu về Phong Châu thăm nhà, có việc gì mà tướng quân phải vội về ngay Ái Châu vậy?

Kiều Công Hãn nói vẻ nghiêm trọng:

-Dạ, bẩm Thứ sử chúa công, có công việc quan trọng liên quan đến vận mệnh quốc gia. Số là tôi về Phong Châu thì thấy Kiều Công Thuận, người cùng ông tôi gây ra cái chết của Tiết Độ sứ Dương Đình Nghệ, được phong Tổng trấn La Thành. Tôi không gặp thúc thúc nhưng người nhà nói thúc thúc đã cãi nhau với ông tôi nên bỏ về. Tôi lập tức về La Thành xem có chuỵện gì xẩy ra. Hỏi một người lính thì họ nói nhỏ:

-Phản rồi, phản rồi, hôm qua Tiết độ sứ Kiều Công Tiễn đã phái sứ bộ sang cầu xin vua Nam Hán đem quân sang đánh Ngô Quyền và Dương Tam Kha. Phản rồi, phản rồi. Thúc thúc tôi không đồng ý với Kiều Tiết độ sứ nên đã bỏ về Phong Châu. Tôi hỏi thêm vài người lính nữa họ cũng nói như vậy.

  Vừa lúc đó một gia nhân vào báo:

-Bẩm chúa công, có thám mã từ Đại La về:

-Cho vào ngay!

-Dạ.

Người thám mã vào báo:

-Da, bẩm chúa công, có tin khẩn cấp, Kiều Công Tiễn đã cho sứ bộ sang Phiên Ngung cầu cứu quân Nam Hán vào đánh nước ta.

Ngô Quyền nói:

-Đa tạ, tôi cũng vừa nhận được tin này do tướng quân Kiều Công Hãn đây mang tới, như vậy tin này là hoàn toàn chính xác. Kiều Công Tiễn thế ngày càng cô lập nên ngày càng lao sâu vào con đường tội ác, mà tội lớn nhất là tội rước giặc vào nhà, tội bán nước. Như vậy, hiện nay vận mệnh nước nhà đang ở thế rất nguy nan, thù trong giặc ngoài. Cần phải bố cáo cho bách tính và các anh hùng hào kiệt khắp An Nam biết, kêu gọi về tụ nghĩa để giết giặc cứu nước. Người đâu!

-Dạ.

-Đem bút mực và giấy khổ lớn ra đây

-Tuân lệnh.

  Có giấy mực bút, Ngô Quyền ngồi vào bàn viết, chừng canh giờ sau thì Ngô Quyền viết xong, liền gọi;

-Người đâu?

-Dạ.

- Ngươi đem bài viết này cho văn phòng phủ Thứ sử chép thành nhiều bản lớn rồi sai phi ngựa đem dán ở tất cả các trấn trị lớn, các châu lớn như Tư phố, Đại La, Hồng Châu, Hoàng Châu, Ái Châu, Hoan Châu, Phong Châu, Lộc Châu, Hợp Phố… ngoài ra còn chép thành nhiều bản nhỏ niêm phong chuyển cho tất cả Thứ sử các châu. Nên nhớ, cáo thị và công văn trước khi niêm yết và gửi đi phải đóng dấu đỏ ấn Thứ sử Ái Châu. Rõ chưa?

-Dạ bẩm, rõ.

Ngô Quyền nói với một gia nhân khác:

-Ngươi đi mời các tướng Dương Tam Kha, Phạm Bạch Hổ, Đỗ Cảnh Thạc, Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn vào sảnh đường ngay!

Dạ, tuân lệnh.

Lát sau, các tướng bước vào, họ thi lễ chào Ngô Quyền, chào Kiều Công Hãn. Ngô Quyền và Kiều Công Hãn đáp lễ. Sau khi mọi người an tọa, Ngô Quyền nói:

-Các vị đều biết đây là tướng quân Kiều Công Hãn. Tướng quân là cháu Nội Kiều Công Tiễn nhưng kiên quyết phản đối những việc làm trái đạo nghĩa của ông nội. Hôm qua, Tướng quân đã đi từ Phong Châu xuống Đại La rồi từ Đại La đi suốt đêm về Ái Châu để thông báo một việc quan trọng khẩn cấp là Kiều Công Tiễn đã sai sứ bộ sang cầu viện vua Nam Hán đem quân vào giúp đỡ để bảo vệ chức Tiết độ sứ và quyền lợi của ông ta.

Mọi người sửng sốt:

-Sao lại làm như thế được!

Ngô Quyền nói tiếp:

-Ta cũng vừa được thám mã ở Đại La về báo tin này là chính xác. Như vậy đất nước đang bước vào thời kỳ nguy nan, thù trong giặc ngoài, bên trong là thế lực nội phản của Kiều Công Tiễn, bên ngoài là hàng vạn quân giặc sắp tiến vào xâm lược. Nếu để hai thế lực này hợp nhất được với nhau thì vận mệnh đất nước như nghìn cân treo sợi tóc. Ta đã viết “Cáo Thị” và công văn gửi đi tất cả các Thứ sử và bách tính các châu, kêu gọi họ về Ái Châu ứng nghĩa để chuẩn bị chống giặc. Tình thế hiện nay rất khẩn cấp, quân Nam Hán chỉ nay mai là kéo vào, vì vậy, phải tiêu diệt Kiều Công Tiễn, chiếm thành Đại La trước khi quân Nam Hán đến, làm mất chỗ dựa bên trong của chúng. Cho nên, phải cử một đạo quân tiến đánh Đại La trước khi quân Nam Hán đến, cũng trước cả khi các anh hùng hào kiệt về đây đầy đủ.

Đỗ Cảnh Thạc nói:

-Tình hình như vậy rất khẩn cấp, đòi hỏi phải hành động nhanh chóng, chúa công cứ ra mệnh lệnh, chúng tướng sẽ chấp hành.

Ngô Quyền nói:

-Trong bảy năm qua, ta đã xây dựng quân Khúc-Dương lên một chất lượng mới. Chúng ta có bộ binh hùng mạnh, có kỵ binh, có thủy binh. Thủy binh có nhiều loại thuyền, thuyền lớn, thuyền nhỏ. Ta có một đội quân đặc biệt tinh nhuệ vô song, có 3000 dũng sĩ từ thời nhạc phụ ta, nay ta phát triển lên một vạn. Trang bị của quân Khúc- Dương cũng được tăng cường gồm giáo, mác, gươm, dao, khiên, mộc, cung mạnh, nỏ cứng chất  lượng tốt. Ta đã sử dụng cất nhắc nhiều tướng tài chỉ huy. Tuy nhiên, thắng lợi của chiến tranh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng sức mạnh, chất lượng của quân đội là rất quan trọng. Nay đánh thành Đại La được giao cho các tướng sau đây:

-Dương Tam Kha làm Tổng chỉ huy, Đỗ Cảnh Thạc làm Phó cùng các tướng Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn, Phạm Bạch Hổ đem 3000 võ sĩ, 3 vạn quân tiến đánh Đại La, ngay chiều hôm nay xuất phát. Càng hạ được Đại La sớm càng tốt. Quân số lực lượng như vậy là rất mạnh. Chúc huynh Dương Tam Kha và các tướng quân thắng lợi. Còn việc tổ chức đánh quân Nam Hán, ta chờ hai hôm nữa khi các anh hùng hào kiệt đến sẽ bàn sau.

Dương Tam Kha và các tướng đứng dậy chắp tay:

-Xin đa tạ chúa công, chúng tôi nhất định đem tin thắng lợi trở về.

Ngay chiều hôm đó, đạo quân tiến đánh Đại La do Dương Tam Kha làm chủ soái, Đỗ Cảnh Thạc làm phó soái lên đường. Quân đi suốt đêm, chiều hôm sau thì đến nơi, khi con cách thành nửa dặm thì dàn trận, chờ quân Kiều Công Tiễn ra nghênh chiến. Chờ đến hai canh giờ mà cửa thành vẫn đóng. Thốt nhiên, từ trên mặt thành một mũi tên bắn xuống rơi ngay trước mặt Dương Tam Kha. Một người lính nhặt lên, rút tờ giấy ghim ở đầu mũi tên đưa cho Dương Tam Kha. Dương Tam Kha mở tờ giấy. Thư viết; “Kiều Công Tiễn tướng yếu, quân ít, sợ không ra giao chiến mà ngồi đợi viện binh của Nam Hán đến. Chúng tôi là quân Khúc-Dương của Tiết  độ sứ Dương Đình Nghệ đã trá hàng, giấu mình trong thành. Đêm nay canh ba khi chúng tôi giết lính canh, mở cổng thành thì có hai phát tên lửa bắn lên, Tướng quân hãy tấn công vào thành sẽ bắt được Kiều Công Tiễn.”

Ngô Xương Văn nói:

-Nhỡ đây là kế mai phục của Kiều Công Tiễn thì sao?

Ngô Xương Ngập nói:

-Ta cho 3000 dũng sĩ tràn vào trước, sau đó 3 vạn quân tiến theo sau, cho dù chúng có kế mai phục thì chúng vẫn bị tiêu diệt.

Dương Tam Kha dặn quân lính:

-Khi vào thành không được đốt phá, không được giết bừa bãi, chỉ giết những tên chống cự, ai đầu hàng thì thôi, vì trong thành có cả quân Khúc- Dương trá hàng Kiều Công Tiễn để náu mình.

Mọi người nói:

-Xin tuân lệnh chủ soái.

Đêm đó, canh ba, quân Dương Tam Kha tiến đến gần thành. Trên thành không một mũi tên bắn trả vì lính của Kiều Công Tiễn đã bị quân Khúc- Dương xưa của Dương Đình Nghệ trá hàng giết hết. Hai phát tên lửa bắn lên không trung sáng rực, cổng phía Đông thành Đại La mở toang. 3000 dũng sĩ lao vào, theo sau là 3 vạn quân. Thành Đai La náo loạn. Hầu hết quân trong thành đều buông vũ khí, quỳ xuống đầu hàng, số chống cự và bị giết rất ít. Dương Tam Kha chĩa gươm vào một tên tùy tướng và hỏi:

-Dẫn ta đến chỗ Kiều Công Tiễn ta sẽ tha mạng.

-Dạ mạt tướng xin dẫn đường.

Tên tùy tướng chạy trước. Dương Tam Kha và 100 võ sĩ theo sau đến hành cung của Tiết Độ Sứ. Những tên lính gác chống cự đều bị giết. Dương Tam Kha xông vào căn phòng sang trọng, mấy võ sĩ đạp tung cửa xông vào. Kiều Công Tiễn đang run rẩy trên giường ngủ kêu lên:

-Kiều Công Thuận đâu, các võ sĩ của ta đâu, người đâu!

Dương Tam Kha bước lại gần trỏ gươm vào mặt Kiều Công Tiễn:

-Thằng phản bội, mày đã ăn nát bát nát nồi nhà tao ở Dương Xá, mày bất tài nhưng cha ta đã cho mày quyền cao chức trọng ở Phong Châu, vinh hoa phú quý, mày không đền ơn lại còn giết hại nghĩa phụ của mình. Con chó được nuôi còn biết ơn trung thành với chủ, mày không bằng loài cầm thú, lại còn cầu viện Nam Hán, bán rẻ giang sơn cho lũ giặc ngoài.

Kiều Công Tiễn run rẩy:

-Lão phu biết tội rồi, xin đệ nể tình mà tha cho huynh. Lão phu sẽ từ chức mà về Phong Châu…

-Ai huynh đệ với loài cầm thú như mày. Tao tha nhưng các anh hùng hào kiệt, bách tính có tha cho mày không. Họ đang nóng lòng muốn xé xác tên bán nước, phản dân như mày.

  Dương Tam Kha xuống gươm qua cổ Kiều Công Tiễn, cái đầu đẫm máu lăn xuống đất, cái thây cũng nhuộm máu vật xuống giường. Dương Tam Kha ra lệnh:

-Đem đầu hắn treo trước cổng chính thành Đại La để răn dạy kẻ bất hiếu, bất trung, bất nghĩa, bán nước cầu vinh, để cho bách tính thỏa lòng!

 Khi quân Dương Tam Kha đang đánh Đại La thì ở tất cả các trấn trị các châu, bách tính khắp nơi đã đọc được bản “Cáo thị” của Thứ sứ Ái Châu Ngô Quyền. “Cáo thị” viết: “Tên Kiều Công Tiễn là nghĩa tử của Dương Tiết độ sứ, bất tài nhưng đã được nâng đỡ thành Thứ sử Phong Châu. Bảy năm cai trị Phong Châu, Kiều Công Tiễn tham lam, tàn bạo, vơ vét, bóc lột, giết hại bách tính, tham lam của cải, còn tham lam quyền lực. Tháng 4 năm 937 đã giết hại nghĩa phụ của mình và đoạt chức Tiết độ sứ. Nay, để bảo vệ cho chức Tiết độ sứ của mình, Kiều Công Tiễn đã cầu viện quân Nam Hán tiến vào xâm lược An Nam. Kiều Công Tiễn đã phạm tội bất hiếu, bất trung, bất nghĩa, cam tâm bán nước, làm tay sai cho giặc ngoại bang.Tội của Kiều Công Tiễn trời không dung đất không tha.

Hỡi bách tính, hỡi các anh hùng hào kiệt, hào trưởng bốn phương, nay vận nước lâm nguy, trong thì nội phản, ngoài thì giặc Nam Hán sắp kéo sang. Mạt tướng là Ngô Quyền kêu gọi các anh hùng hào kiệt, hào trưởng bốn phương hãy về Ái Châu tụ nghĩa để tiến ra biên cương diệt thù cứu nước!

Nay kính cáo. Thứ sử Ái Châu Ngô Quyền”.

Ở các phủ đường các châu, các quan Thứ sử cũng nhận được công văn của Ngô Quyền với nội dung như trên.

Sau bảy ngày gửi “Cáo thị” và công văn, lần lượt Thứ sử và hào trưởng các châu đã đem quân bản bộ của mình về làng Giàng, Dương Xá, Ái Châu tụ nghĩa để cùng Ngô Quyền đánh quân Nam Hán. Gồm có:

1.Lê Minh Trang, hào trưởng Thuận Thành Vũ Ninh.

2.Phạm Chiêm, hào trưởng Nam Sách, Hồng Châu.

3.Nguyễn Khoan, Cần Hạt tướng quân.

4.Nguyễn Thủ Tiếp, Tứ Xuyên Đô hộ.

5.Nguyễn Siêu, Thống Lĩnh tướng quân.

6.Nguyễn Tất Tố,  hào trưởng Gia Viên, Lục Châu.

7.Đào Nhuận, hào trưởng Gia Viên, Lục Châu.

8.Phạm Lệnh Công, hào trưởng Nam Sách, Hồng Châu.

9. Đinh Công Trứ, Thứ sử Hoan Châu.

10. Đinh Bộ Lĩnh, hào trưởng Trường Châu .

11. Lê Hương, hào trưởng Ái Châu.

Các hào trưởng đem theo hàng nghìn quân bản bộ của mình về. Cùng với quân Khúc- Dương, quân của các hào trưởng hạ trại màu xanh, đỏ, nâu mênh mông suốt một vùng hữu ngạn sông Mã.

  Sau tiệc đón mừng thì Ngô Quyền cho họp với các hào trưởng ở đại sảnh đường phủ đường Tư Phố. Ngô Quyền đứng lên thi lễ và nói:

-Đa tạ các anh hùng hào kiệt, các vị tướng quân, các hào trưởng đã về để lo việc cứu nước. Việc đánh giặc là việc khó khăn trọng đại và phải có Thống soái chỉ huy thống nhất. Nay xin các quý vị cử ra một Chủ soái để điều hành chỉ huy ba quân đưa sự nghiệp chúng ta tới thắng lợi, đánh tan quân Nam Hán, cứu nước, cứu nhà.

Đinh Công Trứ nói:

-Qua cuộc kháng chiến đánh quân Nam Hán năm 931, tài năng quân sự của Thứ sử Ngô Quyền đã được thể hiện, vả lại, nay Thứ sử là chủ soái của quân Khúc -Dương hùng mạnh, để thống nhất chỉ huy, lão phu đề đạt Ngô Thứ sử là thống soái chỉ huy ba quân.

Sau ý kiến của Đinh Công Trứ, cả đại sảnh đường hơn chục vị tướng quân đều đồng thanh:

-Ngô Thứ sử là chủ soái.

Ngô Quyền đứng dậy nói :

-Đa tạ các tướng quân đã tín nhiệm.Vậy mạt tướng xin tuân lệnh. Mạt tướng có một kế hoạch điều động quân đội như sau lên các mặt trận chống giặc.

-Theo truyền thống tấn công vào nước ta của quân phương Bắc thì quân Nam Hán sẽ vào nước ta theo ba đường. Đạo bộ binh thứ nhất có thế đi vào Quỷ Môn Quan, tiến vào vùng Lạng Châu và tiến xuống Đại La. Nay điều tướng quân Lê Minh Trang, Phạm Chiêm, Nguyễn Khoan, Nguyễn Thủ Tiếp đem quân lên chặn địch ở đầu địa phận Lạng Châu. Cánh quân này do tướng Lê Minh Trang làm chủ soái, Tướng Nguyễn Khoan làm phó soái. Nhiệm vụ của các tướng quân là chặn không cho địch tiến xuống Đại La. Ở đây địa hình hiểm trở, các tướng có thể dùng mai phục, truy kích tập kích mà tiêu diệt địch, không được sơ suất và mọi người phải chịu theo quân luật.

  -Đạo bộ binh địch còn có thể tiến theo Hợp Phố vào Lục Châu và theo ven bờ biển tiến vào Hồng Châu. Ở đây xin điều động các tướng Nguyễn Siêu, Phạm Lệnh Công, Lê Hương, Đinh Công Trứ, Đinh Bộ Lĩnh chặn địch ở vùng Hợp Phố, không cho chúng tiến vào để phối hợp với thủy binh. Đạo này do Tướng quân Đinh Công Trứ làm chủ soái, tướng Phạm Lệnh Công làm phó soái.

 - Đạo thứ ba là đạo thủy binh. Thủy binh Nam Hán sẽ tiến vào sông Bạch Đằng rồi từ đó vào sông Kinh Thầy tới Lục Đầu Giang để phối hợp với bộ binh. Tại mặt trận này do mạt tướng chỉ huy, có nhiệm vụ chặn đánh tiêu diệt địch trên sông Bạch Đằng, không cho chúng tiến vào Lục Đầu Giang để phối hợp với bộ binh.

(Còn nữa)

CVL