Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 37)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập II của PGS TS Cao Văn Liên.
chu-lh1-1638325299.jpg
Tranh minh họa:  Dương Vân Nga trao áo Long Cổn cho Lê Hoàn. Nguồn: Internet.

 

Kỳ 37.

Ngay chiều hôm đó, trong đại điện của triều đình Hoa Lư đông đủ văn võ bá quan thiết triều nghe thông báo đất nước lâm nguy và bàn phương sách kháng chiến chống giặc. Sau khi Dương thái hậu, hoàng đế Đinh Toàn và bá quan văn võ nghe đọc thư của quan Tổng trấn đạo Lạng Châu báo về việc 6 vạn quân thủy bộ nhà Tống đã áp sát biên giới, sắp tiến vào Đại Cồ Việt và nghe chiếu thư của vua Tống, văn võ bá quan tức giận đập bàn la lớn:

- Thằng trẻ con Triệu Quang Nghĩa láo xược…

- Thật là thằng vua lưu manh, cậy nước lớn bắt nạt nước nhỏ.

- Táng cho nó vỡ mặt ra, cho nó biết thế nào là Đại Cồ Việt.

Lê Hoàn nói:

- Các vị văn võ bá quan trật tự. Có vị nào tấu thì bước ra.

Đại tướng Phạm Cự Lượng nói:

Thần có tấu:

- Đại tướng nói đi.

- Dạ bẩm hoàng thái hậu, Hoàng thượng và phó vương nhiếp chính, nay sở dĩ Triệu Quang Nghĩa và quân Tống sang xâm lược nước ta vì chúng tưởng nước Đại Cồ Việt ta không có chủ. Nhưng để đánh được chúng phải có vị vua tài giỏi về quân sự và chính trị, đủ sức lãnh đạo bách tính và quân đội kháng chiến để cứu nước. Cáo thị văn võ bá quan biết là hiện 3 vạn quân đã đứng ngoài sân rồng, nhờ mạt tướng gửi nguyện vọng tới hoàng thái hậu, tới Hoàng thượng, tới văn võ bá quan rằng vì sự tồn tại và chiến thắng của đất nước, quân đội có nguyện vọng muốn Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi hoàng đế để đủ sức lãnh đạo đánh quân Tống. Vì nước Đại Cồ Việt, vì bách tính, mong hoàng thái hậu, Hoàng thượng và văn võ bá quan chấp nhận.

Triều thần văn võ bá quan cùng quỳ xuống hô to:

- Vì nước Đại Cồ Việt, vì bách tính, kính mong hoàng thái hậu và Hoàng thượng chấp thuận để thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi.

Thái hậu Dương Vân Nga đứng dậy nói:

- Nước mất thì nhà tan, Đại Cồ Việt mà mất vào tay nhà Tống thì nhà Đinh cũng không còn. Nay thể theo nguyện vọng của bá quan văn võ, của bách tính, của tướng lĩnh và quân đội cần có một vị vua tài năng để chiến thắng quân giặc, ta đồng ý trao ngai vàng cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn. Quan nội thị đâu

- Dạ, có thần.

- Mang áo long bào của Đinh Tiên Hoàng Đế ra đây.

- Dạ.

Quan nội thị vào nội điện bê ra một hòm gỗ sơn son thếp vàng. Thái hậu nói;

- Quan nội thị mở ra.

Quan nội thị mở ra và cầm áo đưa cho hoàng thái hậu. Chiếc áo long bào màu vàng, có thêu hình hai con rồng màu đỏ uốn lượn uy nghi và hai đầu rồng quy tụ chầu mặt trời ở trước ngực. Hoàng Thái hậu trao áo cho Lê Hoàn và nói:

- Thập đạo tướng quân hãy nhận.

Lê Hoàn quỳ xuống nói:

- Dạ bẩm hoàng thái hậu, thần không dám, đây là của Tiên Đế Đinh Tiên Hoàng, của triều đại nhà Đinh.

Dương thái hậu nói:

- Áo long bào và Quốc ấn là quyền lực của hoàng đế, mà quyền lực của hoàng đế là quyền lực của quốc gia, quyền lực quốc gia thì không phải là của riêng một dòng họ nào. Khi quốc gia cần người nào thì người đó phải cầm quyền để vì bách tính, vì quốc gia. Thập đạo tướng quân không muốn vì quốc gia nữa sao?

Lê Hoàn đáp:

- Thần không dám.

Hoàng thái hậu tiến lại gần Lê Hoàn, tự tay khoác áo long bào lên vai Lê Hoàn và nói:

- Có văn võ bá quan chứng dám, ta khoác long bào cho Thập đạo tướng quân là giao trọng trách quốc gia nặng nề cho ngài ấy. Ngài ấy không hoàn thành, triều đình hãy luận tội.

Các đại thần vội quỳ xuống đồng thanh hô:

- Hoàng thái hậu anh minh.

- Chúc Thập đạo tướng quân Hoàng thượng vạn vạn tuế.

Ngoài sân rồng, 3 vạn quân sĩ cũng hô vang:

- Thập đạo tướng quân Hoàng thượng vạn vạn tuế.

Các đại thần tấu tiếp:

- Xin Hoàng thượng định ra đế hiệu và định ra kế sách chống giặc để triều đình và bách tính yên lòng.

Lê Hoàn đứng dậy nói:

- Đa tạ hoàng thái hậu, đa tạ Vệ Vương Đinh Toàn, đa tạ các ái khanh. Các ái khanh bình thân.

- Tạ ơn Hoàng thượng.

- Nay ta ban đế hiệu là Lê Đại Hành, mở đầu cho triều đại nhà Lê. Lê Đại Hành có nghĩa là bước đi lớn, hành động lớn vì Đại Cồ Việt, vì bách tính. Kinh đô vẫn là Hoa Lư, quốc hiệu vẫn là Đại Cồ Việt, lấy niên hiệu Thiên Phúc. Phong Phạm Cự Lượng giữ chức Thái úy, Hồng Hiến giữ chức Thái sư, Lưu Cơ, đại sư Ngô Chân Lưu và sư Pháp Luân làm quân sư. Còn về kế sách chống giặc, ta sẽ tự thân chinh làm chủ soái đem 10 vạn quân lên phía Bắc chống giặc, phong Đại tướng Thái úy Phạm Cự Lượng làm phó chủ soái. Về kế hoạch tác chiến, tối nay mời tất cả các tướng lĩnh, võ quan của triều đình đến Tổng hành dinh họp bàn cụ thể. Triều đình và bách tính Đại Cồ Việt hãy tin tưởng vào thắng lợi của cuộc chiến chống xâm lược này. Trẫm sẽ làm cho nhà Tống biết thế nào là quân dân Đại Cồ Việt. Các ái khanh còn ai tấu gì nữa không?

- Chúng thần tuân chỉ.

Mùa đông đêm xuống rất nhanh. Bóng đêm bao trùm khắp kinh đô Hoa Lư. Trong Tổng hành dinh của quân Hoa Lư đèn dầu sáng lung linh. Lê Đại Hành ngồi ghế chủ soái, các tướng lĩnh và võ quan ngồi ở bàn ghế kê dọc. Sau một lượt trà, Lê Đại Hành nói:

- Theo tin tức thám mã, quân Tống chia làm hai đạo, đạo bộ binh do Tôn Toàn Hưng chỉ huy tiến từ Ung Châu vào Lạng Châu. Mục tiêu của đạo bộ binh là tiến đánh Đại La và từ Đại La tiến vào Hoa Lư. Đạo thủy binh do Lưu Trừng chỉ huy, xâm nhập từ bờ biển Lục Châu vào sông Bạch Đằng. Từ Bạch Đằng, thủy binh Tống buộc phải chia làm hai đạo, một đạo từ Bạch Đằng vào sông Kinh Thầy và đi vào Lục Đầu Giang vào sông Cầu chở bộ binh vượt sông và cùng tấn công Đại La, cùng tấn công Hoa Lư, một đạo tấn công phòng tuyến Bình Lỗ để mở đường theo sông Luộc và tấn công kinh đô Hoa Lư cùng bộ binh. Toàn bộ cuộc viễn chinh này do Tri Ung Châu Hầu Nhân Bảo làm tổng chỉ huy, đợt đầu huy động khoảng 6 vạn quân, sẽ tăng quân khoảng 4 vạn nữa tiếp theo. Mục tiêu chính là tiêu diệt toàn bộ quân Đại Cồ Việt và chiếm kinh đô Hoa Lư để kết thúc chiến tranh. Do đó, mục đích của quân ta là tiêu diệt địch, ngăn không cho chúng vào Hoa Lư. Qua kế hoạch đại lược của quân Tống như vậy, các tướng quân cho các cao kiến để đánh thắng quân giặc.

(Còn nữa)

CVL