Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 34)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập II của PGS TS Cao Văn Liên.
den-vua-dinh-tien-hoa-1638063398.jpg
Đền vua Đinh Tiên Hoàng tại xã Trường Yên, Hoa Lư- Ninh Bình được xếp vào di tịch đặc biệt, cũng đồng thời là nơi vua lập đô khi xưa. Nguồn: Internet.

 

Kỳ 34.

- Thì ra nó trốn trên đó hai ngày ròng đói khát. Vậy nó giết vua làm gì?

- Nghe nói nó mơ thấy sao rơi vào miệng, điềm làm vua nên giết vua để ngồi lên ngai vàng.

- Sao nó ngu vậy. Nó là một hoạn quan không thế lực. Bao nhiêu đại thần như Nguyễn Bặc, Lê Hoàn, Lưu Cơ, Đinh Điền, Phạm Cự Lượng, Phạm Hạp… ai để cho nó ngồi lên ngai vàng cơ chứ.

- Hay là có một thế lực đại thần nào đó đứng đàng sau Đỗ Thích?

- Này, vạ từ mồm. Muốn vào vạc dầu tắm hay vào cũi chơi với hổ?

- Dạ, tiện dân không dám.

- Hay là Đỗ Thích là tay sai của nhà Tống. Nó giết vua giỏi của ta để gây rối loạn mà sang xâm lược Đại Cồ Việt?

- Có thể như thế. Bọn giặc phương Bắc rất nhiều mưu mẹo gây rối và phá phách để phục vụ cho âm mưu của chúng.

- Thế thì Đại Cồ Việt nguy to rồi.

- Nguy gì, thời thế nào có anh hùng nấy, không còn Đinh Tiên Hoàng này thì có Đinh Tiên Hoàng khác. Chỉ tiếc là hai vị anh hùng xông pha trăm trận để thống nhất đất nước, lại chết vì chính nội bộ của mình, lại chết một cách không rõ ràng như vậy?

- Các cụ đã dạy rồi, lúc chiến trận một sống một chết nên phải đề phòng, lúc hòa bình thì lại càng phải đề phòng. Nhưng thường khi đã thành công rồi lại hay buông lỏng không đề phòng nữa. Các cụ có biết chuyện Triệu Việt Vương xông pha trăm trận đánh bại giặc Lương mà chết vì trúng mưu của thằng con rể Lý Nhã Lang không? Hay chuyện mới gần đây của Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ không, đánh dẹp hàng vạn quân Nam Hán, giành độc lập tự chủ mà lại chết bởi tay thằng con nuôi Kiều Công Tiễn. Cho nên, giặc trong nhà nguy hiểm và khó đánh hơn giặc ngoại xâm. Vì vậy, các cụ dạy không bao giờ sai, bậc đế vương, đại thần khi đã thành công càng phải đề phòng.

Nước Chiêm thành phía Bắc giáp quận Nhật Nam của Đại Cồ Việt, phía Nam giáp Chân Lạp ở vùng sông Đồng Nai, phía Đông giáp biển, bốn mùa đều có nắng chang chang. Tháng 10 rồi mà kinh đô Đồng Dương vấn nóng gay gắt. Trong cung điện của vua Chiêm Thành Bê Mỹ Thuế, những nô tì khỏe mạnh đang đứng phục vụ nhà vua và vị khách không mời mà đến là Ngô Nhật Khánh. Hai người đang đàm đạo thông qua một người Việt, biết cả tiếng Việt và tiếng Chăm. Chợt có tùy tướng vào báo:

- Dạ bẩm Hoàng thượng, có thám mã từ Đại Cồ Việt về xin gặp.

- Cho vào

Thám mã vào quỳ và nói:

- Dạ, bẩm Hoàng thượng, tin chính xác từ kinh đô Hoa Lư Đại Cồ Việt là vua Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt Vương Đinh Liễn đã bị đầu độc qua đời.

- Ai đầu độc?

- Dạ, bẩm Hoàng thượng, triều đình nghi là nội quan Đỗ Thích. Đỗ Thích đã bị ném cho hổ xé xác nên không biết ai đứng đằng sau.

Được tin, Ngô Nhật Khánh vui mừng:

- Trời cho ta quay về lấy lại ngai vàng rồi. Ha!ha!ha!

Vua Chiêm Thành Bê Mỹ Thuế cũng cười ha hả:

- Trời cho ta đất Đại Cồ Việt rồi. Ha! ha! ha!

Bê Mỹ Thuế biết là nói hớ, bèn nhìn Ngô Nhật Khánh và nói:

- À, ta nói nhầm, ta nói là tướng quân sắp được ngai vàng và Đại Cồ Việt rồi.

Ngô Nhật Khánh làm như không biết gì, cúi đầu:

- Đa tạ Hoàng thượng, Hoàng thượng hãy giúp đỡ ta.

Nói vậy nhưng Ngô Nhật Khánh thừa hiểu ý đồ của Bê Mỹ Thuế là muốn xâm lăng Đại Cồ Việt để mở rộng đất đai, lãnh thổ. Biết vậy nhưng Ngô Nhật Khánh vẫn phải nhờ vả để mượn quân của Bê Mỹ Thuế lấy lại ngai vàng và Đại Cồ Việt, nếu mà thành công thì sau này mới tính chuyện với Bê Mỹ Thuế. Lúc đầu Ngô Nhật Khánh muốn sang cầu viện nhà Tống nhưng nhà Tống đã công nhận nhà Đinh rồi nên chuyển xuống phía Nam nhờ Chiêm Thành.

Hôm sau, Bê Mỹ Thuế huy động 300 chiến thuyền, 3 vạn quân sĩ cùng Ngô Nhật Khánh tiến ra Đại Cồ Việt để tấn công kinh đô Hoa Lư. Đến vùng biển Ái Châu, Bê Mỹ Thuế chia thủy binh làm hai đạo. Một đạo tiến vào Thần Phù, một đạo tiến vào cửa biển Đại An cùng tấn công Hoa Lư. Bê Mỹ Thuế nói:

- Ta tấn công bất ngờ và hai cánh hợp vây thế này là giành chắc phần thắng.

Ngô Nhật Khánh cười ha hả:

- Hoàng thượng nói phải lắm.

Và cùng chạm cốc vơi Bê Mỹ Thuế, cùng ở lâu thuyền xem cung nữ Chăm múa hát.

Thốt nhiên, phía trời đông, những đám mây đen không lồ cuồn cuộn bao phủ và một chiếc cột không lồ trên đám mây nối với biển mà dân gọi là vòi rồng. Kinh nghiệm khi đã có vòi rồng thò xuống biển là báo hiệu một trận cuồng phong khủng khiếp đang đến. Quả nhiên gió thổi mạnh và mọi vật đều bay lên trời. Sóng chồm lên cao như núi, đó là sóng thần, 300 chiến thuyền và 3 vạn quân Chiêm Thành bị nhấn chìm xuống đáy biển. Ngô Nhật Khánh cũng bị chìm nghỉm xuống đáy biển mang theo cả giấc mộng đế vương bán nước để rồi không bao giờ thành hiện thực. Bê Mỹ Thuế may mắn ôm chắc được một cây gỗ cột buồm của chiến thuyền và cứ vậy cho sóng đánh trôi về phía Nam, cho đến khi gần chết ngất thì được một thuyền chài của ngư dân cứu thoát, vớt lên thuyền cho ăn uống, được đưa về biển Quảng Nam mà về kinh đô Đồng Dương. Bê Mỹ Thuế sống sót nhưng đã vùi 300 chiến thuyền và 3 vạn thủy binh cùng giấc mộng xâm lăng Đại Cồ Việt xuống biển sâu.

Tháng 10 năm 979, kinh đô Hoa Lư chìm trong giá rét, bầu trời xám nặng nề như thấp xuống. Vài đàn chim bay về phương Nam tránh rét vội vàng. Lá vàng quanh cung điện rơi rắc khắp lối đi lát đá, cây lắc lư theo gió xạc xào.

Trong cung điện, triều đình nhà Đinh đang thiết triều quyết định những công việc cực kỳ quan trọng. Trên ngai vàng, Vệ Vương Đinh Toàn đội vương miện, mặc áo bào vàng đăng quang ngôi hoàng đế. Sau rèm mỏng có thể thấy rõ hoàng thái hậu Dương Vân Nga ngồi sau, tóc búi cao, cài trâm vàng. Bà vô cùng lộng lẫy và xinh đẹp. Ở dưới, bá quan văn võ phẩm phục đủ màu theo chức tước văn hay võ mà ngồi. Họ ngồi im lặng. Nội quan Trương Hạc nói:

- Bá quan văn võ nghe chiếu chỉ!

Bá quan văn võ vội rời ghế quỳ nghe.Trương Hạc đọc: “Phụng thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết, nay chẳng may Đinh Tiên Hoàng Đế sớm về cõi Niết Bàn, nước một ngày không thể không có vua. Ta, Vệ Vương Đinh Toàn được sự phò tá của các đại thần, tuân theo mệnh trời, nay đăng quang ngôi báu để trị vì muôn dân Đại Cồ Việt, giữ vững cơ nghiệp tổ tiên và bình yên cho thiên hạ. Tuy nhiên, Trẫm còn quá trẻ, còn thiếu kinh nghiệm, nay bổ nhiệm Thập đại tướng quân Lê Hoàn làm Nhiếp chính kiêm Phó vương để phò trợ cho trẫm hoàn thành sứ mệnh với bách tính, với xã tắc, non sông Đại Cồ Việt. Khâm thử”.

Cả triều đình đồng thanh:

- Chúng thần chúc mừng Hoàng thượng vạn vạn tuế, chúc mừng hoàng thái hậu thiên thiên tuế.

Dương Vân Nga nói:

- Các ái khanh bình thân.

- Tạ ơn thái hậu, tạ ơn Hoàng thượng.

Thái hậu nói:

- Ai có gì tấu thì bước lên.

Định Quốc công Nguyễn Bặc đứng lên:

- Thần có lời tấu. Thần xin chúc mừng Hoàng thượng đăng quang, chúc mừng hoàng thái hậu. Nhưng thần phản đối việc để Thập Đạo tướng quân Lê Hoàn làm phó vương. Vua còn nhỏ, thái hậu chỉ biết có hậu cung. Lê Hoàn là Thập đạo tướng quân, trong tay nắm toàn bộ binh quyền, vua sẽ bị uy hiếp. Ai biết cơ nghiệp nhà Đinh tồn tại đến lúc nào? Nay mai ngai vàng và Đại Cồ Việt có còn là của nhà Đinh nữa hay không?

Cả triều đình choáng váng với lời nói gay gắt của Nguyễn Bặc. Nguyễn Bặc, Lê Hoàn là những khai quốc công thần, trụ cột của triều đình, của quốc gia. Vua còn nhỏ, các đại thần phải đồng tâm nhất trí. Nay Nguyễn Bặc nói gay gắt như vậy là gây thù chuốc oán với Thập Đạo tướng quân, sẽ gây thù địch chia rẽ. Đất nước loạn to rồi.

Trong không khí nặng nề đó, Đại tướng Phạm Hạp đứng dậy:

- Thần có lời tấu. Bẩm thái hậu, bẩm Hoàng thượng, thần cho rằng những lời nói của Định Quốc Công Nguyễn Bặc là chí lý. Thần chưa thấy ở quốc gia nào vừa là Nhiếp chính lại vừa là Phó vương. Giao nhiều chức như vậy chỉ tạo điều kiện cho Thập Đạo Tướng quân Lê Hoàn lấn át Hoàng thượng, lấn át hoàng thái hậu mà thôi.

Sau Phạm Hạp thì Ngoại giáp Đinh Điền đứng dậy:

- Thần có lời tấu: Thần cho rằng Định Quốc công Nguyễn Bặc và Đại tướng Phạm Hạp nói chí phải. Vì triều đình nhà Đinh, mong Hoàng thượng, hoàng thái hậu suy xét.

Dương thái hậu nói:

- Đa tạ các vị lão thần đã lo lắng cho triều nhà Đinh. Nhưng những lời tấu của Định Quốc công Nguyễn Bặc, của Đại tướng Phạm Hạp, của Ngoại giáp Đinh Điền là không có căn cứ và suy đoán, là nghi ngờ lòng trung thành của Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn. Cũng như các vị, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn cũng là bậc nhất khai quốc công thần, vào sinh ra tử với Đinh Tiên Hoàng Đế để lập quốc, thống nhất thiên hạ. Các vị nói vậy là mất tình chiến hữu, tình đồng triều, đồng lưu, là ngang niên đối lập với Thập đạo tướng quân. Vả lại, các vị mới thấy triều Đinh mà chưa thấy vận mệnh của đất nước. Phía Nam thì Chiêm Thành vừa tiến đánh, phía Bắc thì nhà Tống đã thống nhất Trung Nguyên. Có ai bảo đảm rằng nhà Tống nay mai không xâm lược Đại Cồ Việt không? Trong tình thế này, các nguyên lão đại thần phải nhất trí đoàn kết vì quyền lợi của đất nước Đại Cồ Việt lên trên quyền lợi của dòng họ, của cá nhân. Hãy nghĩ trước hết cho bách tính và cho Đại Cồ Việt. Có ai còn tấu nữa không?

Im lặng bao trùm.

- Không ai tấu nữa. Bãi triều.

(Còn nữa)

CVL