Việt Nam diễn nghĩa – Tập III (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 34)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập III “NHỮNG KHÚC CA KHẢI HOÀN” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 34.

Vương Thông không biết rằng các tướng Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Trương Chiến, Lê Hối ở Thanh Đàm, Thanh Trì đã đem quân về Cao Bộ Chương Mỹ, hội quân với Lý Triện, Lê Chửng, Đinh Lan, Lê Bôi. Vương Thông tự mình dẫn 10 vạn quân từ Ninh Kiều đi qua Chúc Động, Tốt Động Chương Mỹ để đánh vào phía Nam Cao Bộ. Đạo thứ hai do Phương Chính chỉ huy theo đường nhỏ hành quân đánh vào phía Bắc, phía sau lưng quân Lam Sơn. Quy định nếu đạo quân phía Bắc đã đến thì bắn pháo hiệu cho Vương Thông biết. Đêm mùa đông tháng 11-1426 mưa dầm, gió rét như cắt da cắt thịt, hai đạo quân Minh đội mưa gió hành quân. Canh ba, Vương Thông thấy pháo tín hiệu báo đạo quân Phương Chính đã đến sau lưng quân Lam Sơn. Vương Thông thúc quân đi nhanh trong đêm tối. Khi đến đoạn Tốt Động-Chúc Động, quân Lam Sơn đã mai phục sẵn, tên đá hai bên trút vào quân Minh như mưa. Hàng nghìn quân Minh gục xuống hết đợt này đến đợt khác.

chuy-khoi-nghia-lam-son-1641572205.jpg
Tranh minh họa. Nguồn: Internet.

Sau đó, hàng vạn quân Lam Sơn xông ra chém giết. Trong đêm, quân Minh rối loạn tan vỡ, phần bị chém giết, phần nhảy xuống sông Ninh Kiều mà chết đuối, xác chất đống ngập dòng sông làm nước sông Ninh Kiều tắc nghẽn. Đêm Chương Mỹ như trời rung đất chuyển. 6 vạn quân Minh bỏ xác tại trận. Binh bộ thượng thư Trần Hiệp, Nội quan Lý Lượng bị giết, Vương Thông bị đâm một nhát giáo vào bả vai, để máu chảy ròng ròng không kịp băng bó mà chạy về Đông Quan. 1 vạn quân Minh bị bắt làm tù binh. Quân Lam Sơn thu được lương thực, vũ khí, ngựa chiến nhiều như nước. Vùng Tốt Động-Chúc Động thây quân Minh chất cao như núi, máu đỏ lừ sông Ninh Kiều. Đây là chiến thắng lớn nhất của quân Lam Sơn từ 1418 đến 1426, tạo ra thế thất bại của quân Minh là không thể đảo ngược được.

Sau chiến thắng Tốt Động-Chúc Động, Lê Lợi dời tổng hành dinh từ Lục Đầu Giang về Tây Phù Liệt Thanh Trì để thuận lợi cho việc điều hành chiến tranh. Quân Lam Sơn bắt đầu dùng thủy quân do Trần Nguyên Hãn chỉ huy vây thành Đông Quan ở Đông Bộ Đầu, đạo bộ binh do Đinh Lễ chỉ huy vây ở cầu Tương Đương, tấn công từ phía Tây, một đạo gồm tượng binh và quân chủ lực bao vây tấn công phía Nam.

Trong tổng hành dinh của Lê Lợi ở Tây Phù Liệt rộn ràng tấp nập cho công cuộc bao vây công phá thành Đông Quan, đầu não của quân Minh ở Giao Chỉ. Thám mã về báo cho Lê Lợi:

-Dạ, bẩm chúa công, tướng Trần Nguyên Hãn đã tiêu diệt thủy quân Minh ở Đông Bộ Đầu, ta thu 100 chiến thuyền, vũ khí nhiều vô kể.

 Lại có thám mã về báo:

-Dạ, bẩm chúa công, Vương Thông thua trận đã điên cuồng cho nấu chảy chuông Quy Điền và vạc Phổ Minh là hai trong số An Nam tứ đại khí của ta rồi ạ.

Lê Lợi nổi giận:

-Thằng giặc càn rỡ  này phải đến tội ác của hắn với văn hóa Đại Việt.

Lại có thám mã về báo:

-Dạ, bẩm chúa công, thư chiêu hàng của quân sư Nguyễn Trãi đã làm cho các thành Thuận Hóa, Tân Bình, Nghệ An, Diễn Châu, tổng cộng 10 vạn quân Minh ra hàng quân ta. Chỉ còn lại thành Tây Đô, Cổ Lộng, Điêu Diêu, Tam Giang, Thị Cầu, Xương Giang, Chi Lăng, Khâu Ôn là chưa chịu đầu hàng, còn cố thủ ạ.

Lê Lợi hỏi Nguyễn Trãi:

-Vương Thông đã cho Sơn Thọ đem thư xin giảng hòa, xin rút quân về nước. Quân sư thấy thế nào?

Nguyễn Trãi đáp:

-Trong tình hình hiện nay, chúa công phải sẵn sàng đối phó với hai khả năng. Thứ nhất nếu Vương Thông thực lòng hòa hiếu thì ta cho quân Minh ở các thành ra Đông Quan rút về nước, ta buộc Vương Thông phải cam kết chấm dứt chiến tranh xâm lược Đại Việt vĩnh viễn. Khả năng thứ hai là Vương Thông cầu viện binh sang tiếp tục chiến tranh.

Lê Lợi nói:

-Quân sư nói phải lắm, quân số ta đã tăng lên 30 vạn, sẵn sàng ứng phó với mọi biến cố, mọi khả năng diễn ra tiếp theo.

Trong thành Đông Quan, Vương Thông đang ngồi bàn luận với Phương Chính, Trần Trí và thổ quan Việt gian Lương Nhữ Hốt. Thổ quan Lương Nhữ Hốt bị quân Lam Sơn bắt ở trận Đa Căng nhưng lại trốn thoát. Vương Thông nói:

-Ta đã cho Sơn Thọ đi gặp Lê Lợi xin giảng hòa rút quân về nước. Kết quả thế nào tướng quân Sơn Thọ?

 Sơn Thọ đáp:

-Dạ, bẩm tổng binh, Lê Lợi đã đồng ý giảng hòa với điều kiện chúng ta rút quân về nước, cam kết vĩnh viễn không xâm lược Đại Việt.

Lương  Nhữ Hốt nói:

-Bẩm tổng binh, không nên ra hàng, ngày xưa nhà Trần bắt được tướng Ô Mã Nhi đã đầu hàng con đem giết vì đã phá lăng tẩm của nhà Trần ở Long Hưng. Nay tổng binh đã nấu chảy chuông Quy Điền và vạc Phổ Minh là hai trong An Nam tứ đại khí thì hỏi Lê Lợi có tha cho tổng binh không?

Vương Thông cả sợ:

Vậy bây giờ chúng ta làm thế nào? Thành Đômg Quan sớm muộn cũng bị công phá và thất thủ.

Phương Chính nói:

-Dạ, bẩm tổng binh, tổng binh có thể viết thư về xin hoàng thượng Minh Tuyên Tông gửi quân tiếp viện sang lo gì không phá được quân giặc.

 Vương Thông nói:

-Cách đây hơn một tháng ta đã trù liệu được tình thế và đã viết thư xin hoàng thượng cho viện binh. Nếu hoàng thượng đồng ý thì viện binh cũng đã sắp sang. Nhưng cũng được, nay cứ gửi một lá thư nữa trình hoàng thượng cho chắc chắn.

Vương Thông bèn viết thư xin viện binh, bọc sáp lại và gọi:

-Tướng quân Mã Kỳ đâu.

-Dạ, có mạt tướng.

-Tướng quân đem thư này về Yên Kinh trình hoàng thượng xin viện binh. Đây là lá thư thứ hai. Tướng quân đi về càng nhanh càng tốt, nếu chậm trễ, Đông Quan e thất thủ trong nay mai.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

Trong tổng hành dinh của Lê Lợi, Bình Định Vương đang nói với các tướng:

-Ta đã đồng ý cho giảng hòa, Vương Thông im lặng và đang ra sức cố thủ. Có lẽ hắn đang chờ viện binh để tiếp tục chiến tranh.

Chợt có thám mã về báo:

-Dạ bẩm chúa công, vua Minh Tuyên Tông đã cử An Viễn Hầu Liễu Thăng chỉ huy 10 vạn quân, 2 vạn ngựa đang tập trung ở châu Tư Minh, chuẩn bị tràn vào ải Mục Nam Quan để cứu Vương Thông.

Lại có thám mã miền Tây Bắc về báo:

-Dạ bẩm chúa công, vua Minh Tuyên Tông đã cử Kiềm Quốc Công Mộc Thạnh, tập trung 5 vạn quân, 1 vạn ngựa ở Vân Nam, chuẩn bị tiến xuống Đông Quan từ châu Đà Giang.

 Lê Lợi nói:

-Vậy là quân cứu viện sắp tới. Chúng ta đứng trước ba khối quân Minh. Thứ nhất là khối quân bị vây hãm khoảng 10 vạn quân ở các thành, lớn nhất là 4 vạn quân Minh ở Đông Quan, Khối thứ hai là 10 vạn quân tinh nhuệ của Liễu Thăng sẽ tiến vào Lạng Sơn, khối thứ ba là 5 vạn quân của Mộc Thạnh sẽ từ Đà Giang tiến xuống. Quân sư NguyễnTrãi và các tướng quân có cao kiến gì không?

Tướng Trương Lôi nói:

-Dạ bẩm chúa công, ta nên tập trung hạ thành Đông Quan, phá thế trong đánh ra, ngoài đánh vào của giặc thì sẽ thắng lợi.

Nguyễn Trãi nói:

-Dạ, bẩm chúa công, trong ba khối quân mà chúa công vừa phân tích, thần cho rằng khối quân quyết định chiến cuộc, quyết định số phận của quân Minh là 10 vạn quân của Liễu Thăng. Chúng ta tập trung binh lực tiêu diệt bằng được đạo quân này thì Đông Quan và các thành khác còn bị vây hãm không đánh cũng tự đầu hàng, đạo quân Mộc Thạnh không đánh cũng tự tháo chạy.

Lê Lợi hỏi:

-Tướng quân Nguyễn Chích có cao kiến gì không?

Nguyễn Chích đáp:

-Dạ, bẩm chúa công, thần tán thành cao kiến của quân sư Nguyễn Trãi, ta nên tập trung lực lượng đánh bại đạo quân của Liễu Thăng thì quân các thành phải đầu hàng vì không còn viện binh, đạo Mộc Thạnh sợ cũng phải tự rút. Nhưng muốn tiêu diệt được đạo quân Liễu Thăng không phải đơn giản vì khối quân này rất lớn, lại tinh nhuệ, cho nên phải đánh nhiều trận bằng các chiến thuật phục kích, truy kích, tổng công kích để tiêu diệt từng bộ phận và cuối cùng tiêu diệt hoàn toàn.

Tướng Trần Nguyên Hãn  nói:

-Bẩm chúa công, thần tán thành cao kiến của quân sư và của tướng quân Nguyễn Chích. Thần chỉ thêm rằng trước khi đạo quân Liễu Thăng tiến xuống, ta phải tiêu diệt xong các thành Khâu Ôn, Lạng Sơn, đặc biệt là thành Xương Giang là thành trì rất kiên cố để làm mất chỗ dựa của viện binh, cũng là diệt trừ khả năng trong đánh ra, ngoài đánh vào của giặc.

Tướng Đinh Lan  nói:

-Dạ bẩm chúa công, thần tán thành cao kiến của quân sư, của tướng quân Nguyễn Chích và tướng quân Trần Nguyên Hãn. Thần chỉ nói thêm là trên con đường từ Lạng Sơn đến Lạng Giang phải sơ tán hết bách tính để không bị giặc tàn sát và giặc không vơ vét được lương thực. Thực hiện vườn không nhà trống ở những nơi quân giặc đi qua.

Lê Lợi nói:

-Quân sư và các tướng quân nói chí lý lắm, cứ như vậy mà thực hiện đi.

-Chúng mạt tướng tuân lệnh.

Trong tháng 7 và tháng 8 năm 1427, những tin cấp báo được đưa về tổng hành dinh của Lê Lợi:

-Dạ bẩm chúa công, tướng quân Bùi Quốc Hưng đã hạ được thành Điêu Diêu Gia Lâm và thành Đáp Cầu Bắc Ninh rồi ạ.

-Dạ bẩm chúa công, tướng quân Trịnh Khả và tướng quân Lê Khuyển đã hạ được thành Tam Giang Phú Thọ rồi ạ.

-Dạ bẩm chúa công, tại Lạng Sơn, Tướng quân Trần Lựu và Lê Bôi đã mai phục tiêu diệt 5 vạn quân Minh của Cố Hưng Tổ từ Quảng Tây sang và đã hạ được thành Khâu Ôn rồi ạ.

-Dạ bẩm chúa công, thành Xương Giang ở Lạng Giang quá kiên cố, quân Minh lại đông, dựa vào đại bác đặt trên thành, kiên quyết cố thủ. Quân ta đã vây đánh hai tháng rồi mà không hạ được ạ.

Lê Lợi hỏi Nguyễn Trãi:

-Quân sư có kế sách gì hạ thành Xương Giang không?

Nguyễn Trãi đáp:

-Da bẩm chúa công, Xương Giang là thành có vị trí quan trọng nhất ở miền Đông Bắc nên quân Minh xây thành này kiên cố như Đông Quan. Quân Minh trong thành thiện chiến, lại có dân binh đông, thành do các tướng giỏi của nhà Minh như Kim Dận, Lý Nhâm, Mã Tri, Lưu Nhuận, Lưu Tử Phu chỉ huy. Thành cao, súng đạn nhiều, lại đặt nhiều thần công nên rất khó công phá. Nếu không hạ được trước khi viện binh Minh tới thì việc tiêu diệt đạo quân Liễu Thăng sẽ rất khó khăn, chiến cuộc sẽ rất bất lợi cho ta. Thần sẽ trực tiếp đến Xương Giang xem xét và sẽ hạ được thành trước khi Liễu Thăng tới.

 Nguyễn Trãi nói tiếp:

-Quân Minh ở Xương Giang có ưu thế áp đảo vì chúng có súng thần công mà quân ta không có. Thần đề nghị chúa công cho kéo 8 khẩu thần công ở thành Điêu Diêu, Thị Cầu tới Xương Giang để áp đảo quân giặc.

Lê Lợi nói:

-Ta hoàn toàn đồng ý.

-Người đâu.

-Dạ.

-Lệnh cho tướng Bùi Quốc Hưng ở Điêu Diêu và tướng Lê Lý ở Thị Cầu đem 8 đại bác tới Xương Giang ngay hôm nay.

-Dạ, mạt tướng sẽ đi truyền lệnh ngay.

 Ngay chiều hôm đó, Nguyễn Trãi đi Xương Giang thị sát thì Bùi Quốc Hưng và Lê Lý cũng cho voi kéo 8 đại bác tới. Nguyễn Trãi cho đắp 8 ụ đất cao ở 4 góc ngoài thành, đặt mỗi góc hai khẩu chĩa vào mặt thành Xương Giang và nã đạn vào thành. Quân Minh thiệt hại to lớn và rất khiếp đảm. Nguyễn Trãi cho thám mã về nói với Lê Lợi:

-Dạ, bẩm chúa công, quân sư thỉnh cầu chúa công tăng cho Xương Giang 8 vạn quân nữa để quân sư hạ thành.

Lê Lợi gọi:

-Tướng quân Trần Nguyễn Hãn đâu.

-Dạ, có thần.

-Tư đồ đem 8 vạn quân chi viện cho quân sư hạ thành.

-Thần tuân lệnh.

(Còn nữa)

CVL