Việt Nam diễn nghĩa – Tập III (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 33)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập III “NHỮNG KHÚC CA KHẢI HOÀN” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 33.

Quân Lam Sơn vừa dàn trận xong thì Trần Nguyễn Hãn giơ gươm và quát:

-Xông lên, giết.

Cánh trung quân đối mặt với quân Minh xông lên chém giết, hai cánh tả hữu vây bọc sau lưng quân Minh. 5000 quân Minh bị tiêu diệt gần hết, số còn lại đầu hàng. Nhâm Năng bị Lê Ba Bồ chém chết tại trận. Còn 5000 quân Minh liều chết cố thủ trong thành. Quân Lam Sơn giải phóng Tân Bình. Trần Nguyễn Hãn đang định tiến quân vào Thuận Hóa thì có thám mã về báo:

-Dạ, bẩm chủ soái, tướng giặc ở Thuận Hóa Lương Kỳ quá khiếp sợ đã đem quân lên thuyền bỏ chạy ra Bắc rồi ạ.

chuytrannghaxn-1641484477.jpg
Tranh minh họa: Trần Nguyên Hãn - Vị tướng tài của nghĩa quân Lam Sơn. Nguồn: Internet

 

Vậy là quân  Lam Sơn làm chủ từ Thuận Hóa đến Thanh Hóa. Từ một cuộc khởi nghĩa mang tính địa phương ở miền núi Thanh Hóa nay trở thành một cuộc chiến tranh giải phóng quy mô cả nước. Từ thắng lợi đó, Lê Lợi tự xưng là Đại Thiên Hành Hóa để thu phục bách tính bốn phương, lập Trần Cao làm vua để tiến hành cuộc đấu tranh ngoại giao với nhà Minh, cắt đứt cái cớ xâm lược của nhà Minh là “Phù Trần” để buộc chúng phải rút quân về nước, giành độc lập dân tộc.

III                                                            

Năm 1425, vua Minh Nhân Tông chết, Thái tử Chu Chiêm Cơ lên ngôi, đế hiệu là Minh Tuyên Tông (Tuyên Đức). Do quân Minh ở Giao Chỉ thất bại liên tục trước quân Lam Sơn, tháng 5 năm 1426 Minh Tuyên Tông cử Thành Sơn Hầu Vương Thông làm Tổng Binh Giao Chỉ thay Trần Trí, Đô đốc Mã Anh được cử làm tham chính. Bọn Trần Trí, Phương Chính, Thái Phúc, Mã kỳ, Sơn Thọ không đàn áp được Lam Sơn nên bị giáng chức làm sự quan, do Vương Thông và Mã Anh sai khiến. Vương thông đem 5 vạn quân tiến vào Đông Quan theo đường Lạng Sơn, Vương An Lão đem 2 vạn quân theo đường Lào Cai tiến xuống, nâng số quân Minh ở Đông Quan lên đến 10 vạn. Còn quân ở các thành Tân Bình, Nghệ An, Diễn Châu, Tây Đô ước gần 10 vạn bị vây. Còn những khối quân trong các thành Cổ Lộng (Nam Định), Điêu Diêu (Gia Lâm), Chí Linh (Hải Dương), Thị Cầu (Bắc Ninh), Tam Giang (Phú Thọ), Xương Giang (Bắc Giang), Chi Lăng (Lạng Sơn). Mùa thu năm 1426, quân Lam Sơn làm chủ toàn bộ miền Trung, quân số lên 20 vạn hùng binh. Bách tính miền Bắc đêm ngày ngóng chờ bóng cờ đại nghĩa của quân Lam Sơn tiến ra giải phóng như hạn hán mong mưa.

Thành Tư Phố, trấn trị của Thanh Hóa đang chuyển dần sang thu, lá vàng rơi lả tả, nắng gắt gao đang lụi dần nhường chỗ cho một bầu trời không gian sẽ lạnh. Sông Mã vẫn phi nước như vó ngựa chạy về Đông. Những ngọn núi Con Rùa, Con Voi, Núi Ngũ Hoa, Núi Trình, Núi Vòm  xa xa vẫn vươn mình trong sương khói. Một mùa thu nhưng vẫn là một mùa chiến tranh bận rộn.

Tổng hành dinh của Nghĩa quân Lam Sơn đã chuyển về Tư phố. Trong Tổng hành dinh, Lê Lợi đang họp với các tướng lĩnh. Bình Định Vương ngồi ghế chủ hướng xuống chiếc bàn kê dọc. Ngồi hai bên bàn là các tướng. Sau một lượt trà, Lê Lợi nói:

-Trong tình hình hiện nay, quân Minh hiện bị vây ở các thành Tân Bình, Nghệ An, Diễn Châu, Tây Đô không phải là ít, trong khi đó bách tính ngoài Bắc rất mong chờ quân ta tiến ra giải phóng. Vậy thì đánh thành trước rồi tiến ra Bắc sau, hay là giải phóng miền Bắc trước. Quân sư và các tướng quân có cao kiến gì không?

Nguyễn Trãi nói:

-Bẩm chúa công, các thành mà quân ta đang vây hãm rất kiên cố, hơn nữa trên thành quân Minh có đặt đại bác, nếu đánh thành quân ta sẽ mất nhiều sức lực, không đủ lực lượng để giải phóng miền Bắc. Thần cho rằng những thành đó là cô đảo nằm trong biển cả của bách tính và quân ta, thần sẽ dùng thư từ vạch rõ chính tà, đánh vào lòng người để họ ra đầu hàng. Chúa công nay đã có 20 vạn quân, nên tiến đánh miền Bắc và Đông Quan. Đông Quan thất thủ thì các thành bị vây tự khắc phải đầu hàng. Mong chúa công quyết định.

  Nguyễn Chích nói:

-Dạ bẩm chúa công, thần tán thành ý kiến của quân sư. Thần cho rằng khi tấn công ra Bắc thì tấn công nhiều hướng để hỗ trợ nhau, để chia cắt lực lượng giặc, lại phải đề phòng viện binh của chúng từ Trung Quốc kéo sang.

  Lê Lợi hỏi:

-Các tướng quân khác có cao kiến gì nữa không?

  Tất cả đồng thanh đáp:

-Chúng thần mong chúa công tấn công giải phóng miền Bắc kẻo bách tính trông chờ ngày đêm.

  Lê Lợi nói:

-Nay ta quyết định tấn công giải phóng miền Bắc. Các tướng sau đây nghe lệnh:

-Tướng quân Phạm Văn Xảo, Đỗ Bí, Trịnh Khả, Lê Khuyển.

-Dạ có chúng thần:

- Các tướng do Trịnh Khả chỉ huy đem 3 vạn quân tiến ra đánh giặc ở các vùng Trần Thiên Quan, Quảng Oai, Gia Hưng, Tam Đái, Tuyên Quang, Quy Hóa, Đà Giang nhằm uy hiếp Đông Quan ở phía Tây, chặn giặc từ Vân Nam tràn xuống.

-Chúng thần tuân lệnh.

-Các tướng quân Lưu Nhân Chú, Nguyễn Đình Lý, Lê Văn An, Lê Sát, Đinh Liệt, Lê Ngân do Lưu Nhân chú chỉ huy, đem 3 vạn quân, 5 thớt voi tiến đánh Thiên Trường, Kiến Xương, Tân Hưng, Khoái Châu, Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn, giải phóng miền Đông Bắc và chặn giặc từ Quảng Tây kéo sang.

-Chúng thần tuân lệnh.

-Các tướng quân Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Lê Hối, Lý Triện, Lê Thận, Lê Chửng, Đinh Lan, Lê Bôi do Đinh Lễ chỉ huy, đem 3 vạn quân đánh thẳng ra Đông Quan.

-Dạ, chúng thần tuân lệnh.

  Lê Lợi căn dặn:

-Các tướng khi xuất quân phải thực hiện phương châm lấy yếu thắng mạnh, không được dàn trận để chúng bao vây mà phải tập kích, mai phục, thứ nữa, đi đến đâu thì phải làm nòng cốt cho bách tính nổi dậy tiêu diệt giặc, lật đổ sự cai trị của quân Minh ở các địa phương.

-Chúng thần ghi nhớ và tuân lệnh chúa công.

-Các tướng Vũ Uy, Nguyễn Lý, Lê Văn, Lê Ninh do Vũ Uy  chỉ huy tiếp tục bao vây Tây Đô và bảo vệ Thanh Hóa.

-Chúng thần tuân lệnh.

-Tướng Nguyễn Chích, Trần Nguyễn Hãn, quân sư Nguyễn Trãi chuẩn bị dời tổng hành dinh ra miền Bắc, trước hết tạm đến miền Lục Đầu Giang để tiện chỉ huy các đạo quân.

-Dạ, chúng thần tuân lệnh.

  Ngày hôm đó, các trại quân Lam Sơn dọc sông Mã thưa dần. Ba đạo binh với 9 vạn quân tiến ra miền Bắc. Bách tính Thanh Hóa đem rượu, bánh đứng đầy đường úy lạo tiễn đưa. Lê Lợi với 3 vạn quân tinh nhuệ bảo vệ ra đóng tổng hành dinh ở Lục Đầu Giang. Chợt có thám mã về báo:

-Dạ, bẩm chúa công, bọn Phương Chính, Lý An ở thành Nghệ An bất ngờ mở cổng thành đánh ra và tháo chạy được ra biển, đem 2 vạn quân về Đông Quan rồi ạ.

- Truyền mệnh lệnh của ta, các tướng bao vây thành chặt chẽ, để giặc thoát ra ngoại sẽ bị tội chém.

-Dạ, Mạt tướng đi truyền mệnh lệnh ngay.

  Lại có thám mã về báo:

-Dạ bẩm chúa công, tướng Minh Trần Trí cho quân đánh ra Ninh Kiều, Ứng Hòa bị phục binh của tướng Đinh Lễ, Nguyễn Xí đánh, giết 2000 tên giặc. Trần Trí chạy thoát về Đông Quan rồi ạ.

  Lê Lợi nói với Nguyễn Trãi:

-Đây là thắng lợi không phải nhỏ khi tiến quân ra Bắc. Quân sư ghi vào sổ công đầu cho Đinh Lễ, Nguyễn Xí.

-Thần tuân Lệnh.

  Lại có thám mã miền Tây Bắc về báo:

-Dạ, bẩm chúa công, 1 vạn quân Minh do Vương An Lão chỉ huy từ Quy Hóa tiến vào Tam Giang, lọt vào trận địa mai phục của Đỗ Bí, Trịnh Khả, Phạm Văn Xảo, Lê Khuyển. Quân ta diệt 1000 tên địch. Vương An Lão đem tàn quân chạy vào thành Tam Giang rồi ạ.

  Lại có thám mã ở Đông Quan về báo:

-Dạ bẩm chúa công, quân Minh do Đô ty Vi Lương từ Đông Quan hành quân qua cầu Nhân Mục, bị Lê Chửng, Đinh Lan mai phục, diệt 500 tên và bắt được các tướng Minh là Đào Sâm, Tiền Phu và Triệu Trình ạ.

  Lê Lợi nói:

-Lệnh cho các tướng đi đến đâu thúc dục bách tính nổi dậy giúp đỡ nghĩa quân và lật đổ ách thống trị của quân Minh ở các địa phương.

-Dạ, mạt tướng đi truyền lệnh ngay.

  Lê Lợi bảo Nguyễn Trãi:

-Quân sư tiếp tục đánh vào lòng người để các thành mở cửa đầu hàng.

-Thần tuân lệnh.

  Tháng 11 năm 1426, tại thành Đông Quan, Tổng binh mới sang nhậm chức là Sơn Thành Hầu Vương Thông bàn với các tướng Phương Chính và Trần Trí:

-Nay thế và lực của quân Lam Sơn rất mạnh, ba đạo quân đã tiến ra Bắc, xa gần đều uy hiếp Đông Quan và chặn đường cứu viện từ Đại Minh sang. Nay chúng ta phải tập trung 10 vạn quân ra ngoài thành tiêu diệt đạo quân gần Đông Quan nhất. Đó là đạo quân gồm các tướng Nguyễn Xí, Đinh Lễ, Trương Chiến, Lê Bôi, Lê Chửng, Đinh Lan do Lý Triện chỉ huy gồm 3 vạn tên đang ở Ninh Kiều, Chương Mỹ. Các tướng sau đây nghe lệnh:

-Tướng quân Lý An, tướng quân Phương Chính.

-Có mạt tướng.

-Hai tướng quân đem 3 vạn quân tiến theo đường sông Nhuệ và tiến vào Ninh Kiều từ phía Tây.

-Dạ, chúng mạt tướng tuân lệnh.

-Các tướng Sơn Thọ, Mã Kỳ nghe lệnh.

-Có mạt tướng.

-Hai tướng đem 3 vạn quân đi qua cầu Nhân Mục đến cầu Thanh Oai, tiến dọc theo sông Đỗ Động bao vây phía Nam Ninh Kiều.

-Chúng mạt tướng tuân lệnh.

-Còn lại 4 vạn quân do ta chỉ huy. Các tướng Trần Hiệp, Lý Lượng đi qua cầu Tây Đương (Cầu Giấy) đến Cổ Sở,Yên Sở, Hoài Đức đánh vào phía Đông Ninh Kiều.

-Tuân lệnh Tổng binh.

  Các tướng điểm quân xuất phát. Vương Thông hành quân đến Cổ Sở, chợt có thám mã về báo:

-Dạ, bẩm Tổng binh, đạo quân của tướng Sơn Thọ, Mã Kỳ bị quân Lam Sơn do tướng Đinh Lễ, Lê Chửng mai phục ở cầu Tam La, 1000 quân ta tử trận ạ.

-Sơn Thọ. Mã kỳ bây giờ ở đâu?

-Dạ, hai tướng đem quân rút về Đông Quan rồi ạ.

  Lại có thám mã về báo:

-Dạ, bẩm Tổng binh, tướng Phương Chính, Lý An sợ bị quân Lam Sơn mai phục đã đem quân trở lại thành Đông Quan rồi ạ.

  Vương Thông tức giận đập bàn:

-Đồ hèn nhát, bảo 4 tướng hành quân đến đây hội quân với ta, nếu không xử theo quân luật.

-Dạ, tuân lệnh Tổng binh.

  Sơn Thọ, Mã Kỳ, Phương Chính, Lý An được thám mã báo nếu không đem quân hội quân sẽ bị xử theo quân luật, đành đem quân về hội thành một khối quân với Vương Thông ở Cổ Sở. Vương Thông nói:

-Ở gần Cổ Sở, quân Lam Sơn truy kích quân ta, voi bị trúng chông của quân ta rải, lính bị bắn chết hàng nghìn, nay đã rút về Cao Bộ. Ta nên thừa thắng truy kích sẽ tiêu diệt được bọn Nguyễn Xí, Đinh Lễ.

  Bọn Phương Chính, Sơn Thọ nói:

-Tổng binh nói phải lắm.

(Còn nữa)

CVL