Việt Nam diễn nghĩa – Tập V (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 33)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập V “NỘI CHIẾN TRỊNH -NGUYỄN VÀ NHÀ TÂY SƠN” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 33.

Trong một ngày tháng tư năm 1786, khi Phạm Ngô Cầu đang say sưa lễ bái thì có tùy tướng Nguyễn Mậu Tĩnh vào báo:

-Dạ bẩm Tạo Quận Công.

-Có việc gì mà quấy rầy ta khi đang hành lễ?

-Dạ bẩm, Nguyễn Huệ chỉ huy quân Tây Sơn đã đánh chiếm tất cả đèo Hải Vân. Tướng Hoàng Nghĩa Hồ đã tử trận. Bộ binh Tây Sơn đang tiến ra đánh Phú Xuân.

chnguyhue-1649082206.jpg
Bắc Bình vương Nguyễn Huệ. Nguồn: Internet.

 

Lại có Nguyễn Lệnh Tân vào báo:

-Dạ bẩm Tạo Quận Công, thủy quân Tây Sơn do Nguyễn Lữ chỉ huy đã đánh chiếm đồn Bố Chính, chiếm lũy Thầy ở Nhật Lệ. Các tướng ở Bố Chính và lũy Thầy là Phái Vị Hầu và Ninh Tốn đã theo đường núi bỏ chạy về Bắc rồi ạ.

Lại có tùy tướng vào báo:

-Dạ bẩm Tạo Quận Công, bộ binh và thủy binh Tây Sơn đã tiến đánh Phú Xuân rồi ạ.

Phạm Ngô Cầu đập tay xuống chiếu đang ngồi:

-Chết rồi, cả đời chinh chiến nay ta bị quân Tây Sơn lừa rồi. Người đâu.

-Dạ.

-Nổi trống, điều động quân đội chiến đấu bảo vệ Phú Xuân.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

Trống ngũ liên trong thành thúc dồn dập. Sắp sửa lên mặt thành chỉ huy thì thám mã đưa thư của quân Tây Sơn cho Phạm Ngô Cầu. Cầu cầm thư thì ra thư của Nguyễn Hữu Chỉnh gửi phó tướng của Phạm Ngô Cầu là Hoàng Đình Thể. Phạm Ngô Cầu bóc thư đọc. Thư viết: “Theo hẹn ước khi Tây Sơn công thành thì cố nhân hãy mở cổng thành. Về với Tây Sơn, tài như cố nhân không thiếu gì quyền cao chức trọng, vinh hoa phú quý. Kính Thư, cố nhân Nguyễn Hữu Chỉnh”.

Đọc xong thư, Phạm Ngô Cầu kinh hãi, nghi ngờ Hoàng Đình Thể đi riêng đầu hàng quân Tây Sơn. Cho nên khi bàn về phòng thủ Phú Xuân, Phạm Ngô Cầu nói:

-Nay Tây Sơn quá mạnh, đã chiếm lũy Thầy và Bố Chính, cắt mất đường chi viện của Thăng Long cho ta. Cho nên ta đầu hàng thì hơn.

Phạm Ngô Cầu đặt vấn đề như vậy để thử lòng Hoàng Đình Thể, không ngờ Hoàng Đình Thể lại nói:

-Trọn đời hưởng lộc của vua Lê-chúa Trịnh, không thể phản bội được, làm như vậy sẽ hủy hoại thanh danh của một lão tướng trung thần Đại Việt. Xin Tạo Quận công cho lão phu lên mặt thành chiến đấu.

Nói xong, Hoàng Đình Thể ra lệnh cho hai con trai và tùy tướng Vũ Tá Kiên, Vũ Trọng Đang lên mặt thành. Bấy giờ, thủy binh Tây Sơn do Vũ Văn Nhậm chỉ huy đã vào sông Hương nã pháo lên mặt thành. Nhưng thành Phú Xuân cao 2 trượng, mực nước sông Hương ban ngày xuống thấp, đạn pháo Tây Sơn chỉ rót xuống gần thành, nước bắn như bão lũ. Hoàng Đình Thể ra lệnh phản pháo. Pháo trên cao rót xuống làm một chiến thuyền Tây Sơn bốc cháy và chìm dần. Tây Sơn phải dãn vòng vây ra và rút lui.

Vũ Văn Nhậm nói với Nguyễn Huệ:

 -Làm sao đại bác ta bắn được vào thành khi thành quá cao như vậy?

Nguyễn Huệ đáp:

-Ta nghĩ ra rồi. Mực nước sông Hương ban ngày xuống thấp, ban đêm mới dâng lên cao. Ta đánh thành vào ban đêm thì đại bác sẽ bắn tới mặt thành.

Canh ba đêm đó, chiến thuyền Tây Sơn kéo vào sông Hương và quả nhiên nước dâng cao thêm một trượng nữa, chiến thuyền Tây Sơn đua nhau nã đạn, đạn rơi xuống phá hủy tất cả đại bác trên mặt thành, phá hủy tất cả các tường nữ che chắn. Hàng nghìn binh sĩ trúng đạn gục chết. Khói lửa mịt mù xen lẫn tiếng nổ khiến thành Phú Xuân như sụp đổ, trời đất mù mịt. Pháo đã bị tiêu diệt, Hoàng Đình Thể ra lệnh:

-Mở cổng thành ra nghênh chiến.

Hoàng Đình Thể đi đầu cùng 2 vạn quân xông ra gặp bộ binh Tây Sơn, quân hai bên nằm xuống dùng súng hỏa mai và tạc đạn bắn và ném vào nhau. Pháo trên chiến thuyền Tây Sơn vẫn dội vào thành, khói lửa cùng tiếng nổ như sấm sét. Vũ Tá Kiên kêu lên:

-Trình phó tướng, quân ta hết đạn và tạc đạn rồi.

Hoàng Đình Thể ra lệnh:

-Mở cửa thành vào xin tiếp viện

-Dạ

Vũ Tá Kiên lại kêu lên:

-Dạ bẩm, Phạm Ngô Cầu đã đóng cửa thành không cho tiếp viện.

-Dạ bẩm, phó tướng, trên thành đã dương cờ trắng đầu hàng quân Tây Sơn rồi ạ.

Hoàng Đình Thể mắng:

-Đồ hèn nhát phản bội Phạm Ngô Cầu, ta không hàng, xông lên.

Binh sĩ Trịnh nghe nói trên thành kéo cờ trắng liền tán loạn hoặc buông vũ khí. Ba cha con Hoàng Đình Thể, tùy tướng Vũ Tá Kiên, Vũ Trọng Đang xông lên bị đạn Tây Sơn bắn ngã gục. Nguyễn Huệ thét vang như sấm:

-Xông lên chiếm thành.

Vừa lúc đó cổng thành mở toang, Phạm Ngô Cầu cùng các tùy tướng xe quan tài, tay cầm cờ trắng đi ra đầu hàng. Như vậy một dải từ đèo Hải Vân đến sông Nhật Lệ, đến Nam sông Linh Giang thuộc về Tây Sơn. Chiến dịch Phú Xuân diễn ra  28 ngày, từ ngày 25 tháng 5 đến 22 tháng 6 năm 1786. Tây Sơn làm chủ toàn bộ Đàng Trong.

XI

Sau bữa tiệc rượu linh đình cho tướng sĩ ba quân ăn mừng chiến thắng, ngày hôm sau trong thành Phú Xuân, Nguyễn Huệ ngồi uống trà với Nguyễn Hữu Chỉnh. Nguyễn Hữu Chỉnh nói:

-Hiện nay, Đàng Ngoài bách tính đang đói khổ, đang mong đợi có ai đó đến giải thoát cho họ. Vả lại Đại Việt là một nước thống nhất đã bị chia cắt vô lý hơn 200 năm, ai là người sẽ thống nhất đất nước đây? Bắc Bình Vương là người có chí lớn, sao không nhân cơ hội này kéo đại binh ra Đàng Ngoài lật đổ nhà Trịnh, thống nhất Đại Việt, để tên tuổi lưu danh trong sử sách, thỏa chí anh hùng có phải hơn không?

Nguyễn Huệ nói:

-Bằng Quận Công nói chính hợp ý ta nhưng hoàng thượng Thái Đức không đồng ý.

Nguyễn Hữu Chỉnh nói:

-Hoàng thượng Thái Đức không đồng ý là chuyện nhỏ, thống nhất thiên hạ, cứu lê dân  Đàng Ngoài mới là việc lớn. Nhà Trịnh đang đến hồi suy yếu cực độ. Trời cho cơ hội mà không làm là có tội, sau này hối lại thì đã muộn rồi.

Trong khi Nguyễn Huệ còn suy nghĩ thì Nguyễn Hữu Chỉnh nói thêm:

-Vả lại Bắc Bình Vương là tướng ở ngoài chiến trường, có quyền tiền trảm hậu tấu, là đạo lý xử thế của thống soái cầm quân.

Nguyễn Huệ nói;

-Bằng Quận Công nói chí phải. Người đâu.

-Dạ.

-Đem giấy và nghiên bút ra đây.

-Dạ.

Có gấy mực, Nguyễn Huệ viết một tờ tấu trình gửi Nguyễn Nhạc. Nguyễn Hữu Chỉnh nói:

-Bao giờ xuất quân Bắc Bình Vương hãy gửi tấu trình về, sứ giả của Thái Đức có mang chỉ ra ngăn lại cũng đã muộn rồi.

Nguyễn Huệ nói:

-Phải lắm. Người đâu.

-Dạ.

-Cho gọi Đông Định Vương Nguyễn Lữ, Nguyễn Văn Lộc, Vũ Văn Nhậm vào đây.

-Dạ, tuân lệnh Bắc Bình Vương.

(CVL)

Còn nữa