Việt Nam diễn nghĩa – Tập V (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 35)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập V “NỘI CHIẾN TRỊNH -NGUYỄN VÀ NHÀ TÂY SƠN” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 35.

Nguyễn Huệ nói:

-Vậy là cửa vào Thăng Long đã mở, đánh vào Thăng Long.

-Dạ, tuân lệnh chủ soái.

Tại phủ chúa ở Thăng Long, trong Nghị Sự Đường, chúa  Đoan Nam Vương Trịnh Khải đang họp với bá quan văn võ, chợt có thám mã về báo:

-Dạ bẩm Đoan Nam Vương, các đạo bộ binh, thủy binh của ta ở sông Luộc, bờ sông Phù Sa, Kim Động đã bị quân Tây Sơn tiêu diệt. Quân Tây Sơn đang tiến đánh Thăng Long ạ.

chu-vuaquangtrung-1649254709.jpg
Tranh minh họa: 

Anh Hùng Áo Vải Cờ Đào Quang Trung Nguyễn Huệ. Nguồn: Internet.

 

 

Trịnh Khải hoảng hốt:

-Hả, sao chúng tiến quân nhanh vậy?

Bá quan văn võ bàng hoàng, hoảng loạn. Trịnh Khải hỏi:

-Ai có kế sách gì cứu được nước nhà lâm nguy không?

Bá quan văn võ im lặng. Trịnh Khải nổi giận:

-Ngày thường các ngươi lắm lời nịnh trên, nạt dưới, tham lam vơ vét, đè nén dân lành, mua quan bán tước, lắm mưu nhiều kế hại nước hại dân, khoe khoang giàu có giỏi giang ăn chơi trác táng, không chịu đọc binh thư để mở mang đầu óc. Nay nước nhà lâm nguy thì mặt mày tái xám, sợ run như cày sấy, không hiến nổi được một kế sách hay để cứu nước nhà. Tại sao vậy?

Trịnh Khải đập bàn tức giận, thất vọng thở dài ngồi xuống.

Đại thần Trần Công Xán tâu:

-Dạ bẩm vương, thần có kế sách này may ra  bảo vệ được Thăng Long.

-Nói đi.

-Dạ bẩm, xin cho một đội thủy binh dàn ở sông sông Thúy Ái chặn thủy binh địch, cho tướng Hoàng Phùng Cơ dàn bộ binh ở hồ Vạn Xuân chặn bộ binh địch, cho một đạo quân cùng 100 con voi dàn ở bến Tây Long.

Trịnh Khải hỏi:

-Ai có thể chỉ huy được đạo quân ở bến Tây Long?

Cả triều đình im lặng. Trịnh Khải nói:

-Các ngươi đúng là phường giá áo, túi cơm. Thôi được, ta sẽ thân chinh chỉ huy đạo quân này.

Sáng 21 tháng 7 năm 1786, thuận theo chiều gió, thủy binh Tây Sơn ào ạt tiến đánh quân Trịnh ở bến Nam Dư-Thúy Ái. Đại bác nổ rung trời đất. Thủy quân Trịnh nhanh chóng tan tác, quân lính số chết, số còn lại nhảy xuống sông bơi vào bờ. Tướng Trịnh Nguyễn Trọng Yên và Ngô Cảnh đứng ở mũi thuyền chỉ huy bị đạn Tây Sơn bắn chết. Nguyễn Huệ ra lệnh:

-Đổ bộ lên bờ đánh bộ binh Trịnh ở hồ Vạn Xuân.

-Dạ tuân lệnh chủ soái.

Thủy quân Tây Sơn tràn lên bờ. Hoàng Phùng Cơ chưa kịp dàn trận đã bị quân Tây Sơn lao vào chém giết. Quân Trịnh tan vỡ tháo chạy. Các tùy tướng và 6 con trai của Hoàng Phùng Cơ tử trận. Hoàng Phùng Cơ cùng hai con còn lại mở đường máu thoát thân. Nguyễn Huệ trên mình voi ra lệnh:

-Tiến đánh bến Tây Long.

-Dạ, tuân lệnh Bắc Bình Vương.

Quân Tây Sơn đông như kiến có xông đến. Trịnh Khải trên mình voi cầm cờ hiệu ra lệnh:

-Xông lên giết.

Sau mệnh lệnh của chúa, quân Trịnh hoảng sợ chỉ đứng im tại chỗ, khi quân Tây Sơn ào lên chém giết thì bỏ chạy hết. Trịnh Khải quay voi vào thành thì đã thấy cờ đỏ Tây Sơn cắm đầy hoàng thành và phủ chúa tung bay phấp phới. Trịnh Khải quay voi chạy về hướng Sơn Tây. Chạy đến Hạ Lôi, Yên Lãng thì quân sĩ tan tác hầu như không còn ai. Thầy đồ Nho Tiến sĩ Lý Trần Quán ra đón Trịnh Khải, quỳ hành lễ khóc nói:

-Để chúa long đong vất vả, tội ở hạ thần.

Trịnh Khải đáp:

-Thầy làm gì có tội. Tội là ở bọn tham quan ô lại làm dân tình khổ cực, lòng bách tính vì thế không còn hướng về nhà Trịnh nữa làm phủ chúa diệt vong.

Lý Trần Quán gọi:

-Người đâu.

-Dạ.

-Cho gọi học trò của ta là Nguyễn Trang đến đây.

-Dạ.

Nguyễn Trang bước vào:

-Dạ kính chào thầy, kính chào chúa thượng.

Lý Trần Quán nói:

-Nay nước nhà gặp nạn làm cho chúa long đong. Thầy già yếu rồi, nhờ cậy con đem chúa lên miền Sơn Tây xa kinh thành trốn tránh. Con nhớ lấy câu trung hiếu trong sách thánh hiền đã dạy mà hành động.

-Dạ, con xin vâng lời thầy.

Cơm nước xong thì chúa tôi rời khỏi nhà Lý Trần Quán. Nguyễn Trang dắt ngựa cho chúa đi nhưng không lên Sơn Tây mà lại quay về Thăng Long. Trịnh Khải hỏi:

-Sao ngươi lại quay lại Thăng Long.

-Phải, ta quay về Thăng Long vì muốn bắt chúa nộp cho Tây Sơn lấy thưởng. Thời buổi hỗn loạn nhiễu nhương, chữ trung hiếu đã bị vua chúa và quan lại các ngươi phá tan từ lâu rồi, làm gì còn tồn tại mà tôn thờ.

Trịnh Khải ngao ngán thở dài. Không ngờ cơ nghiệp 200 năm của nhà Trịnh mà tổ tiên là Trịnh Thế Tổ để lại, Trịnh Tùng, Trịnh Tráng, Trịnh Tạc dầy công xây dựng bây giờ sụp đổ trong tay con cháu như ta. Ta không thể làm nhục tổ tiên oanh liệt được.

Nghĩ vậy, nhân lúc Nguyễn Trang dắt ngựa không chú ý, Trịnh Khải lén rút con dao ngắn đeo bên mình tự đâm vào cổ mà chết. Năm đó Trịnh Khải mới 23 tuổi, ở ngôi chúa được 4 năm.

Nghe tiếng động, Nguyễn Trang giật minh quay lại thấy Trịnh Khải gục trên ngựa, máu chảy đầm đìa. Nguyễn Trang xé áo buộc vào cổ chúa cho không chảy máu rồi cứ thế dắt chúa về cho Tây Sơn. Nguyễn Hụê đang ngồi trong phủ chúa Trịnh thì có tùy tướng vào báo:

-Dạ, bẩm Bắc Bình Vương, có kẻ bắt được Trịnh Khải đem nộp nhưng dọc đường chúa đã tự đâm cổ chết rồi.

Nguyễn Huệ bước ra và gọi:

-Người đâu.

-Dạ.

-Lấy chiếu trải ra, cho đỡ Trịnh Khải xuống.

Quân lính đỡ Trịnh khải nằm xuống chiếu. Nguyễn Huệ nhìn và nói:

-Sao không sống cùng ta hưởng phú quý, trẻ tuổi thế này chết đi thật uổng.

Nguyễn Hụê hỏi Nguyễn Trang:

-Ngươi làm nghề gì?

-Dạ bẩm chúa công, tại hạ là học trò.

-Học trò đọc sách thánh hiền dạy trung hiếu. Sao lại phản chúa?

-Dạ bẩm, thời buổi loạn lạc, vua chúa coi dân như cỏ rác, làm gì có chữ nhân, không còn chữ nhân thì làm gì còn chữ trung, hiếu.

Nguyễn Huệ nói:

-Đáng lý ta bắt giam người vào ngục vì tội bất trung nhưng ngươi nói có lý. Đạo đức giáo lý sụp đổ là do vua quan, nhà ngươi chỉ là nạn nhân thôi. Nhưng ta không thưởng cho ngươi đâu. Ngươi đi nhanh kẻo ta đổi ý.

-Dạ, đa tạ chúa công.

Nguyễn Huệ gọi:

-Người đâu.

-Dạ.

-Cho mai táng Trịnh Khải theo lễ tước vương.

-Dạ, tuân lệnh.

Còn nhà Nho Lý Trần Quán được tin Nguyễn Trang bắt chúa nộp cho Tây Sơn, chúa Trịnh Khải đã tự sát chết thì kêu lên:

-Trời ơi, cả đời dạy đạo trung hiếu cho học trò, nay học trò lại bất trung phản chúa, ta còn mặt mũi nào đứng trong làng Nho nữa.

Rồi Lý Trần Quán đào hố, sai người nhà chôn sống mình.

Nguyễn Hụê trong phủ chúa thì có tùy tướng vào báo:

-Dạ bẩm Bắc Bình Vương, có sứ giả của vua Lê Hiển Tông mời Bắc Bình Vương vào  Long Phượng Thành.

(Còn nữa)

CVL