Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 24)

PGS TS Cao Văn Liên

17/06/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VI  “PHONG KIẾN VIỆT NAM CHỐNG PHÁP” của PGS TS Cao Văn Liên.     

Kỳ 24.

Rồi kẻ ở lại rừng xanh, người trở lại kinh thành đều gạt nước mắt phân ly. Đâu đó có tiếng hổ gầm, tiếng voi kêu, tiếng vượn hú càng làm cho cuộc phân ly bi thiết buồn não ruột. Mọi người đều biết rằng cuộc phân ly này không thể có ngày gặp lại. Sau này bà Từ Dụ có nhiều lần gửi thư cho vua Hàm Nghi khuyên cháu về nhưng nhà vua không về. Pháp treo giải thưởng 2.000 lạng bạc cho ai bắt được Tôn Thất Thuyết, 500 lạng cho ai bắt được vua Hàm Nghi. Sau hai tháng, Tôn Thất Thuyết và vua Hàm Nghi không trở lại kinh thành, Pháp cách chức Nguyễn Văn Tường và đày ông ra đảo Ta hi ti ở Thái Bình Dương. Một thời gian sau thì ông mất, thi hài đã được con cháu, thân hữu đưa về Việt Nam.

chieu-can-vuong-1655394553.jpg
Toàn văn Chiếu Cần Vương. Nguồn: vi.wikipedia.org

 

Ngày 14 tháng 9 năm 1885, Đơ Cuốc xi ra lệnh đưa Nguyễn Phúc Kỷ, em của Hàm Nghi lên ngôi, đế hiệu là Đồng Khánh.

  Tại Tân Sở Quảng Trị, Tôn Thất Thuyết tâu:

-Dạ, bẩm hoàng thượng, muốn đánh đuổi được giặc Pháp, hoàng thượng phải xuống chiếu Cần Vương, kêu gọi sĩ phu, văn thân và bách tính cả nước đứng dậy vũ trang chống Pháp thì may ra mới giành lại được đất nước.

  Vua Hàm Nghi đáp:

-Khanh nói phải lắm. Người đâu?

-Dạ, bẩm hoàng thượng.

-Đem bút mực ra đây.

-Dạ.

  Có bút mực, vua Hàm Nghi liền xuống chiếu Cần Vương. Chiếu Cần Vương kể lại tình chiến đấu ở kinh thành Huế giữa quân ta và quân Pháp. Kinh thành thất thủ nên xa giá hoàng thượng phải bôn tẩu, vận nước nguy nan. Chiếu Cần Vương kêu gọi văn thân, sĩ phu và toàn dân ứng nghĩa chống xâm lăng, đánh đuổi giặc Pháp, giúp vua cứu nước. Viết xong, nhà vua nói:

-Cho khắc bản và in nhiều bản gửi về tất cả các tỉnh miền Trung, miền Bắc.

-Hạ thần tuân chỉ.

  Chiếu Cần Vương hạ xuống không lâu, một hôm Tôn Thất Đạm, người bảo vệ vua vào báo:

-Bẩm hoàng thượng, có quan Ngự sử Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh, hưởng ứng chiếu Cần Vương đã khởi xướng khởi nghĩa khắp vùng Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và Quảng Bình.

  Vua Hàm Nghi phấn khởi nói:

-Tuyên chỉ, phong Phan Đình Phùng chức Tán Lý quân vụ đại thần lãnh đạo các tỉnh miền Trung chống giặc.

-Thần tuân chỉ.

  Lại một hôm, Tôn Thất Thuyết vào báo với vua Hàm Nghi:

-Bẩm hoàng thượng, vùng đồng bằng Hải Dương và Hưng Yên có Tán tương quân vụ Nguyễn Thiện Thuật nổi dậy đánh Pháp, hưởng ứng chiếu Cần Vương.

-Vua Hàm Nghi nói:

-Nay truyền chỉ, phong Nguyễn Thiện Thuật làm Bắc kỳ hiệp thống quân vụ đại thần, Gia trấn Trung tướng quân.

Tôn Thất Thuyết nói:

-Thần sẽ truyền chỉ.

Một hôm Tôn Thất Thuyết nói với vua Hàm Nghi:

-Theo tin báo, ở Yên Thế, Bắc Giang có một cuộc khởi nghĩa của nông dân chống Pháp rộng lớn do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo, không biết có phải là hưởng ứng chiếu Cần Vương hay không?

  Vua Hàm Nghi đáp:

-Cứ nổi dậy chống Pháp là yêu nước, giúp vua rồi. Ái khanh xem có thể liên lạc được với Hoàng Hoa Thám để trẫm phong chức vụ, tức là giao nhiệm vụ cho Hoàng Hoa Thám.

-Thần sẽ cho người liên hệ.

  Tháng 9 năm 1885, để bảo đảm an toàn, xa giá vua Hàm Nghi dời từ sơn phòng Tân Sở, Cam Lộ, Quảng Trị về sơn phòng rừng núi Ấu Sơn, Hương Khê, Hà Tĩnh, trải qua những ngày tháng gian khổ. Nhà vua đã được nhân dân các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An ra sức giúp đỡ. Nay do chiếu Cần Vương của ông mà các sĩ phu, văn thân và bách tính nổi dậy chống Pháp khắp các tỉnh miền Trung, miền Bắc, không sợ hy sinh, chỉ một lòng vì nghĩa lớn. Cho đến bây giờ Hàm Nghi mới nhận rõ được vai trò của ông trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Tên tuổi của nhà vua thành ngọn cờ của phong trào đấu tranh rộng lớn. Nhà vua ở Sơn phòng Hà Tĩnh được hơn một tháng, do Pháp lùng sục bắt vua rất gắt gao nên ngày 7 tháng 10 năm 1885, Tôn Thất Thuyết lại cho dời xa giá về Khe Ve, Tà Bảo, phủ Thanh Lạng, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, căn cứ bên cạnh sông Nan, một nhánh quan trọng của thượng nguồn sông Gianh.

  Một ngày tháng 2 năm 1886, Tôn Thất Thuyết nói với vua Hàm Nghi và các thuộc tướng:

-Nay căn cứ đã vững chắc, phong trào Cần Vương kháng Pháp lan rộng khắp miền Trung và miền Bắc, thần nghĩ rằng cần phải thêm lực lượng bên ngoài bổ sung cho lực lượng bên trong thì phong trào càng mạnh. Cho nên thần muốn sang Trung Quốc xây dựng lực lượng, vũ khí tăng viện cho bên trong, vả lại có thể nhờ nhà Thanh là kẻ thù của Pháp giúp sức.

  Vua Hàm Nghi nói:

-Khanh hãy nghĩ lại đi. Năm 1882-1883, quân Thanh đã vào Bắc Kỳ chiến tranh với Pháp để tranh giành, đã bị quân Pháp đánh bại và phải ký hiệp ược Thiên Tân 1883, thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Bắc Kỳ và ở toàn Đại Nam. Vả lại, Trung Quốc  cũng đã và đang bị các nước, cầm đầu là Anh-Pháp đánh cho đại bại, phải ký nhiều hiệp ước bất bình đẳng, khiến Trung Quốc mất nhiều đất đai và chủ quyền độc lập. Họ không cứu được mình thì còn cứu được ai. Tốt nhất, khanh hãy ra sức hoạt động, làm cho các phong trào miền Trung, miền Bắc liên kết phối hợp với nhau, tạo nên một làn sóng mạnh mẽ nhấn chìm quân giặc thì chắc ta sẽ thắng lợi.

  Tôn Thất Thuyết nói:

-Thần đã quyết, hoàng thượng cứ để thần đi một chuyến xem sao.

  Vua Hàm Nghi im lặng. Tôn Thất Thuyết nói với hai con:

-Hai con Tôn Thất Đạm, Tôn Thất Thiệp ở nhà chăm sóc và hộ giá, bảo vệ hoàng thượng cho chu đáo.

  Tôn Thất Đạm và Tôn Thất Thiệp quỳ gối, chắp hai tay hướng về Tôn Thất Thuyết:

-Chúng con xin vâng lời phụ thân căn dặn. Mong cha đi sang nước người tự bảo trọng vì chúng con không chăm sóc được cha.

  Tôn Thất Thuyết nói với Lê Trực, Nguyễn Phạm Tuân,  Nguyễn Thúy, Nguyễn Đình Tình và Trương Quang Ngọc:

-Năm ngài ở nhà cùng Tôn Thất Đạm, Tôn Thất Thiệp hộ giá bảo vệ hoàng thượng, phải canh phòng sơn phòng cho cẩn mật. Bọn giặc Pháp thì không biết đường đất nhưng đề phòng bọn Việt gian bán vua, bán nước. Bọn này thông thạo đường sá, rất nguy hiểm.

  Lê Trực, Nguyễn Phạm Tuân, Nguyễn Thúy, Nguyễn Đình Tình, Trương Quang Ngọc cùng chắp tay cúi đầu đáp:

-Chúng thuộc tướng tuân lệnh quan Phụ chính. Quan Phụ chính đi xa nhớ bảo trọng, sớm trở về.

  Tháng 2 năm 1886, một ngày mùa xuân, sương bao phủ trắng núi đồi, tại sơn phòng Khe Ve, bên bờ sông Nan, thượng nguồn sông Gianh, Minh Hóa, Quảng Bình, vua tôi Hàm Nghi ra đưa tiễn Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn, Ngụy Khắc Kiều sang Trung Quốc lo việc lớn. Ba người quỳ lạy vua Hàm Nghi và nói:

-Hoàng thượng nhớ bảo trọng long thể.

  Vua Hàm Nghi nói:

-Miễn lễ, các ái khanh nhớ bảo trọng, chúc thượng lộ bình an, nhanh chóng hồi hương, trở về với trẫm.

-Đa tạ hoàng thượng.

  Tôn Thất Đạm và Tôn Thất Thiệp có cảm giác như đây là cuộc chia ly không hẹn ngày xum họp. Hai người nén đau buồn quỳ lạy Tôn Thất Thuyết và nói:

-Cha nhớ bảo trọng, thượng lộ bình an, nhanh chóng trở về với chúng con.

  Tôn Thất Thuyết đỡ hai con dậy và nói, giọng run run:

-Hai con cũng phải bảo trọng và hộ giá hoàng thượng cho thật tốt.

-Dạ, hai con xin vâng.

  Lê Trực, Nguyễn Thúy, Nguyễn Phạm Tuân, Nguyễn Đình Tình và Trương Quang Ngọc chắp tay vái chào:

-Quan Phụ chính, Trần đại nhân, Ngụy đại nhân thượng lộ bình an, nhớ bảo trọng.

-Đa tạ, đa tạ, xin cáo biệt.

  Vua Hàm Nghi và các bề tôi đứng nhìn ba người khuất dần trong nẻo xa xăm của rừng núi. Những cuộc chia tay của vua tôi trong thời loạn lạc này khó mà nói trước được điều gì. Vua Hàm Nghi nhìn xa xăm và buông một tiếng thở dài buồn bã. Gió rừng buổi sáng cũng khua lá xào xạc thê lương.

  Trong phủ Toàn quyền Đông Dương tại Hà Nội, Toàn quyền Pôn bec đang ngồi bàn việc với Đơ cuốc xi. Toàn Quyền Pôn béc nói:

-Tình hình Bắc Trung Kỳ và Bắc kỳ rất rối loạn. Sau khi vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương, hầu như tất cả các tỉnh trong hai vùng đó đã nổi dậy chống lại chúng ta. Quân lực của Phan Đình Phùng từ Hà Tĩnh đã lan vào Quảng Bình, lan ra Nghệ An. Thanh Hóa có cuộc nổi dậy của Phạm Bành, Đinh Công Tráng ở Ba Đình, Nga Sơn. Hưng Yên, Hải Dương có cuộc nổi dậy của Nguyễn Thiện Thuật, ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa này còn lan ra Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Bắc Ninh và các vùng quanh Hà Nội, Phúc Yên. Những lực lượng này mà liên kết phối hợp với nhau thì nền cai trị ở Trung Kỳ, Bắc Kỳ của chúng ta có nguy cơ sụp đổ. Một trong những mấu chốt là muốn làm tan rã phong trào này thì phải bắt được vua Hàm Nghi hoặc là lôi kéo được Hàm Nghi theo ta vì Hàm Nghi là linh hồn, ngọn cờ của phong trào này.

  Pôn béc ngừng lại cùng Đơ Cuốc xi uống cạn hai cốc rượu săm pa nhơ. Sau khi đặt cốc xuống bàn Pôn béc nói tiếp:

-Thế cho nên tôi đã gửi một bức thư cho vua Hàm Nghi cho ông ta tạm thời làm vua bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa.

  Pôn béc nói đến đó chợt có viên sĩ quan tùy tùng vào báo:

-Dạ, bẩm ngài toàn quyền, có thư của vua Hàm Nghi gửi ngài.

  Pôn béc nói:

-Đưa mau, ta đang chờ đợi lá thư này.

  Pôn béc bóc thư đọc. Thư viết: “Khi nước đã mất, ta thà chết trong rừng còn hơn là đầu hàng, làm vua nô lệ trong vòng cương tỏa của các ngài”.

(Còn nữa)

CVL                                                                 

                                                                        

                                                                       

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 24)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn