Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 23)

16/06/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VI  “PHONG KIẾN VIỆT NAM CHỐNG PHÁP” của PGS TS Cao Văn Liên.     

Kỳ 23.

-Tướng quân Tôn Thất Đạm.

-Có hài nhi.

-Tướng quân đem 1.000 quân mai phục ở cầu Thanh Long đánh chặn quân của tên đại tá Péc nốt qua cầu từ Mang Cá chi viện cho tòa khâm sứ.

-Hài nhi tuân lệnh.

  Ngài Phụ chính Nguyễn Văn Tường.

-Có hạ quan.

-Ngài hãy chỉ huy quân cấm vệ bảo vệ hoàng thượng và hoàng gia. Chẳng may kinh thành thất thủ thì hộ giá chạy ra sơn phòng Tân Sở Quảng Trị, ta sẽ đem quân hộ vệ phía sau.

-Hạ quan tuân lệnh.

chtrxsoan-1655295903.jpg
Trần Xuân Soạn (1849-1923), là tướng và nhà yêu nước dưới thời nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Nguồn: nhanvatlichsu.org

 

-Tướng quân Tôn Thất Thiệp đâu.

-Dạ, có hài nhi.

-Dưới sự chỉ huy của quan phụ chính Nguyễn Văn Tường, tướng quân trực tiếp bảo vệ an toàn cho hoàng thượng, không được mảy may sơ xuất, có thể phải hy sinh vì hoàng thượng.

-Dạ, hài nhi tuân lệnh.

-Còn ta sẽ chỉ huy đội quân thứ ba gồm 1.000 quân ở sau Đại Nội, là quân dự bị để chi viện và trợ chiến cho các cánh quân.

-Ta ra lệnh, bắt đầu tấn công giặc Pháp rửa nỗi hận cho các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho nước nhà và cho triều đình suốt gần 30 năm nay.

-Thưa quan Phụ chính, chúng tôi đã rõ.

Đêm 4 tháng 7 âm lịch năm 1885, lúc canh tư đang chuyển sang canh năm, Tôn Thất Thuyết ra lệnh cho đại bác trên thành bắn vào Trấn Bình Đài làm hiệu lệnh. Bên kia sông Hương, quân triều đình cũng nổ súng và tấn công vào tòa khâm sứ. Ở đồn Mang Cá, Trần Xuân Soạn cho đốt doanh trại quân Pháp. Khắp kinh thành Huế, tiếng đại bác, tiếng súng hỏa mai, tiếng reo hò của quân triều đình vang động đất trời. Tòa khâm sứ cháy dữ dội, khói lửa bốc cao sáng cả một vùng trời, lửa thiêu cháy cả trại lính, cả chuồng ngựa. Lính Pháp đang ngủ, kẻ bị đạn chết, kẻ bị chết cháy, kẻ còn sống vội vơ lấy súng bắn ra bên ngoài. Tòa Khâm sứ và đồn Mang Cá cách nhau 2.500m, cách nhau bởi sông Hương nên không cứu ứng cho nhau được. Các trại lính của đại đội 27, đại đội 30 của tiểu đoàn thủy quân lục chiến bị cháy cùng một lúc, cháy hết đồ đạc và nhà hậu cần.

  Đơ cuốc xi chỉ huy 160 lính cố thủ ở cửa số 2 tòa khâm sứ. Nhờ có hệ thống điện thoại, Đơ cuốc xi ra lệnh:

-Tất cả xuống hầm tránh thương vong, chờ đến sáng quân Việt hết đạn chúng ta sẽ phản công.

-Rõ, thưa quan toàn quyền, tất cả xuống hầm tránh đạn và cố thủ.

  Đơ Cuốc xi vừa ra lệnh cho quân Pháp ở các nơi, vừa chỉ huy 160 lính Pháp chiến đấu ngăn chặn cuộc tấn công của 1.600 lính Việt vào cửa số 2 tòa Khâm sứ. Súng trường mạnh của Pháp cùng 4 khẩu đại bác đã ngăn chặn được cuộc tấn công của quân Việt. Quân Việt không có vũ khí hiện đại, lại ở cự ly xa nên hỏa lực quân Việt không hiệu quả. Cho nên, sau gần hai canh giờ tấn công mà lực lượng quân Pháp ở đồn Mang Cá, ở Trấn Bình Đài và ở tòa khâm sứ hầu như còn nguyên vẹn cả người và vũ khí. 5 giờ sáng này 5 tháng 7 âm lịch (23-3-1885), qua điện thoại, Đơ Cuốc xi ra lệnh:

-Pháo hạm Da ven len hãy bắn vào kinh thành, dọn đường cho quân ta phản công.

-Tướng Péc nốt chỉ huy 3 cánh quân tiến vào kinh thành Huế.

-Tuân lệnh toàn quyền.

  Pháo hạm Da ve len của Pháp dưới sông Hương bắt đầu nã đạn dữ dội vào kinh thành, nhiều cung điện, thành lũy và lâu đài bị phá hủy, lửa cháy dữ dội. Rất nhiều lính Việt đã hy sinh. Trong khi đó một cánh quân Pháp đã tràn vào chợ Đông Ba, cửa Thượng Tứ, cửa Chánh Đông, cửa Chánh Tây, cửa An Hòa. Cánh thứ hai của Pháp từ cầu Thanh Long vượt sông Ngự Hà tiến vào khu Lục Bộ, tấn công vào cửa Hiền Nhơn vào Đại Nội. Toán thứ ba vượt cầu Kho tấn công vào vườn Thượng Uyển, tiếp ứng cho cánh thứ hai ở cửa Hiền Nhơn, cửa phía Đông Đại Nội.

  Trên thành quân Việt sử dụng các vọng lâu làm pháo đài chặn đánh quân giặc dữ dội. Quân Việt bắn thủng ruột thiếu úy Pơ li cô tơ. Một pháo đài chứa chất cháy của quân Việt bị trúng đạn, pháo đài bốc cháy, toàn bộ lính và chỉ huy ở đây đã hy sinh. Phía tòa sứ quán Pháp, dưới sự chỉ huy của Sơ ru tơ re và Bô mét, Se dốt đã tiến được vào thành. Kinh thành Huế thất thủ. Hai đạo quân Việt trong và ngoài tan vỡ tháo chạy ra cửa Đông Ba. Quân Pháp từ cửa Trài bao vây và tàn sát, 1.500 lính Việt hy sinh.

  Quân Pháp vào thành hạ lá cờ vàng của triều đình, treo cờ tam tài lên kỳ đài. Quân Pháp tiếp tục tiến vào Đại Nội, ra sức đốt phá, tàn sát, cướp bóc, hãm hiếp không từ một ai. Chúng đốt công sở bộ lại, bộ binh và kho thuốc súng, chia nhau chiếm giữ các kho tàng, cung điện, cướp bóc vàng bạc và số tiền hơn 1 triệu quan. Nguyễn Văn Tường vào cung đề nghị vua Hàm Nghi xuất cung. Hữu quan Hồ Văn Hiếu cùng Tôn Thất Thiệp hộ giá đưa hoàng gia ra cửa Tây Nam. Từ Dụ Thái hoàng thái hậu bảo Nguyễn Văn Tường:

-Khanh ở lại lo chuyện giảng hòa với người Pháp.

-Tâu Thái hoàng thái hậu, việc cấp bách bây giờ là thần phải bảo vệ hoàng thượng và hoàng gia an toàn ra chiến khu.

Vừa khi đó, Tôn Thất Thuyết đem 1.000 quân đến hộ vệ Hàm Nghi và hoàng gia chạy ra sơn phòng Tân Sở, Quảng Trị.

  Trong Tử cấm thành, Đơ cuốc xi ra lệnh:

-Truy kích hoàng gia, Tôn Thất Thuyết và vua Hàm Nghi.

-Tuân lệnh quan toàn quyền.

   Đơ Cuốc xi hỏi sĩ quan tham mưu:

-Quân ta chết bao nhiêu?

-Dạ, quân ta chết 16 lính, 80 người bị thương.

-Quân Việt chết bao nhiêu?

-Dạ, quân Việt chết 1.500 lính trong số 3 vạn quân tham gia tấn công chúng ta.

-Chiến lợi phẩm thu được những gì, bao nhiêu?

-Dạ, ta chiếm được kho vũ khí có 812 khẩu thần công, 16.000 súng hỏa mai, ta lấy được 2,6 tấn vàng, 30 tấn bạc, 228 viên kim cương, 266 món trang sức nữ nạm kim cương, hạt trai, hạt ngọc, 271 đồ bằng vàng trong cung của bà Thái hoàng thái hậu Từ Dũ và tại các miếu thờ các vua. Tất cả các thứ quý giá có thể mang đi được ta đã mang đi hết. Pháp chiếm khoảng 700.000 lạng bạc. Riêng số bạc, 5 lính Pháp đóng hòm 5 ngày mới xong để gửi về Pháp.

  Theo linh mục Pơ rơ si dơ, nhân chứng trực tiếp trận Pháp tấn công cướp bóc kinh thành Huế có ghi, kho tàng hoàng cung mất đi 24 triệu quan vàng và bạc. Cuộc cướp bóc của quân Pháp kéo dài suốt 2 tháng trời gây tổn hại nghiêm trọng cho kinh thành Huế, gây tai tiếng và hổ thẹn sỉ nhục cho người Pháp còn hơn cả cuộc cướp bóc cung điện Mùa Hè ở Bắc Kinh Trung Quốc của Liên quân do Anh -Pháp cầm đầu trong cuộc chiến tranh thuốc phiện lần 2. Ngày 24 tháng 7 năm 1885, Đơ Cuốc xi điện cho chính phủ Pháp: "Trị giá các quý vật bằng vàng, bạc khoảng 9 triệu quan. Đã khám phá thêm nhiều ấn, tín và kim sách đáng giá bạc triệu. Việc xúc tiến hiểu biết những kho tàng mỹ thuật rất khó khăn, vì chúng tôi không có chuyên môn. Cần cử sang đây một chiếc tàu với nhiều nhân viên thành thạo để họ mang về mọi thứ cùng với kho tàng”.

  Theo Quốc sử quán triều Nguyễn thì tại phủ nội vụ, tầng dưới có cất giữ 91.424 thỏi bạc đỉnh (1 thỏi bằng 10 lạng), 78.960 thỏi bạc đỉnh (1 thỏi 1 lạng), tầng trên cất giữ khoang 500 lạng vàng, 700.000 lạng bạc, kho gần cửa Thọ cất giữ 898 lạng vàng, 3.400  lạng bạc. Toàn bộ vàng bạc trên đã bị quân Pháp cướp đi. Trên đường truy kích Tôn Thất Thuyết, vua Hàm Nghi và hoàng gia, quân Pháp còn thu được 34 hòm bạc đựng 36.557 tiền bạc và 6 hòm đựng 196 thỏi bạc và 18.696 tiền bạc.

  Ngoài cướp bóc, quân Pháp còn tàn sát hàng vạn dân lành vô tội ở Huế. Ngày đó, đất kinh thành tràn ngập máu và trời tháng 7 cũng đỏ như máu và đột nhiên mưa gió giông lốc tầm tả, sấm sét vang lên giận dữ, gầm thét lên những tiếng rền rĩ căm hờn quân xâm lược và uất hận đau thương cho nạn nước. Ngày 5 tháng 7 âm lịch 1885, gia đình nào ở Huế cũng có người bị tàn sát. Năm 1894, Bộ lễ đã xây dựng trước hoàng thành một cái đàn âm hồn, diện tích 1.500m2, gần cửa Quảng Đức để các gia đình làm giỗ chung.

  Lại nói, ngày 5 tháng 7 năm 1885, vua Hàm Nghi rời kinh thành Huế. Lúc đầu vua đi kiệu nhưng chạy nhanh va đập, vua không chịu nổi, sau đổi sang nằm võng cho lính khiêng mà chạy. Cuối cùng vua và tam cung lục viện trải qua bao gian nan, vất vả  cũng lên được căn cứ Tân Sở, Quảng Trị ngày 9 tháng 7. Căn cứ nằm phía bên trong thành Cam Lộ. Để cản đường quân Pháp truy kích, bảo vệ hoàng gia, nhiều người đã hy sinh trong đó có tướng Tôn Thất Lệ, em của Tôn Thất Thuyết. Đang ở kinh thành phồn hoa, đô hội, triều đình kháng chiến phải lên rừng thẳm núi cao, chung quanh toàn cây  lá hoang vu, không gian vang lên những khúc nhạc rừng, tiếng chim hót, tiếng hổ gầm, tiếng voi kêu the thé vang xa. Nắng như đổ lửa. Tuy nhiên, nhiều người lần đầu thấy được cảnh hùng vĩ bao la của đất trời, rừng núi.

  Vài ngày sau, có thư của Nguyễn Văn Tường, người được Thái hoàng thái hậu Từ Dụ cho ở lại thu xếp giảng hòa với Pháp. Nguyễn Văn Tường qua trung gian của giám mục Ca sơ pác ra đơ gặp được toàn quyền Đơ Cuốc xi. Đơ Cuốc xi nói:

-Trong hai tháng ngài hãy thu xếp xong việc tam cung lục viện, vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết về lại kinh thành.

  Nguyễn Văn Tường đáp:

-Ta sẽ viết thư mời họ về, còn họ có về hay không là việc của họ.

  Đơ Cuốc xi lo lắng sự bôn tẩu của vua Hàm Nghi sẽ làm bùng lên một cuộc chiến tranh chống Pháp trên toàn cõi Đại Nam.

  Nhận được thư của Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết nói với Thái hoàng thái hậu:

-Thái hoàng Thái hậu và tam cung nên trở về kinh thành. Nơi đây không thích hợp với tam cung. Còn tôi, phái chủ chiến và Hoàng thượng sẽ tiếp tục cuộc kháng chiến chống Pháp.

  Một ngày nắng ráo, phái chủ chiến gồm Tôn Thất Thuyết, hai con là Tôn Thất Đạm, Tôn Thất Thiệp, Trần Xuân Soạn, Ông Ích Khiêm, Lê Trực, Nguyễn Phạm Tuân, Nguyễn Thúy và vua Hàm Nghi tiễn Thái hoàng Thái Hậu Từ Dụ, mẹ của Tiên đế Tự Đức và Nguyễn Đức Tông, bà Nguyễn Thái Phi, mẹ nuôi của Nguyễn Giản Tông, bà Khiêm hoàng hậu, vợ vua Dục Tông và những người cùng đi. Thái hoàng Thái hậu, bà Thái hậu, bà hoàng hậu và những người trong tam cung lục viện gạt nước mắt từ biệt vua Hàm Nghi:

-Hoàng thượng bảo trọng.

-Hoàng thượng bảo trọng.

  Vua Hàm Nghi cũng quỳ lạy Thái hoàng thái hậu Từ Dụ:

-Trẫm bất hiếu để cho Thái hoàng thái hậu và hoàng gia gian nan. Thái hoàng thái hậu bảo trọng. Mọi người bảo trọng.

  Thái hoàng thái hậu lại đỡ vua Hàm Nghi đứng dậy và nói trong tiếng khóc:

-Nước mất thì nhà tan. Vận nước gian nan. Rồi đây hoàng thượng còn phải gian nan nhiều để cứu nước. Hoàng thượng bảo trọng. Tạm biệt.

(Còn nữa)

CVL                                                                                                                                                                                                           

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 23)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn