Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 29)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VI  “PHONG KIẾN VIỆT NAM CHỐNG PHÁP” của PGS TS Cao Văn Liên.   

Kỳ 29.

Phan Đình Phùng đứng dậy chậm rãi nói:

-Thưa các vị thủ lĩnh của 15 quân thứ bốn tỉnh, các ngài là những người trung nghĩa, yêu nước, nhận được chiếu Cần Vương của hoàng thượng Hàm Nghi kêu gọi, các ngài đã đứng lên giúp vua cứu nước, không quản hy sinh, gian khổ. Sử sách và dân tộc sẽ không bao giờ quên những anh hùng hào kiệt vì dân, vì nước như các vị. Hôm nay, các ngài lại không ngại đường xá xa xôi, về tận Vụ Quang hiểm trở này để tỏ lòng thống nhất lực lượng, thống nhất hành động, đứng dưới cờ của lão phu để chiến đấu chống giặc, cứu dân, cứu nước. Lão Phu xin thay mặt hoàng thượng Hàm Nghi, quan Phụ chính Tôn Thất Thuyết và bách tính cảm tạ các vị. Nay mai về địa phương chiến đấu, các vị nhớ phải dựa vào dân. Trong tác chiến, các ngài nhớ thực hiện chiến thuật chiến tranh du kích, dựa vào địa thế hiểm trở, đánh giặc bằng nhiều hình thức như công đồn, tập kích, mai phục, truy kích, phải lấy yếu thắng mạnh. Chúc các vị lãnh đạo quân thứ của mình phát triển, lập được nhiều chiến công. Lão phu ở Hương Khê ngày đêm mong ngóng chiến công của các vị. Trước khi chia tay, kính mời các vị xuống đại sảnh dùng với lão phu và các tướng Hương Khê chén rượu nhạt chia tay.

chdownload-1655817838.jpg
Từ năm 1885, vai trò lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy thuộc về Nguyễn Thiện Thuật. Nguyễn Thiện Thuật, thủ lĩnh của khởi nghĩa Bãi Sậy, quê ở làng Xuân Đào, xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Ông là con cả của một gia đình nhà nho nghèo, là hậu duệ đời thứ 30 của Nguyễn Trãi. Nguồn: Internet.

 

  Tất cả các tướng lĩnh bốn tỉnh đứng dậy đồng thanh đáp:

-Xin cảm tạ Thống đốc quân vụ đại thần. Chúng tôi thề ra sức giết giặc lập công báo đền ơn vua nợ nước.

  Phan Đình Phùng chắp tay đáp lễ:

-Xin đa tạ, đa tạ.

  Sau bữa tiệc, những tốp người ngựa lại từ núi Vụ Quang theo đường thượng đạo miền núi về Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, người thì ở lại Hương Khê chuẩn bị bước vào giai đoạn chiến đấu quyết liệt chống quân xâm lược Pháp và bè lũ tay sai bán nước. Rừng chiều nắng gió xôn xao tiễn đưa các anh hùng Cần Vương về cố quận, quê hương nhưng cũng là tiễn ra mặt trận.

                                            *       *

                                              *

 Tháng 3 năm 1892, Hà Nội chìm trong nắng gió mùa xuân, những dãy phố như bàn cờ chìm trong cây lá, lá xanh xạc xào, lá vàng rơi lả tả. Giữa mênh mông phố xá nhà cửa, nổi bật lên tòa nhà nhiều tầng kiến trúc kiểu vô băng của Pháp bề thế. Đó chính là phủ toàn quyền Đông Dương. Trong căn phòng rộng rãi, sang trọng nhất của phủ rực rỡ ánh đèn. Toàn quyền Đông Dương Đu lơ Pi kít đang ngồi uống săm pa nhơ và suy nghĩ về công việc của xứ thuộc địa Đông Dương. Cùng với việc chinh phục Đại Nam, Pháp đã hoàn thành công cuộc chinh phục Ai Lao, Căm Bốt. Năm 1887, Chính phủ Pháp thành lập Liên bang Đông Dương thuộc Pháp (Ai Lao gia nhập 30-10-1893). Toàn cõi Đông Dương được chia làm 5 xứ. Thứ nhất là Căm Bốt, đứng đầu là viên Khâm sứ Pháp, bên cạnh là triều đình phong kiến Nô rô đôm đầu hàng làm tay sai, xứ thứ hai là Ai Lao, đứng đầu là Khâm sứ Pháp, dưới là triều đình phong kiến Ai Lao tay sai, xứ thứ ba Bắc Kỳ của Đại Nam, lãnh thổ gồm toàn bộ miền Bắc đến Ninh Bình, đứng đầu Bắc Kỳ là viên Thống sứ người Pháp, xứ thứ tư là Trung Kỳ, lãnh thổ từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, đứng đầu là viên Khâm sứ người Pháp, bên cạnh là triều đình Huế đầu hàng tay sai, xứ thứ năm là Nam Kỳ, đứng đầu là viên Thống đốc người Pháp. Ở các tỉnh của bốn xứ, mỗi tỉnh có một viên công sứ người Pháp, bên cạnh là viên Tổng đốc người bản xứ tay sai. Riêng ở Nam kỳ, đứng đầu tỉnh là tỉnh trưởng người Pháp. Dưới tỉnh của toàn liên bang là phủ, đứng đầu phủ là tri phủ người bản xứ, dưới phủ là huyện, đứng đầu là tri huyện người bản xứ, dưới huyện là tổng, đứng đầu là chánh, phó tổng, dưới tổng là xã đứng đầu là lý trưởng và phó lý, dưới xã là thôn, ấp đứng đầu là hương kiểm ở miền Trung, miền Bắc, miền Nam là ấp trưởng, miền núi gọi là trưởng bản. Như vậy, chính quyền của Pháp ở Đông Dương, người Pháp chỉ có mặt từ trung ương đến cấp tỉnh, cấp phủ trở xuống toàn dùng bọn phong kiến bản xứ nhưng là tay sai rất trung thành. Trong 5 xứ thì xứ Nam Kỳ được gọi là xứ thuộc địa nên chính quyền chỉ là chính quyền của Pháp, không có bọn phong kiến bản xứ. Bốn xứ còn lại gọi là xứ bảo hộ nên bên cạnh chính quyền Pháp còn có bộ máy phong kiến tay sai. Nguyên tắc tổ chức của chính quyền này là mọi quyền hành đều tập trung vào tay tên đứng đầu cấp và cuối cùng quyền hành tập trung vào tay Toàn quyền Đông Dương, đại diện cho chính phủ Cộng hòa Pháp. Vua chúa, triều đình bản xứ cũng chỉ là công chức ăn lương, bù nhìn của Pháp. Nguyên tắc thứ hai là chia để trị để giữa các xứ không thể đoàn kết với nhau để lật đổ chính quyền thuộc địa. Nguyên tắc thứ ba là sử dụng hàng nghìn quan lại, hàng vạn quân lính người bản xứ quay lại thống trị và đàn áp nhân dân mình, giữ vững nền thống trị của ngoại bang.

  Toàn quyền Đu li Pi kít vừa thưởng thức cốc săm pa nhơ ngon lành vừa cười ha hả:

-Tổ chức, cấu trúc bộ máy nhà nước Liên Bang Đông Dương thật tuyệt vời, Công sứ nắm hết quyền ở cấp tỉnh, Khâm sứ, Thống đốc, Thống sứ nắm hết quyền ở xứ, cuối cùng quyền hành nằm toàn bộ trong tay Toàn quyền là ta. Ha!Ha!Ha!...

  Đu li Pi kít vừa dứt trận cười thì có sĩ quan tùy tùng vào báo:

-Dạ bẩm quan toàn quyền, có sĩ quan tình báo xứ Trung Kỳ muốn vào gặp.

-Cho vào.

-Dạ.

Viên sĩ quan phụ trách Trung Kỳ bước vào:

-Xin chào quan toàn quyền, hạ cấp có tin khẩn cấp.

-Nói đi.

-Dạ bẩm, vừa rồi Phan Đình Phùng, người được vua Hàm Nghi phong cho là Thống đốc quân vụ Đại thần chỉ huy phong trào Cần Vương ở Trung Kỳ đã thống nhất được lực lượng khởi nghĩa ở bốn tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa. Bây giờ phong trào đã lan khắp bốn tỉnh từ miền núi lan xuống đồng bằng rồi ạ.

  Toàn quyền Đu li Pi kít sửng sốt:

-Hả, theo báo cáo thì sau khi bắt được vua Hàm Nghi, phong trào Cần Vương đã tan rã rồi cơ mà?

-Dạ bẩm, vua Hàm Nghi bị bắt năm 1888, chúng ta tưởng bắt được vua Hàm Nghi, linh hồn, lá cờ đầu thì phong trào này sẽ tan rã, không ngờ phong trào vẫn ngày càng phát triển mạnh dù không có nhà vua ạ.

-Vậy ở Trung Kỳ, Bắc Kỳ, mạnh nhất là khởi nghĩa của Phan Đình Phùng ở Hương Khê, còn có cuộc nổi dậy nào nữa không?

-Dạ bẩm phong trào Cần Vương ở Trung Kỳ gồm có khởi nghĩa của Phan Đình Phùng ở Hương Khê, ở Thanh Hóa có cuộc khởi nghĩa của Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Nguyễn Khế ở Ba Đình, huyện Nga Sơn, của Tôn Thất Hàm, em Tôn Thất Thuyết ở Nông Cống, của Hà Văn Mao ở Mã Cao, của Cầm Bá Thước ở Cẩm Thủy, của Trần Xuân Soạn, vốn là Đề đốc của vua Hàm Nghi khởi nghĩa ở Hà Trung, Hoằng Hóa. Ở Bắc Kỳ có khởi nghĩa của Nguyễn Thiện Thuật ở Hưng Yên, Hải Dương. Nhiều cuộc khởi nghĩa của Tạ Hiện ở Nam Định, Thái Bình, của Nguyễn Văn Hiệu (Đốc Tít) ở Quảng Ninh, của Đốc Kiệt ở Bắc Ninh, của Lưu Kỳ ở Lục Nam, của Đốc Khoát, Đốc Giang ở Vĩnh Yên, Phúc Yên cũng đặt dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Thiện Thuật. Trong số đó khởi nghĩa Phan Đình Phùng là có tổ chức nhất, lại chế tạo được súng trường kiểu 1874 của ta, đã bắn chết rất nhiều sĩ quan và lính Pháp. Cho nên quân ta và quân triều đình rất khiếp sợ.

  Toàn quyền Đu li Pi kít hốt hoảng:

-Nguy to rồi, nếu không dập tắt được, chúng ta có thể mất Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ, đặc biệt, khởi nghĩa Phan Đình Phùng cực kỳ nguy hiểm, có vũ khí hiện đại, lại có vị trí chiến lược, có thể cắt rời Nam Trung Kỳ và Bắc Trung Kỳ và do đó cắt đôi miền Nam và miền Bắc.

-Thuộc cấp đâu.

-Dạ.

-Gọi sĩ quan tham mưu trình bản báo cáo tình hình chiến sự giữa quân ta và quân Cần Vương Trung Kỳ

-Dạ.

Viên sĩ quan tham mưu bước vào:

-Dạ, ngài Toàn quyền cho gọi.

-Ngài đã hoàn thành bản tổng kết tình hình chiến sự giữa quân ta và quân Cần Vương ở Trung Kỳ từ 1885 đến 1892 mà ta giao cho chưa?

-Dạ, bẩm quan Toàn quyền, thuộc cấp đã hoàn thành, trình ngài xem.

-Tốt lắm, ta và Hội đồng phòng thủ Đông Dương đang rất cần tài liệu này.

Toàn quyền Đông Dương ngồi xuống bàn đọc tài liệu. Tài liệu viết: “Thưa ngài, Nhận được chỉ thị của ngài nên đã ghi chép lại chiến sự hàng chục trận đánh giữa quân ta và quân Phan Đình Phùng. Thứ nhất, quân Cần Vương tấn công quân ta: Năm 1885 Phan Đình Phùng khởi nghĩa ở làng Đông Thái, Lê Ninh khởi nghĩa ở làng Trung Lễ, hai làng cùng ở huyện La Sơn, Phủ Đức Thọ, Hà Tĩnh. Phan Đình Phùng cùng Lê Ninh phối hợp chống lại cuộc càn quét của quân ta nhằm tiêu diệt căn cứ của Lê Ninh. Kết quả quân ta thất bại. Làng Đông Thái trở thành Đại Đồn của quân khởi nghĩa. Năm 1886, quân của Lê Ninh phối hợp với nhiều cánh quân khác đã tấn công thành Hà Tĩnh. Sau khi về với Phan Đình Phùng, năm 1886, Lê Ninh đã tấn công tiêu diệt thành Dương Liễu, huyện Nam Đàn Nghệ An, giết chết Binh Luật và nhiều binh sĩ của ta. Ngày 1 tháng 9 năm 1889, quân Hương Khê do Đề Niên chỉ huy tấn công quân khố xanh của thiếu úy Đơ ni o. Cuối tháng 12 năm 1889 quân Cần Vương tấn công huyện lỵ Hương Khê. Ngày 26 và 27 tháng 5 năm 1890, quân Cần Vương tấn công đồn Trường Lưu do thiếu úy Đơ vốt làm đồn trưởng, ngày 4 tháng 6 cùng năm, tấn công quân của giám binh Lăm be ở Hương Sơn, ngày 26 tháng 6 năm 1890, tấn công quân của Lăm be ở làng Gia Định, làng Đông Tài và làng Hốt, quân Pháp phải tháo chạy. Ngày 10 tháng 8 năm 1890, quân Cần Vương do Đốc Chanh chỉ huy  tấn công Nam Huân, 16 lính khố xanh bị diệt. Ngày 29 tháng 6 năm 1890 quân Cần Vương tấn công làng Trung Lễ, làng Thượng Ích. Tháng 12 năm 1890, quân Hương Khê do Mao Văn Vịnh chỉ huy tấn công quân Pháp ở làng Linh Cảm, gần làng Đông Thái. Ngày 24 tháng 2 năm 1890, quân Cần Vương bao vây đánh phủ Đức Thọ, Hà Tĩnh.

  Thứ hai, quân Cần Vương giao chiến với quân Pháp: Ngày 28 tháng 5 năm 1890, quân Pháp do Đơ vốt và Tơ ru vê chỉ huy giao tranh với quân Hương Khê. Ngày 26 tháng 6 năm 1890, quân Cần Vương giao chiến với quân Pháp ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh.  Ngày 20 và 25 tháng 10 năm 1890, quân Hương Khê giao tranh với quân Pháp năm ngày ở làng Gia Hanh và làng Hốt. Ngày 26 tháng 6 năm 1890 quân Hương Khê chặn đánh quân Pháp ở làng Trung Lễ, chặn quân tiếp viện, quân Pháp tổn thất lớn. Ngày 2 tháng 2 Năm 1891, Bang biện Mai Văn Vinh chỉ huy đánh quân khố xanh ở đồn Nam Huân, thành Vinh. Ngày 2 và 5 tháng 3 năm 1891, quân của Đốc Đốp và Bá Hộ Thuận (Nguyễn Văn Thuận) đã chặn đánh quân Pháp do Lăm be chỉ huy ở chung quanh trấn trị Hà Tĩnh. Ngày 9 tháng 3 năm 1891, Bu dông giao cho thiếu úy Huy nhi dẫn một số nghĩa quân bị bắt từ Nam Huân về Linh Cảm, bị nghĩa quân đón đánh ở Thiện Thôn. Giao tranh bốn giờ, Huy nhi chạy thoát.

(Còn nữa)

CVL