Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 27)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VI  “PHONG KIẾN VIỆT NAM CHỐNG PHÁP” của PGS TS Cao Văn Liên.      

Kỳ 27.

Trong Tổng hành dinh của Phan Đình Phùng ở làng Đông Thái, La Sơn, ánh đèn vàng vọt le lói soi rõ bóng ba người in trên vách nứa. Phan Đình Phùng ngồi một bên, giữa là bàn trà, ngồi đối diện là Cao Thắng và Lê Ninh. Sau một hồi nước, Phan Đình Phùng đặt chén xuống và nói:

-Ta đã nhận chiếu chỉ của hoàng thượng Hàm Nghi là phải thống nhất các lực lượng Cần Vương bốn tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa. Trước mắt, chúng ta phải đánh tiêu diệt đồn Dương Liễu ở Nam Đàn, Nghệ An để mở đường ra Thanh Hóa, từ đó khai thông con đường ra miền Bắc, tạo điều kiện thống nhất lực lượng miền Trung và miền Bắc. Vả lại, khai thông con đường này để nếu sơn phòng Hà Tĩnh bị tấn công, xa giá hoàng thượng Hàm Nghi có thể ra Thanh Hóa, ra miền Bắc.

cao-thang-1655646699.gif
Tranh minh họa: Ông Cao Thắng chỉ huy các nghĩa quân rèn đúc được 350 khẩu súng theo mẫu súng 1874 của Pháp. baotanglichsu.vn

 

  Lê Ninh nói:

-Thuộc hạ sẽ đảm nhận đánh đồn Dương Liễu, tướng quân Cao Thắng ở lại bảo vệ Thống đốc quân vụ và căn cứ.

Cao Thắng nói:

-Để có sức mạnh áp đảo, ta và tướng quân Lê Ninh cùng tấn công Đồn Dương Liễu.

  Phan Đình Phùng nói:

-Căn Cứ và bản doanh cũng rất cần bảo vệ. Thôi, tướng quân Cao Thắng ở lại, giao trận đồn Dương Liễu cho tướng quân Lê Ninh.

  Lê Ninh và Cao Thắng cùng đáp:

-Thuộc hạ tuân lệnh.

  Mấy ngày sau, ở Nam Đàn, người ta thấy xuất hiện nhiều tốp lái buôn, sau đó thì những tay lái buôn biến mất.

  Trong một đêm, trong căn phòng sang trọng giữa đồn Dương Liễu, tên đồn trưởng Binh Duật khét tiếng tàn bạo ở vùng Nam Đàn đang ngồi uống rượu, chợt có lính chạy vào hốt hoảng:

-Bẩm ngài đồn trưởng.

-Có gì mà hốt hoảng vậy?

-Dạ, quân Cần Vương đang vây đồn và tấn công.

Binh Duật hốt hoảng:

-Hả, đóng chặt cổng đồn, chờ sáng gọi quân ở thành Nghệ An lên cứu.

Lại một tên lính khác chạy vào:

-Dạ, báo cáo đồn trưởng, cổng đồn đã bị nội gián bên trong mở toang rồi, quân Cần Vương đang tràn vào.

  Binh Duật run rẩy chưa kịp trốn vào đâu thì một toán quân mang sắc phục quân triều đình đã xông vào chĩa gươm vào Binh Duật. Binh Duật kêu lên:

-Hả, quân ta mà sao lại…?

-Chúng ta là quân Cần Vương của tướng Lê Ninh đến để trừng trị tên Việt gian theo Pháp, lại tàn ác khét tiếng như ngươi.

  Nói xong người lính lia gươm, đầu Binh Duật lìa khỏi cổ lăn xuống nền nhà, thây đổ vật xuống, máu chảy chan hòa nền phòng của hắn. Tốp lính reo lên:

-Đáng đời tên ác ôn bán nước.

  Trong chưa đầy hai canh giờ, đồn Dương Liễu đã bị hạ, thuộc quyền kiểm soát của quân Cần Vương. Sĩ phu và dân chúng Nghệ An nghe tin Binh Duật đã bị trừng trị, nức lòng phấn khởi. Người ta kháo nhau:

-Quân Cần Vương của tướng nào mà giỏi vậy.

-Của tướng Lê Ninh, bộ tướng của Đình Nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng Hà Tĩnh.

 - Hèn chi mà giỏi vậy.

  Năm sau bỗng nhiên Lê Ninh ốm nặng. Phan Đình Phùng ra lệnh tìm mọi thầy thuốc giỏi có tiếng trong xứ đến thăm khám, chữa bệnh cho Lê Ninh. Nhưng bệnh của tướng quân không qua khỏi và ngày 15 tháng 12 năm 1887 thì qua đời, thọ 30 tuổi, để lại sự thương tiếc vô vàn cho các thủ lĩnh và quân Cần Vương bốn tỉnh. Phan Đình Phùng vô cùng đau xót, coi đó là một tổn thất nặng nề cho quân Cần Vương. Phan Đình Phùng dùng huyết máu viết đôi câu đối viếng tướng Lê Ninh:

“Tuy rằng thành bại tại trời, tiếng xướng nghĩa trước tiên công truyền Nghệ-Tĩnh.

Than nhẽ anh hùng bạc mệnh, tiết phù vua cao cả bất tử với Hồng-Lam!”.

  Lo tang lễ hậu sự cho Lê Ninh xong, một hôm Phan Đình Phùng nói với Cao Thắng:

-Lê Ninh là võ tướng kiệt xuất của Hương Khê, nay mất đi là một tổn thất to lớn của chúng ta. Nay phong trào ở các tỉnh chưa liên kết với nhau để tạo sức mạnh, chỉ dụ của hoàng thượng Hàm Nghi ta đã nhận rồi mà chưa thực hiện được. Cho nên, ta sẽ ra Bắc một thời gian để thương thuyết các thủ lĩnh thực hiện liến kết, phối hợp chiến đấu theo ước vọng của hoàng thượng, cũng là chiến lược để cứu nước thắng lợi. Trong khi ta đi vắng, tướng quân phải đứng đầu lãnh đạo phong trào. Tướng quân có gánh vác được không?

  Cao Thắng đáp:

-Thuộc tướng sẽ cố gắng hết sức trước sự ủy thác của Thống đốc quân vụ. Nhưng mong đại nhân sớm về để gánh vác sự nghiệp. Nếu lâu quá e thuộc tướng không gánh vác nổi.

  Phan Đình Phùng đáp:

-Ta sẽ nhanh chóng trở về thôi. Để danh chính ngôn thuận, ta phong tướng quân chức Thống lĩnh để điều hành nghĩa quân.

-Đa tạ Thống đốc quân vụ.

  Sau khi tiễn Phan Đình Phùng đi rồi, Cao Thắng họp các tướng gồm Cao Nữu, Cao Đạt, Nguyễn Kiểu, Nguyễn Niên, Lê Phất, Lê Quyên, Đặng Duy Truy. Cao Thắng nói;

-Nay vị trí Đại Đồn Đông Thái, huyện La Sơn của chúng ta nằm ở đồng bằng giữa hai con sông La và sông Lam, địa thế không hiểm yếu, không thể chống lại những cuộc tấn công bằng đại bác của quân Pháp. Cho nên ta muốn dời bản doanh về huyện Hương Khê, dựa vào địa thế miền núi hiểm trở, xây dựng phát triển lực lượng để kháng chiến lâu dài. Các tướng quân thấy thế nào?

  Đặng Duy Truy nói:

-Ý kiến của Thống lĩnh hay lắm, chính hợp ý của thuộc tướng.

  Tất cả đồng thanh nói:

-Ý kiến hay lắm. Tất cả tuân theo lệnh của Thống lĩnh.

Cao Thắng ra lệnh:

-Tướng Nguyễn Niên.

-Có thuộc tướng.

-Tướng quân lĩnh 1.000 quân giữ căn cứ Đông Thái này, còn tất cả hành quân lên Hương Khê, xây dựng đại bản doanh mới.

-Tuân lệnh Thống Lĩnh.

  Sau khi đại quân lên Hương Sơn, bằng con mắt quân sự tài trí của mình, Cao Thắng xây dựng căn cứ chính dựa vào địa thế hiểm trở. Thứ nhất là căn cứ Cồn Chùa ở Sơn Lâm (Hương Sơn), chính là Đại Đồn của Cao Thắng khi ông khởi nghĩa, trước khi về với Phan Đình Phùng. Căn cứ này án ngữ con đường đi từ Hà Tĩnh ra Nghệ An. Đây là nơi dự trữ lương thực và rèn đúc súng đạn, vũ khí. Thứ hai là căn cứ Thượng Bồng, Hạ Bồng ở Tây-Nam huyện La Sơn, dựa vào địa thế của sông Ngàn Trươi. Cao Thắng cho xây dựng ở đây hệ thống hào lũy, đồn trại, bãi tập, kho lương thực, là căn cứ lớn nhất của Nghĩa quân Hươg Khê. Thứ ba là căn cứ Trùng Khê, Trí Khê, nằm ở hai xã Hương Ninh và Hương Thọ, huyện Hương Khê. Đây là căn cứ có đường thông sang Lào, phòng khi quân giặc bao vây thì có đường rút. Thứ tư là căn cứ Vụ Quang ở phía Tây Hương Khê, tựa lưng vào dãy Trường Sơn, có địa thế hiểm trở. Từ đây có con đường thông vào Quảng Bình, Quảng Trị, thông ra Nghệ An, Thanh Hóa, thông sang Lào, có thể theo đường sông xuống vùng đồng bằng. Quân Pháp muốn tấn công chỉ có một con đường là đường số 8. Cao Thắng còn cho xây dựng hệ thống đồn lũy dựa vào các dãy núi Thiên Nhẫn và Giăng Màn vây kín ba mặt Bắc, Tây, Nam, sẵn sàng ứng cứu cho nhau.

  Một sáng, tại căn cứ núi rừng Vụ Quang, Cao Thắng đang ngồi bàn công việc với các tướng thì có thám mã về báo:

-Dạ, bẩm Thống lĩnh, Thống đốc quân vụ Phan Đình Phùng đang trên đường về căn cứ Vụ Quang.

  Cao Thắng vui mừng ra lệnh:

-Tất cả các tướng mang vũ khí, dùng ngựa đi theo con đường ra Thanh Hóa đón và bảo vệ cho Thống đốc quân vụ.

-Tuân lệnh Thống lĩnh.

Rồi 10 tướng lĩnh, đem theo 200 quân, súng ống khoác sau lưng gồm gươm, giáo, súng hỏa mai đi về hướng Bắc. Đi được 5 km đường rừng thì thấy ba lái buôn cưỡi ngựa đi lại, nhìn kỹ thì đó là Phan Đình Phùng và hai cận vệ. Các tướng mừng rỡ khi gặp lại chủ tướng sau ba năm xa cách. Cao Thắng nhìn Phan Đình Phùng. Thống đốc quân vụ vẫn là dáng vẻ ung dung, thư thái của một văn thần. Tuy nhiên ba năm lăn lộn trên đất Bắc đã làm Người gầy đi, da dẻ xạm đen nhuộm gió bụi phong trần, Mọi người vui vẻ đi về căn cứ mới. Đêm đó, cơm nước xong, Phan Đình Phùng đi nghỉ sớm vì đi đường xa mệt nhọc.

  Hôm sau, sau khi ăn sáng, Phan Đình Phùng họp với Cao Thắng cùng các tướng lĩnh. Sau khi uống một ly trà nóng và đặt chén xuống, Phan Đình Phùng nói:

-Ba năm, ta rong ruổi trên đất Bắc gặp các sĩ phu, văn thân, các võ quan yêu nước dấy nghĩa bởi chiếu Cần Vương, giúp vua cứu nước như Đề đốc Đinh Công Tráng, Phạm Bành, Nguyễn Khế, ngài Cầm Bá Thước, Hà Văn Mao ở Thanh Hóa, Tán tương quân vụ Nguyễn Thiện Thuật, nhạc phụ của quan Phụ chính Tôn Thất Thuyết ở Hưng Yên, tất cả đều sẵn sàng giúp vua cứu nước. Nhưng sự thống nhất liên kết các phong trào lại là thực sự khó khăn vì đường xa xôi cách biệt, liên lạc khó khăn giữa các địa bàn, các tỉnh. Ngay sự phối hợp thống nhất hành động trong một tỉnh cũng đã khó khăn rồi. Ta cũng không thể lý giải được hết vì sao mà lại khó khăn như vậy. Có lẽ chúng ta không có một chính quyền thống nhất giữa các tỉnh như triều đình Đồng Khánh và quân Pháp. Một tổn thất to lớn của chúng ta, của phong trào Cần Vương toàn quốc, của bá tánh Đại Nam, do tên Trương Quang Ngọc và tên Nguyễn Đình Tình, hai kẻ hầu cận và bảo vệ hoàng thượng Hàm Nghi phản bội, dẫn Pháp lên sơn phòng Quảng Bình, và ngày 1 tháng 11 năm 1888, hoàng thượng Hàm Nghi đã bị bắt, bị đưa đi lưu đày ở An giê ri, một đất nước xa xôi ở Bắc Phi. Quan phụ chính Tôn Thất Thuyết đang ở Trung Quốc cầu viện nhà Thanh nhưng không nhận được trả lời. Hoàng thượng Hàm Nghi bị bắt là một tổn thất to lớn, nhưng chúng ta không nản chí, vẫn phất cao ngọn cờ Cần Vương do Người khởi xướng để không phụ sự ủy thác của hoàng thượng cho chúng ta.

  Phan Đình Phùng ngừng lại uống tiếp ly trà và hỏi tiếp:

-Thời gian ta không ở Hà Tĩnh, dưới sự điều hành của Thống lĩnh Cao Thắng, rất mừng là mọi việc phát triển tốt. Tướng Cao Thắng có thể nói rõ cho ta nắm cụ thể hơn tình hình.

(Còn nữa)

CVL