Kỳ 34.
Ngày hôm sau, 3.000 quân dưới sự chỉ huy của Nguyễn Thân, khâm mạng đại thần, công sứ Đuy vin li ê đại diện chính phủ Đông Dương, Đinh Nho Quang, tuần phủ Hà Tĩnh hành quân về Hương Khê. Cùng đi có các sĩ quan Pháp, các tên giám binh Cốt tô, Huy nhi, Ha ghê, Đờ su la giơ, Cô đen và 12 thiếu úy khố xanh và nhiều súng đạn, vũ khí hiện đại mở cuộc càn quét, bao vây và tấn công căn cứ của nghĩa quân Hương Khê là Ngàn Trươi, Núi Quạt và Vụ Quang. Binh lửa cháy suốt 10 năm trời trên mảnh đất Nghệ An, Hà Tĩnh bây giờ sắp thành một cơn bão táp dữ dội của cả hai bên.
Trong Tổng hành dinh Vụ Quang của nghĩa quân Hương Khê, mùa đông tháng 10 năm 1895, Thống đốc quân vụ Phan Đình Phùng đang ngồi uống trà sau bữa ăn sáng. Ông đã biết được những khó khăn của nghĩa quân do sự xây dựng đồn bốt kiên cố, do rào làng kiểm soát dân tàn bạo của quân giặc. Nghĩa quân do vậy thiếu lương thực nghiêm trọng, thiếu vũ khí, thiếu quân số, nhiều tướng lĩnh tài năng, gan dạ như Cao Thắng đã hy sinh, bản thân Phan Đình Phùng cũng đang bị bệnh hiểm nghèo và ốm yếu. Ông hiểu rằng đây là giai đoạn cuối cùng của cuộc khởi nghĩa. Nhưng ông cho rằng ông và hàng chục tướng lĩnh, hàng nghìn nghĩa quân đã dấn thân vào con đường trung nghĩa, bảo toàn khí tiết, trả món nợ núi sông, sát thân thành nhân thì có sợ gì. Vì thế ông và các thủ lĩnh vẫn ung dung tự tại. Chợt có Nguyễn Niên vào báo:
-Bẩm Thống đốc quân vụ, công sứ Nghệ An và Nguyễn Thân cùng nhiều sĩ quan Pháp đem 3.000 quân Pháp và khố xanh đang hành quân tới đây mở cuộc càn quét, tấn công lớn vào căn cứ của ta.
Phan Đình Phùng nói:
-Có lẽ chúng đang quyết tâm đánh một trận lớn với chúng ta. Ta cũng phải đánh một trận lớn với chúng thôi. Tướng quân đi gọi Cao Nữu và tất cả các tướng lĩnh tới đại bản doanh.
-Dạ, thuộc tướng tuân lệnh.
Khi các tướng đã đến đông đủ, Phan Đình Phùng nói:
- Các tướng đều biết, quân giặc dùng một binh lực lớn 3.000 tên đang tiến vào đây. Ta sẽ dùng kế “Sa nang úng thủy”đánh chúng một trận lớn. Bây giờ tất cả hãy theo ta.
-Dạ, tuân lệnh Thống đốc quân vụ.
Phan Đình Phùng đi trước. Theo sau là Cao Nữu, Nguyễn Niên, Cao Đạn, Nguyễn Mục, Lê Văn Tạc, Phan Đình Can, Phan Đình Phong, Phan Quảng…Họ đi đến đoạn bờ sông Vụ Quang. Phía bắc bờ sông là con đường thượng đạo dẫn về trấn trị Hà Tĩnh, phía nam bờ sông là con đường dẫn tới núi Vụ Quang, Núi Quạt, Ngàn Trươi, núi Đại Hàm. Hai bờ sông không có cầu, muốn tới Vụ Quang phải lội qua sông vì nước tương đối cạn. Phan Đình Phùng và các tướng lĩnh đứng ở bờ Nam của sông quan sát, Một vùng núi Hương Khê trùng trùng điệp điệp, nhấp nhô cao thấp, uốn lượn xanh rờn cây lá và trắng xóa sương mù. Tháng 10 giá rét như cắt, gió rung cây xào xạc. Có tiếng chim rừng và tiếng nai kêu thảm thiết. Đây là đoạn sông tương đối bằng phẳng, hai bên bờ cây cối rậm rạp. Có con đường độc đạo duy nhất từ Hà Tĩnh tới Vụ Quang, Ngàn Trươi, Núi Quạt, núi Đại Hàm. Vài khúc gỗ mục theo nước trôi về xuôi, dập dềnh như cuộc đời giang hồ lữ thứ. Phan Đình Phùng lặng im nhìn dòng sông, nhìn núi rừng thân thương mà 10 năm trời chống giặc, ông đã cùng nghĩa quân Hương Khê gắn bó. Phan Đình Phùng nói với các tướng:
-Quân giặc muốn vào Vụ Quang, Ngàn Trươi phải lội qua đoạn sông này. Đây sẽ là mồ chôn hàng trăm quân giặc. Tướng quân Nguyễn Niên.
-Dạ có thuộc tướng.
-Tướng quân đem 200 quân lên thượng nguồn của sông, cách đây khoảng 3 km, cho lấy gỗ và đất đắp chặn dòng sông lại, đồng thời cưa cây thành từng đoạn dài khoảng 5m, khoảng 100 đoạn như vậy và thả ở bờ tây của con đập. Khi nghe dưới này nổ súng thì phá đập cho nước và gỗ lao xuống giết chết quân giặc. Đây là trận "Sa nang úng thủy”mà Hàn Tín, tướng của Hán Cao Tổ Lưu Bang dùng để phá quân Sở Bá Vương Hạng Vũ.
-Dạ, thuộc tướng tuân lệnh.
-Tướng quân Cao Nữu.
-Dạ, có thuộc tướng.
-Tướng quân đem 600 tay súng mai phục hai bên bờ sông, khi quân Pháp lội đến giữa sông thì bắn hạ, tiếng súng cũng là tín hiệu cho tướng quân Nguyễn Niên trên thượng nguồn phá kè đập cho nước và gỗ lao xuống diệt giặc.
-Thuộc tướng tuân lệnh.
Vài ngày sau công sứ Đu Vin li ê, Nguyễn Thân và Đinh Nho Quang đem 3.000 quân hướng về Vụ Quang. Khi đến bờ bắc sông Vụ Quang cho dừng lại. Nguyễn Thân hỏi Đinh Nho Quang:
-Đây là đâu?
-Dạ, bẩm khâm mệnh đại thần, đây là sông Vụ Quang, vượt qua sông này là tới Vụ Quang, Ngàn Trươi, Núi Quạt, núi Đại Hàm.
-Nước có sâu không, có lội được không?
-Dạ, nước nông, lội qua được.
-Cho một tên lính xuống thăm dò.
Tên lính khố xanh xắn quần lội qua, sang bờ bên kia sông và gọi:
-Bẩm quan lớn, nước nông lội qua được.
Nguyễn Thân ra lệnh:
-Tất cả lội qua sông, tiến về Vụ Quang.
-Tuân lệnh Khâm mạng đại thần.
Nguyễn Thân, Đinh Nho Quang, công sứ Đu Vi li ê đứng trên bờ ra lệnh cho hàng trăm tên lính khố xanh khoác súng qua vai, ba lô nặng trĩu chen nhau lội ra giữa sông. Chợt hai bên bờ sông súng nổ chát chúa. Đạn bay đỏ lửa dày đặc không cho binh lính thoát thân. Hàng chục lính trúng đạn đổ gục, máu tuôn đầy nước. Còn đang lúng túng thì bỗng nhiên nước và gỗ từ thượng nguồn lao xuống. Đoạn sông đang cạn phút chốc thành dòng sông mênh mông nước chảy xiết dữ dội. Nước làm quân lính chết đuối, hàng trăm khúc gỗ lao như tên bắn vào lính, lính bị đâm, bị va đập nát người mà chết. Tiếng kêu la dậy trời đất, vang động cả vùng núi rừng Hương Khê. Xác và máu đỏ ngầu bị dòng thác nước tiếp tục cuốn trôi về Đông. Nguyễn Thân, Đinh Nho Quang, công sứ Đu vin li ê cùng quân lính còn trên bờ hốt hoảng chạy ngược về hướng Hà Tĩnh. Chạy được 2 km, Nguyễn Thân cho dừng lại và điểm quân, thiếu mất 150 lính và 32 viên sĩ quan Pháp. Viên công sứ Đu vin li ê sợ xanh xám mặt mày nói run run:
-10 năm đánh với Hương Khê, đây là trận ta bị thiệt hại nhiều nhất, tử trận tới 32 viên sĩ quan Pháp…
Nguyễn Thân lồng lộn:
-Phan Đình Phùng, ta sẽ tính sổ với ngài.
Sau trận “Sa nang úng thủy” ở Sông Vụ Quang, Phan Đình Phùng dời Tổng hành dinh về núi Đại Hàm. Tháng 12 năm 1895, trong hành dinh, Phan Đình Phùng vừa uống trà vừa nghe tướng Nguyễn Niên báo cáo:
-Dạ, bẩm Thống đốc quân vụ, sau trận ở sông Vụ Quang, ngày 17 tháng 1 năm 1895, trong trận giao tranh ở Trường Vật, Đốc Trạch đã bắn chết tên sĩ quan Sa ma rang. Ngày 20 tháng 2, quân Huy nhi đã tấn công quân ta ở Làng Trai, Nghi Xuân. Ngày 10 tháng 5 cùng năm, tên Ma kê tấn công quân ta do Phan Đình Nghinh chỉ huy. Ngày 27 tháng 5, Lý Vỏ giao tranh với quân của tên thiếu núy Đô phe, Lý Vỏ hy sinh. Cuối tháng 5, thủ lĩnh quân ta ở phủ Diễn Châu bị giăc bắt. Tháng 6, có trận giao tranh quyết liệt giữa Đề Đạt, Phan Đình Nghinh với tên Huy nhi.
Nguyễn Niên vừa nói tới đó thì có lính vào báo:
-Dạ bẩm, Thống đốc quân vụ, hàng nghìn quân khố xanh và quân Pháp đã bao vây Tổng hành dinh, tình hình rất nguy cấp.
Phan Đình Phùng bảo Nguyễn Niên và Cao Nữu:
-Nào chúng ta ra cùng chiến đấu với binh sĩ.
Phan Đình Phùng ung dung bước ra, bảo một người lính:
-Anh đưa ta một khẩu súng trường do Tổng binh Cao Thắng chế tạo, ta dùng thử.
-Dạ, kính mời Thống đốc quân vụ.
Thấy Phan Đình Phùng ra chiến đấu, quân sĩ phấn khởi reo vang:
-Thống đốc quân vụ ra trận, đánh mạnh lên anh em ơi…
Dưới chân núi Đại Hàm, lính khố xanh, lính Pháp đông như kiến cỏ đang bị các sĩ quan Pháp đốc thúc tiến lên sườn núi dốc, vừa leo vừa bắn. Nghĩa quân từ trên cao lợi thế nã đạn xuống. Lính khố xanh và lính Pháp chết và lăn xuống sườn đồi chồng chất. Nhưng giặc quá đông, súng đạn nhiều, tốc độ bắn nhanh, chính xác nên nghĩa quân hy sinh nhiều. Nơi rừng xanh núi cao, tiếng súng vang lên như sấm sét, đạn bay lên bay xuống đỏ lừ. Khói súng như hỏa hoạn tuôn lên lan tỏa mù mịt, ngạt thở. Phan Đình Phùng cùng với cây súng do Cao Thắng chế tạo cũng đã bắn hạ được hàng chục tên giặc. Ông cùng nghĩa quân can đảm đã chiến đấu được 15 ngày. Ngày thứ 15, thốt nhiên ông thấy đau nhói ở bụng, nhìn xuống thì máu chảy đầm đìa. Ông gục xuống. Nguyễn Niên và Cao Nữu cùng kêu lên:
-Thống đốc quân vụ bị thương.
Cao Nữu vội cỡi thắt lưng xanh ra buộc vết thương cho Phan Đình Phùng và ra lệnh:
-Tất cả rút về núi Quạt.
-Tuân lệnh Đề đốc.
Về núi Quạt, Cao Nữu, Nguyễn Niên và các tướng lĩnh ra sức chạy chữa vết thương cho Phan Đình Phùng nhưng không qua khỏi. Sáng 28 tháng 12 năm 1895 (21-1-1896), Phan Đình Phùng mở mắt, nói với các tướng lĩnh nghĩa quân:
-Ta đã không làm tròn sự ủy thác của hoàng thượng Hàm Nghi. Cho ta tạ tội với trời đất, tổ tiên và hoàng thượng.
Nói xong Phan Đình Phùng nhắm mắt qua đời, thọ 49 tuổi.
Nghĩa quân xót thương, mai táng Phan Đình Phùng ở núi Quạt. Hàng trăm nghĩa quân mang khăn trắng khóc thương, đến viếng suốt 3 ngày, Cờ vàng treo ủ rũ. Tiếng trống và tiếng kèn ai điếu thê lương. Trời mùa đông xám xịt u buồn, những cơn gió lạnh và mưa phùn như trời rơi lệ khóc người anh hùng trung nghĩa. Khắp một dải đất từ miền Trung đến miền Bắc, các văn thân, sĩ phu, chí sĩ, bách tính đều rơi lệ thương tiếc Phan Đình Phùng, coi như ngày đại tang với non sông đất nước.
12 ngày sau khi Phan Đình Phùng tạ thế, Nguyễn Thân mới vào được Núi Quạt. Thân cho khai quật mộ người anh hùng Cần Vương, đốt thành than, trộn vào thuốc súng bắn xuống sông La. Hành động này của Nguyễn Thân một lần nữa lại gây phẫn nộ cho bách tính cả nước đối với tên đại Việt gian. Ở đời ác giả ác báo. Nguyễn Thân sau khi về hưu ở làng Thu Hà, Quảng Ngãi, ngày đêm bị ám ảnh bởi những việc làm của mình mà phát điên phát dại, sống một cuộc đời sống không bằng chết trong lâu đài sang trọng của mình.
Còn Phan Đình Phùng dù mộ ông không còn nhưng tên tuổi ông sống vĩnh viễn trong lòng nhân Hà Tĩnh và nhân dân đất Việt, là thần tượng anh hùng bất khuất của dân tộc. Ai vinh quang, ai bần tiện lố bịch, lịch sử thật là công bằng khi phán xét. Hiện tượng của Nguyễn Thân là lời cảnh báo cho những kẻ vì vinh thân phì gia mà bán nước thì chuốc lấy sự nhục nhã, bị nguyền rủa muôn đời.
(Còn nữa)
CVL