Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 7)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VI  “PHONG KIẾN VIỆT NAM CHỐNG PHÁP” của PGS TS Cao Văn Liên. 
chp1-3447-1535631789-1653919581.jpg
Tượng danh tướng Nguyễn Tri Phương bằng đồng đặt tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: Internet

 

Kỳ7.

Trong thành Gia Định, Sác lơ Đơ giơ nu di đang họp cùng các sĩ quan bàn về việc mở rộng chiến tranh khắp Gia Định và chờ đợi sự phản ứng của triều đình Huế để hành động, chợt có lính vào báo:

-Bẩm Đô đốc, Thượng thư Bộ hộ nhà Nguyễn Tôn Thất Hiệp đem 15.000 quân đã tiến đến Biên Hòa.

  Lại có lính vào báo:

-Dạ bẩm Đô đốc, Tổng đốc Long-Tường Trương Văn Uyển đang tập trung lực lượng ở Vĩnh Long để tấn công Gia Định.

  Rây No nói:

-Tin tức các nơi báo về chắc Đô đốc đã biết, không cần lệnh của Triều đình, dân Gia Định đã tổ chức quân ứng nghĩa khắp nơi, đã ngày đêm phục kích, tập kích, bao vây tấn công quân ta khắp Gia Định. Vùng quanh thành Gia Định dân cư đã di tản hết, không chịu hợp tác với chúng ta.

  Đơ giơ nu di nói:

-Phải thừa nhận cuộc chiến tranh này khó khăn hơn nhiều so với cuộc chiến tranh với Trung Hoa. Chúng ta chỉ có 1000 người, đóng ở thành Gia Định thì lọt vào cô đảo giữa 10 triệu dân của đồng bằng Cửu Long. Nếu bị bao vây thì chúng ta chỉ có con đường chết. Lương thực thì đủ ăn một năm nhưng súng đạn sẽ hết. Đại bác thì dưới tàu, không thể kéo lên mặt thành phòng thủ. Cho nên, để chờ thời cơ, ta chủ trương rút xuống tàu và đốt thành Gia Định, không để cho quân Đại Nam sử dụng lại thành trì kiên cố này để đánh ta.

  Đại tá Lan da rốt nói:

-Thật đáng tiếc nhưng đúng như Đô đốc nói, không có cách nào khác.

  Đơ giơ nu di nói:

-Trước khi đốt thành nên chuyển vận nhiều lương thực vừa với trọng tải của tám tàu, đem đi những tác phẩm có gía trị nghệ thuật, nhất là vàng bạc và tiền nong.

-Rõ, tuân lệnh Đô đốc.

-Ngài đại tá Phôn côn.

-Có thuộc hạ, thưa Đô đốc.

-Ngài hãy cho đặt ở 4 tường thành mấy chục ổ thuốc nổ phá tung các tường thành và từ đó đốt cháy toàn bộ thành Gia Định.

-Tuân lệnh, thưa Đô đốc.

  Ngày 8 tháng 3 năm 1859, từ thành Gia Định vang lên những tiếng nổ rung chuyển mặt đất, bốn tường thành biến thành cát bụi bay lên trời. Toàn bộ bên trong thành bốc cháy chìm trong biển lửa. Lửa thiêu cháy các dinh thự, doanh trại, kho tàng. Kho chứa thóc gạo bốc cháy hai năm mà khói vẫn nghi ngút, mưa gió không thể nào dập tắt được. Việc cháy thành Gia Định là một vết thương rỉ máu lâu đời trong lòng nhân dân Gia Định và nhân dân Nam Kỳ lục tỉnh. Quân Pháp còn đốt phá, cướp bóc nhiều khu phố thương mại và thôn xóm đông dân cư.

IV

Bấy giờ là tháng 2 năm 1861, đang là mùa xuân nhưng miền đất Gia Định nói riêng và Lục tỉnh Nam Kỳ nói chung không mát mẻ và gió se lạnh như miền Bắc. Tuy vậy, trời không nắng chói chang như mùa khô nên cây cối ra nhiều lá non, đua nhau xanh tốt vươn lên dưới bầu trời xanh. Những rặng trâm bầu bát ngát bao quanh, uốn lượn quanh những thôn ấp mênh mông, những đồng lúa bát ngát, những kênh rạch chằng chịt bắt nguồn từ những sông Đồng Nai, sông Tiền Giang, Hậu Giang, trở thành chi nhánh bủa vây khắp thôn ấp, tạo nên những kênh rạch chằng chịt, làm cho những chiếc ghe thuyền giao lưu dễ dàng, đi lại khắp bốn phương trời của xứ sở miền Đông và miền Tây. Trong cảnh sắc xanh tươi của miền Đông, nổi bật lên một công trình phòng thủ đắp bằng đất sét, đá và rơm, nhiều tầng nhiều lớp, kéo dài từ Lầu Kiệu chạy dài đến Phú Thọ. Cư dân miền Gia Định gọi công trình này là Đại Đồn, hay là Đại Đồn Chí Hòa.

   Chỉ huy Đại Đồn Chí Hòa là Đông các Đại học sĩ, Tráng liệt bá, Gia  Định quân thứ, Tổng Thống quân vụ Đại thần Nguyễn Tri Phương. Ông được bổ nhiệm chức vụ này vào tháng 7 năm 1860. Bộ hộ Thượng thư Tôn Thất Hiệp làm Tham tán, tán lý Nguyễn Duy, em ruột Nguyễn Tri Phương, Tham tán Đại thần Phạm Thế Hiển. Các Đại thần dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương ở Đại Đồn cùng chống Pháp.

  Bước đầu xây dựng Đại Đồn là công lao của Tống Phúc Hiệp nhằm ngăn chặn quân Pháp tràn lên chiếm bắc Sài Gòn. Sau khi trở thành Tổng thống quân thứ Gia Định, Nguyễn Tri Phương thấy rằng Đại Đồn có vị trí chiến lược quan trọng trong kháng chiến chống Pháp. Đại Đồn có thể khống chế, cắt Sài Gòn ra làm hai khu vực, không cho Pháp nhận nguồn tiếp tế lương thực từ đồng bằng Cửu Long. Quân Việt từ đồn điền Mỹ Tho, Gò Công dễ vận chuyển lương thực tới Đại đồn và tác chiến. Phía Bắc của Phú Thọ-Chí Hòa giáp kề Mười Tám Thôn Vườn Trầu, địa thế hiểm địa, đông người, giàu nghĩa khí. Cho nên làng Thuận Kiều của Mười Tám Thôn Vườn Trầu được xây dựng thành căn cứ thứ hai của Đại Đồn. Công trình được xây từ tháng 8 năm 1860, đến tháng 2 năm 1861 thì hoàn thành. Chiến lũy nằm tại làng Chí Hòa nên gọi là Đại Đồn Chí Hòa.

  Đại Đồn Chí Hòa dài 3.000m, rộng 1.000m, chia làm 5 khu bằng nhau, ngăn cách bởi bờ rào gỗ, có cửa. Tường đồn được xây bằng đất sét trộn với đá ong, cao 3,5m, dầy 2m, có nhiều lỗ châu mai để bắn ra. Mặt trên của tường và mặt ngoài của tường trồng nhiều cây gai dầy đặc. Bên ngoài đồn nhiều lớp rào tre, nhiều mô đất, nhiều ao nước và vô số hố chông. Trên tường của đồn đặt 150 khẩu đại bác bắn bằng đạn gang.

  Bên phải của Đại Đồn về phía chùa Cây Mai và bên trái là rạch Thị Nghè có đắp mỗi bên là một chiến lũy dài, lấy đồn tả và đồn hữu làm điểm tựa được gọi là Đồn Tiền đối diện với chùa Cây Mai 400m, Pháp gọi là đồn Mo coi (Redoute). Sau lưng Đồn Tiền theo đường cái phía Tây là 5 đồn mở rộng hết đất của làng Thanh Hòa và làng Phú Thọ. Đàng sau Đại Đồn là nhiều đồn nhỏ yểm trợ như đồn Thanh Tương, đồn Thuận Kiều, đồn Rạch Tra.

  Hậu đồn có hai đồn tả và hữu, cách nhau vài chục mét nằm trên đất làng Tân Sơn Nhì. Sau đồn có kho chứa quân lương, quân khí.

  Phía đông của Đại Đồn có con đường đi Bắc Hải. Toàn bộ Đại Đồn nằm dọc phía Nam đường Thiên lý phía Tây, đối diện là con sông Nhiêu Lộc.

  Đại Đồn có khoảng 20.000 quân thường trực, 10.000 quân dân dũng.

  Mặt yếu của Đại Đồn là hai bên hông và mặt tiền đều ngó ra sông Sài Gòn, đối với quân Pháp có tàu chiến nên dễ đánh trước mặt, đánh xuyên hông, đánh bọc hậu. Nguyễn Tri Phương chủ trương vừa công vừa thủ nhưng không hơn gì việc án binh bất động của Tôn Thất Hiệp, không công kích quân Pháp ngay mà tập trung 30.000 người xây dựng Đại Đồn hơn một năm nhằm bao vây quân Pháp, không cho chúng đánh rộng ra hơn nữa. Xây Đại Đồn một năm, chỉ vài ngày là mất, đây là chủ trương phòng thủ tai hại của Nguyễn Tri Phương và của quan chức triều đình Nguyễn.

  Trong Tổng hành dinh của Đại Đồn, Nguyễn Tri Phương đang chủ tọa cuộc họp với các tướng lĩnh để bàn cách bảo vệ Đại Đồn nếu quân Pháp tấn công. Nguyễn Tri Phương ngồi ghế chủ soái nhìn xuống. Ngồi dưới là Tán lý Nguyễn Duy, Tham tán đại thần Phạm Thế Hiển, Tham tán Tống Phúc Hiệp, Đề đốc Trương Công Định. Sau một lượt trà, Nguyễn Tri Phương nói:

-Qua một năm, với công sức của 3 vạn quân dân xây dựng, đến nay Đại Đồn đã hoàn tất. Hi vọng với Đại Đồn ta thực hiện được vừa thủ vừa công. Thủ là bao vây chặt quân Pháp, không cho chúng mở rộng địa bàn chiếm đóng, công là nếu chúng tấn công vào Đại Đồn ta sẽ tiêu diệt chúng. Đại Đồn sẽ là mồ chôn quân xâm lược. Nay các tướng nghe lệnh:

-Tán lý quân vụ Nguyễn Duy.

-Có thuộc tướng.

-Ngài hãy chỉ huy đồn hữu chuẩn bị chống giặc.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

-Đại thần Tôn Thất Hiệp.

-Có thuộc tướng.

-Ngài hãy chỉ huy đồn tả chống giặc.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

-Tham tán đại thần Phạm Thế Hiển.

-Có thuộc tướng.

Ngài hãy chỉ huy đồn trung  chống giặc.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

-Đề đốc Trương Công Định.

-Có thuộc tướng:

-Ngài hãy chỉ huy mặt trận phía Bắc chống giặc.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

-Lãnh binh Nguyễn Trung Trực.

-Có thuộc tướng.

-Tướng quân hãy chỉ huy đồn Hậu chống giặc.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

-Còn ta sẽ chỉ huy chung toàn bộ Đại Đồn. Chúng ta sẽ bảo vệ Đại Đồn để ngăn không cho giặc đánh rộng ra.

  Thấy nét mặt của các tướng có vẻ đăm chiêu lo lắng, Nguyễn Tri Phương nói:

-Ta biết các ngài lo lắng cho những trận đánh sắp tới. Quân giặc có vũ khí hiện đại, sức công phá  mạnh và sát thương lớn, pháo chúng lại cơ động đặt trên những tàu chiến. Pháo của chúng ta nhỏ hơn, phải vừa bắn vừa nhồi thuốc nên tốc độ chậm, đầu đạn không nhồi thuốc nên trúng mục tiêu không nổ, không có sức công phá và sát thương lớn. Vũ khí bộ binh cũng lạc hậu. Đây là nhược điểm mà ta không thể khắc phục ngay được. Chúng ta chỉ có một tấm lòng kiên trung vì nước mà thôi.

Trương Công Định  nói:

-Ta có thế mạnh của ta. Giặc vài nghìn tên, dân ta chỉ riêng Nam Kỳ lục tỉnh đã gần chục triệu. Sau khi thành Gia Định thất thủ, các đội quân ứng nghĩa của bách tính nổi lên khắp nơi làm cho giặc khốn đốn, đến mức chúng không ở được trong thành Gia Định, phải đốt thành xuống tàu ở cho an thân. Thuộc tướng nghĩ nên kêu gọi nhân dân nổi dậy, tiến hành chiến tranh du kích khắp nơi làm cho quân giặc sa lầy thì chúng ta mới chiến thắng được. Đại bác quân pháp dù mạnh đến đâu cũng không bắn hết mọi nơi được. Không có các đội quân ứng nghĩa trợ giúp, thành lũy kiên cố của chúng ta cũng sẽ bị công phá.

  Nguyễn Tri Phương nói:

-Đề đốc nói có cái phải của ngài nhưng ta là quan quân của triều đình, không thể đi ngược lại ý chỉ của hoàng thượng, của triều đình là “Thủ để hòa nghị”. Có cố thủ thắng lợi thì mới đàm phán thắng lợi buộc Pháp phải rút quân khỏi nước ta. Trong hòa nghị, chúng ta chủ trương cho chúng tự do thông thương, tự do truyền đạo là được.

  Trương Công Định nói:

-Thưa Tổng thống quân vụ, nếu cố thủ không được thì làm sao ạ?

  Nguyễn Tri Phương buồn rầu nói:

-Phát động bách tính lập các đội quân ứng nghĩa là một chủ trương lớn phải được từ triều đình ban xuống cho phép. Chúng ta chỉ biết làm theo phận sự thôi.

(Còn nữa)

CVL