Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 5)

PGS TS Cao Văn Liên

29/05/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VI  “PHONG KIẾN VIỆT NAM CHỐNG PHÁP” của PGS TS Cao Văn Liên. 

chdownload-1653748683.jpg
Rạng sáng 1 - 9 - 1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng mở đầu cuộc xâm lược nước ta tại Đà Nẵng. Quân dân ta, dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương, anh dũng chống trả. Quân Pháp - Tây Ban Nha  bước đầu thất bại. Sau 5 tháng xâm lược, chúng chỉ chiếm được bán đảo Sơn Trà. Nguồn: Internet.

Kỳ 5.

Ngự sử Phan Đình Phùng tâu:

-Bẩm hoàng thượng, thần cho rằng phải cách chức Trần Hoằng vì đã án binh bất động, thân mang trọng trách mà không có mưu lược chống ngoại xâm. Thứ nữa, hoàng thượng nên cử Tham tri nội các Nguyễn Duy chỉ huy quân thứ Quảng Nam, đưa Đào Trí thay Tổng đốc Nam-Ngãi để chống giặc.

Tự Đức nói:

-Chuẩn tấu. Quan nội giám đâu.

-Dạ, có thần.

-Truyền chỉ, cử các tướng lĩnh và thay đổi nhân sự như Hội đồng cơ mật đã bàn, đem thêm 2000 quân chi viện cho Đà Nẵng.

-Thần tuân chỉ.

  Vài ngày sau, quan nội giám lại vào tâu với Tự Đức:

-Bẩm hoàng thượng, thám mã từ mặt trận về báo, từ bán đảo Sơn Trà, quân pháp tiến sâu vào nội địa, dùng đại bác phá được phòng tuyến quân ta ở xã Mỹ Thị và tràn vào chiếm xã Cẩm Lê. Hữu quân Đô thống Lê Đình Lý trúng đạn đại bác trọng thương và đã hy sinh. Tướng Hồ Đức Tứ trấn giữ đồn Hóa Khê mà án binh bất động, không cứu viện cho tướng Lê Đình Lý.

  Tự Đức nổi giận:

-Truyền khẩu dụ của trẫm, bắt Hồ Đức Tứ về kinh trị tội, cử thống chế Chu Đức Minh làm Tổng đốc quân vụ thay Lê Đình Lý. Điều gấp Nguyễn Tri Phương đang là kinh lược sứ Nam Bộ về Đà Nẵng làm Tổng thống quân vụ Quảng Nam, tổng chỉ huy chống giặc. Đồng thời cử thêm Phạm Thế Hiển làm tham tán, võ tướng Võ Duy Ninh gấp rút cùng Nguyễn Tri Phương tìm phương lược chống ngoại xâm.

-Thần tuân chỉ.

  Trong bản doanh của Tổng thống quân vụ Quảng Nam, ngồi ở ghế chủ soái là Nguyễn Tri Phương, ngồi bàn dưới liền kề là tổng đốc Nam-Ngãi Đào Trí, chỉ huy quân thứ Quảng Nam Nguyễn Duy, tham tri Bộ lễ Nguyễn Khắc Thận, Tổng đốc quân vụ Thống chế Chu Phúc Minh, Tham tán Phạm Thế Hiển, Tham tri Bộ lại Võ Duy Ninh. Sáu người ngồi đối diện trên hai ghế tràng kỷ, giữa là chiếc bàn màu nâu gỗ gụ. Sau một lượt trà, Nguyễn Tri Phương nói:

-Đại bác, súng cầm tay của quân Pháp được sản xuất bằng những máy móc công nghiệp hiện đại nên hỏa lực rất mạnh. Trong khi đó đại bác của ta sản xuất thủ công nên rất lạc hậu, khi bắn phải nhồi thuốc châm lửa nên tốc độ rất chậm, đạn bắn không xa, đạn rơi xuống chỉ như ném đá, lại không chính xác, làm sát thương không đáng kể quân giặc, đó là chưa kể gặp trời mưa, thuốc súng ẩm còn không bắn được. Vì vậy ta có phương lược như thế này để chống giặc...

  Nguyễn Tri Phương dừng lại uống một li trà rồi nói tiếp:

-Để tránh hỏa lực mạnh của địch, ta chủ trương không đánh chính diện mà phục kích để tiêu diệt sinh lực địch. Thứ hai là di dân thực hiện vườn không nhà trống để giặc không thể cướp được lương thực. Thứ ba, giặc mạnh là do nhờ đại bác dưới tàu chiến yểm trợ. Nay giặc tiến sâu vào nội địa, không được tàu chiến đại bác yểm trợ nữa, sức mạnh hỏa lực của Pháp đã giảm, cho nên ta chủ trương xây lũy dài từ Hải Châu tới Phúc Ninh, Thanh Gian, ngăn không cho giặc vào sâu hơn nữa, giam chân giặc phía ngoài, kéo dài thời gian chiến sự, giặc hết lương thực sẽ thất bại.

  Tất cả đều gật gù:

-Tổng thống quân vụ nói phải lắm.

  Nguyễn Tri Phương nói:

-Các ngài đã tán thành thì về bắt tay vào việc di dân khỏi vùng chiến sự, thứ hai là đắp chiến lũy, thứ ba là đánh phục kích để tiêu hao giặc. Ai không hoàn thành phận sự, chém.

  Sáu tướng lĩnh đồng thanh đáp:

-Chúng thuộc hạ tuân lệnh Tổng thống quân vụ.

  Hai tháng sau, tại mặt trận giáp nhau giữa quân Pháp và quân Việt, một phòng tuyến bằng đất nện chắc chắn mọc lên, ngăn không cho quân Pháp tiến sâu vào đất liền. Quân Pháp đã nhiều lần mở những cuộc phản kích nhằm phá vỡ phòng tuyến  nhưng bất lực vì phòng tuyến xa biển, tàu chiến và đại bác không thể hỗ trợ được cho bộ binh Pháp. Đã thế, dân cư trong vùng Pháp chiếm đóng hai tháng nay đã di tản hết, làng mạc chỉ còn vườn không nhà trống. Quân Pháp lâm vào tình trạng đói khát vì không cướp được lương thực. Đang là cuối hè đầu thu nhưng miền Trung khí hậu khắc nghiệt, cái nóng như thiêu đốt hành hạ quân Pháp. Đã thế quân Việt thường xuyên tập kích tiêu hao quân Pháp. Năm tháng sau khi đặt chân đến Đà Nẵng, đạo quân 3.000 tên Pháp và Tây ban nha chỉ còn lại 1.500 tên. Trong số 1.500 chỉ còn lại 1000 tên là cầm được súng nên không đủ sức mở một cuộc phản kích lớn phá bức chiến lũy đất của quân Đại Nam.

  Trên vùng biển Đà Nẵng, 14 tàu chiến của quân viễn chinh nằm bất lực không thể hỗ trợ cho bộ binh tác chiến vì mặt trận tiến quân vào đất liền.

  Ngày 1-2-1859, trong căn phòng rộng và sang trọng của tàu đô đốc hạm, Đơ giơ nu di họp cùng những gương mặt quen thuộc là các đại tá Rây no, đại tá Phôn côn, đại tá La da rốt, đại tá  Ốt xa rít, thiếu tá Gi be ri và Giám mục Pen lơ ranh. Đơ giơ nu di nói:

-Ta rất buồn thông báo cho đức cha Pen lơ ranh và các ngài biết rằng cuộc tấn công vào Đà Nẵng của ta đến đây thất bại, nếu kéo dài thêm cuộc chiến thì 1.500 lính còn lại sẽ bị tiêu diệt hết vì đói khát, vì bị phục kích, vì bị đau ốm và khí hậu khắc nghiệt. Đức cha và các ngài có cao kiến gì không?

  Sau thông báo của Đơ giơ nu di, những tên thực dân khét tiếng chỉ biết im lặng uống rượu. Pen lơ ranh phá tan bầu không khí im lặng:

-Hay là ta nên đem pháo hạm và quân đội ra tấn công Bắc Kỳ, ở đấy có nhiều giáo sĩ và giáo dân, họ có thể giúp sức.

  Đơ giơ nu di cố nén cơn giận:

-Thưa cha, cha đã nói trước hoàng thượng, trước Chính phủ Pháp, trước chúng ta rằng nếu tấn công Đà Nẵng, các giáo sĩ và giáo dân sẽ ủng hộ chúng ta. Năm tháng nay quân ta đói khát chết chóc, có giáo sĩ, giáo dân người Việt nào giúp đỡ đoàn quân viễn chinh đâu? Theo chỗ ta biết thì người Việt có thể theo tôn giáo này, tôn giáo kia nhưng họ có một mẫu số chung là cùng chung một lòng vì tổ quốc của họ. Cho nên tấn công ra Bắc Kỳ không thể hy vọng các giáo sĩ và giáo dân người Việt ủng hộ. Ngay cả nông dân Đại Nam rất căm thù nhà Nguyễn nhưng họ cũng không vì thế là theo chúng ta. Họ sẽ quyết liệt hy sinh chiến đấu với chúng ta vì đất nước của họ.

  Pen lơ ranh cúi đầu im lặng. Thực ra ông ta cũng không hiểu hết giáo dân người Việt. Có thể họ kính Chúa nhưng điều đó không làm giảm đi lòng yêu nước của họ. Có thể ở họ yêu Chúa và yêu nước là một. Đơ giơ nu di phá tan bầu không khí nặng nề:

-Bây giờ ta quyết định một cuộc phiêu lưu mới. Đại tá Phôn Côn ở lại chỉ huy mặt trận Đà Nẵng. Ta sẽ đem một phần tàu chiến và một phần binh lính tiến đánh Gia Định.

  Tất cả đều ngạc nhiên:

-Hả? Mở mặt trận Gia Định?

  Đơ giơ nu di nói:

-Phải, ta đã tính toán kỹ rồi, miền Gia Định nhiều sông ngòi thuận lợi cho tàu chiến và đại bác của ta phát huy hiệu quả, Gia Định nhiều thóc gạo, lo gì quân ta bị đói dù chiến tranh lâu dài. Hơn nữa lực lượng quân sự của nhà Nguyễn ở Gia Định yếu, chỉ cố thủ trong các thành trì mà cố thủ trong các thành chỉ làm mồi ngon cho đại bác của ta. Ha! Ha! Ha!...

  Ngừng lại để uống thêm một cốc rượu, Đơ giơ nu di nói tiếp:

-Chiếm Gia Định, chúng ta cắt đứt nguồn lúa gạo lương thực của triều đình nhà Nguyễn, đẩy chúng đã khó khăn càng khó khăn hơn. Chúng ta sẽ làm chủ lưu vực sông Mê Công, từ đó chúng ta có thể đánh chiếm Bắc Kỳ, Lào và Căm bốt. Trước mắt ở đó chúng ta vừa đánh vừa phòng thủ, vừa hành binh vừa lưu thông hàng hóa.

  Pen lơ ranh nói:

-Xin Đô đốc nghĩ lại, tấn công Bắc Kỳ vẫn có khả năng chiến thắng nhiều hơn.

-Thưa cha, ý ta đã quyết, chúng ta, những tên thực dân đồng thời là những tên cướp biển. Chúng ta phải phiêu lưu mạo hiểm thì mới thành công được. Các ngài mau về chuẩn bị.

-Dạ, tuân lệnh Đô đốc.

  Cả bọn đứng dậy. Đơ giơ nu di nâng cốc:

-Chúc chúng ta thành công.

-Chúc Đô đốc và hạm đội Viễn Đông lừng danh thành công.

  Đơ giơ nu di yêu cầu quân Pháp ở đảo Hải Nam tăng viện. Đơ giơ nu di để lại cho Phôn côn 1.000 lính, 6 tàu chiến giữ Đà Nẵng. Ngày 9-2-1859, Đơ giơ nu di đem 1.000 quân, 8 pháo hạm tiến về hướng Nam. Một tai họa chiến tranh mới cho Đại Nam đang vạch vẽ ghê rợn trên bầu trời. Bầu trời u ám, sóng biển vang lên tiếng gào thét căm hờn.

III

  Trời đã sang xuân. Biển phương Nam vẫn ngày đêm gầm gào sóng gió, sóng xô mạnh suốt ngày đêm vào mạn tàu của đoàn quân viễn chinh Pháp, bọt sóng tung trắng xóa, những con tàu lắc lư nghiêng ngửa. Những con tàu sắt vẫn hung hãn đè sóng biển tiến tới phương Nam.

  Đơ giơ nu di đứng trên đài chỉ huy, bên cạnh có đại tá Rây no, đại tá Tây Ban Nha La da rốt, thiếu tá Gi be ri. Tất cả hạm tàu đã sẵn sàng chiến đấu. Rây no hỏi Đơ giơ nu di:

-Thưa Đô đốc, chúng ta đang ở vùng biển nào rồi ạ?

  Đơ giơ nu di liếc vào hải đồ rồi nói:

-Chúng đang hành trình trên vùng biển Vũng Tàu, Bà Rịa.

Đại tá Rây no lại hỏi:

-Thưa Đô đốc, còn cách cửa biển Cần Giờ bao xa?

  Đơ giơ nu di đáp:

-Khoảng 20 hải lý nữa.

-Vậy sắp đến rồi. Theo tôi, Đô đốc nên cho bắn vài loạt đại bác vào bờ để thử lại súng đạn, để sẵn sàng chiến đấu và để thị uy, dọa nạt quân dân Gia Định một phen.

-Đại tá nói phải lắm.

  Rồi từ đài chỉ huy, Đơ giơ nu di ra lệnh:

-Chú ý, tám pháo hạm đồng loạt nổ một loạt đại bác vào Vũng Tàu-Bà Rịa.

-Rõ, nổ một loạt đại bác vào Vũng Tàu-Bà Rịa.

  Tám pháo hạm đồng loạt nổ vang như sấm, đạn sáng rực như những tia chớp bay vào làng mạc ven bờ biển Vũng Tàu-Bà Rịa. một vùng ven biển đang yên lặng thanh bình bị một cơn bão lửa ập xuống. Một số nóc nhà bốc cháy. Các sĩ quan và binh lính Pháp trông thấy những bóng người hoảng loạn chạy tới, chạy lui. Bọn sĩ quan và binh lính nhìn thấy cảnh đó chúng khoái chí cười lên man rợ:

-Ha!Ha!Ha!...

-Ha!Ha! Ha!...

(Còn nữa)

CVL

       

                                                                        

                                                                       

                                                                        

                                                                       

                                                                       

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 5)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn