Việt Nam diễn nghĩa - Tập VII (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 25)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VII  “KHỞI NGHĨA YÊN THẾ VÀ YÊN BÁI ” của PGS TS Cao Văn Liên.    
ch1yenthe-1659356163.jpg
Khu di tích Khởi nghĩa Yên Thế (Bắc Giang). Nguồn: TTXVN.

 

Kỳ 25.

Cụ buộc khăn đen đặt chén xuống và nói:
-Sau trận Phồn Xương ngày 11 tháng 11 năm 1909, cụ Đề Thám biệt tăm, quân Pháp truy lùng suốt 4 năm nay mà không bắt được, từ đó có nhiều huyền thoại về cái chết của ngài.

Cụ khăn nâu vội hỏi:

-Huyền thoại thế nào?

-Có lời đồn sau trận Phồn Xương, ngài cùng hai thủ hạ thân tín đã đi vào nơi rừng núi hoang vu không ai biết mà sống một cuộc đời ẩn dật, say sưa với cảnh thiên nhiên kỳ thú. Lại có lời đồn ngài đã bị bệnh hiểm nghèo mà tạ thế ở trong rừng núi nào đó. Lại có lời đồn ngài đã đến Tam Đảo, Thái nguyên, vào nhà một bạn cũ ngủ lại, đêm bị thằng phản đồ bổ cuốc vào đầu ngài và đem cho Pháp lấy thưởng. Lại có lời đồn ba thằng tay sai của Pháp tiếp cận được và hạ sát ngài và đem đầu treo ở cửa đồn Phồn Xương.

Cụ buộc khăn nâu hỏi:

-Vậy cái thủ cấp đó có phải là đầu của Đề Thám không?

Cụ Khăn đen đáp:

-Bách tính Yên Thế đều khằng định, đó không phải là đầu của ngài vì dân Yên Thế quen ngài lâu đã rõ. Đó là đầu của một ông sư bị Pháp giết, treo lên nói là của Đề Thám để thị uy, hù dọa dân chúng. Ta cũng quen ngài Đề Thám, ta quen mặt ngài và ta cho đó không phải là thủ cấp của ngài. Đó là sự lừa bịp dã man và bần tiện.

Hai cụ già im lặng, thở dài và uống liên tục cho vơi nổi lòng, cuối cùng cụ chít khăn đen nói:

-Tôi cam đoan là ngài còn sống. Ngài là một tướng lĩnh tài năng, suốt đời chiến đấu cho tự do độc lập của đất nước, ruộng đất của nông dân thì ngài sẽ sống mãi trong lòng nông dân, trong lòng dân tộc. Ngài không bao giờ chết. Ngài là trang anh hùng hào kiệt bất tử thiên thu.

Rồi hai cụ gặt gù:

-Phải, ngài Hoàng Hoa Thám không bao giờ chết, bất tử thiên thu. Ngài vẫn là “Hùm thiêng Yên Thế”.

                                              *      *

                                               *              

 

Gần 80 năm sau, mùa xuân năm 1989, tết âm lịch đã đi qua hai tuần rồi nhưng miền Yên Thế, Bắc Giang vẫn còn là năm mới. Trời se lạnh, sương mờ ảo phủ trên  những đồi núi. Nắng nhàn nhạt màu vàng hoe rải xuống những vườn vải, vườn cam, vườn nhãn vui mừng rung theo gió, vui mừng vì một mùa đông rét mướt qua đi. Những đàn chim tung cánh trên trời bay về tổ ấm. Những đàn chim chích bé bằng quả cau bay sà xuống đậu khắp nơi. Trên đường làng, dòng xe đạp, xe máy đi chơi xuân, đi tham quan di tích chống Pháp của Hoàng Hoa Thám đổ về Phồn Xương như trẩy hội. Những tà áo đủ màu bay phấp phới trong nắng xuân.

Trong quán nước gần đồn Phồn Xương của bà lão hôm nay đông khách. Hai cụ già đến trước đã có được chỗ ngồi riêng gần cửa sổ thoáng mát nhìn ra ngoài rặng nhãn xanh tươi đầy đàn chim chích. Hai cụ vừa uống rượu vừa ngắm cảnh. Một cụ bận áo sơ vin vàng quần âu cũng màu vàng, một cụ áo sơ vin xanh quần âu đen. Cụ áo vàng hỏi cụ áo xanh:

-Bây giờ ta sẽ lên Phồn Xương thắp hương cho ngài Đề Thám, cho Đề đốc phu nhân và còn cho ai nữa cụ?

  Cụ áo xanh đáp:                                                                                                       -Bây giờ còn thắp cho bà Hoàng Thị Thế, con gái của ngài Đề Thám và Đề đốc phu nhân Đặng Thị Nhu. Bà Thế vừa mất năm 1988, mai táng ở gần Phồn Xương, nhưng bài vị cũng được đưa vào đồn Phồn Xương cho gần cha mẹ.

-Thế nghe nói còn đứa con trai của hai cụ thì còn không?

Cụ áo xanh nói:

-Thôi để tôi kể đầu đuôi cho cụ nghe.

-Vâng cụ kể đi.

Cụ áo xanh uống thêm chén rượu rồi nói:

-Cô Hoàng Thị Thế sinh năm 1901, còn cậu em trai tên là Hoàng Văn Vi sinh năm 1908. Trong một cuộc huyết chiến với quân  Pháp ở Chợ Gồ để bảo vệ cho vợ con các tướng lĩnh Yên Thế chạy thoát, phu nhân Đặng Thị Nhu đã bảo Hoàng Thị Thế khi đó mới 8 tuổi nằm xuống cạnh một gốc cây to, vừa địu Hoàng Văn Vi trên lưng khi đó mới 2 tuổi, cùng 20 người lính hộ vệ đánh nhau với Pháp. Bà đã hạ sát được nhiều tên Pháp, nhưng 20 người lính lần lượt hy sinh. Bà lấy súng của họ tiếp tục chiến đấu. Trong lính Pháp hôm đó có một hàng binh Yên Thế biết đó là bà Ba Cẩn, tức Đề đốc phu nhân nên đã nói cho quân Pháp biết. Chỉ huy của chúng ra lệnh không được bắn chết bà mà phải bắt sống để dụ Đề Thám ra hàng. Cuối cùng đạn hết, Đề đốc phu nhân đã dùng võ công "Ngọc nữ xuyên thoa”, phóng 5 cái trâm cài đầu giết chết thêm 5 tên Pháp, hết trâm, bà dùng hai đôi đũa cả xới cơm đập chết thêm 3 tên  Pháp nữa. Cuối cùng, một tên phải bắn vào cánh tay cho bà bị thương mới bắt được bà và hai con nhỏ. Đó là ngày 10 tháng 11 năm 1909. Đến tháng 2 năm 1910, Pháp đem ba mẹ con bà về giam ở Hỏa Lò, Hà Nội. Sau đó Pháp quyết định đày bà đi Guyane (Nam Mỹ). Trên đường đi, Đề đốc phu nhân đã nhảy xuống biển tự vẫn. Năm đó bà khoảng 50 tuổi.

Nghe đến chuyện đau lòng đó, hai ông già bỗng nhiên im lặng, thở dài và uống rượu. Một lát sau, cụ áo vàng lại hỏi:

-Thế còn cậu bé Hoàng Văn Vi thì thế nào? 

Cụ áo xanh đáp:

-Trong các tướng lĩnh của Đề Thám có ngài Thống Luận, lại là anh nuôi của Đề đốc phu nhân. Sau khi Yên Thế thất bại, ngài Thống Luận phải ra hàng Pháp để xin nuôi bé Vi, nhưng mỗi bước đi của hai người đều có lính đi kèm. Khi được 15 tuổi, Pháp cho Hoàng Văn Vi lên Trường Bách Nghệ Hà Nội học nghề. Ông Vi say mê máy móc nhưng Pháp bắt ông phải học nghề mộc. Sau khi học xong, Hoàng Văn Vi về quê và lấy con gái ngài Thông Luận, sống ở Bắc Giang. Hoàng Văn Vi có hai người con là Hoàng Thị Hải và Hoàng Thị Điệp. Hoàng Văn Vi mất năm 1945, khi mới 37 tuổi.

Cụ áo vàng và áo xanh lại uống rượu. Một lát, cụ áo xanh kể tiếp:

-Ngài Thống Luận xin nuôi cả cô Hoàng Thị Thế nữa nhưng Pháp không cho. Một người lính già của Đề Thám thương con của chủ tướng còn bé quá đành phải ra đầu thú và xin nuôi Hoàng Thị Thế. Pháp đồng ý. Sau đó Pháp cho bà được theo học trường Tây học Bắc Kỳ. Năm 1917, bà được Toàn quyền Đông Dương An be Xa rô nhận là con nuôi và đưa bà sang Pháp học ở Trường Nội Trú Jeanne Dare ở Biarritz. Bà lấy tên Pháp là Marie Beatrice Des Tham. Học xong, Hoàng Thị Thế trở về Bắc Kỳ, làm thủ thư tòa Thống sứ Hà Nội  với tư cách là viên chức Pháp. Đó là năm 1925-1927. Bà được sống chung với em là Hoàng Văn Vi và các cháu.

Sau đó An be Xa rô đưa bà trở lại Pháp. Tổng thống Pháp Pôn Đu me thành cha đỡ đầu của bà và cấp cho bà một khoản trợ cấp đủ sống dư dật.

Năm 1930, bà Hoàng Thị Thế bước chân vào lĩnh vực điện ảnh. Bà đóng phim trong bộ phim Louis Mercan Toa, dựa theo truyện ngắn  của Willian Sonal Rset Mang ham. Từ đó báo chí và công chúng gọi bà là “Công chúa Trung Hoa”, vì bà xinh đẹp hơn cả mẹ mình là Đề đốc phu nhân Đặng Thị Nhu.

Ngày 14 tháng 8 năm 1931, bà kết hôn với Jean Joberph Bernard Bourges, 24 tuổi. Hôn lễ cử hành tại tòa thị chính Saint ở Cauderan. Người làm chứng là Thượng nghị sĩ Toàn quyền thuộc địa Pháp và Đại sứ Pháp. Sau đó, bà sống cùng chồng ở số nhà 42, đường Moscou-Pari. Chồng bà lúc này là Giám đốc công ty Xi mê na và quảng cáo ở Châu Phi nên ông ta có nhiều năm sống ở châu Phi.

Năm 1931, bà Hoàng Thị Thế được quay trong bộ phim thư hai doJack Salvatori thực hiện, cũng là chuyện tình của tác giả William.

Ngày 6 tháng 5 năm 1932, Tổng thống Pháp Pôn Đu me bị ám sát và bị thương. Chính bà Hoàng Thị Thế đã sơ cứu đầu tiên cho cha đỡ đầu của mình.

Ngày 12 tháng 10 năm 1932, bà đi du lịch và về Sài Gòn, đô thị miền Nam tổ quốc của mình. Ngày 14 tháng 5 năm 1935, bà sinh con trai đầu tiên, tên là Jean Marie Albert Arthua. Năm đó, bà đóng vai trong phim của Maurice De Canonga (Bí mật của Lục Bảo). Năm 1940 bà ly dị chồng.

Năm 1962, chính quyền Việt Nam cộng hòa của Ngô Đình Diệm cử Trần Lệ Xuân sang Pháp thuyết phục bà về sống ở Sài Gòn. Cũng năm đó, chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa cử Phó thủ tướng Phan Kế Toại qua Pháp mời bà về sống ở miền Bắc. Bà quyết định về miền Bắc cho gần quê hương Bắc Giang thân yêu của bà. Năm 1962, bà từ Pháp về quê hương Bắc Giang, sống một thời gian rồi về Hà Nội. Thời gian sống ở Bắc Giang, bà có viết cuốn Hồi  ký "Kỷ niệm thời thơ ấu của tôi” bằng tiếng Pháp. Nhà thơ Lê Kỳ Anh (Hoàng Cầm) dịch ra tiếng Việt. Năm 1975, Ty văn hóa Hà Bắc xuất bản. Trong nhà bà có treo bức tranh một tố nữ thổi sáo bên rặng tre. Bà rất quý bức tranh, ai vào bà cũng nói đó là bức tranh do Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng. Có lẽ bức tranh đã làm bà nhớ lại “Thiết địch thần phong" với bài “Ánh trăng Phồn Xương" của nghĩa quân yên Thế.

-Trong loạn ly, bà Hoàng Thị Thế vẫn luôn mang nặng nỗi lòng nhớ quê hương và muốn trở về đất nước thương yêu. Vượt qua hàng vạn dặm đường cách trở của hai châu lục, cuối cùng bà đã thực hiện được ước vọng thiêng liêng đó. Bà đã trở về đất tổ Yên Thế, được tự tay cắm những cây hương, những bông hoa lên bàn thờ của cha mẹ kính yêu của mình: Tướng quân Hoàng Hoàng Hoa Thám và phu nhân Đặng Thị Nhu.

Bà Hoàng Thị Thế tạ thế ngày 9 tháng 12 năm 1988, thọ 87 tuổi, mai táng tại quê hương Phồn Xương, Yên Thế, Bắc Giang. Qua bao năm lưu lạc, cuối cùng bà được trở về với đất mẹ thương yêu.

Rồi hai con bà từ Pháp, vượt vạn dặm xa xôi về Phồn Xương thắp hương thăm mẹ và ông bà ngoại. Quả nhiên, tình yêu của con cháu giành cho ông bà và mẹ không có biên giới quốc gia.

 Cụ áo vàng nghe xong nói:

-Cuộc đời bà Hoàng Thị Thế cứ như một thiên tiểu thuyết, xứng đáng là đứa con gái của ngài Đề Thám và Đề đốc phu nhân Đặng Thị Nhu anh hùng. Mà cụ có trí nhớ thật tài tình. Xin chúc cụ một ly.

Hai cụ lại uống và chìm đắm trong thế giới của Yên Thế, của Phồn Xương, của gia đình anh hùng Hoàng Hoa Thám.

(Hết chương I)

CVL