Việt Nam diễn nghĩa - Tập VII (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 22)

PGS TS Cao Văn Liên

30/07/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VII  “KHỞI NGHĨA YÊN THẾ VÀ YÊN BÁI ” của PGS TS Cao Văn Liên.         

ch160316hha42-1659097891.jpg
 Tái hiện sinh động quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm đầy oanh liệt và hào hùng của nghĩa quân Yên Thế dưới sự lãnh đạo của Hoàng Hoa Thám. Nguồn: qdnd.vn

 

Kỳ 22.

Đề Thám hỏi:

-Kế hoạch có bảo đảm tuyệt mật không, mật thám Pháp có mặt mọi ngõ ngách Hà Nội. Vả lại trong người Việt có kẻ phản bội không?

Hoàng Điển Ân đáp:

-Thưa chủ tướng, kế hoạch đã định các bước như vậy, còn có kẻ phản bội không thuộc tướng không biết.

Hoàng Hoa Thám nói với người cận vệ Lý Bảo:

-Tướng quân đi gọi tướng Đề Công, Đề Nguyên và Đề Cần vào hành dinh.

-Dạ, tuân lệnh chủ tướng.

Một lát ba thủ lĩnh bước vào:

-Xin chào chủ tướng.

-Đề Thám nói:

-Ba Đề đốc ngồi đi.

-Dạ, đa tạ chủ tướng.

-Ba Đề đốc này, đêm 27 tháng 6, theo kế hoạch, lúc 8 giờ tối, lính Pháp ở Hà Nội sẽ bị các nhà bếp yêu nước đầu độc, 9 giờ tối hôm đó, lính khố đỏ yêu nước ở trung đoàn pháo binh số 4 sẽ bắn ba phát đại bác làm tín hiệu cho quân ta bên ngoài biết và đánh vào, bên trong họ sẽ làm binh biến để ta hạ thành Hà Nội. Tướng Đề Công nghe lệnh:

-Có thuộc tướng.

-Tướng quân đem 200 quân tiếp cận phía đông bắc Hà Nội, 9 giờ thấy tín hiệu thì đánh vào đồn Thủy là đồn của quân Pháp.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

-Đề đốc Tạ Văn Cần nghe lệnh:

-Có thuộc tướng:

-Tướng quân đem 200 quân giấu mình trên các con thuyền ở Hồ Tây, khi có tín hiệu thì đánh vào cửa Bắc thành Hà Nội.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

-Đề đốc Tạ Văn Nguyên nghe lệnh:

-Có thuộc tướng:

-Tướng quân chỉ huy 200 tay súng, đem theo súng ngắn, chờ sẵn trước vọng lâu của phủ Toàn quyền, khi có tín hiệu thì đánh vào trại lính khố đỏ ở phía tây.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

-Ba đạo quân nhớ phải mặc thường phục, giả làm lái buôn, vũ khí phải bọc kín cho lên xe bò tải như hàng hóa mà hành quân.

-Tuân lệnh chủ tướng.

Đề Thám cùng mọi người đứng dậy:

-Nào nâng chén, chúc các thủ lĩnh thắng lợi.

Ba Đề đốc cũng nâng chén:

-Đa tạ chủ tướng, đa tạ các thủ lĩnh.

  Tối đêm 27 tháng 6 năm 1908, Đề Thám hầu như không ngủ, hôm sau ngài dậy rất sớm chờ đợi kết quả cuộc tấn công thành Hà Nội. 5 giờ sáng chợt nghe tiếng ồn ào ngoài đồn, cả ba tướng Đề Công, Đề Nguyên, Đề Cần bước vào hành dinh. Đề Thám vội hỏi:

-Công việc thế nào?

Đề Công lắc đầu nói:

-Dạ bẩm chủ tướng, các thuộc tướng đã tập kết đúng vị trí nhưng chờ mãi không có đại bác tín hiệu bắn lên, vả lại có nguy cơ bị lộ nên 2 giờ sáng đành phải rút quân về.

Đề Công vừa dứt lời thì có thám mã về báo:

-Dạ bẩm chủ tướng, cuộc đầu độc lính Pháp ở Hà Thành và cuộc binh biến thất bại, kế hoạch bị lộ vì có kẻ trong nội bộ quân binh biến đã báo cho Pháp.

Đề Thám sửng sốt:

-Nói cụ thể xem nào.

-Dạ, đầu tiên là ngày 24 tháng 6 năm 1908, Thiếu tướng Đơ nây can đâu, chỉ huy huy trưởng pháo binh Đông Dương nhận được một bức thư nặc danh tố cáo có âm mưu binh biến ở Hà Nội, có cả thường dân và quân nhân tham gia mà cầm đầu thuộc pháo đội công vụ thuộc trung đoàn 4 pháo binh do một viên cai cầm đầu. Cùng thời gian trên, viên Trung úy Đen mu Bét đơ, pháo đội trưởng công vụ nhận được báo cáo về một viên cai đội khả nghi thuộc trung đoàn này. Thống sứ Bắc Kỳ Lu i Mo ren nhận được tin ra lệnh mở cuộc điều tra. Người của ta trong nhà bếp trung đoàn pháo binh bảo vệ thành Hà Nội là bếp Hiên, bếp Xuân, bếp Nhiếp, tất cả 10 người cứ theo kế hoạch nên tối 27 tháng 6 đã bỏ cà độc dược vào thức ăn bữa cơm chiều. 8 giờ tối hôm đó, 125 tên Pháp thuộc trung đoàn 4 pháo binh và 80 tên Pháp thuộc trung đoàn 9 bộ binh thuộc địa bị trúng độc bất tỉnh. Chưa đến giờ bắn pháo hiệu là 9 giờ thì tên cai Trương đến nhà thờ Hà Nội báo cho cố đạo Đơ rô nét Ân về âm mưu đánh úp thành Hà Nội. Cố đạo gọi điện cho Trung tướng Pi en, Tổng tư lệnh quân đội Pháp. Trung tướng Pi en đã báo vụ đầu độc cho Thống sứ Lu i Mô ren. Thống sứ Mô ren cũng báo cho tướng Pi en về sự tập trung đông người đáng ngờ ở ngoại thành Hà Nội. Pi en ra lệnh báo động toàn thành. Toàn bộ binh lính Việt tham gia binh biến chưa kịp bắn pháo hiệu thì đã bị tước vũ khí, bị bắt giam. Số lính Pháp bị đầu độc không tên nào chết vì cà độc được quá nhẹ.

Đề Thám Thám đang trầm ngâm suy nghĩ thì lại có thám mã về báo:

-Dạ bẩm chủ tướng, quân Pháp đã thành lập Hội đồng đề hình ngày 28 tháng 6 năm 1908 để xét xử, đã kết tội những người tham gia đầu độc và làm binh biến ở Hà Nội là “Xâm phạm nền an ninh bảo hộ của chính phủ Pháp”. Đã xử tử Đặng Đinh Nhân (Đội Nhân), Nguyễn Trị Bình (Tư Bình) và Nguyễn Văn Cốc. Họ đã bị chém trước cột cờ Hà Nội và bêu đầu.

  Rải rác từ đó cho đến tháng 11 năm 1908, Hoàng Điển Ân qua các báo Pháp còn cho Đề Thám biết thêm: Ngày 3 tháng 8, Pháp xử tử Nguyễn Văn Hiên (bếp Hiên), Cai Ngà, bếp Xuân. Ngày 29 tháng 8, Pháp hành quyết Lang Sẹo, Cai Xe, Cai Tồn. Ngày 27 tháng 11, Pháp chém thêm 4 người là Đỗ Văn Đàm, Đội Hổ, Lý Chánh và một người tên Vinh. Sau, Hội đồng đề hình còn xử và giết 6 người ở Vườn Bàng, gần chợ Bưởi, Nghĩa Đô, Hà Nội. Pháp bỏ tù từ 5 năm đến 20 năm 26 người, từ 1 đến 5 năm 10 người. Tính hết đợt,  Pháp bỏ tù 59 người.

  Đề Thám đau xót im lặng uống nước trà, mãi ông mới nói cho mình nghe và cho Hoàng Điển Ân nghe:

-Tiếc thay, một công việc hệ trọng như vậy do Đảng Nghĩa Hưng của ta bỏ biết bao công sức vận động và xây dựng cơ sở trong binh lính người Việt mà không thành công. Đúng là số trời, vận nước đến hồi chìm đắm.

  Hai người im lặng uống trà, một lúc sau Hoàng Hoa Thám nói:

-Pháp biết rõ ta là chủ mưu trong vụ đầu độc và binh biến ở Hà Thành, một cuộc tấn công lớn vào Yên Thế của Pháp là không tránh khỏi. Chúng ta phải chuẩn bị bước vào chiến đấu. Thời kỳ hòa hoãn từ 1897 đến nay đã kết thúc.

   IX .                                     

                                        

Bấy giờ tháng 1 năm 1909, Hà Nội đang là mùa đông rét mướt. Vụ Hà Thành đầu độc và binh biến làm quân Pháp vô cùng khiếp sợ, làm chấn động dư luận Pháp và dư luận Đông Dương. Các báo Pháp đăng tải hàng tháng trời, chủ yếu là những cuộc hành quyết chém bêu đầu dã man những người tham gia. Chính phủ Pháp ra lệnh cho Toàn quyền Đông Dương và Thống sứ Bắc Kỳ phải tiêu diệt bằng được Yên Thế bằng mọi giá.

Mùa đông, Hà Nội, phủ Thống sứ Bắc Kỳ nhô lên cao, khuất trong các tán lá xanh của bạch đàn, xà cừ, sấu bên đường phố. Trong căn phòng sang trọng xưa, qua mấy đời Thống sứ, hôm nay Thống sứ Lu i Mô ren đang chủ tọa cuộc họp quan trọng sau vụ Hà Thành đầu độc. Ngồi dưới là Trung tương Pien, Tổng chỉ huy quân đội Pháp, Đại tá Ba tai lơ, Đại tá Rô be, Đại tá Ru sô, Khâm sai đại thần Bắc Kỳ kiêm Tổng đốc Bắc Ninh Lê Hoan, Công sứ Bắc Ninh H. Xơ ti e, Công sứ Bắc Giang Cơ ne, Tổng đốc Bắc Giang Đỗ Văn Tâm. Trên bàn, những cốc rượu vang đã được rót sẵn, ánh lên màu đỏ như máu trong các cốc pha lê. Thống sứ Bắc Kỳ nói:

-Xin mời các ngài nâng cốc.

Mọi người nâng cốc và nói:

-Đa tạ ngài Thống sứ.

Sau khi mọi người cạn, đặt cốc, Thống sứ L.Mô ren nói;

-Các ngài đã biết sự kiện ngày 27 tháng 6 năm 1908, Hoàng Hoa Thám đã chỉ đạo người của ngài ta trong Đảng Nghĩa Hưng đầu độc binh lính, tổ chức binh biến trong đội quân khố đỏ thuộc trung đoàn pháo thủ số 4 bảo vệ Hà Nội, đồng thời cho ba cánh quân Yên Thế tiếp cận ngoại thành tấn công phối hợp nhằm đánh chiếm Hà Nội, đánh một đòn choáng váng vào đầu não Liên bang Đông Dương. May mà có người tố giác trước giờ tấn công và ta đã nhanh chóng đập tan được vụ này, nếu không sự việc không biết sẽ nghiêm trọng và thiệt hại như thế nào. Điều đó chứng minh Hoàng Hoa Thám không bao giờ chịu nộp vũ khí đầu hàng, Yên Thế trở thành một mối nguy hiểm lớn cho nền bảo hộ của chúng ta. Cho nên chính phủ Pháp đã chỉ thị cho chúng ta phải dồn lực lượng lớn tiêu diệt bằng được Yên Thế bằng mọi giá. Các vị có kế sách gì không?

Trung tướng Pi en nói:

-Thưa ngài Thống sứ, từ hơn 30 năm nay, chúng ta không tiêu diệt được Đề Thám vì mỗi lần càn quét, tấn công chúng ta chỉ huy động 1.000 đến 2.000 binh lính, vài chục khẩu đại bác. Càn quét xong, dù thắng lợi hay thất bại là chúng ta lại rút về, để cho quân Đề Thám tập hợp về phục hồi lại, lại tấn công, lại rút, quân khởi nghĩa lại hồi phục. Sở dĩ như vậy là điều kiện khi đó chưa có đường sá rộng rãi cho hành quân đông người, chưa có điều kiện cho xe vận tải chở lương thực, đạn dược thuốc men, kéo pháo vào vị trí, đánh xong không rút thì không có cái ăn, không có đạn dược, cho nên không bao vây lâu dài được. Ngày nay trong cuộc khai thác thuộc địa, hoàn cảnh đã khác, điều kiện đã khác, kể cả Yên Thế, đã có đường sá rộng rãi, đượng bộ, đường sắt, đường thủy. Đường sá rộng rải cho phép chúng ta huy động hàng vạn binh lính mà vẫn vận chuyển được lương thực, đạn dược chiến đấu nhiều ngày, thậm chí hàng năm. Cho nên, lần tấn công này ta yêu cầu chính quyền Bắc Kỳ dùng 2 vạn quân, 200 trọng pháo bao vây tấn công 4 hướng, chiến dịch này kéo dài vài tháng đến 1 năm cho đến khi quân Yên Thế hoàn toàn kiệt sức, tan rã. Chiến dịch dài ngày nên bộ máy cung cấp lương thực, súng đạn phải đầy đủ, không được gián đoạn, gián đoạn là chiến dịch thất bại.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa - Tập VII (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 22)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn