Việt Nam diễn nghĩa - Tập VII (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 26)

PGS TS Cao Văn Liên

03/08/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VII  “KHỞI NGHĨA YÊN THẾ VÀ YÊN BÁI ” của PGS TS Cao Văn Liên.    

bieu-tuong-ybai-1659444008.jpg
Tượng đài Khởi nghĩa Yên Bái tại Khu di tích lịch sử mộ Nguyễn Thái Học và các cộng sự ở thành phố Yên Bái. Nguồn: Internet.

 

Kỳ 26.

                    CHƯƠNG II.

                   SÁT THÂN THÀNH NHÂN

               I

Năm 1925, Phan Bội Châu, nhà cách mạng Việt Nam nổi tiếng bị thực dân Pháp bắt ở Thượng Hải, Trung Quốc và bị đưa về xử ở Hà Nội. Tòa Đề hình xử cụ Phan Phan Bội Châu tử hình, do phong trào đấu tranh sôi sục rầm rộ của nhân dân Việt Nam suốt ba kỳ, Pháp giảm án xuống chung thân và sau đó đành phải giảm xuống án treo và đưa về giam lỏng ở Huế. Từ đó Phan Bội Châu trở thành “ Ông già Bến Ngự”.

  Tại dốc Bến Ngự có ba gian nhà gianh là nơi Phan Bội Châu ăn ở, sáng tác, dạy học trò, tiếp đón bạn hữu xa gần tới thăm. Dốc Bến Ngự nằm bên bờ tả của sông An Cựu. Thẳng dòng sông An Cựu thì ra được sông Hương. Để đỡ cô liêu, Phan Bội Châu đã mua một con đò và có khi thuê người, có khi tự mình chèo chống, Phan Bội Châu thả hồn theo sông nước sông An Cựu, sông Hương mênh mông tươi đẹp. Phan Bội Châu hòa mình với thiên nhiên để cho lòng bớt diệu vợi, dồn tâm trí vào trước tác.

  Một buổi sáng tháng mười năm 1928, có một người đàn ông khoảng gần 30 tuổi, đầu chít khăn đen, áo dài đen, quần trắng, đi giầy đen thuê đò sang dốc Bến Ngự. Sau khi trả tiền đò để lên bờ, người đó hỏi người lái đò:

-Phiền cụ, đây có phải là nhà của “Ông già Bến Ngự” Phan Bội Châu không ạ?

  Ông già lái đò đáp:

-Phải, đó là nhà của Phan Sào Nam tiên sinh. Nhưng cậu là…?

-Dạ, tôi muốn gặp Phan tiên sinh để mượn vài cuốn sách. Đa tạ cụ, đa tạ...

-Không dám, không dám.

  Người lái đò đẩy sào cho đò rời bến sau khi người khách đã lên bờ. Bạn bè thân hữu, học trò, sinh viên đến gặp Phan tiên sinh nhiều cho nên chuyện đó cũng không có gì là lạ. Con mắt cú vọ của mật thám Pháp vẫn bám sát cụ Phan nhưng không ngăn cản được khách khứa đến thăm ngày càng đông đúc. Khi không cần thiết, thực dân Pháp cũng cố làm ra vẻ tôn trọng “Nhân quyền”.

May quá, sớm nay trời se lạnh, sương mù trắng xóa cho nên Phan Bội Châu ở nhà, không đi dạo đò trên sông Hương. Thấy có khách bước vào cái sân nhỏ trước nhà, Phan Bội Châu bước ra. Người thanh niên nhìn thấy Phan Bội Châu là một ông già râu dài, gương mặt điềm đạm, dịu hiền, người thẳng, áo dài đen, mũ dạ, đôi mắt sáng, khuôn mặt cương nghị phong trần của phong sương đời cách mạng bôn ba 20 năm từ Nhật Bản đến Trung Hoa mà mới ba năm làm “Cư sĩ” cũng chưa thể xóa nhòa được. Phan Bội Châu còn đang ngạc nhiên vì khách không phải là người quen thì người thanh niên đã cúi mình hành lễ:

-Xin kính chào Phan Sào Nam tiên sinh. Tại hạ là Đặng Đình Điền, người của Đảng Việt Nam Quốc Dân Đảng, nói rõ hơn là người của Chủ tịch đảng Nguyễn Thái Học.

  Nghe đến Nguyễn Thái Học thì Phan Bội Châu không ngạc nhiên nữa. Tháng trước, bạn bè thân hữu đến đây đã nói tin về Nguyễn Thái Học, một sinh viên trẻ tuổi yêu nước đã đứng ra thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng để đánh đổ thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc bằng phươg pháp bạo động vũ trang. Nghĩ tới đó Phan Bội Châu mĩm cười:

-Xin chào, khách quý, khách quý, hân hạnh, xin mời ngài vào nhà.

  Đặng Đình Điền cúi mình đáp:

-Đa tạ, đa tạ Phan tiên sinh.

  Đặng Đình Điền bước vào ngôi nhà mái lợp gianh, rộng ba gian. Vách trát bằng bùn nhào với rơm trát vào phên tre, đòn tay kèo cột bằng tre. Gian giữa sát tường đặt bàn thờ có bài vị sơn son, có ba bát hương bằng sứ và ba lư hương đồng màu đã cũ. Trên cao hơn treo ảnh Tôn Trung Sơn, lãnh tụ Trung Quốc Cách mạng Đồng minh hội, sau này là Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Tôn Trung Sơn là người đã dùng vũ lực lật đổ chế độ phong kiến Mãn Thanh năm 1911, đưa Trung Quốc từ chế độ quân chủ sang chế độ Trung Hoa cộng hòa Dân quốc hiện nay. Trước bàn thờ kê chiếc bàn gỗ đơn sơ, hai bên kê hai chiếc ghế tràng kỷ màu gụ nhưng cũng đơn sơ. Hai gian còn lại hai bên kê hai chiếc giường thụt vào sát tường bên trong. Trên bàn bừa bộn những sách, cũng bừa bộn những bản thảo mà Phan Bội Châu đang viết. Đặng Đình Điền chợt trông thấy một bìa cuốn sách dầy lộ ra là cuốn "Chu dịch”. Góc vách giáp sân bên tả có một lối ra vào, chắc là lối đi xuống bếp. Phan Bội Châu rót nước ra hai chén và nói:

-Mời Đặng tiên sinh uống nước. Lão phu vừa mới pha còn nóng.

-Đa tạ, đa tạ Phan tiên sinh.

  Trong khi Đặng Đình Điền uống nước thì Phan Bội Châu gọi:

-Học trò đâu.

  Một cậu thiếu niên khoảng 15-16 tuổi từ dưới bếp chạy lên khoanh tay:

-Dạ, thầy gọi con.

-Chào khách đi, đây là Đặng tiên sinh từ Hà Nội vào.

  Người thiếu niên khoanh tay cúi đầu:

-Dạ, học trò chào Đặng tiên sinh.

Đặng Đình Điền đáp lễ:

-Xin chào, đa tạ, đa tạ.

  Phan Bội Châu nói:

-Hôm nay nhà ta có khách quý, con nấu ba suất cơm, nấu cho ngon vào, mua thêm chai rượu nữa.

-Dạ, con vâng lời thầy.

Sau bữa cơm, trưa chủ khách nghỉ ngơi, khoảng 1 giờ Phan Bội Châu và Đặng Đình Điền vừa uống trà vừa đàm đạo. Cây lá trong vườn quanh nhà khua xào xạc, gió se lạnh từ sông An Cựu, từ sông Hương lùa vào Bến Ngự hoang vắng cô liêu. Phan Bội Châu hỏi:

-Đặng tiên sinh biết nhiều về Nguyễn Thái Học không, kể lão phu nghe nào. Danh tiếng vị lãnh tụ trẻ tuổi này tôi nghe mấy năm nay nhưng chưa biết nhiều.

  Đặng Đình Điền uống xong chén nước và nói:

-Dạ, thưa Phan tiên sinh, anh Nguyễn Thái Học sinh năm 1902 tại làng Thổ Tang, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên. Cha là cụ Nguyễn Văn Hách, mẹ là cụ Nguyễn Thị Quỳnh. Gia đình sống bằng nghề nông, nghề dệt vải và buôn bán vải. Năm 10 tuổi, Nguyễn Thái Học đi học chữ Hán, năm 11 tuổi đi học chương trình tiểu học Pháp-Việt tại thị xã Vĩnh Yên. Năm 19 tuổi,  Nguyễn Thái Học thi đậu vào trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, nhận học bổng của Chính phủ bảo hộ Pháp. Sau khi tốt nghiệp trường này, anh thi vào trường Cao đẳng Thương mại thuộc Đại học Đông Dương học từ năm 1925 đến năm 1927.

  Đặng Đình Điền dừng lại uống nước và nói tiếp:

-Anh là người có tinh thần yêu nước từ thời thiếu niên do chứng kiến và nghe về những tấm gương chống Pháp của phong trào Cần Vương, phong trào nông dân Yên Thế của cụ Hoàng Hoa Thám, của Đội Cấn, của phong trào Đông du của Phan tiên sinh. Trong khi đi học, anh không khuất phục nền giáo dục của Pháp, giáo dục để biến dân ta thành nô lệ. Nguyễn Thái Học sớm có tư tưởng dùng vũ lực vũ trang để lật đổ nền bảo hộ của Pháp. Anh thường nói không có cách mạng hòa bình. Trong khi Pháp dùng võ lực thống trị nước ta thì phải dùng võ lực lật đổ chúng. Anh say mê con đường vũ trang bạo động vũ trang với tư tưởng “Sát thân thành nhân”, “Không thành công cũng thành nhân”.

  Trong thời gian học ở Cao đẳng Thương mại, Nguyễn Thái Học tham gia thành lập nhóm “Nam Đồng Thư Xã”, tiếp xúc với một số sinh viên cùng chí hướng như Phó Đức Chính, lúc này là sinh viên trường Cao đẳng Công chánh, Hồ Văn Mịch, sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm. Cũng trong thời gian ở Cao đẳng Thương mại, Nguyễn Thái Học đã gửi thư cho Toàn quyền Đông Dương Va ren, kêu gọi chính quyền bảo hộ Pháp hãy tiến hành những cải cách tiến bộ ở Đông Dương như ông ta đã hứa khi mới sang nhận chức. Anh cũng gửi thư cho Quốc hội Pháp đòi cải cách kinh tế, chính trị, xã hội ở Việt Nam. Nhưng Toàn quyền Đông Dương và Quốc hội Pháp im lặng đã làm cho Nguyễn Thái Học và các cộng sự thất vọng và càng củng cố quyết tâm con đường duy nhất để giành độc lập dân tộc là con đường bạo động vũ trang. Vũ trang bạo động để đánh đổ thực dân Pháp, đánh đổ phong kiến tay sai, thiết lập chế độ cộng hòa dân chủ trên toàn cõi Đông Dương.

  Tháng Mười năm 1927, Nguyễn Thái Học cùng một số đồng chí như Hồ Văn Mịch, Phó Đức Chính, Lê Văn Phúc, Hoàng Văn Tùng, Hoàng Phượng Trân (Nhượng Tống) thành lập chi bộ đầu tiên của Việt Nam Quốc Dân Đảng, lấy tên là chi bộ Nam Đồng Thư Xã do Nguyễn Thái Học làm chi hội trưởng. Dự cuộc họp này có 10 người.

  Chi bộ Nam Đồng Thư Xã tích cực vận động tuyên truyền thu hút đảng viên, cho nên trong một thời gian ngắn đã có 18 chi bộ ở 4 tỉnh Bắc Kỳ và Trung Kỳ với 200 đảng viên. Trụ sở của Nam Đồng Thư Xã ở nhà số 6, đường 96 khu Nam Đồng (nay là đường Trúc Bạch) do Phạm Tuấn Tài, Phạm Tuấn Lâm, Nhượng Tống phụ trách. Hoạt động của Nam Đồng Thư Xã giống như Đông Kinh Nghĩa Thục trước đó, xuất bản, trước tác, dịch thuật những sách cổ vũ lòng yêu nước như "Cách mạng Trung Hoa", "Lịch sử Tôn Dật Tiên”, “chủ nghĩa Tam dân”. Tới Nam Đồng Thư Xã còn có Phó Đức chính, Lưu Văn Phùng. Họ thường bàn về chính trị trong và ngoài nước.

  Tháng 12 năm 1927, Nguyễn Thái Học triệu tập cuộc họp của chi bộ Nam Đồng Thư Xã ở làng Thể Giao, Hà Nội và tuyên bố thành lập Việt Nam Quốc dân Đảng với mục đích là dùng vũ lực lật đổ nền bảo hộ của Pháp và chế độ phong kiến, thành lập nước Việt Nam độc lập với thiết chế cộng hòa dân chủ, giúp đỡ các dân tộc bị nước ngoài thống trị đấu tranh giải phóng dân tộc, đặc biệt đối với Lào và Cao Miên. Đại hội đã bàn về điều lệ Đảng, bầu ra Tổng Bộ lâm thời. Đại hội đã bầu Nguyễn Thái Học làm Chủ tịch Đảng, Nguyễn Thế Nghiệp làm Phó chủ tịch. Đại hội cũng bầu ra các Ủy Ban giúp cho Tổng Bộ về mặt chuyên môn: Ủy Ban Tổ chức do Phó Đức Chính làm Trưởng Ban, Ủy Ban Tuyên truyền do Nhượng Tống làm Trưởng Ban, Ủy Ban đối ngoại do Hồ Văn Mịch làm Trưởng Ban, Nguyễn Ngọc Sơn làm Phó Trưởng Ban, Ủy Ban Tài chính do Đặng Đình Điền làm Trưởng Ban, Ủy Ban ám sát do Nguyễn Văn Nho làm Trường Ban, Hoàng Văn Tùng là Phó Trưởng Ban, Ủy Ban Trinh sát do Phạm Tiềm làm Trưởng Ban.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa - Tập VII (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 26)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn