Vĩnh Phúc: Bảo tồn, phát huy tri thức dân gian các dân tộc thiểu số

Bạch Nga

05/06/2022 08:01

Theo dõi trên

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, phân bố rải rác ở một số xã, huyện miền núi như dân tộc Sán Dìu thuộc 2 huyện Tam Đảo và Bình Xuyên; dân tộc Dao ở xã Lãng Công, huyện Sông Lô; dân tộc Cao Lan ở xã Quang Yên, huyện Sông Lô...

dan-toc-thieu-so-1654390822.jpg
Nghệ nhân ưu tú Hoàng Giang Lâm, thôn Xóm Mới, xã Quang Yên, huyện Sông Lô - tác giả cuốn Trường ca Cao Lan là một trong những trí thức dân gian của đồng bào dân tộc Cao Lan. Ảnh: Kim Ly

 

Các dân tộc thiểu số có nhiều giá trị tri thức dân gian được hình thành trong quá trình xây dựng và phát triển của cộng đồng. Ngày nay, các tri thức dân gian vẫn được đồng bào ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Tri thức dân gian hay tri thức bản địa là những kinh nghiệm sống, phong tục, tập quán, trí tuệ, kỹ năng sinh tồn, sinh hoạt văn hóa của một cộng đồng được đúc kết từ thực tiễn, gắn với môi trường tự nhiên, xã hội, văn hóa của cộng đồng đó.

Tri thức dân gian được truyền từ người này sang người khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua truyện kể, huyền thoại, văn học dân gian, các nghi lễ, lễ thức, tập quán của cộng đồng.

Nghệ nhân và những tri thức dân gian là những người lưu giữ vốn văn hóa phi vật thể, những kinh nghiệm sống của cộng đồng được đúc kết từ nhiều đời. Nghệ nhân ưu tú Tạ Văn Liên ở thôn Cửu Yên 2, xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo - một trong những hạt nhân văn hóa của đồng bào dân tộc Sán Dìu ở Tam Đảo cho biết: "Người Sán Dìu có kho tàng tri thức dân gian khá phong phú, thể hiện chủ yếu ở lĩnh vực dự đoán thời tiết và y học cổ truyền.

Từ thực tiễn, đồng bào đã đúc kết thành một số kinh nghiệm dân gian trong dự đoán thời tiết như trời đang nắng mà thấy có lá cỏ voi đổ màu lấm tấm trắng là thời tiết chuyển mưa to, bão lớn; trời nắng hạn mà rết bò khỏi tổ, kiến tung tăng tha mồi và chuyển ổ trứng, cóc nghiến răng là trời sắp mưa hoặc lụt lớn; rừng cây bồ đề bị gió lật lá trắng phau là sắp có mưa dông lớn. Ngày nay, người Sán Dìu vẫn áp dụng những kinh nghiệm này để dự đoán thời tiết, phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp".

Người dân tộc Sán Dìu có nhiều bài thuốc quý cứu người bị rắn độc cắn hoặc bị mọc mụn nhọt đinh râu ở miệng. Người Sán Dìu có tục hái lá ngải cứu làm thuốc vào ngày Tết Đoan Ngọ 5/5. Tối 4/5, các khóm ngải cứu bị giẫm đổ hàng loạt. Đến sáng sớm ngày 5/5, người dân đi hái những cây ngải vươn mình trong đám cây đổ đem về nhà, bó lại giống hình con chó, treo trên xà nhà, 2-3 năm sau mới đem tuốt, bào chế thành viên ngải cứu có tác dụng chữa các bệnh liên quan đến thần kinh.

Kho tàng thuốc Nam của đồng bào dân tộc Sán Dìu được phổ cập rộng rãi cho nhiều người biết để chữa bệnh, song cũng có những bài thuốc quý chỉ lưu truyền nội bộ trong gia đình, dòng họ. Đây là nguồn tri thức văn hóa quý báu của dân tộc Sán Dìu được gìn giữ, phát huy trong đời sống hiện đại.

Người dân tộc Cao Lan sinh sống tập trung ở 4 bản Đồng Dong, Đồng Dạ, Xóm Mới, Đồng Găng thuộc xã Quang Yên, huyện Sông Lô. Cả 4 bản đều nằm dưới chân 3 ngọn núi Sáng, Bồ Thần và Thét.

Quá trình sinh sống ở rừng núi giúp người Cao Lan đúc kết được hệ thống tri thức dân gian phong phú về tự nhiên và sinh thái để phục vụ cho đời sống, sản xuất.

Tận dụng địa thế ở chân núi và hiểu biết về dòng chảy của nguồn nước, đồng bào Cao Lan khai khẩn các ruộng bậc thang thấp trồng lúa nước, kết hợp với làm nương rẫy trên đồi núi.

Tri thức dân gian của đồng bào dân tộc Cao Lan được lưu truyền từ đời này sang đời khác thông qua kho tàng văn học dân gian, truyện kể, trong đó, có nhiều tác phẩm đã được xuất bản như truyện cổ Cao Lan, trường ca Cao Lan, truyện Chàng tiên lợn và cô gái nghèo…

Nghệ nhân ưu tú Hoàng Giang Lâm, thôn Xóm Mới, xã Quang Yên - tác giả cuốn Trường ca Cao Lan cho biết: "Hiện nay, dân tộc Cao Lan còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống như tiếng nói, trang phục, ẩm thực, làn điệu Sình Ca, dân vũ, lễ hội Xuống đồng, các tác phẩm văn học, các bộ tranh thờ, hoa văn trang trí…

Trong mỗi hình thức lại chứa đựng cả một hệ thống tri thức dân gian về lịch sử, văn hóa của cộng đồng. Người Cao Lan đã vận dụng những tri thức đó vào việc phát triển du lịch cộng đồng. Có nhiều đoàn khách du lịch đã đến tham quan, cùng ăn, cùng ở, trò chuyện với người bản địa để tìm hiểu về văn hóa của dân tộc Cao Lan".

Hệ thống tri thức dân gian của các đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh vô cùng phong phú và đa dạng. Tri thức dân gian tồn tại song song với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, bổ sung những kiến thức, kinh nghiệm sống cho cộng đồng, trở thành đòn bẩy để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhiều mô hình sinh kế mới được hình thành dựa trên hệ thống tri thức dân gian đem lại thu nhập cao cho người dân. Những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số được bảo tồn, phát huy, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Bạn đang đọc bài viết "Vĩnh Phúc: Bảo tồn, phát huy tri thức dân gian các dân tộc thiểu số" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn