Theo sách “Danh mục các làng, xã thuộc xứ Bắc Kỳ”, năm 1927, huyện Tam Dương có 10 tổng, 53 làng. Trong đó, tổng Tĩnh Luyện xưa, bao gồm cả vùng Liễn Sơn, Thái Hòa (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay) có 5 làng: Lũng Hữu, Tần Lũng, Phần Thạch, Phù Liễn và Tĩnh Luyện. Về sau, ba làng Phần Thạch, Phù Liễn và Tĩnh Luyệnđược sáp nhập tạo thành xã Đồng Tĩnh.
Trên địa bàn xã Đồng Tĩnhhiện còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử - văn hóa có giá trị, gồm hệ thống các đình, chùa, đền, miếu…thờ các vị thần - là những con người có công lao to lớn với dân với nước,được các triều đại sắc phong là chính thần, phúc thần. Cụ thể:
Di tích lịch sử - văn hóa làng Tĩnh Luyện
+ Đình làng Tĩnh Luyện thờ Quý Minh đại vương, tương truyền là người có công giúp Vua Hùng Duệ Vương đánh đuổi giặc Thục.
+ Miếu Tĩnh Luyện (thôn Nam Thịnh, xã Đồng Tĩnh) là nơi thờ nữ tướng Quế Lan Nương - Nội thị đại tướng của Hai Bà Trưng.
Di tích lịch sử - văn hóa làng Phần Thạch
+ Đình Cổ Tích, thờ Quý Minh đại vương - người có công giúp Vua Hùng Duệ Vương đánh đuổi giặc Thục.
+ Di tích lịch sử đền, chùa Dầu là nơi thờ vọng Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu - chính vương phi Hùng Chiêu Vương Lang Liêu - người có công giúp Vua Hùng đánh đuổi giặc Ân cứu nước.
+ Chùa Môi tọa lạc trên một quả đồi cao thuộc thôn Ngọc Thạch, làng Phần Thạch (phía sau trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Đồng Tĩnh).
Di tích lịch sử - văn hóa làng Phù Liễn
Bao gồm hệ thống các đình, chùa, đền, miếu. Cụ thể:
Đình Cả (còn được gọi là đình công đồng), nằm cách đền Đức Bà (miếu Bà) khoảng 500m. Đình Cả và đền Bà là nơi diễn ra lễ đúc bụt - rước đêm, trình nghề - những lễ hội độc đáo, đặc sắc có tiếng của vùng đất này.
Chùa Thái Bằng
Tọa lạc trong cùng khuôn viên với đền Bà (miếu Bà), thờ Ngọc Kinh công chúa.
Đền (miếu) thờ Đức Bà Ngọc Kinh (Đền Bà)
Là nơi thờ Đức Bà Ngọc Kinh công chúa - người có công giúp rập Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc Đông Hán (năm 40 - 43) sau Công nguyên.
Cả ba di tích: đình Cả, chùa Thái Bằng, đền Bà cùng tọa lạc ở xứ Gò Vải, thuộc địa phận hai thôn Chiến Thắng và Tự Do (làng Phù Liễn cổ), xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương. Các di tích đã được các cấp chính quyền và dân làng dành công của, tâm huyết trùng tu, nâng cấp khá khang trang; là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng - một không gian thiêng - cho Nhân dân trong vùng.
Đền Thính
Đền Thính thờ Đức Ông Tả Giai và Hách Thanh đại vương (tức Lôi Công - con trai cả của bà Ngọc Kinh và ông Tả Giai), tọa lạc tại thôn Hòa Thịnh, xã Đồng Tĩnh.
Đền Hức (còn gọi là “miếu Ông Út”) thờ Trạc Linh đại vương (có tài liệu chép là “Chạc Linh đại vương”, tức Hắc Công)tọa lạc ở đồng Ré Dưới, xứ Gò Dờ.
Các di tích nói trên đều là những điểm thờ cúng Đức Bà Ngọc Kinh công chúa cùng chồng và hai con trai của bà, là những danh tướng thời Hai Bà Trưng, đã có công lớn cùng Hai Bà Trưng và quân dân ta đánh đuổi giặc Tô Định nhà Đông Hán, dựng cờ độc lập, định đô lập quốc tại Mê Linh (quê hương Hai Bà Trưng, nay thuộc huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội) vào những năm 40 - 43 thế kỷ đầu nhất sau Công nguyên.
***
Trong chuyến đi điền dã vào tháng 4/2021, người viết bài đã được các vị cao niên trong ban quản lý di tích xã Đồng Tĩnh cung cấp một số thông tin, câu chuyện liên quan đến tâm linh, tín ngưỡng ở địa phương.
Câu chuyện thứ nhất liên quan đến gò đất, tương truyền đó chính là mộ của Hắc Công Đại vương.
Ngọc phả đền làng Phù Liễn chép rằng: Vào đời Hán Quang Vũ (năm 25 - 55 CN) có viên tướng nhà Hán là Tô Định giữ chức quan Lại sử ở Giao Châu (Giao Chỉ - miền Bắc Việt Nam thời thuộc Hán). Định là kẻ tham lam, độc ác. Y đã thi hành chính sách cai trị, đồng hóa, bóc lột vô cùng tàn độc khiến dân Việt điêu đứng lầm than không kể sao cho hết.
Lúc đó, có bà Ngọc Kinh - con gái của một tướng quân triều Hùng Vương, được gả về cho viên quan Phù ký lang tên là Tả Giai, tên chữ là Minh, người quê Tức Mặc huyện Thiên Trường (về sau là tỉnh Nam Định).
Ông bà sinh được hai người con trai. Người con cả có tiếng nói vang như sấm nên đặt tên là Lôi Công; người thứ hai mặt đen như sắt nên đặt tên là Hắc Công. Khi các con trưởng thành, ông bà cho lập doanh trại riêng.
Trước sự tham tàn bạo nghịch của Tô Định, ở Mê Linh (nay thuộc Hà Nội) có bà Trưng Trắc cùng em gái là Trưng Nhị kết giao với các hào kiệt trong thiên hạ, nuôi dưỡng quân sĩ, dựng cờ khởi nghĩa, quyết đuổi giặc Tô Định ra khỏi bờ cõi, khôi phục lại cơ đồ giang sơn.
Hay tin ấy, bà Ngọc Kinh tìm về cầu kiến, tỏ rõ sự tình. Hai Bà Trưng cả mừng liền phái một chi binh mã về tận nơi ở của bà Ngọc Kinh (làng Phù Liễn) đón ông Phù Ký Tả Giai cùng Lôi Công và Hắc Công (chồng và hai con trai của bà Ngọc Kinh) về đại bản doanh Mê Linh; phong cho ông Phù Ký Tả Giai làm “đại tướng quân - đại nguyên soái”; hai con trai làm phó tướng, giữ chức “tham tán phụng sự trung quân”; xây dựng đồn sở riêng ởquê nhà. Đồng thời, Hai Bà Trưng giao cho bà Ngọc Kinh trở lại Phù Liễntiếp tục tập hợp lực lượng.
Bà Ngọc Kinh trở về Phù Liễn, liên kết với Minh phu nhân ở Thản Sơn và những người đồng chí hướng ở Ngọc Liễn, Sen Hồ (nay thuộc huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc)chiêu nạp, rèn luyện binh sĩvới vũ khí sắc bén, quân ngũ nghiêm chỉnh kéo về hội với Hai Bà Trưng, cùng nhau khởi nghĩa, đánh đuổi giặc Tô Định, thu phục được 65 thành ở Lĩnh Nam.
Nước nhà độc lập, bà Ngọc Kinh được Trưng Vương phong là “Ngọc Kinh công chúa”.
Ba năm sau, nhà Hán sai Mã Viện, Lưu Long dẫn 30 vạn quân theo đường núi tiến đánh nước ta. Trưng Vương cử Ngọc Kinh công chúa cùng các tướng thuộc hạ dẫn quân đến thành Lạng Sơn cự chiến. Nhưng thế giặc đông và mạnh gấp nhiều lần, quân ta thất bại, đành phải rút lui về sông Tâm Kỳ. Sau trận chiến lớn ở Cấm Khê, Ngọc Kinh công chúa lại phải lui quân về núi Hy Sơn và mất ở đó.
Ngày mùng 8 tháng Giêng, cha con ông Tả Giai chỉ còn chiếm giữ được một quả đồi đất, phải dùng dao ngắn mà đánh giặc, vừa đánh vừa rút lui, nửa ngày qua đi thì đành bỏ lại ngựa, xuống đi bộ, ban đêm theo ánh sao mà trở về nơi đồn doanh cũ ở Phù Liễn, thu họp những binh sĩ còn lại, mưu tính sự khôi phục. Nhưng vì phía trước không có quân cứu viện, phía sau không có lương thực tiếp tế, hai cha con ông Tả Giai cùng với Lôi Công đều mất vào ngày mùng 7 tháng Năm.
Còn lại cánh quân của Hắc Công kéo về bản doanh, hết sức đánh địch xong cũng không xoay chuyển được tình thế. Đến ngày 12 tháng Bảy, Hắc Công cho quân sĩ giải ngũ tìm cách về quê làm ăn sinh sống, lại căn dặn nếu về sau có anh tài đứng ra mưu nghiệp lớn thì hãy ra đầu quân để cùng đánh đuổi ngoại bang, cứu nước cứu nhà.
Dặn dò xong, Hắc Công lệnh cho quân tướng lui ra xa, nội bất xuất, ngoại bất nhập, không cho ai tới gặp ông nữa. Một ngày sau, quân sĩ tìm vào thì thấy ông đã hóa. Mối đắp thi thể ông thành một quả đồi thấp. Hiện nay, trên cánh đồng Ré Dưới (phía trước đền Hức) vẫn còn một gò đất nhỏ. Truyền rằng đó chính là mộ của Hắc Công đại vương.
(Còn tiếp)