Vĩnh Phúc: “Tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt - Bản sắc và giá trị"

Tiến Dũng

18/02/2022 09:50

Theo dõi trên

Sáng 18/2, tại Bảo tàng Vĩnh Phúc, Sở VH, TT &DL tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Sở VH, TT &DL tỉnh Nam Định khai mạc trưng bày chuyên đề “Tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt - Bản sắc và giá trị". Trưng bày này bắt đầu từ hôm nay cho đến khi có thông báo mới.

Bà Trần Thị Minh Lợi - Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc nêu rõ: Đây là một sự kiện văn hóa có ý nghĩa sâu sắc và đặc biệt quan trọng trong công tác phối hợp hoạt động giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định, thiết thực chào mừng kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2022), 25 tái lập tỉnh Vĩnh Phúc, 25 tái lập tỉnh Nam Định (1997-2022).

tran-thi-minh-loi-1645151539.jpg

Bà Trần Thị Minh Lợi - Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc phát biểu tại trưng bày

 

Vĩnh Phúc - vùng đất được thiên nhiên ban tặng và tạo riêng một chỉnh thể "Núi bọc sông bao, sơn kỳ thủy tú", nơi hội tụ, giao thoa và hợp thiêng của các nền văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu. Theo truyền thuyết, trong thời dựng nước, tại trang Đông Lộ, Đại Đình, vùng non nước Tây Thiên dưới chân Tam Đảo, có người phụ nữ tên là Lăng Thị Tiêu giúp Vua Hùng đánh giặc giữ nước, được phong là “Tam Đảo sơn trụ tối linh đại vương” nhân dân tôn kính lập nhiều đền, miếu thờ phụng và trở thành tín ngưỡng mang giá trị biểu tượng của Vĩnh Phúc - Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên cùng với Tín ngưỡng thờ Hùng Vương, Tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh là một trong ba tín ngưỡng cổ nhất vùng Bắc Bộ. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2020.

7f11ae65-704f-401e-8e84-0f1ddcabe066-1645150869.jpeg

Biểu diễn giá đồng "Chúa bà đệ nhất Tây Thiên" của Nghệ nhân Lê Huy Hiếu - Thủ nhang đền Chân Suối, Tam Đảo, Vĩnh Phúc

Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian mang sắc thái nguyên thủy và có chiều dài lịch sử hàng ngàn năm. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, tín ngưỡng thờ Mẫu luôn có sự gắn bó, dung hòa với các tôn giáo, tín ngưỡng khác, nương tựa, bổ sung cho nhau để cùng nhau tồn tại và phát triển và trở thành một tín ngưỡng bản địa riêng có của Việt Nam.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là tín ngưỡng dân gian đặc sắc, có sức sống lâu bền của người Việt. Các thực hành của Tín ngưỡng Tam phủ đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2016. Di sản văn hóa phi vật thể này được coi là “bảo tàng sống” lưu giữ bản sắc văn hóa, lịch sử của người Việt, có sự phân bố và lan tỏa ở nhiều địa phương trong cả nước như Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Vĩnh Phúc…Trong đó, Nam Định là nơi khởi nguồn, trung tâm hội tụ và lan tỏa của Di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ/Tứ phủ của người Việt trong tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam.

cat-bang-1645151757.jpg

Các Đại biểu cắt băng khai mạc

Với hơn 300 hiện vật, tài liệu, hình ảnh được Bảo tàng tỉnh Nam Định, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc nghiên cứu, sưu tầm, khai thác, lựa chọn trưng bày khoa học, thẩm mỹ sinh động; phòng trưng bày giúp công chúng nhận diện đúng, đầy đủ bản chất và giá trị cốt lõi của di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ/ Tứ phủ của người Việt, di sản tín ngưỡng thờ mẫu Tây Thiên. Bên cạnh phòng trưng bày chuyên đề còn có không gian văn hóa gồm các hoạt động trải nghiệm, giao lưu, thực hành tín ngưỡng, ẩm thực, triển lãm ảnh, sách tư liệu về đất và người Thành Nam; về miền địa linh nhân kiệt Vĩnh Phúc.

tham-quan-trung-bay-1645152209.jpg

Các Đại biểu thăm quan trưng bày

 

Thông điệp của cuộc trưng bày là giúp các thế hệ hôm nay và mai sau, tiếp tục bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, có thêm niềm tin, động lực, đoàn kết xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp và phồn vinh.

Bạn đang đọc bài viết "Vĩnh Phúc: “Tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt - Bản sắc và giá trị"" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn