Hơn một năm trước, dự một Hội nghị của ngành Văn hóa, tôi rất thú vị khi thấy nội dung đề cập tới vấn đề thông tin, truyền thông về văn hóa, do chính Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trình bày. Mấy chục năm qua, đây là lần đầu vấn đề thông tin truyền thông về văn hóa được coi trọng như vậy – để tuyên truyền cho hoạt động của ngành, và quan trọng hơn nữa, là tuyên truyền về văn hóa nhằm tạo ra một môi trường văn hóa trong lành, đẹp đẽ. Thú vị hơn nữa, khi Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng kêu gọi văn nghệ sĩ hãy tích cực tham gia mạng xã hội để lan tỏa những giá trị văn hóa trong môi trường mạng. Trong khi có quan chức ca thán rằng mạng xã hội chửi không chừa một ai, lại có vị tiến sĩ phán rằng chỉ có những kẻ rỗi hơi mới chơi phây búc, coi mạng xã hội như tội đồ, thì ý tưởng này của Bộ trưởng quả là độc đáo và sáng suốt!
Thế rồi, chỉ ít lâu sau, vào 24 tháng 11 năm 2021, diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa. “75 năm nay (từ ngày 24/11/1946), hôm nay mới lại có Hội nghị toàn quốc về văn hóa với quy mô lớn thế này”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu nhận xét trong bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị văn hóa toàn quốc.
Hai sự kiện trên báo hiệu một giai đoạn mới chấn hưng, phát triển văn hóa đã bắt đầu!
Rất khẩn trương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (xin gọi tắt là Bộ Văn hóa) triển khai hàng loạt công việc nhằm hiện thực hóa kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc ngày 24/11/2021. Vào đầu năm 2022, Bộ đã xác định chủ đề công tác là “Xây dựng môi trường văn hoá cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”. Đây là hai điểm thiết yếu tạo ra động lực trực tiếp thúc đẩy một nền văn hóa phát triển. Với phương châm “Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến”, ba lĩnh vực trọng tâm về VHTTDL đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Từ các phong trào mang tính quần chúng tới các hoạt động văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp đều hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo đảm mọi thành viên của cộng đồng được phát triển các năng lực sáng tạo.
Trước kia, ngành văn hóa đã có phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, thì nay, Bộ Văn hóa nhấn mạnh tới xây dựng môi trường văn hóa cơ sở. Đúng là phải từ cơ sở mà xây dựng mọi phong trào. Bởi nói đến cơ sở là nói đến tổ chức hành chính trực tiếp với dân. Cũng có nghĩa là, xây dựng môi trường văn hóa phải từ người dân và vì người dân, bởi, như TBT Nguyễn Phú Trọng nói: “Vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hoá là nhân dân”. Tất cả những hành động để tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh đều được thực hiện từ người dân. Có thể nói, Bộ Văn hóa đã huy động tổng lực của ngành, của xã hội để tạo dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, giàu năng lượng, đẩy lùi những ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường vào con người. Chương trình thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021-2026 được Chính phủ phê duyệt, là căn cứ để Ban Chỉ đạo Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các nội dung trong Phong trào có trọng tâm, trọng điểm; ban hành kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện Phong trào đến các cấp, các ngành và người dân kịp thời. Công tác đăng ký thi đua xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, thôn văn hóa, ấp văn hóa, bản văn hóa, tổ dân phố văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa đã thu hút đông đảo người dân và cán bộ, công nhân viên chức hưởng ứng, tham gia tích cực. Qua kiểm tra, đánh giá, các địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện phong trào. Phong trào đã tạo nên sự lan tỏa, tác động tích cực vào các mặt của đời sống xã hội và xây dựng đời sống văn hóa trong chiến lược xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tạo ra một đợt thi đua rộng khắp, từ gia đình, làng, xã đến các cấp, các ngành; nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy; hương ước, quy ước của làng, xã được thực hiện nghiêm túc, xuất hiện những Trưởng họ, Trưởng tộc, Già làng, Trưởng bản gương mẫu đứng ra phát động xây dựng Gia đình, Dòng họ văn hóa. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng diễn ra sôi nổi, nhiều hội thi, hội diễn được tổ chức thường xuyên góp phần nâng cao đời sống văn hóa và tinh thần người dân.
Trở lại thời gian trước một chút, vào thời kỳ dịch Covid19 đang hoành hành trên đất nước ta, nhất là tại thành phố Hồ Chí Minh, thì văn hóa nghệ thuật đã thể hiện sức mạnh của mình, đưa tiếng hát lời ca, trang sách… đến cổ vũ những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch, an ủi, nâng đỡ người bệnh, góp phần đầy lùi đại họa. Vào năm 2022, những bộ phim truyện Việt Nam trở lại chiếm lĩnh màn ảnh trên hệ thống rạp của cả nước, đưa ra nhiều vấn đề được công chúng quan tâm trong đời sống xã hội, góp phần tích cực định hướng thẩm mỹ cho khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ, về các giá trị chân, thiện, mỹ, về lòng nhân ái, thái độ chính trị đúng đắn, về tình yêu quê hương, đất nước và cũng đóng góp cho doanh thu của các doanh nghiệp, tạo điều kiện tái đầu tư sản xuất (ví dụ: phim “Bố già” 420 tỷ đồng; phim “Lật mặt, nhà có khách” 152 tỷ; phim “Gái già lắm chiêu V: Những cuộc đời vương giả” hơn 55 tỷ đồng; “Thiên thần hộ mệnh” 35 tỷ đồng). Những phim vi phạm những điều cấm của Luật Điện ảnh đều được ngăn chặn, qua đó góp phần định hướng thẩm mỹ, loại bỏ những nội dung xấu độc, vi phạm những điều cấm của Luật Điện ảnh.
Có thể nói, ở khắp các cơ sở, sinh khí văn hóa mới đang bừng lên. Từ đồng bằng tới miền núi, từ thành thị tới nông thôn, diễn ra sôi nổi những sinh hoạt văn hóa nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Lễ đón nhận bằng UNESCO ghi danh Thực hành Then Tày, Nùng, Thái, đón bằng UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái được được đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại diễn ra trọng thể, thu hút đông đảo công chúng tham dự. Môi trường văn hóa vùng đồng bào các dân tộc thiểu số được chăm lo với nhiều hoạt động mới mẻ, hiệu quả, trong đó có nhiều ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số được tổ chức thành công: Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ III tại tỉnh Điện Biên, Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao lần thứ II tại tỉnh Thái Nguyên, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV tại Phú Thọ, Ngày hội Văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ lần thứ VIII tại Sóc Trăng, Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ I, Hội nghị gặp mặt nghệ nhân và những người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc. Rộng khắp nhất là những hoạt động truyền bá, tôn vinh thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các loại hình nghệ thuật dân gian khác, như Quan họ, Hát Xoan, Bài chỏi, Vọng cổ… cùng với các hoạt động văn nghệ không chuyên diễn ra khắp nơi, đem đến không khí vui tươi, phấn khởi, khơi dậy lòng tự hào, ý thức bảo vệ và phát huy văn hóa dân tộc. Văn hóa đọc, một loại hình âm thầm, có chiều sâu, diễn ra thường xuyên ở khắp các địa bàn, trong đó nổi bật là Chào mừng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh; cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc và Giới thiệu sách trực tuyến vào ngày 01/4/3022 tại Phố Sách Hà Nội…
Để phong trào phát triển bền vững với cơ sở lý luận chắc chắn, Chương trình Khoa học và công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu xây dựng môi trường văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” được bắt đầu triển khai từ năm 2021. Chương trình triển khai và phê duyệt gồm 17 đề tài nhánh, nghiên cứu về xây dựng môi trường văn hóa trong nhiều lĩnh vực như: “Xây dựng môi trường văn hóa gắn với phát triển bền vững ở các điểm du lịch cộng đồng”, “Xây dựng môi trường văn hóa tại công sở”, “Xây dựng môi trường văn hóa tại các thiết chế văn hóa”, “Xây dựng môi trường văn hóa nơi công cộng”, “Xây dựng môi trường văn hóa trong gia đình”, “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ sở đào tạo giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp”... Kết quả nghiên cứu của các đề tài thuộc Chương trình sau khi nghiệm thu sẽ cung cấp những luận cứ khoa học về môi trường văn hóa, mối quan hệ giữa xây dựng môi trường văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, với phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước... Việc triển khai Chương trình sẽ góp phần quan trọng cả về lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng môi trường văn hóa ở nước ta trong những năm tới.
Trở lại việc Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng kêu gọi văn nghệ sĩ tích cực tham gia mạng xã hội. Đây là một môi trường ảo, nhưng lại tác động vô cùng mạnh mẽ đến đời sống thực tế. Thời gian vừa qua, lĩnh vực này dường như còn bị bỏ ngỏ, và nhiều hiện tượng quái dị, xấu xa đã hoành hành làm ô nhiễm môi trường mạng! Đã đến lúc các cơ quan quản lý, đơn vị sự nghiệp, cá nhân hoạt động văn hóa cần chiếm lĩnh không gian này! Đề án “Chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật” được xây dựng, triển khai đến mọi lĩnh vực về văn hóa nghệ thuật. Một loạt chương trình chuyển đổi số đã được Chính phủ phê duyệt như: Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030, Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Đề án “Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025, Đề án “Trung tâm phát hành phim trực tuyến”... Cơ bản và lâu dài hơn, đã hoàn thành xây dựng “Đề án ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 trong xây dựng sản phẩm chủ lực của ngành văn hóa, thể thao và du lịch”, Chiến lược Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2030.
Trong bối cảnh đại dịch Covid, công nghệ số đã khiến cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật vượt lên hoàn cảnh giãn cách, phát huy tác dụng tích cực của mình. Các chương trình biểu diễn nghệ thuật không khán giả (tại chỗ) nhưng lại có vô vàn khán giả trên môi trường ảo được phổ biến rộng rãi thông qua các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội… đạt hiệu quả cao. Đông đảo văn nghệ sĩ thiết lập các trang mạng cá nhân quảng bá cho hoạt động sáng tạo, biểu diễn, làm cho môi trường mạng trở nên tươi mới, sinh động, lành mạnh.
Ở địa phương, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong các thư viện tiếp tục được đẩy mạnh. Nhiều thư viện công cộng cấp tỉnh đã tăng cường cập nhật, tuyên truyền quảng bá trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng các phương thức mới, hiện đại trong quản lý, điều hành thư viện và hoạt động nghiệp vụ. Triển khai mô hình hiện đại trong phục vụ như “Thư viện thông minh lưu động” tại Thư viện KHTH thành phố Hồ Chí Minh, Không gian chia sẻ S.HUB tại Thư viện KHTH Đà Nẵng, Ứng dụng mã QR đọc tài liệu trên thiết bị di động của Thư viện thành phố Cần Thơ...
Hiện thực hóa kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hoá toàn quốc triển khai thực hiện nghị quyết đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đòi hỏi cả hệ thống chính trị và toàn dân phải thực hiện đồng bộ bằng hàng loạt biện pháp, trong đó có biện pháp xây dựng môi trường văn hóa. Tuy mới là bước đầu, nhưng những kết quả đạt được trong một năm qua đã “dọn dẹp” được nhiều “rác rưởi”, tạo nên bầu không khí mới trong lành, tràn đầy sinh khí.