Xem tranh, thú vui tao nhã

Có lẽ sẽ cần nhiều thời gian nữa để có thể thay đổi trình độ dân trí về thẩm mỹ nói chung cũng như trang bị kiến thức nền tảng về nghệ thuật trong đó có hội họa nói riêng, cho quảng đại dân chúng thông qua giáo dục từ những cấp học đầu tiên ở tiểu học và tiếp tục trong suốt những năm học phổ thông,

 

thu-vui-tao-nha-1-1647253079.jpg
Bức tranh “số 6” (Tím, xanh lá cây và đỏ), Rothko vẽ năm 1951 được bán với giá 186 triệu USD năm 2014.
 thu-vui-tao-nha-2-1647253079.jpg
Bức tranh “số 7” vẽ ba vệt màu của Rothko được bán 82,4 triệu USD tại phiên đấu giá của Sotheby’s New York ngày 15/11/2021, đứng thứ tư trong danh sách các tác phẩm đấu giá đắt nhất năm 2021.

Gần đây một số bài báo gây xôn xao dư luận khi đưa tin về những tranh của Mark Rothko (1903-1970), họa sĩ Mỹ gốc Nga tiêu biểu của trường phái hội họa trừu tượng, những bức tranh khổ lớn chỉ vài vệt màu ngang dọc nhưng đã được bán với giá nhiều chục triệu USD. Nhiều người, Việt Nam cũng như thế giới, đã bình luận, rằng « Nghệ thuật thật điên rồ », «Bé con nhà mình cũng vẽ được như thế và đẹp hơn như thế »…. Có một điều chắc chắn là, những tỷ phú đô la khi bỏ tiền mua những bức tranh đắt giá như thế, không bao giờ điên rồ.

Hãy khoan nói về những tác phẩm hội họa vượt thời gian và tạo nên lịch sử của các danh họa thế giới, trong khi chờ Việt Nam có những bức tranh triệu đô, chúng ta cũng đã có giới sưu tầm tranh, coi tranh như một loại hàng hóa đặc biệt để đầu tư, sinh lời. Chỉ xin thử lạm bàn về thú vui xem tranh và mua tranh, treo tranh để thưởng lãm, thỏa mãn đam mê nghệ thuật trong hạn hẹp những người xung quanh mà tôi thấy.

thu-vui-tao-nha-3-1647253079.jpg
Tranh sơn dầu (45x160 cm) của Họa sĩ Bùi Quang Khiêm đã thuộc về một bộ sưu tầm tranh cá nhân.

Không phải ai cũng biết chơi tranh, bởi chơi tranh là một thú vui sang trọng. Sang ở đây rất ít liên quan tới tiền bạc. Kinh tế phát triển, đời sống vật chất được cải thiện, và theo đó, đời sống tinh thần, nhu cầu thưởng thức văn hóa của công chúng được nâng cao nhưng vẫn ít người tới triển lãm hội họa để xem tranh, lượng người tới Bảo tàng Mỹ thuật rất thưa vắng, các tour của người Việt đi nước ngoài không mấy khi có chương trình tới Bảo tàng thưởng lãm tranh. Đã qua lâu rồi cái thời nhà nào trên tường cũng treo la liệt ảnh ca sĩ, diễn viên nhưng hiện tại cũng khá ít người sẵn sàng bỏ một số tiền mua tranh để làm đẹp cho không gian sống của mình. Chưa nhiều hoặc chưa thấy tranh treo tại những ngôi nhà mới xây to đẹp, kể cả những căn biệt thự. Phòng khách của nhiều ngôi nhà bề thế chỉ thấy treo ảnh bà chủ nhà xiêm y lộng lẫy, hoặc ảnh chụp đại gia đình trong đám cưới con cháu. Mặc dù câu thành ngữ “Đẹp như tranh” rất được nhiều người sử dụng, nhưng buồn thay nhiều người không phân biệt được sự khác nhau giữa tranh và ảnh, họ thưởng ngoạn một bức tranh theo kiểu họa sĩ vẽ cái gì ấy nhỉ, vẽ nơi nào kia có giống nơi mình đã đến hay không, và do vậy họ không thấy có gì quan trọng khi gọi một bức tranh là ảnh...