Có một con đường mà không ai có thể quên, cả dân tộc ta không bao giờ quên. Đó là con đường ra trận. Đó là con đường rầm rập những bước chân của những chàng trai, cô gái từ mọi miền quê đất nước đã tình nguyện lên đường theo tiếng gọi của tiền phương.
Đó là con đường rầm rập bước chân của những chàng sinh viên khoa toán, khoa lý, khoa hoá, khoa văn, những thầy giáo, thầy thuốc, những kỹ sư, những người thợ mộc, thợ nề, thợ hàn, thợ nguội… không thể ngồi yên khi bom đạn thù ngày ngày tàn phá quê hương. Đó là con đường lỗ chỗ những hố bom, hai bên cây cối bị bom và rốc két quân thù phạt cụt, nhà cửa bản làng bị đổ nát hoang tàn, khét lẹt mùi súc vật cháy, quần áo cháy, chăn màn cháy và những nén nhang cháy đỏ bên những nấm mồ - nhưng những đoàn người, những đoàn quân cứ đi, cứ tiến, cứ ùn ùn về phía chiến trường. Trên vai chiến sĩ ta là súng trường, súng tiểu liên AK.Trên lưng chiến sĩ ta là ba lô con cóc mang hơi ấm của người thân ở chốn quê nhà. Quanh mình chiến sĩ ta giắt đầy những băng đạn, lựu đạn, bao gạo... lại còn khiêng vác nào là tầm pháo, nòng pháo, chân pháo, bánh xe..., nào xủng xoảng bát đĩa, xoong nồi, quân trang, quân dụng... Tất cả đầu súng, đầu người, thân pháo, nòng pháo đều rung rinh lá nguỵ trang xanh. Người chiến sĩ mang cả tình yêu và màu xanh vào trận đánh.
Đó là những con đường mà hàng mà hàng nghìn, hàng vạn xe Gát, xe Zin, xe Kra, xe TZM, xe ba cầu, xe tăng, xe xích... và nhiều loại xe đặc chủng khác nữa cứ rì rầm, rì rầm đêm đêm nối đuôi nhau tiến về phía trước - mặc cho bom rung, đạn rít, pháo sáng đỏ trời. Trên những đoàn xe ấy là súng, là đạn, là pháo, là muối, là dầu, là lương khô 701, 702, là những bao gạo, bao dưa muối bọc mấy lần nilon có thể thả trôi theo dòng sông hàng tháng trời vẫn không bị ướt. Trên những đoàn xe ấy còn là thuốc men và dụng cụ y tế, là quân trang, quân dụng. Trên những đoàn xe ấy là những con người có “một trái tim biết yêu tha thiết đất nước quê hương/ một trái tim biết căm thù quân xâm lược/ một trái tim rực lửa anh hùng”.
Đó là con đường chi chít những hố bom cày, đạn xới, có thể nhão nhoét bùn lầy – nhưng có những con người sẵn sàng đẵn hàng vòng tre, hàng vườn cây ăn trái, cây lấy gỗ trong đó có những vườn cau thơm ngát toả hương, có khi dỡ cả những cột nhà – mang ra lát đường cho đoàn xe ra trận.
Đó là con đường cheo leo lên tít tận “Cổng Trời”, là con đường băng đèo, vượt suối, vượt hàng nghìn cây số đường rừng, dẫu có gặp muôn nghìn vách đá núi sắc, gai rừng nhọn, dẫu có đói khát hàng tháng trời ăn củ rừng, uống nước suối cầm hơi, dẫu chân tay có khò khẳng khò kheo như cọng đu đủ, dẫu có da vàng tóc rụng vì sốt rét nhiều lần, nhưng cứ còn lá gan Việt Cộng thì lá cờ Tổ Quốc vẫn phấp phới soi đường cho đội ngũ tiến lên.
Đó là con đường Trường sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại với hàng trăm con sông, hàng ngàn con suối và nhiều núi cao, vực sâu hiểm trở - ròng rã ngày đêm không ngừng nghỉ chi viện cho chiến trường miền Nam. Đó là con đường khốc liệt nhất, gian khổ nhất, là nơi thử thách ý chí và lòng quyết tâm cao nhất của tuổi trẻ Việt Nam và cả dân tộc Việt Nam trong suốt ba mươi năm chiến đấu kiên cường dũng cảm. Đó là con đường ống dẫn xăng dầu Trường sơn – kỳ tích có một không hai trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Đó là “dòng sông lửa”, dòng chảy huyền thoại trong huyền thoại góp phần đặc biệt quan trọng làm nên những chiến công huy hoàng của chúng ta.
Đó là con đường vận chuyển trên sông, trên biển có những con tàu không số kiên trung và những người thuỷ thủ vô danh rất đỗi anh hùng.
Đó là những con đường hầm địa đạo Củ Chi, Tây Ninh, Vĩnh Mốc nằm sâu trong lòng đất – nhưng suốt cuộc kháng chiến lâu dài - kể cả thời kỳ đen tối nhất – ngọn lửa của niềm tin trong lòng người lúc nào cũng cháy lên và toả sáng.
Đó là những con đường tiến vào Dốc Miếu, Cồn Tiên, Núi Thành, Khe Sanh, Cheo Reo, Đồng Xoài, Phú Bổn... Đó là con đường máu lửa Rừng Sác, những con đường đất đỏ “Miền Đông gian lao và anh dũng”, những con đường sình lầy ngập mặn vùng đất mũi kiên cường. Đó là con đường thân thương bất khuất của mười cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc, của những nữ dân công tiếp lương tải đạn, của những nữ chiến sĩ giao liên dũng cảm, những nữ thanh niên xung phong đêm ngày sống chết cho những cung đường, cho những chuyến xe qua...
Đó là con đường đi tới chiến công của hàng triệu “tay cày, tay súng”, “tay búa, tay súng”, của những người vợ lính, của những người đã làm việc bằng hai, bằng ba, tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng quân thù.
Đó là con đường mà cả nước rầm rập “Tiến về Sài Gòn giải phóng Thành đô”, giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Con đường ấy cứ in đậm trong tâm trí ta mãi mãi không bao giờ phai mờ.
Bao nhiêu thế hệ đã ra đi, bao nhiêu máu xương đã đổ để con đường ấy được sống. Hàng triệu, hàng triệu những con đường tình duyên bị lỡ dở cho con đường ấy được vẹn nguyên. Hàng triệu, hàng triệu những thiếu nữ da trắng, tóc dài, mày ngài má thắm đã phải sống trong lo âu chờ đợi hết cả một thời con gái. Hàng vạn, hàng vạn người vợ lính mất chồng. Hàng vạn, hàng vạn bà mẹ chiến sĩ mất con – vì con đường ấy. Bao nhiêu bàn chân trẻ trai đã dũng cảm đi trên con đường ấy và vĩnh viễn không thấy trở về.
Nhờ có con đường ấy, dân tộc ta mới có Độc Lập Tự Do. Nhờ con đường ấy, bao nhiêu con đường mới to đẹp hơn, đàng hoàng hơn đã được khai sinh, bao nhiêu con đường cao tốc, con đường xuyên Việt, xuyên lục địa đã được ra đời. Nhờ con đường ấy, bao nhiêu những cây cầu thế kỷ, những cây cầu nhất Việt Nam, nhất Đông Dương đã được xây dựng chắp cánh cho người Việt Nam ta với tới mọi miền sông núi, với tới mọi miền trên thế giới. Nhờ con đường ấy, dân tộc ta mới vươn tới được những đỉnh cao của văn minh, của ấm no hạnh phúc.
Ngày nay, đất nước hòa bình, thống nhất. Chúng ta đang tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Chúng ta đang đi giữa con đường lớn mùa xuân... Nhưng, xin đừng ai quên con đường ra trận. Ai quên con đường ấy là có lỗi với hàng triệu những con người đã nằm xuống cho mảnh đất này có Độc lập Tự do, có lỗi với cha ông, với lịch sử, có lỗi với lương tâm của chính mình.
P.M.G
Trái tim người lính