Chúng tôi có mặt ở Điện Biên khi thời tiết đang mùa hoa ban nở trắng núi rừng và tạo nên bức tranh tuyệt đẹp. Vẻ đẹp trong trắng, thuần khiết của loài hoa ban dễ làm say đắm lòng người. Hàng nghìn cây ban nở rộ khắp các nẻo đường,trên rẻo cao... tô thắm cho vẻ đẹp của bản làng, núi rừng. Mọi người trong đoàn công tác ai cũng trầm trồ trước vẻ đẹp rực rỡ của hoa ban, loài hoa được ví như linh hồn của núi rừng Tây Bắc khiến lòng người xốn xang…
Anh lái xe chở Đoàn chúng tôi vui vẻ nói: “Các anh lên đây đúng mùa lễ hội hoa ban. Khắp núi rừng Điện Biên, tháng 3, hoa ban nở trắng trời, trắng đất. Từng chùm hoa ban trắng bao phủ cả thung sâu, rồi lại leo vút lên cao bồng bềnh như mây vắt ngang đỉnh núi. Thời gian ngắm hoa ban nở lý tưởng nhất là vào sáng sớm, khi cánh hoa vừa hé nở đón ánh bình minh lấp ló dưới những rặng cây xanh mát. Đây là khoảng thời gian để ta thư giãn tâm trí, cơ thể sau những ngày bận rộn, tất bật đầy căng thẳng”.
Chị Lò Thị Hằng, một cán bộ của ngành Văn hóa, dẫn chúng tôi đi tham quan di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ gồm: Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ - Mường Phăng; các cứ điểm Him Lam, Bản kéo, Độc lập; Các đồi A1, C1, D1, E1 và khu trung tâm tập đoàn cứ điểm của Pháp (Khu hầm Đờ cát). Đâu đâu cũng thấy sắc màu hoa ban trắng tinh khôi,duyên dáng cùng mùi thơm phảng phất đã tô điểm bản làng trở nên thơ mộng lạ thường. Những nụ hoa thon thon như búp tay người con gái Thái dịu dàng. Vẻ đẹp viên mãn, tròn đầy, rực rỡ mà mộc mạc, khiêm nhường; vẻ đẹp hoang dại mà không kém phần quyến rũ.
Chị Hằng chia sẻ: “Là người Thái, sinh ra ở mảnh đất Điện Biên, cứ mỗi mùa hoa ban nở lại gợi cho em những cung bậc cảm xúc khác nhau. Hoa ban thể hiện cho tình yêu thủy chung, son sắt của chàng trai, cô gái Thái nên mùa hoa ban cũng chính là mùa những chàng trai cô gái có dịp trò chuyện, tỏ tình, trao duyên”.
Nói rồi, chị Hằng dẫn Đoàn chúng tôi vào tham quan bản Mển (hay còn gọi là bản Nhím), bởi địa thế cuộn tròn, độc lập trên một vùng đất bằng phẳng ở Điện Biên. Nằm nép mình giữa bạt ngàn núi đồi và ruộng nương, bản Mển (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) được biết đến như một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, thu hút nhiều du khách tham quan trong nước và quốc tế.
Nhìn từ xa, bản Mển đẹp như một bức tranh với lưng tựa vào núi, mặt hướng ra cánh đồng rộng mênh mông. Nổi bật trên nền xanh của cây cối và bầu trời là những nếp nhà sàn truyền thống của người Thái đen. Không chỉ hấp dẫn du khách bởi khung cảnh tuyệt đẹp, bản Mển còn có không khí trong lành, mát mẻ, môi trường xanh, sạch và đẹp.Trong bản đều là người dân tộc Thái đen. Đồng bào Thái đen ở đây sống bằng nghề trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi và thêu dệt thổ cẩm truyền thống.
Chị Lò Thị Hằng cho biết: “Những năm vừa qua, dân bản đã chung tay phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nếp sống văn minh, ăn sạch, ở sạch, uống sạch. Nhờ đi đúng hướng trong việc phát triển du lịch cộng đồng bền vững nên bản Mển không những đã trở thành điểm du lịch thu hút đông du khách trong và ngoài nước mà còn bảo tồn, phát huy được bản sắc văn hóa truyền thống, trong đó có nghề dệt, thêu thổ cẩm. Nếu như trước đây, phụ nữ trong bản dệt, thêu thổ cẩm chỉ để cho gia đình dùng, thì nay còn phục vụ cho nhu cầu của khách du lịch. Sản phẩm thổ cẩm của bản thường là những tấm vải, chiếc khăn piêu hay chiếc túi thêu dòng chữ: “Thổ cẩm - bản Mển kỷ niệm” nhằm quảng bá nét văn hóa đặc trưng tới du khách”.
Cùng với nghề dệt, thêu thổ cẩm, người Thái đen ở đây vẫn còn lưu giữ những nét kiến trúc nhà sàn truyền thống… hình thành nên tập quán riêng trong đời sống sinh hoạt cũng như lao động sản xuất hàng ngày.
Nhà sàn thường được dựng ở vị trí lưng tựa vào đồi, núi; mặt hướng ra sông, suối hoặc cánh đồng theophong thủy “sơn chầu thủy tụ”. Nhà được làm bằng loại gỗ tốt, bương, tre hoặc vầu, có bốn mái lợp ngói, trong đó hai mái ở hai đầu hồi nhà được kiến trúc vòm khum mai rùa. Đặc biệt, ở hai đầu đòn nóc nhà có hai thanh gỗ bắt chéo với nhau, điểm thêm nhiều hoa văn trang trí hình trăng khuyết… thể hiện tín ngưỡng thờ thần mặt trăng của người Thái đen.
Đến với bản Mển, ngoài dịp chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên đặc trưng vùng Tây Bắc, chúng tôi còn có cơ hội trải nghiệm một số sinh hoạt hàng ngày cùng dân bản như: chế biến các món ẩm thực truyền thống (rượu cần, cơm lam, cá suối nướng, măng đắng, thịt trâu luộc chấm chẩm chéo); xuống suối bắt cá; dệt, thêu thổ cẩm, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ (hát dân ca Thái, múa xòe, múa quạt, nhảy sạp…). Bản Mển có một đội văn nghệ gồm 15 người với giọng hát hay, truyền cảm và múa đẹp. Chúng tôi khá bất ngờ khi thấy đông chị em, kể cả các cụ cao niên, ngồi thành vòng tròn phân loại từng hạt gạo nếp. Cạnh đó, anh em cũng đang tất bật, người chẻ lạt, thái nguyên liệu, người tẩm ướp thịt, chất bếp để làm thịt trâu hun khói. Cứ ngỡ đó là sự chuẩn bị cho một đám cưới, hỏi ra mới biết, đây là việc người dân bản Mển thường xuyên làm để chiêu đãi khách du lịch khi đến tham quan, trải nghiệm nơi này.
Dẫn chúng tôi tham quan nhà văn hóa, nơi bản tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, ẩm thực, đồng chí phụ trách nhà văn hóa bản Mển cho biết: “Để tạo ấn tượng tốt đối với mỗi du khách đến đây, ngoài việc thường xuyên đổi mới các món ăn, nâng cao chất lượng phục vụ, mỗi du khách khi đến bản đều được tặng đồ lưu niệm, như: chiếc khăn piêu, túi Thái, thậm chí cả gạo Ðiện Biên”.
Đêm xuân đầu tiên ở bản Mển thật ấn tượng, chúng tôi như lạc vào một động tiên, được thưởng thức các món ăn truyền thống dân tộc, dân dã mà lắng đọng bởi những hương vị đậm đà được truyền từ đời này qua đời khác. Và tham gia các chương trình văn nghệ, như: hát then, múa nón, múa quạt, múa xòe, đốt lửa trại vui vẻ, sôi nổi. Với đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp và nhiệt tình làm cho chúng tôi hài lòng.Trên cơ sở những nguyên liệu có sẵn như gà bản, cá suối và rau rừng… thì chỉ chừng hơn một tiếng đồng hồ là có thể nâng chén rượu để “au hẻng - cạn chén”, “hảo hán - chúc sức khoẻ” và bắt tay nhau thật chặt - một phong tục đẹp thể hiện sự thân thiện, hiếu khách của người dân nơi đây. Anh bạn, người cùng Đoàn ghé tai nói với tôi: “Ồ! Thích thật, thưởng thức những món ngon của dân tộc Thái, ngồi trên nhà sàn xem múa xòe là điều thú vị mà không phải ở đâu cũng có”.
Giao lưu văn nghệ với Đoàn chúng tôi còn có Đoàn của Hội Cựu chiến binh Nghệ An ra thăm lại chiến trường năm xưa. Đội văn nghệ của bản nắm tay chúng tôi đi vòng tròn quanh đống lửa vừa đi vừa hát và mời rượu. Anh bạn tôi quá nhiệt tình và cũng là lần đầu nên chếnh choáng say. Nâng niu chiếc khăn piêu trên tay vừa được mấy cô gái bản Mển tặng, bạn của tôi chia sẻ với chị Lò Thị Hằng: “Trước đây, anh và bạn bè chỉ biết đến bản Mển qua Chương trình truyền hình VTV4. Chuyến đi công tác này được ấp ủ từ lâu, nhưng mãi hôm nay mới thực hiện được”.
Chúng tôi hết sức thích thú khi được trải nghiệm bắt cá, làm cơm lam và thưởng thức các món ẩm thực theo phong cách dân tộc Thái. Ấn tượng nhất đối với Đoàn là người dân bản Mển rất thân thiện, mến khách, có cách sống dân dã và giữ gìn được nhiều nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Thái...
Cùng với nghề dệt thổ cẩm, người Thái đen ở đây còn lưu giữ, bảo tồn rất tốt kiến trúc nhà sàn truyền thống, hình thành nên tập quán độc đáo trong đời sống sinh hoạt cũng như lao động sản xuất hàng ngày. Tầng trên dành cho sinh hoạt của gia đình chủ nhà và tiếp khách, tầng dưới là nơi để khung dệt, nông cụ sản xuất...Đến với bản Mển, chúng tôi được trải nghiệm không gian văn hóa độc đáo và tận hưởng bầu không khí ấm áp tình người trong những điệu múa, lời ca mộc mạc, với men rượu say đắm, lưu luyến bước chân.
Một bác trong Đoàn Hội cựu chiến binh tỉnh Nghệ An nói với chúng tôi: “Điện Biên bây giờ thay đổi nhiều lắm. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp vô cùng gian khổ, phải đi bộ hơn một tháng trời mới ra tới đây. Hàng vạn bộ đội, dân công và nhân dân đã anh dũng chiến đấu và hy sinh để có ngày hôm nay. Đến với Điện Biên nếu bạn muốn tìm cho mình một điểm dừng chân để khám phá những nét văn hóa ẩm thực và văn hóa dân tộc Thái thì bạn không thể bỏ qua Bản Mển”.
Say sưa trong tiếng nhạc xập xình và điệu múa của từng đôi trai gái dân tộc Thái, chị Lò Thị Hằng rất vui và kể cho tôi nghe về truyền thuyết của loài hoa ban. Loài hoa này gắn liền với một người con gái xinh đẹp tên là Ban, biết bao chàng trai si mê, theo đuổi, nhưng Ban lại đem lòng yêu chàng trai nghèo, tài giỏi tên là Khum. Gia đình Ban không chấp nhận chàng trai, họ ra sức ngăn cản.Không cam chịu cảnh chia ly, hai người đành bỏ trốn mong được sống hạnh phúc bên nhau.Tình yêu chưa được trọn vẹn, nàng chết hóa thành loài cây cho sắc hoa trắng tinh khôi man mác tím, người dân lấy tên nàng đặt tên là hoa ban. Từ đó, trong tiềm thức người Điện Biên, hoa ban trở thành biểu trưng cho sự thủy chung son sắt và vẻ đẹp trắng trong của người con gái.Truyền thuyết về loài hoa ban càng làm cho anh em chúng tôi nhớ mãi khoảnh khắc chuyến công tác ở Điện Biên với những khu di tích lịch sử huyền thoại. Tạm biệt bản Mển, tạm biệt Điên Biên, lòng tôi bồi hồi nhớ lại mấy câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:
“Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/ Chiến sĩ anh hùng/ Đầu nung lửa sắt/Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/Chí không mòn/… máu của anh chị, của chúng ta không uổng/ sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam/ Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng…” ./.