Sự hình thành và phát triển của Khoa Luật gắn liền với sự phát triển của Trường Đại học Ngoại thương. Từ khi Trường mới thành lập năm 1960, Bộ môn Luật thuộc Khoa Nghiệp vụ ra đời; đến năm 1999, Bộ môn Luật chuyển sang Khoa Quản trị kinh doanh. Trên cơ sở tách ra từ Khoa Quản trị Kinh doanh, Khoa Luật được thành lập vào ngày 30/07/2012 theo Quyết định số 869/QĐ-ĐHNT-TCHC của Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương. Khoa Luật là đơn vị chuyên môn thuộc Trường, có chức năng chính là đào tạo, giảng dạy và nghiên cứu khoa học ngành Luật cũng như tham gia giảng dạy cho các chương trình đào tạo khác của Nhà trường. Với sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực luật học, các thầy cô Khoa Luật luôn quyết tâm thực hiện nhiệm vụ một cách chuyên nghiệp, trung thực và sáng tạo. Sau mười năm thành lập và phát triển, Khoa Luật đã đạt được những thành tựu nổi bật, góp phần vào danh tiếng, uy tín chung của Trường Đại học Ngoại Thương.
Về giảng dạy, từ năm học 2011-2012, thực hiện định hướng đa dạng hóa các ngành đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương bắt đầu triển khai chương trình đào tạo cử nhân luật, chuyên ngành Luật thương mại quốc tế. Cùng với hình thức đào tạo chính quy, Khoa Luật cũng triển khai đào tạo chuyên ngành này theo hệ vừa làm vừa học từ năm 2016. Từ kinh nghiệm triển khai chương trình đào tạo trình độ đại học, đến năm 2017, chương trình đào tạo trình độ Thạc sĩ Luật Kinh tế được Khoa mở ra và bắt đầu tuyển sinh. Cả hai chương trình đào tạo này đã lần lượt được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định uy tín ở trong và ngoài nước (năm 2020 với Chương trình đào tạo cử nhân Luật thương mại quốc tế; năm 2022 với Chương trình đào tạo thạc sỹ Luật Kinh tế). Sau đó, đến năm 2021, Chương trình đào tạo chất lượng cao trình đại học ngành Luật, chuyên ngành Luật kinh doanh quốc tế theo mô hình thực hành nghề nghiệp (V-LEX) được triển khai với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có kiến thức chuyên sâu về pháp luật kinh doanh quốc tế, có năng lực, kỹ năng thực hành nghề nghiệp tốt, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong lĩnh vực này. Trong năm học 2022-2023, được sự đồng ý của Hội đồng trường, Khoa Luật đang triển khai xây dựng đề án đào tạo trình độ tiến sỹ ngành Luật Kinh tế, dự kiến sẽ tuyển sinh vào năm 2023.
Với ba chương trình đào tạo được triển khai, hàng năm Khoa Luật đã đào tạo cho khoảng 600 sinh viên, học viên ngành luật. Sinh viên, học viên tốt nghiệp các chương trình này đã và đang trở thành những luật sư, chuyên gia pháp chế doanh nghiệp, chuyên gia tư vấn, doanh nhân khởi nghiệp, chuyên viên, giảng viên… của nhiều cơ quan nhà nước, doanh nghiệp lớn có uy tín. Đây sẽ trở thành nguồn nhân lực trong lĩnh vực pháp luật đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của doanh nghiệp, của người dân và chủ thể khác; từ đó góp phần thực hiện Chiến lược Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Liên tục đổi mới phương pháp dạy và học cho phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của xã hội, sau 10 năm đào tạo, Khoa Luật Trường Đại học Ngoại thương đã có những thế hệ sinh viên xuất sắc, tạo nên một mạng lưới cựu sinh viên rộng lớn. Dù có đi đâu, làm công việc gì, mỗi khi trở về Khoa Luật, trở về với các thầy cô, sinhviênvẫn luôn cảm nhận được sự thân thương, gần gũi mà nơi đây mang lại, bởi vì “Khoa Luật là nhà, chúng ta là một gia đình”.
Về nghiên cứu khoa học, các giảng viên của Khoa đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp bộ, cấp thành phố, các đề tài của Quỹ Nafosted…tham gia nhiều dự án quốc tế về đào tạo và nghiên cứu pháp luật thương mại quốc tế như Dự án Hỗ trợ Thương mại Đa biên (Dự án MUTRAP I, II, III); Dự án của UNDP; đồng thời các giảng viên có nhiều bài viết trên các tạp chí quốc tế có uy tín, nhiều chương sách và sách tham khảo, chuyên khảo xuất bản ở các nhà xuất bản uy tín trong nước và ở nước ngoài. Bằng kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, nhiều giảng viên của Khoa đã tham gia vào quá trình xây dựng, sửa đổi những văn bản pháp luật quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại như: Luật Thương mại, Bộ luật Dân sự.
Về đội ngũ, Khoa Luật Trường Đại học Ngoại thương có thế mạnh về đội ngũ giảng viên có bề dày kinh nghiệm với nhiều giảng viên của Khoa Luật được đào tạo tại các trường đại học uy tín ở nước ngoài (Anh, Pháp, Thụy Sỹ, Nhật, Australia, Italia, v.v…). Hiện tại, Ban chủ nhiệm khoa gồm TS. Hà Công Anh Bảo – Phó Trưởng Khoa phụ trách và PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hà – Phó Trưởng Khoa. Trong 30 giảng viên của Khoa Luật, có 6 Phó Giáo sư, 17 Tiến sĩ và 7 Thạc sĩ thuộc 03 Bộ môn (Pháp luật cơ sở, Pháp luật thương mại quốc tế, Pháp luật kinh doanh quốc tế). Với tỷ lệ Phó Giáo sư và tiến sĩ của Khoa là 77.7 %, Khoa Luật là một trong những khoa chuyên môn có tỷ lệ giảng viên là phó giáo sư, tiến sỹ cao nhất Nhà trường. Là những người chèo lái con đò tri thức và là những người nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê theo đuổi ngành Luật trong các bạn sinh viên, các thầy cô luôn quan niệm “Khoa Luật là nhà”, nơi các bạn sinh viên được lên tiếng, được lắng nghe và được nhận những lời tư vấn, sự hỗ trợ từ các thầy cô.
Về các hoạt động chuyên môn và ngoại khóa tổ chức cho sinh viên, đào tạo hướng tới thực tiễn, tăng cường tính thực hành trong các hoạt động đào tạo cũng là một định hướng nổi bật của Khoa. Khoa Luật xây dựng một chương trình thực hành và hoạt động ngoại khóa cho sinh viên từ khi bước vào ghế nhà trường cho đến khi tốt nghiệp theo 04 giai đoạn là Tôi - Phá băng (I-breaker); Tôi - Tìm hiểu (I-Explorer); Tôi - Sáng tạo (I-Innovator) và Tôi - Đại sứ (I-Ambassador). Khoa Luật là đơn vị tổ chức của các cuộc thi ở qui mô quốc gia là Vietnam CISG Pre-Moot,Vietnam Mediation Moot, Hội nghị Khoa học sinh viên ngành Luật, cùng nhiều tọa đàm, chương trình bồi dưỡng ngắn hạn về kiến thức, kỹ năng cho sinh viên. Được xây dựng với qui mô của phòng diễn án thật đầu tiên ở các trường đại học Việt Nam, Phòng Thực hành pháp luật của Khoa Luật là nơi để sinh viên thực hành một số hoạt động nghề nghiệp, như: diễn án, tư vấn pháp luật, tọa đàm, trao đổi học thuật…
Khoa Luật hiện là đơn vị bảo trợ chuyên môn cho hai câu lạc bộ của sinh viên, bao gồm: Câu lạc bộ Nhà tư vấn Luật (LCC) và Tổ chức Giáo dục thực hành pháp luật (CLE). Hàng năm, hai câu lạc bổ cũng đã tổ chức nhiều hoạt động hữu ích, thu hút sự tham gia đông đảo của sinh viên, như cuộc thi Soul of Law với qui mô toàn quốc, thực hiện các hoạt động tư vấn pháp luật cộng động dành cho nhóm người yếu thế, tham gia tư vấn các vụ việc thực tiễn cùng chuyên gia, tọa đàm kỹ năng cho sinh viên…
Đây là những hoạt động rất thiết thực và ý nghĩa dành cho sinh viên vì người học có thể áp dụng kiến thức vào các vấn đề thực tiễn và chuẩn bị hành trang cho con đường sự nghiệp của mình.
Về hoạt động hợp tác và phát triển mạng lưới, để đảm bảo hiệu quả của các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ người học, Khoa Luật đã thiết lập mạng lưới đối tác rộng khắp ở trong vào ngoài nước. Ở trong nước, Khoa Luật đã ký kết thỏa thuận hợp tác với nhiều công ty/văn phòng luật, Câu lạc bộ Luật sư Long Biên, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Trung tâm Hòa giải Thương mại Quốc tế Việt Nam… Các giảng viên của Khoa tích cực tham gia vào một số tổ chức hành nghề luật như Câu lạc bộ Luật sư Thương mại quốc tế; Hội Luật quốc tế; Mạng lưới các cơ sở đào tạo luật…
Ở nước ngoài,Khoa Luật đã hợp tác tích cực với Văn phòng châu Á Thái Bình Dương của Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Luật Thương mại Quốc tế (UNCITRAL-RCAP); Viện Nghiên cứu về thống nhất luật tư (UNIDROIT); mạng lưới nghiên cứu NODYPEXvới sự tham gia của nhiều giáo sư đầu ngành tại Pháp, Canada, Bỉ, Nhật Bản, Thái Lan, Brazil…; Trung tâm đào tạo tiếng Anh pháp lý (BLC)… Đồng thời, Khoa Luật có mối quan hệ truyền thống với nhiều trường đại học của Pháp, Anh, Canada, Thái Lan, Brazil, Singapore…
Sau 10 năm gây dựng và trưởng thành, Khoa Luật – Trường Đại học Ngoại Thương đã trở thành một địa chỉ tin cậy về đào tạo, nghiên cứu Luật học không chỉ ở Việt Nam mà còn ở quốc tế. Để ghi nhận những nỗ lực và cố gắng không ngừng của thầy và trò Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại Thương đã đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng cờ thi đua cấp Bộ năm 2022 cho Khoa Luật. Sự ghi nhận này chắc chắn sẽ tạo động lực to lớn để Khoa Luật tiếp tục phát triển, phù hợp với những định hướng chiến lược của Nhà trường cũng như với thực tiễn Việt Nam.