36 sự kiện lịch sử tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội (Kỳ 31)

PGS TS Cao Văn Liên

18/12/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu sách “36 sự kiện lịch sử tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 31

SỰ KIỆN 32 : HÀ NỘI BƯỚC VÀO CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (19-12-1946).

          Sau Đại chiến thế giới thứ 2, cách mạng Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc tấn công mạnh vào chế độ Tưởng Giới Thạch. Tình hình không cho phép Chính quyền Tưởng dính sâu vào vấn đề Việt Nam. Tưởng và Pháp đã ký “ Hiệp ước Pháp- Hoa”, theo đó Pháp được đưa quân ra miền Bắc thay thế quân đội Tưởng. Ta không thể chống lại hiệp ước Pháp- Hoa, làm như vậy ta sẽ chống lại một lúc nhiều kẻ thù là Tưởng, Pháp, đằng sau Tưởng là Mỹ. Cho nên ta chủ trương hoà với Pháp để đuổi Tưởng về nước.

d1ad1q-1671285556.jpg
Nhân dân thủ đô Hà Nội dựng chiến lũy chống giặc Pháp tại phố Mai Hắc Đế. Ảnh tư liệu

 

Ngày 6-3-1946 tại số nhà 38 Lý Thái Tổ, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã ký với đại diện Chính phủ Pháp là Xanh tơ ni “ Hiệp định sơ bộ” theo đó Pháp công nhận Việt Nam dân chủ cộng hoà là một nước tự do nằm trong khối liên hiệp Pháp, phía Vịêt Nam cho phép quân đội Pháp ra miền Bắc thay thế quân Tưởng giải giáp quân đội Nhật. Nhưng sau khi đưa quân ra miền Bắc và Hà Nội, quân đội Pháp không thực hiện sứ mệnh của mình mà bắt đầu gây chiến chống Chính phủ Việt Nam. Những tên thực dân đầu nóng ở Đông Dương không chấp nhận các hiệp ước kể cả Hiệp định sơ bộ trong đó Chính phủ Việt Nam chấp nhận là một nước tự do nằm trong Khối liên hiệp Pháp. Chúng quyết dùng chiến tranh vũ lực chiếm nước ta một lần nữa như những năm 1858-1884. Nhưng những tên thực dân hiếu chiến đã nhầm và không nhận thức được thời thế đã thay đổi. Chính phủ Hồ Chí Minh không phải là vương triều Nguyễn trước đây. Sự nhầm lẫn này cho mãi đến 1954 sau Điện Biên Phủ chúng mới nhận thức được. Còn năm 1946 chúng quyết tâm dùng vũ lực và phát động chiến tranh. Ngày 17-12-1946 Pháp gây ra vụ thảm sát nhân dân Hà Nội ở phố Hàng Bún (khu Yên Ninh). Ngày hôm sau 18-12-1946 Mooclie hạ tối hậu thư đòi Chính phủ Hồ Chí Minh phải tước vũ khí đội tự vệ, đòi để chúng kiếm soát trật tự ở Thủ đô. Hành động của Pháp buộc Chính phủ ta không thể nhân nhượng hơn được nữa, nhân nhượng hơn nữa là đầu hàng. Chính phủ ta đã làm hết cách để cứu vãn nền hoà bình ở Việt Nam nhưng không được. Ngaỳ 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Hà Nội cũng như toàn quốc bước vào cuộc kháng chiên thần thành chống thực dân pháp xâm lựơc lần thứ hai.

          20 giờ đêm 19-12-1946, điện ở nhà máy điện Yên Phụ tắt làm hiệu lệnh cho cuộc kháng chiến toàn quốc và Hà Nội. Quân Pháp ở Hà Nội có 6500 tên, 40 xe tăng, 13.000 kiều dân. Phía ta có 5 tiểu đoàn bộ binh, 6 trung đội công an xung phong, 2.8500 dân quân tự vệ nội, ngoại thành[1]  Pháo đài Láng, Xuân Canh, Xuân Tảo… bắt đầu nã đạn vào quân Pháp ở nội thành. Cả Hà Nội đứng lên. Nhân dân quăng bàn, ghế, cánh cửa, sập gụ, kiện hàng, bao cát ra đường. Công nhân đẩy toa tàu ra các ngã tư, ngã năm. Cây cối, cột điện được ngã ngang đường. Vật cản và chiến luỹ mọc lên khắp nơi. Quân và dân ta đồng loạt tiến công các vị trí địch. Pháp lập tức tung xe tăng, xe bọc thép ra phản kích. Chiến sĩ Trần Thành ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch trước Chợ Hôm. Các trận đánh dữ dội quyết liệt diễn ra ở Chợ Đồng Xuân, Nhà bưu điện Bờ Hồ, Bắc bộ phủ. Trận đánh ở Bắc bộ phủ diễn ra 20 giờ từ ngày 19 đến ngày 20-12 năm 1946, ta đánh lui 6 đợt tấn công của Pháp. Pháp dùng máy bay oanh tạc, ta rút lui để bảo toàn lực lượng. Tại Bắc bộ phủ Pháp bị tiêu diệt 122 tên, 4 xe tăng và thiết giáp bị phá huỷ, ta hi sinh 45 chiến sĩ, trong đó có chính trị viên đại đội Lê Gia Định do chốt lại yểm trợ cho đồng đội rút lui. Tại nhà bưư điện Bờ Hồ, 20 công nhân đã chiến đấu và anh dũng hi sinh[2]. Công nhân, lao động, viên chức, trí thức, thầy giáo, học sinh, người buôn bán nhỏ, nhà tư sản vừa tham gia đánh địch vừa phục vụ chiến đấu. Nhiều thanh niên, thiếu niên tình nguyện gia nhập tự vệ và Vệ quốc đoàn. Nông dân ngoại thành đào hàng chục ki lô mét hào giao thông, hàng nghìn hầm hố chiến đấu, phá hoại đường sá, cầu cống và tổ chức lực lượng rầm rộ vào chi viện cho nội thành.

          Ngày 6-2-1947, Pháp dùng một lực lớn bộ binh  có xe tăng pháo binh yểm trợ tấn công vào liên khu I. Ở phía nam, chúng tấn công vào nhà Xôva và Trường Ke (nay là đường Trần Quang Khải). Ở trong thành chúng tấn công phố Hàng Thiếc, Hàng Nón, Hàng Bồ. Phía bắc chúng tấn công chợ Đồng Xuân, Hàng Chiếu, Hàng Đường. Pháp dùng máy bay ném bom vào các khu đông dân như Hàng Bạc, Hàng Mắm, Mã Mây. 5 giờ sáng 14-2-1947, 400 lính mũ đỏ Pháp có 3 xe tăng yểm trợ từ cầu Long Biên đánh vào chợ Bắc Qua, rồi tiến vào chợ Đồng Xuân. Hai tiểu đội ta đánh giáp lá cà với địch. Ta hi sinh 15 chiến sĩ, bị thương 9, địch bị diệt 200 tên, địch chiếm được chợ Đồng Xuân, phố Hàng Chiếu[3].

           Để giữ dìn lực lượng chiến đấu lâu dài, đêm 17-2-1947 Trung đoàn Thủ đô bí mật rút theo đầu cầu Long Biên lên Nghi Tàm rồi qua bờ bắc sông Hồng ra vùng nông thôn tham gia vào cuộc kháng chiến lâu dài của dân tộc.

          Cuộc kháng chiến ở đô thị nói chung và ở Hà Nội nói riêng đã thu được những thắng lợi to lớn, làm thất bại âm mưu của Pháp nhằm đánh úp và bắt sống cơ quan đầu não của ta ở Hà Nội. Ta đã tiêu diệt một lực lớn của Pháp tại Đô thị. Kháng chiến ở Đô thị đã giam chân quân Pháp, tạo điều kiện cho cả nước triển khai kháng chiến lâu dài. Chiến lựơc đánh nhanh thắng nhanh, âm mưu quân sự chính trị của Pháp bước đầu phá sản.

          Tháng 3 -1947, Hà Nội tạm thời bị Pháp chiếm đóng. Đây là lần thứ 3 Pháp chiếm đóng Hà Nội kể từ thời Gacnie tấn công Hà Nội lần thứ nhất 1873.

          9 năm kháng chiến với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện lâu dài ta đã lần lượt đánh bại Pháp ở Việt Bắc ( Thu đông 1947), ở Hoà Bình, ở Biên Giới 1950, Tây Bắc…Cuối cùng với trận quyết chiến lược Điện Biên Phủ, ta đã đè bẹp ý chí xâm lược của Pháp, buộc Pháp phải ký Hiệp nghị Giơ nevơ tháng 7 -1954 thừa nhận độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam cũng như của ba nước Đông Dương.

(Còn nữa)

CVL

---------------------

[1] .Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (9.45-7.54). NXB Sự Thật. H. 1986. TR.77.

[2] .Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Lịch Sử Hà Nội. NXB Hà Nội. 2004. Tr. 61-62.

[3] . Sách đã dẫn . Tr 63.

Bạn đang đọc bài viết "36 sự kiện lịch sử tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội (Kỳ 31)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn