36 sự kiện lịch sử tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội (Kỳ 9)

PGS TS Cao Văn Liên

26/11/2022 06:02

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu sách “36 sự kiện lịch sử tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

KỲ 9

SỰ KIỆN 10: THĂNG LONG CÙNG QUÂN DÂN ĐẠI VIỆT CHIẾN THẮNG NGUYÊN-MÔNG LẦN 2 (1285)

Sau cuộc chiến tranh lần thứ nhất, Thăng Long bị tàn phá nặng nề. Vương triều Trần và nhân dân ta phải nhiều năm mới xây dựng lại được. Từ cuộc chiến tranh lần thứ nhất đến cuộc chiến tranh lần 2 trải quan 27 năm vì trong thời gian đó Hốt Tất Liệt còn phải tập trung lực lượng tiêu diệt nhà Nam Tống để làm chủ toàn bộ Trung Quốc. Năm 1260 Hốt Tất Liệt lên ngôi Hãn toàn đế quốc Mông Cổ, đổi quốc hiệu là Nguyên. Năm 1279 Quân Nguyên-Mông tiêu diệt nhà Nam Tống, chiếm toàn bộ Trung Quốc, biên giới của đế quốc Nguyên-Mông tiến sát biên giới Đại Việt, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc xâm lược. Đám mây chiến tranh quái dị và đẫm máu đã đen đặc trên bầu trời biên giới phía bắc.

dh-0327ab2-1669366801.jpg
Thoát Hoan là con trai của Hốt Tất Liệt, một triều đại của người Mông Cổ đóng ở Trung Quốc. Trong cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ 2 vào năm 1285, bị quân nhà Trần tấn công, truy đuổi gắt gao, Thoát Hoan phải chui vào ống đồng cho binh lính khiêng chạy về nước. Nguồn: Internet.

 

          Biết chiến tranh là không thể tránh khỏi nên nhà Trần và nhân dân Đại Việt bước vào tích cực chuẩn bị kháng chiến. Tháng 12 năm 1282, triều đình tổ chức hội nghị quân sự Bình Than (Hải Dương) bao gồm tất cả các tướng lĩnh, quí tộc cao cấp của nhà Trần để chuẩn bị quân sự cho cuộc kháng chiến. Tại hội nghị, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, một tướng lĩnh kiệt xuất được cử làm Quốc Công tiết chế (Tổng chỉ huy quân đội). Tiếp đó, Trần Quốc Tuấn viết bài “Hịch tướng sĩ”, một áng văn chương kiệt tác để động viên tinh thần yêu nước của quân đội, sẵn sàng hi sinh vì độc lập tự do của dân tộc. Hưng Đạo Vương còn viết “ Binh thư yếu lược” trang bị cho các tướng lĩnh lý luận về chiến tranh, vạch rõ những nhân tố bảo đảm cho thắng lợi của chiến tranh, những chiến thuật, chiến luợc và những phương pháp tiến hành chiến tranh thắng lợi. Với tác phẩm này Trần Quốc Tuấn là người đầu tiên đặt nền tảng cho nền Khoa học quân sự Việt Nam.

Để đoàn kết toàn dân chống giặc, đầu năm 1285 khi chiến tranh đã đến rất gần, Thái Thượng Hoàng Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông đã mở Hội nghị ở Điện Diên Hồng trong Thăng Long thành, triệu tập tất cả những người cao tuổi (bô lão) trong toàn quốc để củng cố quyết tâm chống giặc của toàn dân. Khi Thái thượng Hoàng hỏi nên hàng hay nên đánh? Toàn điện Diên Hồng như rung lên bởi câu trả lời muôn người như một của các bô lão: Đánh! Từ điện Diên Hồng, các bô lão đem quyết tâm chống giặc về khắp các miền của đất nước, phổ biến đường lối kháng chiến của Triều đình: đó là khi giặc đến các làng phải đánh, không đánh được thì cho phép rút lui, không cho phép đầu hàng. Với lương thực khi mang đi không hết nhất quyết phải tiêu huỷ không được để lọt vào tay giặc, triệt để thực hiện vườn không nhà trống.

Tháng 1 năm 1285, Hốt Tất Liệt huy động 50 vạn quân chiến đấu chia làm 3 đường tiến vào xâm lược Đại Việt. Đạo chủ lực gồm 30 vạn quân do Thái tử Thoát Hoan (Tôgan) chỉ huy từ Lạng Sơn tiến xuống, đạo thứ 2 do Naxirutđin từ Lào Cai theo đường sông Hồng tiến vào, đạo thứ 3 do Toa Đô chỉ huy trước đó năm 1282 đã vượt biển vào đánh Chiêm Thành, nay quay ra đánh Đại Việt từ phía nam, tạo ra thế gọng kìm. Chiến lược của quân Nguyên- Mông là dùng sức mạnh quân sự tiêu diệt quân chủ lực của ta, bắt sống triều đình để nhanh chóng kết thúc chiến tranh.

          Tại mặt trận phía bắc, 20 vạn quân ta do Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy nhằm ngăn giặc ở Vạn Kiếp, nhưng thế giặc rất mạnh, quân ta phải rút khỏi Vạn Kiếp. Tại mặt trận tây bắc do tướng Trần Nhật Duật chỉ huy cũng phải rút lui. Sau đó triều đình và nhân dân ta rút khỏi kinh thành Thăng Long. Giặc tràn vào kinh thành và tàn phá. Thăng Long một lần nữa lâm nạn. Cung điện, dinh thự, lầu son gác tía phố phường nhân ta xây dựng hồi phục sau 27 năm trời lại biến thành tro bụi dưới bàn tay của quân xâm lược hung tàn. Hoàng thành, Cấm thành tan hoang đổ nát trong khói lửa tang tóc. Tại mặt trận phía nam, quân ta do Thượng Tướng Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải chỉ huy ngăn chặn quân Toa Đô cũng phải rút lui. Như vậy trên khắp các mặt trận quân ta đã phải rút lui, thế giặc rất mạnh, cuộc kháng chiến bước vào thời kỳ khó khăn nhất, thế nước nguy nan như nghìn cân treo sợi tóc. Quân giặc ráo riết truy kích nhằm bắt sống triều đình và tiêu diệt chủ lực của ta. Khi đó triều đình rút về Trường Yên (Ninh Bình), phía bắc quân Thoát Hoan đã truy kích tới Thiên Trường (Nam Định), phía nam quân Toa Đô đã đến Thanh Hoá. Trước tình thế vô cùng nguy cấp, Trần Quốc Tuấn thực hiên một kế hoạch táo bạo, đưa triều đình rút theo đường biển, sau khi quân Toa Đô tới Ninh Bình thì quân ta và triều đình lại quay về Thanh Hoá, thoát được hai gọng kìm nguy hiểm của địch.

          Tháng 5 năm 1285, chiến tranh kéo dài làm cho quân địch lâm vào tình thế khó khăn, hết lương thực, bị chiến tranh du kích của ta tiêu hao, đói khát bệnh tật, suy yếu. Nắm chắc thời cơ đó, ngày 4-6-1285, Trần Quốc Tuấn ra lệnh cho quân ta phản công trên khắp các mặt trận và thu được thắng lợi liên tục. Tại mặt trận Thăng Long quân ta tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực địch ở Chương Dương (Thường Tín Hà Nội ngày nay). Quân ta cũng phá tan tất cả hệ thống phòng thủ của giặc trên sông Hồng. Thoát Hoan điên cuồng lại tàn phá kinh thành Thăng Long và rút chạy về nứơc. Dọc đường bị quân ta chặn đánh suốt từ ngoài Thăng Long cho đến Vĩnh Bình - Lạng Sơn, xác giặc rải dài suốt 300 dặm, Thoát Hoan phải chui vào ống đồng (thùng đựng vàng bạc cướp được) cho quân sĩ khiêng chạy về nước mới thoát được những mũi tên thuốc độc của quân ta. Đạo Quân Toa Đô bị quân ta vây hãm và chặn đánh dữ dội ở Tây Kết, Toa đô bị chém đầu tại trận, Ô Mã Nhi chạy theo đường biển mới thoát thân.

          Ngày 9-7-1285, Thái Thượng Hoàng Trần Thánh Tông,vua Trần Nhân Tông, triều đình cùng quân dân ta trở lại đô thành. Kinh thành Thăng Long tan nát, mình đầy những thương tích do quân thù gây nên. Nhưng Thăng Long lại một lần nữa ca khúc khải hoàn chiến thắng.

(Còn nữa)

CVL

 

Bạn đang đọc bài viết "36 sự kiện lịch sử tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội (Kỳ 9)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn