Phát biểu tại Lễ trao tặng danh hiệu, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định sự nghiệp đổi mới gần 40 năm qua và những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của đất nước là nguồn cảm hứng bất tận và là động lực lớn lao cho đội ngũ nghệ sĩ tài năng.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ: Các nghệ sĩ ở mỗi loại hình nghệ thuật với ngôn ngữ, phương thức biểu đạt riêng đã tạo nên nhiều tác phẩm hay làm cho đời sống văn hóa nghệ thuật ngày càng giàu màu sắc, phản ánh sinh động thực tiễn đổi mới vĩ đại của đất nước, nuôi dưỡng tâm hồn, hướng con người đến các giá trị tốt đẹp chân, thiện mỹ, góp phần quan trọng xây dựng nền tảng tinh thần xã hội,
Chủ tịch nước nhấn mạnh NSND, NSƯT là danh hiệu vinh dự, cao quý của Đảng, Nhà nước dành tặng cho những cá nhân có nhiều cống hiến, đóng góp và gắn bó lâu dài trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, có trí tuệ và phẩm giá, hết lòng, hết sức, tận tụy phục vụ nhân dân, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Họ là những tài năng nghệ thuật, có tác phẩm xuất sắc có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật được công chúng đón nhận, yêu thích, mến mộ.
Chủ tịch nước nêu rõ, Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định, tài năng văn học, nghệ thuật là vốn quý của dân tộc. Việc chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị.
Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan, tổ chức, bộ, ngành, địa phương, tiếp tục nhận thức sâu sắc về vai trò của văn hóa nghệ thuật và các nghệ sĩ; tiếp tục quan tâm, động viên, khích lệ đội ngũ hoạt động văn hóa nghệ thuật nước nhà phát huy tài năng, sáng tạo nghệ thuật, say mê cống hiến với ý thức đầy đủ về khó khăn, thách thức và cơ hội trong phát triển, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch nước lưu ý, cần có chính sách phù hợp để chăm lo các nghệ sĩ, đảm bảo để các nghệ sĩ có thể sống được bằng nghề. Coi trọng công tác bồi dưỡng tài năng trẻ, nhất là ở các lĩnh vực nghệ thuật truyền thống đang thiếu hụt lớp kế cận. Tôn trọng đặc trưng sáng tạo nghệ thuật, tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, thúc đẩy một đời sống dân chủ lành mạnh. Tạo điều kiện, môi trường thuận lợi, khuyến khích nghệ sĩ thâm nhập thực tế, dấn thân vào thực tiễn rộng lớn, sinh động của đời sống xã hội, khám phá, khai thác các giá trị, vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam, đưa nghệ thuật truyền thống tiến cùng thời đại, lan tỏa tình yêu cuộc sống và những khát vọng đẹp đẽ, lớn lao của toàn dân tộc.
Khuyến khích nghệ sĩ tham gia các hoạt động văn hóa đối ngoại, đưa hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè thế giới, nâng cao sức hấp dẫn của văn hóa dân tộc Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, bồi đắp thêm sự giàu có của nền văn hóa Việt Nam.
Các nghệ sĩ được nhận danh hiệu cao quý đều bày tỏ vui mừng, hạnh phúc, hãnh diện và tự hào khẳng định, danh hiệu cần thiết nhưng không phải đích đến cuối cùng của nghệ sĩ chân chính. Đó là động lực, niềm tin dành cho người làm nghệ thuật, hướng đến nhiệm vụ đem lại giá trị cho cuộc sống tốt đẹp qua tác phẩm nghệ thuật.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 - cho biết, trong quá trình tổ chức họp Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, Hội đồng cấp Nhà nước, Bộ VHTTDL không nhận được đơn thư, khiếu nại nào về quy trình, thủ tục xét tặng, chỉ có một số đơn thư kiến nghị liên quan đến hồ sơ. Bộ đã triển khai xem xét đơn thư theo đúng quy định kiểm tra hồ sơ của cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu, yêu cầu Hội đồng cấp bộ/tỉnh, Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước báo cáo, giải trình và trả lời cá nhân có đơn thư, kiến nghị theo đúng quy định hiện hành.
Từ đợt 1 được tổ chức năm 1984, cách đây tròn 40 năm, trải qua 9 lần tổ chức, đã có 452 nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu NSND, 2.621 nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu NSƯT.