Có thể một ngày nào đó, hài cốt của hai viên Phi công Mỹ sẽ được tìm thấy và tên của James B.Mc Govern và Wallace A Buford sẽ được ghi tại đài tưởng niệm những người Mỹ chết tại Việt Nam? Đã 65 năm trôi qua (1954 – 2019) chúng ta hãy cùng lật giở những trang hồ sơ mật của cả hai phía…
Tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III - Nơi đang lưu giữ nhiều tài liệu quý, liên quan đến lịch sử Việt Nam từ 1945 đến nay mà nhiều người còn ít biết. Người viết cuốn sách này đã có may mắn được tiếp xúc với Hồ sơ số 138, nội dung nói về sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam và Đông Dương từ Đại chiến Thế giới II, khoảng năm 1941 đến năm 1954. Đó là những tài liệu thuộc Phòng Lưu trữ của Ủy ban Điều tra tội ác chiến tranh, do Bộ phận Nghiên cứu Quan hệ quốc tế soạn, dày 24 trang đánh máy khổ A4. Tài liệu đã tiết lộ nhiều chi tiết được cho là “tuyệt mật” một thời:
- Một là, người Mỹ đã âm mưu nhòm ngó Đông Dương từ trong Đại chiến Thế giới thứ II (1941 - 1946) như thế nào?
- Hai là, từ nhòm ngó đến bước đầu tích cực chuẩn bị can thiệp (1947 - 1949) ra sao?
- Ba là, cùng thời điểm với cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953) người Mỹ đã công khai và trực tiếp can thiệp vào Việt Nam về mọi mặt ra sao?
- Và bốn là, người Mỹ tiến thêm một bước nguy hiểm trong việc hỗ trợ người Pháp và can thiệp quân sự trực tiếp vào Điện Biên Phủ; âm mưu ném bom nguyên tử, kéo dài và mở rộng chiến tranh Đông Dương (1953 - 1954) thế nào?…
Theo một tài liệu nghiên cứu gần đây chúng tôi có được, thì Tổng thống thứ 34 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Dwight D.Eisenhower, ngay sau khi đánh bại Tổng thống Harry S. Truman để tiếp quản Nhà Trắng (20 tháng 1 năm 1953), đã tỏ ra quan tâm đặc biệt đến Đông Dương, trong đó có Việt Nam.
Có lẽ Eisenhower đã rút kinh nghiệm từ sự thất bại của người tiền nhiệm trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953). Tân Tổng thống Mỹ muốn dùng đô-la và Không quân giúp Pháp “lấy lại danh dự” tại chiến trường Đông Dương?
Vừa nhậm chức, Tổng thống Eisenhower đã cho thành lập ngay một Ủy ban đặc biệt về Đông Dương (The Special Committee on Indochina) do Walter B. Smith, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, làm Trưởng ban và Nhóm công tác đặc biệt về Đông Dương (The Special Working Group on Indochina) do tướng Grave B. Erskine cầm đầu.
Ngày 30 tháng 7 năm 1953, Quốc hội Mỹ đã chuẩn chi 400 triệu đô-la để hỗ trợ Pháp theo đuổi chiến tranh ở Đông Dương. Hai tháng sau, ngày 30 tháng 9, Chính phủ Mỹ lại cấp thêm 385 triệu đô-la nữa. Mỹ hứa năm 1954 sẽ tăng viện trợ cho Pháp tại Đông Dương lên gấp đôi. Mỹ cũng chuyển giao cho Pháp nhiều trang bị, vũ khí, trong đó có 123 máy bay và 212 tàu chiến các loại. Sau này, người ta đã tính rằng: Hồi đó, Mỹ đã trang trải đến hai phần ba chi phí cho cuộc chiến tranh Đông Dương với hàng tỷ đô-la tiền của!
Wikipedia cho biết: Tới năm 1954, 78% chiến phí của Pháp ở Đông Dương là do Hoa Kỳ chi trả. Tới năm 1953, viện trợ Mỹ cả kinh tế và quân sự đã lên tới 2,7 tỷ trong đó viện trợ quân sự là 1,7 tỷ đô-la và năm 1954 Mỹ viện trợ thêm 1,3 tỷ đô-la nữa. Tổng cộng Mỹ đã cung cấp cho Pháp trên 40 vạn tấn vũ khí, gồm 360 máy bay, 347 tàu thuyền các loại, 1.400 xe tăng và xe bọc thép, 16.000 xe vận tải, 17,5 vạn súng cá nhân.
Chưa hết, để động viên Pháp, Eisenhower đã cử Phó Tổng thống Richard Nixon sang Việt Nam. Ngày 4 tháng 11 năm 1953, Nixon tuyên bố tại Hà Nội: “Không thể hạ vũ khí cho đến khi nào đạt được chiến thắng hoàn toàn”. Rồi ông ta đến tận Ghềnh (Ninh Bình) để thăm quân Pháp đang tiến hành cuộc hành quân mang tên Hải Âu tại đây.
Thời gian này ở tất cả các cấp bộ trong quân đội viễn chinh Pháp đều có cố vấn Mỹ. Người Mỹ có thể đến bất cứ nơi nào kiểm tra tình hình không cần sự chấp thuận của Tổng chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp. Sự phụ thuộc quá nhiều của Pháp vào Mỹ khiến sau này tướng Henri Navarre than phiền trong hồi ký: "Địa vị của chúng ta đã chuyển thành địa vị của một kẻ đánh thuê đơn thuần cho Mỹ." Chính phủ Pháp muốn tìm một giải pháp hòa bình có thể chấp nhận được để chấm dứt cuộc chiến nhưng mặt khác họ muốn duy trì quyền lợi tại Đông Dương. Cuộc chiến sang năm thứ 9 đã chứng tỏ Pháp chỉ còn cách duy nhất là tìm một "lối thoát danh dự", nếu không muốn “dâng” Đông Dương cho Mỹ.
Khi tướng Navarre bắt đầu thực hiện cuộc hành quân mang mật danh là “Hải Ly” vào ngày 20 tháng 11 năm 1953, thì lần lượt 16.000 quân Pháp đã được những chiếc máy bay vận tải C-47 do Mỹ viện trợ, đưa đến lòng chảo Điện Biên Phủ, dựng lên một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương thời bấy giờ, với hy vọng sẽ “nghiền nát” quân đội của Việt Minh.
(Tổng hợp từ cuốn sách “Phi công Mỹ ở Việt Nam” của tác giả Đặng Vương Hưng)
Trái Tim Người Lính