Bảy điệp viên tình báo người Việt nhảy dù xuống Việt Nam hồi Thế chiến thứ 2

Ngày 7/6/1941, Chính quyền thuộc địa của Pháp quyết định đưa tù nhân người Việt sang lưu đày tại đảo Madagascar thuộc Pháp ở châu Phi. Chiến tranh thế giới lần thứ 2 xảy ra khiến con số người bị lưu đày dừng ở 27 người, trong đó có 11 tù nhân cộng sản và 16 người là các nhân sĩ trí thức và chức sắc đạo Cao Đài.
diep-vien-1661740426.jpg
Thành phố Bombay/ Mombai - Ấn Độ

 

Ngày 3/11/1942, quân đội Anh đánh chiếm đảo Madagascar. Được giải phóng, những người tù cộng sản đăng ký gia nhập quân Đồng minh để tìm đường về Tổ quốc. 
Có 7 người tù được tình báo quân đội Anh tuyển mộ là các ông : Hoàng Đình Giong, Tô Gĩ (Lê Giản), Phan Bôi (Hoàng Hữu Nam), Đoàn Ngọc Rê (Dương Công Hoạt), Nguyễn Văn Phòng (Nguyễn Văn Minh), Nguyễn Văn Ngọc, Trần Hiệu.
Những tù nhân cộng sản xác định “Hổ về rừng mới thành hổ” nên quyết định đầu quân cho tình báo Anh để kiếm tìm đường về Tổ quốc.

diep-vien1-1661740426.jpg
 

7 người tù được chia thành 2 tốp, đưa sang Bombay,  Calcuta, Assam thuộc Ấn Độ để học nghề tình báo. Ngoài ra, họ còn tập nhảy dù, bơi với khí tài trên biển để lựa chọn phương thức tiếp cận Đông Dương, khi đấy thuộc quyền cai quản của Phát xít Nhật.

diep-vien2-1661740427.jpg
 

Quân đội Anh khi biết nhiều người trong nhóm tù lưu đày đã từng làm báo nên định đưa nhóm vào hệ thống đài phát thanh quân đội có địa điểm tại New Delhi (Ấn Độ), hoặc Sitney ( Australia) hoặc tại San Fransisco ( Mỹ), nhưng ông Phan Bôi đã thay mặt cả nhóm phân tích cho họ biết khả năng và thế mạnh của nhóm tù Việt Nam rồi kiên quyết yêu cầu đưa nhóm về Đông Dương trực tiếp chống phát xít Nhật.Làm báo cho quân đội Anh ít gặp nguy hiểm, chế độ đãi ngộ cao nhưng xa rời cơ hội trở về Việt Nam giải phóng dân tộc. Phần nữa, việc nắm tình hình bố phòng của quân đội Nhật tại Đông Dương cũng rất cấp thiết nên quân đội Anh chấp nhận yêu cầu của họ.
Họ học cả ngày. Buổi sáng là các bài giảng về công tác tình báo, kỹ thuật tình báo, kỹ thuật thu thập thông tin, tổ chức hoạt động… Buổi chiều họ luyện gõ manip, nghe tín hiệu và học thuộc bảng mã hóa. Ông Trần Hiệu vốn quen cầm bút, hồi ở Hải Phòng chuyên viết truyện ba xu kiếm ăn nên giờ học gõ manip rất nhanh khiến mấy sĩ quan truyền tin khen rối rít. Kết thúc khóa học, các giảng viên người Anh đều thán phục khả năng tiếp thu của những người tù lưu đày Việt Nam.
Mãi về sau, những điệp viên này vẫn nhớ lời dặn của sĩ quan tình báo Victor: “Chú ý xem rất nhiều, nghe rất nhiều, nghĩ rất nhiều nhưng chỉ nên nói rất ít”. Và “Các anh luôn phải đứng trong đám đông và luôn có thể ngay lập tức đứng lẫn vào đám đông”.

diep-vien3-1661740426.jpg
 

Ngày 25 tháng 10 năm 1944, ông Hoàng Đình Giong và ông Tô Gĩ được máy bay B29 của quân đội Anh thả xuống địa bàn xã Hạ Hoàng, Hòa An, Cao Bằng. Sương mù dày đặc và độ cao quá lớn khiến hai ông đáp nhầm xuống xuống đám ruộng lầy bên xã Vinh Quang. Đêm đấy ông Đoàn Văn Nhật, một cựu tù Sơn La cùng đợt với ông Giong đang bị đưa về quản thúc tại xã, phát hiện tiếng máy bay rồi thấy dù rơi, đoán là quân Đồng minh nên huy động thanh niên trong làng ra ứng cứu. Kéo được ông Giong và ông Gĩ ra khỏi đám lầy, ông Nhật cho người đi báo cáo huyện và tỉnh ủy, đồng thời nấu xôi, thịt chó để khao hai chiến sỹ cách mạng từ trên trời trở về với Tổ quốc. Chủ nhâm nhi Whisky do toán nhảy dù mang về, còn hai ông khách từ trên trời rơi xuống lại mải mê với bát rượu ngô êm dịu của Cao Bằng. Ba hôm sau hai ông được đồng chí Vũ Anh, đại diện Tỉnh ủy Cao Bằng tiếp và truyền đạt chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Hồ Chủ tịch dặn họ tiếp tục giữ liên lạc với tình báo Anh và xin họ cung cấp thêm vũ khí và thuốc men, điện đài. Đợt này tình báo Anh đã gửi tiếp tế 6 dù hàng gồm radio, pin, chăn màn, quần áo, thuốc men và dụng cụ y tế. Duy vũ khí thì người Anh còn e ngại nên chưa gửi. 

diep-vien4-1661740426.jpg
 

Ông Hoàng Đình Giong được cử xây dựng tổ chức Đảng ở huyện Hòa Quảng, huyện Thông Nông rồi sau được giao phụ trách quân sự liên tỉnh Cao – Bắc – Lạng. Sau Cách mạng tháng Tám, ông Hoàng Đình Giong lấy bí danh là Vũ Đức, là Chỉ huy trưởng bộ đội Nam tiến, từng giữ trọng trách Khu trưởng khu 9 rồi Khu trưởng Khu 6. Ông hy sinh ngày 17/3/1947, an táng tại chân núi Thiên Thai, Ninh Thuận.
Ông Tô Gĩ, bí danh Lê Giản, là em họ ông Tô Hiệu. Sau khi nhảy dù, ông ở căn cứ phụ trách máy truyền tin, phụ trách việc duy trì liên lạc với cơ quan Tình báo Anh và tham gia các công việc tại căn cứ địa Tân Trào. Ông là người xây dựng sân bay Lũng Cò ở Cao Bằng để đón hàng chục lượt máy bay của quân đội Mỹ chở các cố vấn, vũ khí và các vật dụng hỗ trợ cách mạng Việt Nam. Cách mạng tháng Tám thành công, ông được cử làm Tổng giám đốc Nha công an Trung ương, phá vụ án Ôn Như Hầu và bảo vệ chính quyền cách mạng mới thành lập. Đến 1959, ông được cử làm Phó chánh án Tòa án Nhân dân tối cao.
Tháng 11 năm 1944 tiếp tục ông Phan Bôi và Đoàn Ngọc Rê nhảy dù xuống Cao Bằng. Trước đó, nhóm này được máy bay dự kiến thả xuống Quảng Nam, nhưng địa hình nơi đây khiến máy bay không thể bay thấp để thả dù nên lại quay về. Dọc đường về, máy bay bị sự cố nên phải hạ cánh khẩn cấp xuống một sân bay của Nhật mới được quân Mỹ giải phóng. Sau đó quân Mỹ đã bố trí máy bay khác chở hai ông cùng tổ lái về lại Ấn Độ. Hơn tuần sau, máy bay của quân đội Anh lại tiếp tục thả hai ông về địa bàn huyện Hòa An, Cao Bằng, là quê của ông Đoàn Ngọc Rê.
Ông Phan Bôi lấy bí danh là Hoàng Hữu Nam. Sau Cách mạng tháng Tám được cử làm Thứ trưởng Bộ nội vụ. Ông mất năm 1947 sau tai nạn đuối nước tại chiến khu Việt Bắc ( Tuyên Quang).
Ông Đoàn Ngọc Rê, bí danh là Dương Công Hoạt. Sau Cách mạng tháng Tám, từng là huyện ủy viên rồi Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, Phó chủ tịch Ủy ban Dân tộc đến khi nghỉ hưu. 

diep-vien5-1661740427.jpg
 

Tháng 3 năm 1945, được tham khảo địa điểm sẽ hoạt động sau khi về Việt Nam, qua nghiên cứu bản đồ Bắc Kỳ, ông Trần Hiệu đề xuất máy bay quân đội Anh cho các ông  Hiệu, Phòng và ông Ngọc được nhảy dù xuống vùng Miếu Môn, nơi giáp ranh giữa Hà Đông và Hòa Bình. Đây là địa bàn ông Hiệu thông thạo và có nhiều cơ sở. Chiếc máy bay B29 xuất phát từ sân bay Jessor ở thành phố Daccar do tổ lái người Canada điều khiển. Máy bay cất cánh lúc sẩm tối, qua vịnh Bengan, vịnh Thái Lan rồi vòng qua Thái Bình Dương. Đến vịnh Bắc Bộ, máy bay quặt vào châu thổ sông Hồng. Ở dưới, quân Nhật bắn lên dữ dội và cũng do sương mù dày đặc, không rõ mặt đất nên tổ lái thả gấp số truyền đơn mang theo để kết hợp đánh lạc hướng việc xâm nhập rồi quay về.
Đêm tháng 4 năm 1945, Victor lại dẫn ba ông đến sân bay Jessor. Lần này là tổ lái người Australia. Đường bay vẫn như cũ. Dưới mặt đất, quân Nhật không phát hiện kịp nên  máy bay chủ động hạ độ cao để thả nhóm nhảy dù. Dù hàng, dù của ông Hiệu, ông Phòng yên ổn rơi xuống cánh đồng còn dù của ông Ngọc lại gặp trục trặc. Người bị rơi xuống hồ nước còn dù mắc kẹt tận ngọn tre, không kéo xuống được. Ông Ngọc đành cắt dây dù và tìm gặp đồng đội. Nhìn địa hình, ông Hiệu phát hiện máy bay thả nhầm địa chỉ. Hỏi những nông dân đang đập lúa gần đấy mới biết đây là đất làng Tiên Lữ, gần chùa Trầm. Trên bờ đê phía xa xa có ánh đèn ô tô của quân Nhật. Chúng đi tuần từ lúc nghe tiếng máy bay bay qua. Ông Ngọc dõng dạc tuyên bố : Chúng tôi là quân Đồng minh vừa nhảy dù xuống đây. Các anh là ai ? Nhóm đang đập lúa khai là tuần đinh của làng. Nghe vậy ông Ngọc trấn an : Chúng tôi là quân Đồng minh. Giờ này bọn Nhật không dám sục vào làng đâu nên các anh đừng sợ. Các anh theo tôi ra gỡ dù xuống rồi đem chôn để xóa dấu vết. Nếu muốn dùng thì để lâu lâu mới đào lên. Nhật nó phát hiện ra là nó đốt cả làng đấy. Khi dò hỏi tình hình bố phòng của quân Nhật thì đám tuần đinh cho biết nếu đi về phía Sơn Tây thì không có lính Nhật, về phía Hà Đông thì nhiều bốt gác nên các ông quyết định vác theo khí tài ngược lên những đồi chè để lẩn trốn. 
Trời sáng rõ, mẹ con chủ vườn chè bắt gặp các ông ở cuối vườn. Hai mẹ con dẫn nhóm nhảy dù về cái nhà tít trên đồi cao và chiêu đãi các ông một rá ngô bung và một đĩa cá rô rán giòn. Ông thủ từ của làng là bố chị chủ vườn chè lên gặp họ. Ông cho biết lý trưởng đã nhặt được chiếc bình ắc quy nhóm giấu ở dưới bụi tre và đã nộp lên huyện Quốc Oai. 
Ngược lên Sơn Tây sợ bị chặn nên cả nhóm quyết định trở lại chùa Trầm để tìm về quê ông Địch ở Phúc Lâm Mỹ Đức. Giữa cánh đồng, họ gặp lại nhóm tuần đinh hôm trước. Họ cho biết lính Nhật về lùng sục và tìm thấy thêm chiếc mũ cao su của nhóm nhảy dù đánh rơi. Quanh làng bây giờ lính Nhật tuần phòng dữ lắm. Họ đề nghị nhóm vào nhà trương tuần thì mới an toàn. Đây là vùng da báo hồi kháng chiến nên chức dịch trong làng đa phần đều có cảm tình với Việt Minh. Ông trương tuần tên gọi quản Duệ (tức quản Hành) đã nghe danh cụ Chánh Nhạ ( thân sinh ông Hiệu) nên mừng rỡ che giấu và lo cơm nước đầy đủ cho ba người nhảy dù.
Sau bốn ngày nằm lỳ trong buồng nhà quản Duệ, các ông bỏ bộ đồ quân đội Anh để mặc những bộ quần áo nâu của ông quản đưa cho, rồi theo ông ta đi tắt qua huyện lỵ Chương Mỹ về Ba Thá. Những đồ đạc máy móc, tạm gửi tại nhà ông quản Duệ.

diep-vien6-1661740427.jpg
Sáu ảnh trên là hình ảnh Tp Kanbadevi – Bombay/Mumbai Ấn Độ thời nhóm tù cộng sản theo học lớp tình báo ở đây và các ảnh Ấn Độ thời thuộc Anh

Hôm đấy ở nhà cụ Chánh tại Phúc Lâm có cuộc họp của tổ chức Đảng địa phương. Ông Song và ông Ngọc là em ruột ông Hiệu, nay đã là những cán bộ cốt cán của Đảng cũng tham dự họp. Thấy nhóm ông Hiệu về, mọi người mừng rỡ và chuyển nội dung cuộc họp thành việc tổ chức đón tiếp “quân Đồng minh” về làng. Cụ Chánh phân công ông Thập (còn gọi là Lúa, người làng Giành) lên Tiên Lữ, gánh những đồ còn cất giấu tại nhà ông quản Duệ mang về. Chi bộ Phúc Lâm cử người đưa các ông đi trú tạm tại nhà cụ giáo Liên bên Họa Đống, Ứng Hòa. Cụ giáo Liên là bố đẻ đồng chí Nguyễn Thiện Thuật tức Lê Trang, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan, sau làm Vụ trưởng ở Bộ ngoại giao.
Cảnh giác của tổ chức đảng Phúc Lâm rất kịp thời vì ngay hôm sau, phó tổng Thuần là người xóm trên đã lân la đến nhà hỏi cụ Chánh : Thưa cụ, tôi nghe anh cả ( tức ông Hiệu) đã về ? 
Hắn tự tiện lùng sục cả buồng trong buồng ngoài để tìm dấu vết. Vốn trước đó quân Pháp đã sức giấy về làng thông báo ông Hiệu hoạt động cộng sản và đang bị nhà nước bảo hộ bắt tù giam. Phó tổng Thuần còn “nói khéo” : Anh cả về, ông mừng một thì chúng tôi lại lo mười. 
Hôm sau, phó tổng Thuần dẫn quân Nhật về bố ráp nhà cụ Chánh, những bà con họ hàng về ăn cỗ từ hôm trước thấy động nên chạy kịp. Ông Chánh bị quân Nhật đưa về tỉnh lỵ tra hỏi nhưng không khai báo nên cuối cùng chúng đành phải thả để câu nhử ông Hiệu mò về thăm cha già để bắt. Hôm đấy con trai đầu của ông Hiệu là Vũ Mạnh Kha, sinh năm 1935, lúc đó gần 10 tuổi ( sau ông này làm Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và là Chủ tịch MTTQ thành phố Hà Nội),  đang quanh quẩn ở nhà thì được một ông tuần đinh tốt bụng quát dắt trâu ra đồng ăn cỏ. Nếu không lỉnh kịp, ông Kha chắc sẽ cùng ông nội bị bắt lên tỉnh để ép ông Hiệu ra đầu thú.  
Các đồng chí Phan Lễ, Xuân Thủy đại diện Xứ ủy Bắc Kỳ đến gặp và nghe các ông báo cáo. Sau đó đồng chí Trần Quốc Hoàn, Phó bí thư Xứ ủy thay mặt tổ chức phân công ông Nguyễn Văn Phòng, bí danh Nguyễn Văn Minh, nguyên Phó bí thư xứ ủy Bắc Kỳ về tham gia Tỉnh ủy Bắc Giang. Sau Cách mạng tháng Tám, ông được cử tăng cường cho khu vực Nam Trung Bộ, làm Thường vụ khu ủy. Năm 1959, ông làm Ủy viên Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao kiêm Chánh tòa Dân sự.
Ông Nguyễn Văn Ngọc vào Trung Bộ, là thường vụ kiêm phụ trách ngành Liêm phóng Trung kỳ. Sau Cách mạng tháng Tám, ông làm Chủ tịch phân khu Bình – Trị - Thiên; Phó tổng giám đốc Nha công an Trung ương rồi Phó viện trưởng Viện công tố Trung ương. Ông cũng có một thời gian làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ và nghỉ hưu năm 1980.
Riêng ông Hiệu và máy truyền tin được bố trí ở căn cứ của Xứ ủy đặt tại chùa xóm La Dương, xã La Phù, Hoài Đức do cụ Trần Thái Khôi làm thủ tự tại chùa. Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Phó bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp chỉ đạo ông Trần Hiệu.
Công việc bộn bề đang triển khai thì Cách mạng tháng Tám nổ ra. Ông Trần Hiệu đã tham gia cướp chính quyền tại Hà Đông và là người thay mặt cách mạng tiếp nhận sự đầu hàng từ Tổng đốc Hà Đông Hồ Đắc Điềm. 
Sau năm 1945, 7 điệp viên tình báo do quân đội Anh tung xuống Việt Nam đã theo cách mạng, đảm trách các cương vị :
Hoàng Đình Giong (Sau là Chỉ huy bộ đội Nam tiến, hy sinh ngày 17/3/1947 tại Ninh Thuận); Tô Gĩ tức Lê Giản ( Sau là Phó Chánh án TANDTC); Phan Bôi tức Hoàng Hữu Nam (Sau là Thứ trưởng Bộ nội vụ. Ông hy sinh năm 1947 tại chiến khu Việt Bắc ( Tuyên Quang); Đoàn Ngọc Rê tức Dương Công Hoạt (Sau là Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng – Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc); Nguyễn Văn Phòng tức Nguyễn Văn Minh (Sau là Ủy viên Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao kiêm Chánh tòa Dân sự); Nguyễn Văn Ngọc (Sau là Thứ trưởng Bộ Nội vụ); Trần Hiệu (Sau là Cục trưởng Cục tình báo Việt Nam – Phó Viện trưởng Viện KSNDTC).

Trái tim người lính