Âm nhạc dân gian Tây Nguyên trong đời sống âm nhạc hiện nay

Trong khuôn khổ Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đang diễn ra tại thành phố Buôn Ma Thuột, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức toạ đàm "Âm nhạc dân gian Tây Nguyên trong đời sống âm nhạc hiện nay".
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu trao đổi về các nội dung như: kinh nghiệm sáng tác sử dụng các chất liệu âm nhạc dân gian của các dân tộc tại chỗ; khai thác chất liệu âm nhạc dân gian để đưa vào các sáng tác mới; đặc tính âm nhạc trong sử thi Tây Nguyên; bản sắc âm nhạc Tây Nguyên trong đời sống và dòng chảy âm nhạc đương đại.

Các đại biểu cho rằng, để sáng tác một ca khúc mới mang âm hưởng dân tộc hay vùng đất, người sáng tác trước tiên phải tiếp cận, nắm bắt được chất liệu âm nhạc vùng miền, địa phương thông qua các làn điệu dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân gian phổ biến, đặc trưng của dân tộc đó. Từ đó người sáng tác có chất liệu, nghiền ngẫm và lấy đó làm chủ đề vận dụng vào các sáng tác mới.

Nhiều đại biểu cũng nêu lên quan điểm cần định hình và tiếp tục bảo tồn, phát huy các làn điệu dân ca để phát triển thành các sản phẩm âm nhạc mới trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, việc phát triển này cần có định hướng và phải giữ được cái gốc trong quá trình phát triển, tránh việc mất đi bản sắc và gốc rễ của âm hưởng dân ca khi khai thác đưa vào để tạo thành một sản phẩm âm nhạc mới.

Nhạc sĩ - Nghệ sỹ ưu tú A Đuh ở tỉnh Kon Tum cho rằng giai điệu gốc nên được giữ nguyên, sau đó căn cứ vào những cái gốc đó để phát triển. Nếu biết tận dụng những giai điệu ấy và làm cho nó hay hơn nữa thì mới đúng là phát triển, sáng tác.

 

Với 12 tham luận được trình bày tại chương trình, các đại biểu đã thắng thắn trao đổi nhằm tìm ra các phương thức sáng tạo tác phẩm âm nhạc mới phù hợp đời sống hiện tại và tôn vinh được bản sắc độc đáo của âm nhạc dân gian, cổ truyền các dân tộc Tây Nguyên.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nhạc sĩ Việt Nam đánh giá đây là chủ đề mang tính thời sự và các ý kiến, tham luận của đại biểu mang tính chuyên môn cao. Buổi tọa đàm là hoạt động nghiên cứu phê bình có nhiều giá trị tại liên hoan âm nhạc toàn quốc đợt này. Tinh thần chung của các bài tham luận, phát biểu là làm sao để âm nhạc của Tây Nguyên không chỉ được bảo tồn mà còn có điều kiện để phát huy, được cất cánh thông qua những tác phẩm mới của các thế hệ nhạc sĩ hôm nay.

"Không chỉ vận dụng, sử dụng các âm hưởng dân ca của các dân tộc Tây Nguyên, mà từ âm hưởng đó chúng ta sáng tác ra những giai điệu mới, chủ đề mới. Như thế nâng cao tầm âm hưởng và đúng với kỳ vọng của nhân dân, tức là âm nhạc đi từ dân gian cho đến hiện đại" - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói.