Ấm ức Út Mót

Có lẽ vì Mót nên làm em ăn thèm vác nặng, mọi việc của tộc họ, cứ có vỗ tay, có tiệc tùng thì anh chị cả và các anh chị khác được đại diện, được ngồi vị trí danh dự, còn cần lao động khổ sai, cần thu dọn, … thì vợ chồng Út Mót được giao trọn luôn.
283876211-1235148643957796-8422859469552679333-n-1653531086.jpg
Anh minh họa - Nguồn Interrnet

 

Vợ chồng anh Xông chị Chanh thành công mọi mặt, từ lúc vợ chồng tại chức thì anh Xông có chức vụ lớn, ngay khi về hưu rồi anh chị vẫn có thu nhập cao, con cái thì thành đạt. Có lẽ mọi sự với anh chị cái gì cũng dễ dàng, hanh thông, nên có ai khen là chị cười hãnh diện bảo:

- Đời trước cả hai vợ chồng mình tu nhân tích đức tốt nên giờ phúc đức được hưởng.

Thì cũng có thể đúng như vậy, nhưng theo lý thuyết ấy thì những người đang thiếu thốn, khổ cực là do kiếp trước ăn ở không tốt ư?

Nhưng không chỉ vậy, ở quê có ai khen vợ chồng anh chị có hiếu, thì anh Xông bảo:

- Vợ chồng tôi luôn thành tâm cúng vái nên tổ tiên, ông bà, cha mẹ phù hộ độ trì đấy ạ.

Ơ, thế tổ tiên, ông bà, cha mẹ không công bằng à? Đứa con cháu nào chả thành tâm cũng vái? Họ đều hiếu thảo cả đấy chứ đâu chỉ anh chị?

Ở chiều ngược lại thiệt thòi đủ thứ là chú Kiên mà mọi người cứ gọi đùa là Út Mót. Ấy là khi bà mẹ của họ 46 tuổi thì bất ngờ có thai khi cô Út Liên đã 10 tuổi, anh cả Xông đã 25 tuổi và chính bà tưởng mình đã mãn kinh. Thế nên Kiên có tên phụ ở nhà là Út Mót. Dường như bao nhiêu phúc đức các anh chị lớn đã hưởng cả, từ bằng cấp đến quyền chức, từ tiền bạc đến nhà cửa, từ con cái đến sức khoẻ, nên Út Mót chịu lép vế đủ đường.

Thời đi học, anh chị nào cũng có thành tích chói lọi, có hạng ở lớp và trường mình học. Đến lượt Út Mót sau khi bị chó dại cắn phải tiêm rất nhiều mũi vắc-xin, hình như ảnh hưởng đến trí não nên học ba năm mới xong lớp 1 và trầy trật mãi đến năm 19 tuổi mới tốt nghiệp phổ thông hạng trung bình vớt. Khi chú Út Mót tốt nghiệp được trường trung cấp điện lực ở tuổi 23 thì anh cả đã là Giáo sư – Tiến sĩ Viện trưởng một viện nghiên cứu lẫy lừng.

Cả họ luôn quan niệm nhờ hồng phúc của tổ tiên mà anh Xông thuận đường công danh như thế. Mà đâu phải chỉ anh cả, tất cả 7 anh chị trước đều vinh hiển cả đấy ạ. Chỉ mỗi mình Út Mót như thể mẹ nhặt được về nuôi chứ không phải dòng giống hiển vinh này.

Có lẽ vì Mót nên làm em ăn thèm vác nặng, mọi việc của tộc họ, cứ có vỗ tay, có tiệc tùng thì anh chị cả và các anh chị khác được đại diện, được ngồi vị trí danh dự, còn cần lao động khổ sai, cần thu dọn, … thì vợ chồng Út Mót được giao trọn luôn.

Chị em dâu có đến 4 người với nhau nhưng Lam vất vả đủ đường, từ công việc cả hai vợ chồng đều thu nhập thất thường, con cái cũng trầy trật. Mỗi lần nghe các chị dâu chồng khoe cái gì đó là Lam quay đi dấu giọt nước mắt. Cũng phải thôi, tiền hưu trí của hai anh chị cả mà vẫn gấp rưỡi thu nhập đang đi làm của vợ chồng Út Mót. Trong khi đóng góp cho tộc họ vẫn đủ mà vợ chồng Út Mót phải làm mọi việc tạp vụ vì cứ mang tiếng dựa vào sự đùm bọc của các anh chị.

Năm nay làm giỗ bố chồng bù năm ngoái dịch cúm Tàu (Covid-19) bị cách ly xã hội, không tổ chức được. Từ tháng trước chị Chanh đã nhắn tin trong nhóm Zalo của tộc họ phân phó mỗi người một việc, trong đó Lam có một việc “nhỏ” là “Về sớm một ngày vệ sinh sạch sẽ nhà thờ họ, chuẩn bị đầy đủ về mặt bằng và tất cả vật dụng cho đại tiệc. Lễ xong đi muộn một ngày để vệ sinh sạch sẽ, thu dọn gọn gàng nhà thờ và các vật dụng”.

Đó là một núi việc, nhưng kẻ thấp cổ bé họng, nộp ít tiền thì phải lấy sức thay tiền chứ? Lam ấm ức nói với chồng:

- Chị Chanh cứ coi vợ chồng mình như Ôsin nhà chị ấy, năm nay anh chị ấy nộp bao nhiêu thì vợ chồng mình nộp ngần ấy xem chị ấy phân phó ra sao!

- Anh nhất trí! Tổ tiên, ông bà cha mẹ của chung mà cứ việc thì sai vợ chồng Út Mót, có tiệc thì các anh chị.

- Thậm chí nếu hồng phúc các cụ ban cho thì các anh chị nhận hết, thế sao việc thì cứ ấn cho mình? Một mình em ngồi rửa cả núi bát đũa mọi người ăn thải ra mà không một ai động tay giúp. Hoá ra các cụ không công bằng à? Hay các anh chị không biết điều?

- Anh cũng bực lắm! Tiền mình đổ mồ hôi nước mắt tiết kiệm mới có, vẫn đóng góp như mọi người thế mà vẫn mang tiếng dựa dẫm,

- Thì tại anh không lên tiếng, nên cứ bị chèn ép mãi.

- Hừ! Để anh làm ra nhẽ!

Cũng thấy ấm ức chuyện mình là thằng út việc gì cũng đến tay mà vẫn ra cái điều phải dựa dẫm vào các anh chị về tiền bạc, thêm ý kiến rất đúng của vợ nên Kiên nhắn vào nhóm Zalo:

- Vợ chồng em đề nghị mỗi lần họp họ, mỗi năm chi phí bao nhiêu thì công khai tài chính, ai đóng góp bao nhiêu, thừa thiếu thế nào cũng làm rõ luôn.

- Ơ chú này? Xưa nay các anh chị gánh gần hết, vợ chồng chú đóng góp được bao nhiêu? Đã được ưu tiên lại ý kiến!

- Vâng thế em mới áy náy ạ. Cứ làm rõ mọi chi phí, thiếu thừa do mọi người tài trợ được bao nhiêu, còn thì phân bổ.  Thiếu em sẽ đóng thêm, không ai phải bao cấp cho vợ chồng em đâu. 

- Được thôi.

Thế là ngay lần giỗ bố ấy, tài chính được làm rõ, vợ chồng Kiên - Lam đóng góp đủ theo mức trung bình là 1.850.000 đồng, hoá ra thấp hơn những năm trước cứ nộp khoán là 2 triệu đồng, mà cứ mang tiếng dựa dẫm, được các anh chị hỗ trợ. Trừ các khoản do cá nhân tài trợ, hoá ra anh chị cả Hùng – Chanh chỉ phải chịu có 450.000 nghìn đồng trong khi giá cả năm nay còn tăng cao hơn mấy năm trước.

Thấy ngại ngùng, chị Chanh đành đóng góp 2 triệu đồng, thế là dư quỹ.

Cuối buổi họp, Kiên đề nghị:

- Vấn đề tiền vậy là rõ ạ, em đề nghị từ nay cứ làm vậy để em không áy náy ăn bám vào các anh chị.

- Tất nhiên rồi, chú nói đúng.

Thừa thắng xông lên, Lam cấu chồng nhắc việc đã bàn ở nhà. Hiểu ý vợ, Út Mót đứng phắt lên xin bổ sung:

- Em thêm ý kiến! Một đề nghị khác, xưa nay vợ chồng em mang tiếng nộp ít tiền nên phải lo mọi thứ hậu cần từ vệ sinh nhà thờ đến rửa bát đĩa, thu dọn cuối cùng, y như cu li. Đề nghị phân ra, mỗi gia đình lo một năm hay một lần, hoặc người lo chuẩn bị thì người khác thu dọn.

- Được, đồng ý. Nhà tôi không làm được thì tôi thuê.

- Vâng, cứ như vậy ạ.

Mặc kệ các anh chị, Lam ôm cổ chồng hôn tại chỗ.

Thế là những lần sau vợ chồng Út Mót ung dung về muộn như bất kỳ anh chị nào, nộp tiền rồi thì ngồi nói chuyện gẫu để nhìn các anh chị thay nhau làm các việc xưa nay mình toàn phải nai lưng ra làm.

Nhưng Lam chỉ ngồi chơi một lần để nhìn chị dâu cả Chanh nai lưng ra rửa bát đĩa “cho biết mọi khi dâu út vất vả thế nào” thôi, sau thì cô cũng lao vào làm, vì thế các chị em dâu khác không nề hà ai chịu trách nhiệm chính nữa mà nhìn nhau mà làm.

Trong cuộc họp chi nhánh tộc họ, anh cả Xông đã phải tuyên bố:

- Kể từ khi tài chính công khai mọi khoản, phân công rõ các công việc thì mọi người đều cảm thấy thoải mái hơn, công bằng hơn và vì thế đoàn kết hơn.

Từ hôm đó Út Mót không còn ấm ức nữa!

 

Theo Chuyện làng quê