Ánh lửa rừng khuya

Bùi Trung

27/10/2021 08:36

Theo dõi trên

Kịch bản ALRK là một kịch bản xã hội đầy rẩy những bất công, đàn áp thời thực dân phong kiến, Gia đình một nhà giáo phải ly tán vì tên Cai tổng háo sắc chiếm đoạt thân xác của cô Hiền người yêu của Cung, anh chàng nghĩa quân yêu nước là một kịch bản nổi tiếng của soạn giả Điêu Huyền.

lua-rung-1635298402.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Năm 1983, đoàn cải lương "Bảy người đi khắp thế gian" đến hát tại Huyện Vĩnh Hưng chú Mười Ngân (Bầu Ngân) về Mỹ luông (Chợ Mới) tìm người tăng cường trong khi đoàn chưa có giấy phép, mà từ Mỹ luông qua Vĩnh hưng thì xa lắc xa lơ. Muốn đi Vĩnh hưng thì phải tới Tam nông đi chuyến đò trưa chạy tịch tang tới 7 giờ tối mới tới nên dù ở mấy ngày Bầu Ngân chỉ kêu được tay guitar cổ nhạc là Thuận  (lớn) Khi hát phúc khảo tại Phòng văn hóa huyện Vĩnh hưng, Bầu Ngân chọn kịch bản ALRK để hát vì chú nghĩ hát tuồng cách mạng dễ được cấp phép hơn. Khổ cái là tuồng xã hội thì chẳng ai thuộc. Chỉ nhớ lớp rồi hát vì đoàn chuyên hát tuồng hương xa kiếm hiệp đu bay đấu kiếm thì sao mà hát xã hội được.

  Tuy nhiên, dân chuyên nghiệp thì hát "cương" (còn gọi là hát CB) quen rồi, cứ nhớ lớp rồi hát, còn văn chương thì sắp sẵn trong bụng.

Đào kép gặp nhau kết tình thì hát :

- Xang xừ líu, Sương chiều,  Phong ba đình...

Lúc sắp đánh nhau thì ca :

- Mẫu tầm tử, Kim tiền bản, Ngựa ô bắc...

Lúc vua ra thì:

- Tử qui từ, Khóc hoàng thiên, khúc ca hoa chúc...

Lúc hề ca thì :

- Ngủ điểm, Cao phi, Ú liu ú xáng...

Khi sanh ly tử biệt thì:

- Nam ai, Phụng hoàng, Văn thiên tường, Xuân nữ...

Hát CB thì đào kép ít khi hát bài khó để dễ sắp văn và cũng dễ cho bạn diễn khác.

  Tối đêm đó, khi  hát Bầu Ngân cũng đưa cho các đại biểu mỗi người một cuốn kịch bản đánh máy cầm tay nhưng văn chương trong kịch bản đâu có giống trên sân khấu, Bầu Ngân ra lịnh cho anh chàng thợ điện cứ mở đèn chớp nháng suốt, mục đích là cho mấy tay cán bộ không đọc được nội dung kịch bản. Đến khi vãn hát các cán bộ văn hóa xem phúc khảo hỏi:

- Tụi tui coi từ đầu cho tới vãn đâu thấy ánh lửa nào đâu chú?

Chú Mười nói gọn hơ:

- Mình là người trần mắt thịt đâu thấy cái ánh lửa trong kịch bản đâu mấy sếp! Lửa này là Lửa căm hờn, nó nằm trong đôi mắt chứ như chú cháu mình sau mà thấy được? Quan trọng là kết thúc có hậu, lũ gian tà được nhân dân ta vùng lên trừng trị bọn ác là quá nhân văn rồi.

Mấy anh chàng cán bộ lắc đầu nói:

- Có lẽ trình độ của tụi tui không thẩm tra nổi kịch bản của chú. Mong chú tìm chỗ khác đăng ký giùm. Tuồng hát gì mà màn nào cũng cà chớp xem nhức cái đầu. Tuồng ALRK hát sao không giống trên truyền hình gì hết vậy?

Thế là công cốc... không có cấp phép hát nên đào kép lần lượt bỏ đi, đoàn hát Chú Mười còn mấy người xuống ghe chạy về Long An.

Vậy đó, nhưng chỉ vài tháng sau trở lại Vĩnh hưng chú Bầu Ngân đã hiên ngang treo cái bảng hiệu : Đoàn Cải Lương Vàm Cỏ trực thuộc Sở VHTT tỉnh Long An mới ghê, còn chuyện làm sao đăng ký huyện không xong mà đăng ký được cấp Sở thì chỉ có Bầu Ngân mới biết./.

(Ghi theo lời kể của Thuận lớn)

Theo Chuyện quê

Bạn đang đọc bài viết "Ánh lửa rừng khuya" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn