Ai dè khi anh bắt đầu thay răng thì cái hàng tiền đạo dứt khoát không chịu ở yên trong miệng, nhất con bà định không chịu đứng sau em môi, mà bốn anh răng phải chìa hẳn ra ngoài y như cái bàn chĩa để bếu rơm mới chịu. Vì có bốn cái răng vô tổ chức mà anh được gắn thêm chữ Vâu sau chữ Ngọc. Giống đời là thế. Người ta thường tìm cách moi cái xấu, cái nhược điểm của người khác ra để bình luận, gán ghép, bêu xấu mới thỏa lòng hay sao ý. Có mấy gã còn dạy lũ trẻ con hát ra rả mấy câu:
"Nắng cháy sau lưng , nắng đỉnh đầu. Cằm anh không cháy bởi răng vâu.
Ai về nhắc nhủ bà con biết.
Chớ để anh hôn kẻo vỡ đầu".
Ngọc cay lắm, cứ nghe thấy lũ trẻ gào trêu là anh vác gạch ném cho chạy tóe khói. Thế mà chúng cũng chẳng tha. Lớn lên đã quá tuổi lấy vợ, xưa thanh niên 19 20 là đã vợ con đề huề. Vậy mà anh chả có mối tình nào vắt vai. Nhẽ bản thân anh tự ty. Và cũng chả cô nào dám yêu anh. Cứ đà này khéo ế mất. Gia đình bàn bạc cử em trai anh, là anh Ngà sang làng bên tìm vợ. Cô Gấm không xinh nhưng đảm đang chịu khó lại khỏe mạnh được anh Ngà chấm làm chị dâu. Ngày ấy cái việc tán tỉnh cưới xin nó nhanh lắm. Hợp tuổi, ưng bụng là cưới thôi. Đêm tân hôn, anh Ngọc phục sẵn trong cái chum không để góc nhà. Cơm nước dọn dẹp xong thì cô dâu vào buồng nằm chờ chú rể. Ngoài nhà, mẹ chồng khóa trái cửa phòng tân hôn. Ngọn đèn dầu leo lét cháy, trong căn phòng tường đất mái rạ chị Gấm mệt quá ngủ tít chả đợi được chồng. Nửa đêm, yên ắng. Ngoài vườn tiếng dế kêu nỉ non. Anh Ngọc len lén chui ra. Anh rón rén bò lên nằm cạnh vợ sau khi thổi tắt ngọn đèn. Vốn biết nhược điểm của mình nên anh không dám hôn hít gì vợ mà cứ nhẹ nhàng dùng đôi bàn tay ấm áp lần mở, vuốt ve tân nương. Cô dâu lần đầu được bàn tay khác giới đụng chạm cứ run lên bần bật. Sáng sau, cô dâu tỉnh dậy đã không thấy chồng đâu. Bố mẹ chồng bảo: chồng con có việc phải đi sớm rồi. Cứ thế năm đêm liền. Chồng Gấm đi từ tinh mơ, đến tận nửa đêm mới về. Anh cứ cần mẫn âu yếm yêu thương vợ trong bóng tối.
Đến đêm thứ sáu, Gấm tỉnh giấc và tá hỏa tam tinh khi thấy một người lạ hoắc, có hàm răng đang nhe ra nằm cạnh mình. Có lẽ anh Ngọc Vâu mấy đêm thức khuya dậy sớm nên mệt quá ngủ quên! Nghe tiếng con dâu la hét, bố mẹ chồng biết chuyện đã bại lộ đành thú thật tất cả. Lúc này anh Ngọc mới ngọt ngào thí thỏn:
- Đằng nào thì gạo cũng nấu thành cơm rồi. Nếu giờ em làm um lên thì em vẫn mang tiếng là có chồng, sau này không ai dám lấy nữa. Chi bằng em chấp nhận anh, anh hứa cả đời sẽ cúc cung chăm lo săn sóc em như bà hoàng....
Gấm khóc hết nước mắt nhưng nghe chồng nói cũng có lý. Lại nhớ đến đêm đêm vợ chồng ân ái mặn nồng cô tặc lưỡi nhắm mắt cho xong. Thấm thoắt thoi đưa, những đứa trẻ lần lượt ra đời. Vì sợ lấy gen của bố mà khi chúng thay răng, cả gia đình tìm mọi cách để lũ răng bớt biểu tình làm loạn nhất có thể. Một ngày chạy mưa. Anh Ngọc vâu vội vã thế quái nào mà ngã dập mồm vào thềm nhà. Bốn thằng răng vô kỉ luật bay ra khỏi hàm. Anh lồm cồm bò dậy, kệ máu me đầy mồm, anh hét lên đầy đau đớn à không đầy phấn khích: A! tôi ngậm được mồm rồi! Sau đó anh đi trồng bốn cái răng mới tinh.
Từ đó, cái tên Ngọc không còn gắn chữ Vâu đằng sau nữa. Sau mười năm làm chồng, lần đầu tiên anh Ngọc được kề đôi môi vào má vợ. Anh nghẹn ngào: biết thế này anh nhổ quách nó đi từ lâu rồi!
Theo Chuyện Làng quê