Anh Thanh

Tôi có người anh này gần một năm. Trung đội trưởng của tôi, anh mất tháng một năm 1972.
242114927-251577333542206-5501171745246369960-n-1631874328.jpg

Trận đánh đồn Bản Đôn ấy kéo dài và quyết liệt. Đang giành nhau từng thước đất, thì trên trời máy bay địch bắn đạn 20 ly xuống. Vừa vùng dậy định xông lên thì tôi bị anh Thanh đạp mạnh đến ngã lăn ra, chưa kịp hiểu vì sao thì một tiếng rít rồi “ầm”, đất đá bay mù mịt, nhìn lại thấy anh ngã gục, tôi bò tới. Anh không còn nữa. Mắt anh mở trừng trừng, nhìn tôi. Tôi vuốt mắt cho anh, rút chiếc bút kim tinh mà tôi thấy lúc nào cũng trên ngực anh, tài sản duy nhất của người lính. Đặt anh xuống, tôi lao lên như một thằng điên. Lần đầu tiên tôi lao lên một mình, hôm đó không biết tôi đã bắn bao nhiêu thằng địch nữa. Tôi cũng không nhớ sau thắng lợi khó khăn ấy ta thu được những gì. Chỉ biết lúc giải tù binh đi qua, một thằng tù binh với bộ mặt lấm lét nhâng nháo làm tôi nổi điên. Tôi cho nó một quả đạn vào giữa mặt (loại đạn này bắn gần sẽ không nổ đầu đạn), và ngay lập tức nhận cảnh cáo.

Tôi hiện nguyên hình là anh lính chưa đầy 18 tuổi, ôm súng khóc. Tối không ăn cơm, tôi xuống hầm nằm. Như vô hồn, tôi ôm chiếc bút của anh, không biết sao anh rất quý nó, nếu tôi còn sống tôi sẽ đem về cho vợ anh. Khi nhập ngũ anh mới lấy vợ được một tháng, anh chị chưa kịp có con. Nằm cùng hầm anh hay ôm tôi ngủ, chắc anh nhớ vợ lắm. Cánh tay ôm tôi đã không còn, đôi mắt anh mở to như muốn nói với tôi điều gì.

Một lát anh Tác chính trị viên xuống khẽ nằm cùng tôi: anh biết sáng nay em nghĩ gì nhưng kỉ luật chiến trường, em thông cảm cho anh. Tôi quay sang ôm anh, cùng khóc. Không ngủ được, thấy như anh Thanh về nhìn tôi, căn dặn. Tôi thầm hứa với anh nhiều điều. Hôm sau tôi hỏi thăm chị em Thanh niên xung phong nơi anh yên nghỉ. Chẳng có nén hương, tôi ôm mộ anh khóc nức nở. Tôi ghi nhớ chỗ anh nằm với hi vọng có ngày đưa anh về với gia đình. Hai tháng sau nơi mộ anh bom Mỹ dội tan hoang. Sau Giải phóng, tôi không dám về thăm gia đình anh. Tôi biết nói sao: rằng mộ anh đã bị bom cày sới. Nghĩ đến điều đó tôi còn không chịu nổi.

Năm 1981, lúc ấy đã xây dựng Nghĩa trang Trường Sơn. Ngày trả phép tôi về quê anh. Đất Tổ, mái nhà đơn sơ chân đồi cọ. Trên ban thờ nhìn tấm hình anh, tôi lại thấy mình bé nhỏ. Tôi khóc không kìm được. Đôi mắt anh dịu hiền nhìn tôi như mãn nguyện. Bao kinh nghiệm chiến trường anh chỉ bảo cho tôi, ngủ chung hầm, trong trận chiến luôn bên tôi che chở, điếu thuốc chia nhau anh dành tôi phần nhiều. Tôi cố cầm lòng quay lại đưa chiếc bút cho chị. Giờ tôi mới biết đó là chị tặng anh lúc lên đường. Nhìn thấy chiếc bút chị lao vào ôm chặt tôi khóc nức nở, bố mẹ anh cũng ôm lấy chúng tôi. Bà con hàng xóm đến vây quanh, rưng rưng nước mắt. Tối ấy là 5 mâm cơm đạm bạc thôi, đón tôi như đón người con trở về. Bố mẹ anh gọi tôi là con thật ngọt ngào, còn chị gọi tôi là anh.

Đêm đó 2 bố con rì rầm nói chuyện gần hết đêm. Bên trong, chắc mẹ và chị cũng không ngủ. Anh hi sinh, chị như điên dại. Rồi chị hồi lại, chị kiên quyết ở lại chăm bố mẹ anh. Đôi mắt chị trũng sâu, thâm quầng. Tôi thấy xót xa không tả. Chia tay bố mẹ và chị đi hết quãng đồi, tôi không dám quay lại. Tôi biết ba người vẫn đứng nhìn theo, và khóc. Tôi cũng khóc, tôi nhớ đôi mắt anh khi mất, nó không dịu dàng như trong ảnh, nó mở lớn như còn muốn nói điều gì. Tôi cũng có điều muốn nói mà không nói được. Tôi không muốn chị làm hòn vọng phu. Anh cũng thế, phải không Anh.

 

Theo Chuyện Làng quê