Áp lực của học sinh

Áp lực từ việc học tập và điểm số làm các bạn học sinh bị mất ngủ, lo lắng, mệt mỏi, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Nặng hơn là dẫn đến việc bị trầm cảm, tâm thần.

Từ động lực thành áp lực

Đằng sau những thành tích tốt và điểm số cao thì đó là những cố gắng, những lao lực vào các giờ học thêm đến khuya muộn mà các bạn học sinh ngày nay đang phải cố gắng thực hiện. “Không còn được tự do vui chơi, không có thời gian để nghỉ ngơi và không được học những điều mình thích, ngoài những giờ học chính trên lớp thì phải học thêm nhiều môn khác. Ngày nào cũng như vậy, cung đường quen thuộc là từ trường đến chỗ học thêm, từ chỗ học thêm về nhà và lặp lại”. - Bạn Nhi, học sinh lớp 12 chia sẻ. Chính từ đó, sự vô hình của áp lực ngày càng đè nặng lên các bạn học sinh từ lúc nào không hay.

b01-ap-luc-cua-hoc-sinh-1687971046.jpg

Áp lực từ việc học tập và điểm số làm các bạn học sinh bị mất ngủ, lo lắng, mệt mỏi, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Nặng hơn là dẫn đến việc bị trầm cảm, tâm thần.

 

Tâm lý là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến những áp lực này, từ phía phụ huynh và nhà trường, và từ chính bản thân các bạn học sinh. Ai cũng muốn con em mình, bản thân mình đạt được những kết quả tốt và không muốn bị thua thiệt với các bạn cùng chăng lứa. Thế nhưng dần đần, những căng thẳng mệt mỏi kéo dài dẫn đến những hệ lụy không đáng có. Chương trình học ngày càng nhiều và nặng, nhiều bài tập được giao để học sinh không quên dạng bài và kiến thức. Nhiều kì thi, bài kiểm tra khiến các học sinh lo sợ vì phải tranh đua thứ hạng. Từ động lực, điểm thi trở thành áp lực đối với các bạn học sinh.

Không chỉ riêng các học sinh cuối cấp luôn cố gắng ngày đêm ôn luyện để vào trường học mình mong ước, mà bây giờ, đến cả những học sinh chuẩn bị vào lớp 1 cũng phải học thêm từ khi vào hè. “Tôi có cho con tôi học thêm môn toán và tiếng việt 4 buổi một tuần. Tôi cũng đắn đo, suy nghĩ mãi vì con đang còn nhỏ, mới vừa hoàn thành cấp mẫu giáo nên còn chưa được làm quen với việc học nhiều. Thế nhưng nếu giờ không cho đi học thêm thì tôi sợ con mình sẽ không theo kịp được các bạn, bị tụt lùi xa so với  các bạn” - Chị Nguyệt - phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 chia sẻ.

Có thể thấy, nhiều gia đình đặt ra những nguyện vọng rất cao cho con em mình, thế nhưng lại không may, nó lại trở thành áp lực. Những ước mơ của các bạn bị bỏ qua và thay vào đó là những ước mơ của phụ huynh. Gia đình đặt lên kì vọng rất lớn cho các bạn, đã có nhiều trường hợp các bạn thi xong không muốn về nhà vì sẽ phải đối mặt với những câu hỏi mà bố mẹ đặt ra.

Vượt qua “bức tường” áp lực

Áp lực càng ngày càng lớn và từ đó các hệ lụy cũng ngày càng nhiều. Áp lực từ việc học tập và điểm số làm các bạn học sinh bị mất ngủ, lo lắng, mệt mỏi, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Nặng hơn là dẫn đến việc bị trầm cảm, tâm thần. Nghiêm trọng nhất là nghĩ đến việctự tử. Trong những năm qua, có không ít vụ các bạn học sinh tìm cho mình một lối thoát riêng để thoát ra khỏi những áp lực này.

Vì vậy, làm giảm áp lực cho học sinh và nâng cao đời sống tinh thần là phương án tốt nhất cho nền giáo dục và gia đình giúp cho các học sinh có thể vượt qua được những áp lực.

Thứ nhất: Thay vì ngồi học trên ghế nhà trường, các trường học có thể tăng cường các hoạt động ngoại khóa ngoài trời, tạo cho học sinh cảm giác thoải mái, chủ động khi tham gia.

Thứ hai: Tạo hứng thú trong các buổi học, kích thức sự tò mò, chủ động tìm kiếm các tri thức mà không có sự ràng buộc nào.

Thứ ba: Giảm áp lực tâm lý cho học sinh. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh.

Thứ tư: Tôn trọng, công bằng bình đẳng giữa các học sinh.

Còn về phía bản thân các bạn học sinh, khi cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng thì nên dừng lại một chút để bản thân được nghỉ ngơi. Làm mọi biện pháp để cơ thể và tâm hồn có thể tái tạo lại năng lượng. Với mỗi chúng ta, ai cũng luôn có những áp lực của riêng mình, áp lực đó dù to hay dù nhỏ cũng đều khiến chúng ta đôi lúc rơi vào trạng thái trống rỗng, nghẹt thở. Nhưng chỉ khi ta vượt qua được chúng, ta mới có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Vì thế hãy theo đuổi ước mơ, mong muốn của mình một cách tích cực, lạc quan nhất, dù thành công hay thất bại thì đó cũng đều là một lần ta dám thử, dám làm. Các bậc cha mẹ hãy cố gắng hiểu con mình hơn, lắng nghe chúng nhiều hơn và khéo léo khuyên răn. Định hướng chứ đừng áp đặt.