Bà Đê

Tôi có ý định viết một chút gì đó về một con người, một người vợ, một người mẹ, một người đàn bà có số phận phải chịu đựng đầy đủ nhất những gì thuộc về sự mất mát, thiệt thòi mà thân phận một người phụ nữ trong thời đất nước có chiến tranh phải gánh chịu. Đó là bà Đê.

Ngay cái tên của bà mà cha mẹ đặt cho cũng không được mang ra sử dụng. Người quê tôi có tục lệ thường lấy tên của người con cả để gọi tên của cha, mẹ. Người con trai duy nhất của ông bà có tên đầy đủ là Nguyễn Văn Đê. Quả là như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm từng viết "cái kèo, cái cột thành tên". Thế là dân làng cứ gọi bà là bà Đê.

dvh2abc2-1666511477.jpg
Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

 

Ngày tôi còn nhỏ, tôi đã thấy một bà già với thân hình nhỏ thó, dáng còng, khuôn mặt khắc khổ, lúc nào cũng toát lên một nét u buồn thăm thẳm. Hình ảnh bà Đê đã in đậm trong kí ức tôi, cho đến bây giờ hơn 40 năm xa quê nhưng không bao giờ tôi quên được hình ảnh một bà già với một thứ trang phục đặc trưng của người đàn bà Bắc bộ trong những thập kỷ 50, 60, 70. Một manh quần vải "nhân dân", một mảnh áo gụ bạc phếch, một chiếc khăn vuông bằng vải đen quấn mỏ quạ trên đầu.

Những năm tháng tôi học cấp 1, vào khoảng những năm cuối thập niên 60. Hàng ngày đến trường, chúng tôi phải đi qua cửa căn nhà của bà. Nhà bà ở cùng thôn nhà tôi, căn nhà nằm bên trục đường từ dốc đê đầu thôn Đông Hưng đến Cầu Cất nhưng ở gần trung tâm xã. Căn nhà nhỏ, đơn sơ, tường trình đất sét, mái lợp rạ, mảnh sân đất nhỏ, đó là đặc trưng của một loại kiến trúc nhà ở của cư dân Bắc Bộ giai đoạn trước và sau cách mạng tháng 8. Một căn nhà mà chủ nhà duy nhất chỉ có mình bà. Đơn thân và trống vắng đến lạnh người. Ngày tôi còn đi học ở quê thì bà đã già, có lẽ bà cũng ngoài 60. Ngoài 60 tuổi lại ở nông thôn, giai đoạn đất nước đang có chiến tranh, kinh tế khó khăn triền miên thì nhìn bà già lắm. Mái tóc đã bạc trắng, da nhăn nheo, thân hình nhỏ thó, tiều tụy. Nhìn bà thấy thương vô cùng. Bây giờ, phụ nữ tuổi 60 vẫn đang phơi phới. Điều tôi day dứt nhất về cuộc đời bà. Đó là sự cô đơn, cô đơn đến tận cùng.

Với thế hệ của bà thì tôi thuộc lớp hậu sinh nên không rõ xuất xứ của bà. Chỉ biết bà về làm dâu họ Nguyễn. Chồng bà là chú ruột ông Chủm. Tôi lớn lên và cũng rời làng ra đi nên chưa kịp tìm hiểu. Chỉ biết rằng cuộc sống của bà có sự quan tâm của gia đình ông Chủm, đặc biệt là những người con trai của ông. Đó là anh Chá, anh Thướng, anh Thưởng (anh Chá sau là thương binh nặng).

Chồng bà Đê mất sớm. Ông, bà sinh hạ được duy nhất một người con trai. Đất nước chia cắt, theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh tình nguyện lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu khi tuổi thanh xuân vừa chớm mà chưa kịp nói lời yêu. Để lại phía sau là người cha, người mẹ với tấm thân gầy yếu và sau đó là những tháng ngày trông ngóng tin con. Anh nhập ngũ giữa những năm 60, vài năm sau thì anh hy sinh. Chồng mất sớm, người con trai độc nhất hy sinh. Trong căn nhà nhỏ, lụp xụp chỉ một tấm thân già nhỏ thó, dúm dó cùng một cái bóng của mình vào ra, căn nhà càng trở nên hiu quạnh. Bà lặng lẽ sống cùng với cái bóng của mình trong nếp nhà nhỏ nhưng vẫn trở nên thênh thang.

Cuộc đời bà sống trọn những năm tháng làm ăn tập thể. Từ tổ đổi công, HTX cấp thấp đến HTX cấp cao, khoán 10 rồi đến khoán 100. Phải nói rằng trong suốt những giai đoạn đó các đối tượng chính sách, đặc biệt là các mẹ, các vợ liệt sĩ thì nhà nước chưa có chính sách quan tâm, chăm sóc riêng. Làm ăn tập thể theo mô hình HTX với phương thức chia công điểm. Những người quá tuổi lao động thì được nhận một mức lương thực cố định theo mỗi vụ. Có thể nói mức lương thực họ nhận được không đủ ăn đến vụ kế tiếp, bởi vậy mà trong những ngày thu hoạch lúa, trên cánh đồng có rất nhiều cụ già và trẻ nhỏ đi mót lúa. Trong số những người mót lúa có bà Đê, bà đi không thiếu ngày nào. Về mùa dỡ khoai lang, khoai tây, bà Đê cùng cánh trẻ con chúng tôi cặm cụi cuốc xới trên cánh đồng khoai để cóp nhặt từng mẩu khoai bị bỏ sót. Số khoai mót được hầu hết là để dành cho lợn vì những củ khoai rất nhỏ và không còn lành lặn.

Hình ảnh một bà Đê, người nhỏ gầy, lưng còng, dúm dó. Chiếc quần đen, xắn ống, một manh áo gụ bạc, vá víu, một chiếc khăn mỏ quạ trên đầu. Chiều đến trong tay xách một chiếc ấm tay (một cái ấm làm bằng gốm có vòi và có quai xách) luôn hiện ra trong tâm trí tôi. Chiều tà, bà bì bõm bên con ngòi đồng trong để xách từng ấm nước tưới cho vài luống rau trên mảnh đất 5 phần trăm được chia. Cũng mong có những rổ rau đem chợ bán kiếm đồng mua tí thức ăn. Cuộc sống như một dòng thác vẫn không ngừng chảy, cuốn theo sự cô đơn đến vô tận của một phận người mà sinh ra phải cam chịu. Bà vẫn lặng lẽ sống, không kêu ca, không than thân trách phận. Kiếp người là vậy. Nghe câu nói cửa miệng của người đời "đời là bể khổ", với cuộc đời bà sao rõ vậy.

Tôi rời làng ra đi cũng không biết là bà Đê mất năm nào. Rồi cũng đến ngày bà đi gặp ông và gặp người con trai duy nhất của bà, một liệt sỹ đã dâng hiến đời mình cho Tổ Quốc. Luật của tạo hóa là vậy: Sinh, lão, bệnh, tử, có ai tránh được.

Chiến tranh đã kết thúc gần 20 năm, mãi đến cuối năm 1994 nhà nước mới quyết định phong tặng và truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng". Bà Đê là một trong số những bà mẹ được truy tặng lần đầu. Tiếc thay bà không còn được ở trên đời để đón nhận giây phút vinh danh đó. Tôi thầm nghĩ, chỉ là sự chịu đựng nỗi cô đơn, hiu quạnh của bà đã hơn cả một danh hiệu anh hùng rồi. Tổ quốc và nhân dân không bao giờ quên công lao đóng góp của những bà mẹ.

Mười mấy bà mẹ VNAH của quê tôi, không ai còn sống. Họ đã được đoàn tụ với những người con ưu tú của họ ở thế giới bên kia.

Bài viết này, nếu các thế hệ sau của xã nhà đón đọc thì biết được quê hương mình đã có những con người mà cuộc đời họ là đỉnh cao của sự chịu đựng hy sinh, những thiệt thòi trong cuộc đời mà họ phải gánh chịu. Sự hy sinh thầm lặng đó đã làm nên chất "anh hùng" trong danh hiệu mà nhà nước đã phong tặng, truy tặng cho các bà mẹ.

Bài viết thay cho nén hương lòng tưởng nhớ bà. Cầu mong cho hương hồn bà ở thế giới bên kia siêu thoát để về cõi niết bàn.

…………………

Tuyên Quang. Cuối thu năm Nhâm Dần

Trái tim người lính

Nguyễn Hoài Anh

Nguyễn Hoài Anh

19:35 23/10/2022

Bài viết hay cuốn hút đầy cảm xúc